Theo trang mạng scmp.com, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ chip máy tính lớn nhất của Hàn Quốc, quốc gia kiểm soát hơn một nửa thị trường bán dẫn toàn cầu.
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, chỉ riêng trong tháng 3 vừa qua, Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong, chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc.
Chất bán dẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với hầu hết mọi ngành công nghiệp trong nền kinh tế hiện đại, từ điện thoại di động đến ôtô và các thiết bị quốc phòng.
Trong khi đó, Mỹ, đồng minh quân sự truyền thống của Hàn Quốc, là chủ sở hữu của nhiều công nghệ bán dẫn đã giúp biến Hàn Quốc thành một cường quốc công nghệ cao.
Ví dụ, Samsung là tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế bộ vi xử lý di động, nhưng các công nghệ trọng yếu, từ sở hữu trí tuệ lõi bán dẫn đến phần mềm thiết kế, công cụ sản xuất và vật liệu đều do các công ty Mỹ chi phối.
Trong 4 năm qua dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc đã có thể tìm ra giải pháp đứng giữa hai bên, cân bằng sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc với mối quan hệ lâu dài với Mỹ bằng cách theo đuổi chính sách trung lập chiến lược.
Chính sách này đã giúp Hàn Quốc cải thiện quan hệ với Trung Quốc sau những căng thẳng dưới thời Tổng thống tiền nhiệm bảo thủ và tránh bị lôi kéo vào cuộc canh tranh “một mất một còn” giữa Mỹ và Trung Quốc.
[Samsung Electronics đề nghị Mỹ giảm thuế để mở rộng hoạt động]
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, với việc nhiệm kỳ 5 năm không thể gia hạn của Tổng thống Moon Jae-in sẽ kết thúc vào năm tới, và đảng Dân chủ tự do cầm quyền đã thất bại trong các cuộc bầu cử thị trưởng, ngành công nghệ của Hàn Quốc có thể chịu áp lực lớn hơn, buộc phải chọn đứng về bên nào trong cuộc chiến công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Các dấu hiệu cho thấy áp lực đó đã xuất hiện từ tháng 10/2020 khi các quan chức Mỹ nói với giới chức ở Seoul rằng Hàn Quốc nên tham gia chiến dịch Mạng lưới sạch do Washington dẫn đầu chống lại công nghệ của Trung Quốc. Chiến dịch này là một nỗ lực do Washington dẫn đầu nhằm đoàn kết “thế giới tự do” để cùng nhau đối phó với “mối đe dọa lâu dài đối với quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu, nhân quyền và hợp tác có nguyên tắc” do “những kẻ độc tài gây ra.”
Theo chiến lược này, Mỹ không khuyến khích các đồng minh sử dụng công nghệ thông tin của Trung Quốc, loại các công ty Trung Quốc khỏi các ngành như mạng lưỡi viễn thông 5G.
Tại thời điểm đó, các quan chức Hàn Quốc theo đường lối trung lập đã nói với những người đồng cấp Mỹ rằng vấn đề này “do các doanh nghiệp tư nhân quyết định” và chính phủ không thể can thiệp.
Chiến dịch này là một phần mở rộng của cuộc chiến công nghệ Trung-Mỹ và được phát động dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump. Mặc dù người kế nhiệm ông Trump, Tổng thống Joe Biden đã giảm bớt lời hùng biện, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự phân cực sẽ giảm bớt.
Đầu tháng 5, phát biểu tại một hội nghị trực tuyến của các công ty quốc tế, bao gồm cả Samsung, Tổng thống Biden tuyên bố sẽ theo đuổi đầu tư “mạnh mẽ” vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Tại hội nghị trực tuyến của Hội đồng châu Mỹ hôm 4/5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã kêu gọi đẩy mạnh năng lực sản xuất chip máy tính của Mỹ, khẳng định việc này có thể tạo thêm nhiều việc làm và giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc Đại lục và Đài Loan.
Bà cho biết: “Hiện tại, Mỹ sản xuất 0% số lượng chip tiên tiến đáp ứng nhu cầu trong nước. Đó là một vấn đề.”
Tuần trước, Ford đã cảnh báo rằng tình trạng thiếu chip bán dẫn có thể làm giảm một nửa sản lượng trong quý II/2021, tiêu tốn khoảng 2,5 tỷ USD và khoảng 1,1 triệu đơn vị sản xuất trong năm 2021. Trong khi đó, General Motors cho biết họ sẽ gia hạn việc ngừng sản xuất tại một số nhà máy ở Bắc Mỹ vì thiếu chất bán dẫn.
Về phần Samsung, trong nửa đầu năm 2020, doanh thu xuất khẩu chất bán dẫn từ Trung Quốc Đại lục cho Samsung Electronics, chi nhánh sản xuất chip của tập đoàn này, đã vượt qua thị trường Bắc Mỹ, chiếm 27% tổng doanh thu. Vì thế, rủi ro đối với tập đoàn Hàn Quốc này là rất lớn nếu họ mất nguồn cung ứng từ Trung Quốc.
Cho đến nay, cả Samsung và Chính phủ Hàn Quốc đều không tỏ ra sẵn sàng chọn bên nào, nhưng ngày càng có nhiều sự đồng thuận ở Hàn Quốc rằng vấn đề chip không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của nước này.
Chính sách đối ngoại đó có thể thay đổi nếu những thay đổi lớn bất lợi cho đảng Dân chủ của Tổng thống Moon Jae-in trong cuộc bầu cử thị trưởng ở Seoul và Busan hồi đầu tháng 4 vừa qua lặp lại trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm sau.
Uy tín của Tổng thống Moon Jae-in và đảng cầm quyền đã bị suy giảm do việc xử lý đại dịch COVID-19, cũng như một loạt vụ bê bối trong đó các quan chức chính quyền bị cáo buộc sử dụng thông tin nội bộ để trục lợi từ các giao dịch bất động sản.
Theo một cuộc khảo sát của Realmeter hôm 2/5, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống đã giảm xuống mức thấp mới là 33,8% và cho đảng Dân chủ xuống còn 30,7%, trong khi đảng Quyền lực Nhân dân đối lập bảo thủ có tỷ lệ ủng hộ là 36,6%.
Moon Chung-in, cựu Cố vấn an ninh quốc gia và đối ngoại của Tổng thống Moon Jae-in, nói rằng mặc dù vẫn còn quá sớm để đưa ra dự đoán, nhưng phe bảo thủ có “cơ hội tốt” để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2022.
Thành Hiểu Hà, Phó Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho rằng Tổng thống Moon Jae-in đã có thể duy trì quan hệ tốt với Bắc Kinh, còn đảng bảo thủ theo truyền thống thường có thái độ hoài nghi với Trung Quốc.
Chuyên gia trên nhận định: “Triết lý điều hành của (Tổng thống) Moon Jae-in, cả về chính sách đối với Triều Tiên và sự phát triển của quan hệ Trung-Hàn, tương đối gần với quan điểm của Trung Quốc, và đó là lý do tại sao quan hệ song phương giữa hai nước vẫn được duy trì tương đối tốt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.”
Ông cho rằng “Không nhất thiết là một nhà lãnh đạo của đảng bảo thủ sẽ hoàn toàn đứng về phía Mỹ và quan hệ khó khăn với Trung Quốc, nhưng nếu đảng bảo thủ lên nắm quyền, họ được cho là sẽ tìm cách thắt chặt quan hệ hơn với Mỹ. Nếu quan hệ Trung-Mỹ vẫn mang tính cạnh tranh cao như vậy, quan hệ Hàn-Trung có thể xa cách hơn.”
Theo ông Moon Chung-in, Chủ tịch Viện Sejong Hàn Quốc, trong trường hợp xấu nhất đối với Bắc Kinh, một chính phủ bảo thủ sẽ cố gắng tham gia liên minh ba bên với Mỹ và Nhật Bản để bao vây quân sự chống Trung Quốc.
Ông phân tích: “Giả sử chúng ta đứng về phía Mỹ để chống lại Trung Quốc, chúng ta buộc phải đưa lực lượng quân sự đến Biển Đông, hoặc vượt qua eo biển Đài Loan, và tiếp đó chúng ta sẽ phải đáp ứng yêu cầu của Mỹ triển khai thêm Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), và chúng ta cũng có thể phải đáp ứng các yêu cầu của Mỹ để triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung ở Trung Quốc. Đó sẽ là những yêu cầu khó đáp ứng.”
Năm 2016, Park Geun-hye, người tiền nhiệm của Tổng thống Moon Jae-in, đã đồng ý triển khai THAAD của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên nhằm chống lại các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.
Nhưng Trung Quốc cho rằng hệ thống này sẽ làm tổn hại đến các lợi ích chiến lược của họ và đã đáp trả bằng các biện pháp hình phạt kinh tế không chính thức, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch và các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Trung Quốc.
Hệ quả từ vụ THAAD có thể là tiền lệ cho những tác động kinh tế đối với các công ty Hàn Quốc một lần nữa bị kẹt giữa lợi ích của Mỹ và Trung Quốc. Chuyên gia Thành Hiểu Hà cho rằng bất kể trường hợp nào xảy ra, “rất có khả năng” Hàn Quốc sẽ bị thu hút bởi sức hút công nghệ của Mỹ.
Ông nhận định: “Nhìn vào xu hướng chung, việc Hàn Quốc cuối cùng sẽ rơi vào quỹ đạo của Mỹ chỉ là vấn đề thời gian, miễn là Washington không mắc phải những sai lầm lớn trong chính sách đối với Hàn Quốc.”
Còn ông Moon Chung-in cho rằng nếu ông Biden buộc một Hàn Quốc do phe bảo thủ lãnh đạo cắt đứt nguồn cung cấp chất bán dẫn từ Trung Quốc, điều đó cũng sẽ làm mất lòng những người theo chủ nghĩa tự do và tiến bộ, đồng thời cho thấy rằng “không có sự khác biệt giữa chính quyền ông Biden và chính quyền ông Trump”./.