Chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden: Xuất hiện tư duy kinh tế mới

Thứ ba, 25/5/2021 | 16:57 GMT+7

Dịch bệnh và cuộc khủng hoảng trong nước Mỹ đã thúc đẩy các chuyên gia kinh tế đưa ra quyết định đầy mâu thuẫn trong các chính sách kinh tế dài hạn và đã làm đảo lộn tư duy kinh tế vốn có.

Người dân mua hàng tại một khu chợ ở Manhattan, New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong 100 ngày đầu nắm quyền, chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden, với các đề xuất kích thích kinh tế trị giá nhiều nghìn tỷ USD, đã phá vỡ các nguyên tắc chủ nghĩa tự do kiểu mới truyền thống của Mỹ, bất chấp quan điểm của các nhà kinh tế chính thống về nỗi lo lạm phát và nợ công.

Để bảo vệ những chính sách đầy tham vọng này, ông Biden đã nhiều lần sử dụng luận điểm then chốt, đó là cạnh tranh với Trung Quốc.

Nhiều nhà bình luận mô tả đây là một chiến lược chính trị, nhưng liệu có hoàn toàn như vậy? Phải chăng, việc liên tục đề cập đến vấn đề “cạnh tranh với Trung Quốc” đều liên quan đến tư duy kinh tế trong thời kỳ chuyển giao của Tổng thống?

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ gần đây trải qua một giai đoạn rất đặc biệt.

Dịch bệnh và cuộc khủng hoảng trong nước Mỹ đã thúc đẩy các chuyên gia kinh tế đưa ra quyết định đầy mâu thuẫn trong các chính sách kinh tế dài hạn và đã làm đảo lộn tư duy kinh tế vốn có.

[Mỹ: Lạm phát tăng gây áp lực cho các kế hoạch kinh tế của ông Biden]

Kể từ khi ông Biden nhậm chức, mặc dù các chuyên gia kinh tế chính thống đã thuyết phục hạn chế lạm phát và thâm hụt ngân sách trong nhiều thập kỷ, song Tổng thống đã ban hành hỗ trợ thu nhập liên bang trực tiếp và bảo hiểm thất nghiệp, vốn chiếm 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm 2020 và đề xuất một kế hoạch về cơ sở hạ tầng khác tương đương 18% GDP lên Quốc hội.

Điều này thậm chí đã khiến những người theo chủ nghĩa tự do kiểu mới, vốn có ảnh hưởng lớn tại Mỹ, rơi vào khó khăn. Mô hình kinh tế tổng thể của Chính phủ Mỹ dường như bỏ qua các nguyên tắc cốt lõi của họ.

Mặc dù, vẫn còn phải chờ xem liệu ông Biden có thể thực hiện kế hoạch của mình tại Quốc hội hay không, một tư duy kinh tế mới rõ ràng đã xuất hiện trong giới lãnh đạo Mỹ.

Ông Biden không chỉ từ bỏ sự thận trọng về ngân sách trước đây, mà còn đề xuất hai gói kích thích dài hạn trị giá 2.000 USD, đó là chương trình "Việc làm Mỹ" và "Gia đình Mỹ."

Ông cũng phớt lờ niềm tin của những người theo chủ nghĩa tự do mới về quy định giảm giám sát và đánh thuế thấp, khôi phục sự quan tâm đến Luật chống độc quyền và thuế doanh nghiệp toàn cầu.

Lần đầu tiên sau ít nhất 50 năm, Tổng thống Mỹ đã công khai thúc đẩy vai trò của tổ chức công đoàn và cải cách "ưu tiên lao động."

Ngoài ra, giống như cựu Tổng thống Donald Trump, ông Biden không còn tích cực ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế nữa mà nhấn mạnh đến chính sách "Việc làm của Mỹ" và "Sản xuất tại Mỹ."

Thành phần nhóm những chuyên gia kinh tế của ông Biden cũng phản ánh tư duy kinh tế mới này.

Đội ngũ này đã tập hợp các chuyên gia kinh tế không chính thống, những người bác bỏ rõ ràng đối với chính sách kinh tế học nhỏ giọt (trickle-down economics).

Các nhà kinh tế trong Hội đồng Cố vấn kinh tế của ông Biden, chẳng hạn như Cecilia Rouse hoặc Jared Bernstein, từ lâu đã ủng hộ việc mở rộng các chương trình phúc lợi xã hội để cải thiện nền kinh tế tổng thể và đã công khai ủng những chính sách vốn bị những nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do mới chính thống phản đối, chẳng hạn như thuế tài sản, đảm bảo việc làm và nghỉ ốm có lương bắt buộc.

Tất nhiên, quy tắc của những nhà kinh tế học chính thống có thể cũng có ngoại lệ.

Trong một cuộc khủng hoảng lớn như đại dịch COVID-19, những người theo chủ nghĩa tự do mới đã chấp nhận các chính sách tài khóa và tiền tệ tích cực và các kế hoạch kích thích mạnh mẽ.

Tuy nhiên, tổng giá trị và khung thời gian trong kế hoạch kích cầu của ông Biden vượt xa các khuyến nghị “trong sách giáo khoa.”

Trên thực tế, chính sách của ông Biden còn đi xa hơn bất kỳ nỗ lực nào trong lịch sử gần đây.

Xét về tỷ lệ phần trăm GDP, chi tiêu được phê duyệt đã tăng gấp đôi so với gói kích thích năm 2009 của cựu Tổng thống Obama và theo cách so sánh hợp lý, kế hoạch mới nhất của ông có khả năng vượt lên trên cả chính sách “Thương vụ mới” nổi tiếng năm 1933 của cựu Tổng thống Franklin D Roosevelt.

Nhà lịch sử kinh tế học Adam Tooze thậm chí còn tin rằng "chính sách kích thích của ông Biden là bình minh của kỷ nguyên mới," trong khi J.W. Mason, Giáo sư kinh tế tại Đại học Thành phố New York thì gọi đó là "sự đoạn tuyệt hoàn toàn với chủ nghĩa tự do mới."

Rõ ràng, những thay đổi trong chiến lược kinh tế của chính quyền mới tại Mỹ là cấp tiến, ngay cả đối với bản thân ông Biden.

Với tư cách là Thượng nghị sỹ, Tổng thống Biden đã nhiệt tình bỏ phiếu cho việc cắt giảm thuế của cựu Tổng thống Ronald Reagan cách đây 40 năm và ông ủng hộ thương mại tự do cũng như trách nhiệm tài khóa thận trọng.

Sau đó, với tư cách là Phó Tổng thống, ông Biden đã ủng hộ kế hoạch cứu trợ doanh nghiệp của cựu Tổng thống Barack Obama sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Vậy tại sao tư duy kinh tế của ông lại đột ngột thay đổi và sự thay đổi này có liên quan gì đến Trung Quốc - một quốc gia đã viết nên câu chuyện về một sự phát triển kinh tế trong hàng chục năm qua thu hút sự quan tâm của dư luận - hay không?

Những thay đổi kinh tế toàn cầu được dẫn dắt bởi châu Á

Tổng thống Biden lên nắm quyền trong trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế chưa từng có. Dịch COVID-19 đã làm bộc lộ thực trạng bất bình đẳng cơ bản ở Mỹ, khiến các vấn đề xã hội kéo dài như thất nghiệp, quan hệ chủng tộc, nợ hộ gia đình và bảo hiểm y tế không đầy đủ trở thành những nguy cơ cấp bách. Rất nhiều ngành dịch vụ và công việc văn phòng đã biến mất.

Đầu tư vào nhiều ngành, bao gồm cả xây dựng và sản xuất năng lượng bị sụp đổ.

Vào năm 2020, người Mỹ thức dậy và thấy rằng tiền thuê nhà, các khoản thế chấp, các khoản nợ của sinh viên và chăm sóc sức khỏe đều không thể hoàn trả được.

Cùng với đó, đảng Dân chủ đang trải qua một bước ngoặt lịch sử do Thượng nghị sỹ Bernie Sanders lãnh đạo, mở ra nhiều cơ hội hơn cho các lựa chọn chính sách của ông Biden.

Ngoài ra, đảng Dân chủ bất ngờ giành được đa số phiếu với tỷ lệ sít sao tại Thượng viện, điều cũng góp phần vào tham vọng cải cách của tân Tổng thống.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đây đều là những lý do quan trọng trong nước giải thích cho sự thay đổi chiến lược kinh tế của chính phủ ông Biden. Mặc dù rõ ràng là những chính sách kinh tế phi chính thống của ông xuất phát từ cuộc khủng hoảng trong nước, những thay đổi lớn hơn trong nền kinh tế thế giới mà Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt cũng đã tạo động lực cho sự thay đổi cơ bản trong tư duy của ông Biden.

Như chuyên gia kinh tế cánh tả nổi tiếng người Mỹ James K. Galbraith đã chỉ ra trong một bài bình luận vào đầu tháng 4/2021, các thế hệ kinh tế gia Mỹ trước đây như ông vốn được dạy phải coi Mỹ là một nền kinh tế đóng.

Trong một thời gian dài, các nhà kinh tế học trong giới hàn lâm Mỹ sẽ nghĩ rằng những gì xảy ra bên ngoài biên giới Mỹ đều không quan trọng.

Thế nhưng, như Galbraith đã chỉ ra, ngày nay "nếu bạn không nắm bắt được môi trường toàn cầu, đặc biệt là (nhưng không giới hạn) vai trò của Trung Quốc, thì không thể đối phó với các vấn đề kinh tế của Mỹ một cách khôn ngoan."

Bởi vì, không giống như 40 năm trước, chính sách kinh tế tự do kiểu mới của Mỹ không còn là lựa chọn duy nhất trên trường thế giới.

Sự trỗi dậy của ngành sản xuất châu Á và sự trỗi dậy thành công nhất của Trung Quốc đã đặt câu hỏi sâu sắc về "đồng thuận Washington" khi cho rằng khuôn khổ thay đổi kinh tế toàn cầu đã hình thành, vấn đề chỉ nằm ở chỗ các nước đang phát triển trên thế giới có thể áp dụng điểm đồng thuận đó nhanh như thế nào mà thôi.

Từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Trung Quốc, các nước châu Á đã không áp dụng trực tiếp công thức của Mỹ thông qua các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB), mà áp dụng mô hình hỗn hợp giữa cải cách thị trường và phát triển do nhà nước lãnh đạo.

Đối với Trung Quốc, mô hình hỗn hợp không chỉ mang đến tăng trưởng kinh tế khiến người ta kinh ngạc, mà còn khiến các nước đang phát triển trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Mỹ.

Đương nhiên, chiến lược kinh tế của Trung Quốc không phải là sự bác bỏ tuyệt đối các nguyên tắc kinh tế theo chủ nghĩa tự do mới. Kể từ khi cải cách mở cửa đến nay, kinh tế tự do luôn là một trong những trụ cột trong chính sách kinh tế của Bắc Kinh.

Ngày nay, các công nghệ thanh toán di động cá nhân như WeChat và Alipay đã nâng cao nền tảng công nghệ thông tin, những đổi mới về công nghệ như công nghệ 5G của Huawei đã chứng minh thành tựu của các doanh nhân trong khu vực kinh tế tư nhân Trung Quốc.

Tuy nhiên, chiến lược kinh tế của Trung Quốc không phải là sự ủng hộ vô điều kiện đối với các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do mới.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc không tin tưởng mù quáng vào các lực lượng thị trường, mà tích cực sử dụng khả năng quản lý của đất nước để cải thiện thực tiễn sản xuất.

Trung Quốc không đợi tư nhân quyết định đầu tư mà đã dành nhiều nguồn lực quốc gia để tiếp thu công nghệ và kỹ năng mới. Ngay cả khi mới thu lợi đầu tư được trong vòng vài thập kỷ, Trung Quốc đã xây dựng các thành phố mới và hệ thống giao thông lớn nhất thế giới.

Trong quá trình này, theo số liệu của WB, Trung Quốc đã đưa hơn 800 triệu người thoát khỏi đói nghèo và trở thành nền kinh tế sản xuất lớn nhất thế giới.

Hơn nữa, vì chiến lược kinh tế của các nước châu Á không chỉ giới hạn ở các nguyên tắc tự do mới, nên chủ nghĩa tự do mới không thể đưa ra công cụ kiến thức để lý giải tại sao sự thay đổi bất thường này trong nền kinh tế thế giới lại xảy ra và Mỹ nên phản ứng như thế nào.

Thích ứng với nền kinh tế toàn cầu trong kỷ nguyên mới

Thách thức đối với thế giới quan đến từ chủ nghĩa tự do mới ở hai bờ Thái Bình Dương đã khiến các chuyên gia kinh tế Mỹ phải nhìn nhận tình hình từ một góc độ mới.

Từ góc độ này, những lợi thế giúp Mỹ duy trì vị thế thống trị về kinh tế và chính trị trên thế giới trong quá khứ, chẳng hạn như các doanh nghiệp hùng mạnh và dòng vốn mạnh, đã bắt đầu bộc lộ một mặt khiến người ta lo ngại.

Các nhà kinh tế bắt đầu tự hỏi liệu bằng cách thúc đẩy nới lỏng quản lý và tự do thương mại, Mỹ có thể đồng thời cho phép các công ty lớn chuyển lợi nhuận đến những nơi đánh thuế thấp, dựa vào sức lao động từ bên ngoài, chuyển chuỗi sản xuất then chốt ra nước ngoài hay chia sẻ công nghệ của họ với các đối thủ nước ngoài hay không? Bằng cách đặt nỗi lo về nợ lên trên chi tiêu, liệu có làm suy yếu dần lợi thế của Mỹ trong đổi mới công nghệ? Bằng cách lo lắng về lạm phát thay vì nghèo đói, liệu có cho phép di chứng về chính trị và kinh tế phát triển?

Ngày nay, Mỹ không còn là một nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn mạnh nữa và các đối thủ châu Á đang nhanh chóng bắt kịp các lĩnh vực tiên tiến hơn, nhất là công nghệ thông tin.

Xã hội ngày càng phụ thuộc vào "nền kinh tế lao động tự do" (gig economy), một phần lớn của ngành dịch vụ nhằm cung cấp việc làm và thu nhập cho người dân.

Năm 2020, dịch bệnh càng làm trầm trọng thêm những thách thức này. Các ngành công nghiệp với các sản phẩm tiên tiến của Mỹ, chẳng hạn như máy bay hoặc dịch vụ mỏ dầu, đã suy giảm và suy thoái kinh tế càng làm gia tăng sự phụ thuộc vào các công việc thường không ổn định trong lĩnh vực dịch vụ.

Trong năm vừa qua, Mỹ đã thức tỉnh và nhận ra rằng, như chuyên gia Galbraith đã chỉ ra, nước này “về cơ bản là một quốc gia đòi nợ với cơ cấu tài chính toàn cầu, quân đội đông đảo và phụ thuộc nhiều vào khu vực dịch vụ."

Phải chăng chính thách thức cấp tiến - một thách thức đòi hỏi sự phát triển của tư duy kinh tế mới - giải thích tại sao ông Biden lại bị ám ảnh bởi vấn đề "cạnh tranh với Trung Quốc"? Dưới chủ nghĩa bảo hộ tích cực của cựu Tổng thống Trump, sau bốn năm quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng, người ta có thể mong đợi ông Biden sẽ đưa ra một giọng điệu ôn hòa hơn.

Tuy nhiên, điều này bỏ qua thực tế rằng chiến lược Trung Quốc của cựu Tổng thống Trump, cho dù có sai lầm đến đâu, cũng là một phản ứng trước những thay đổi thực sự trong trật tự kinh tế quốc tế.

Không giống như cựu Tổng thống Obama, Tổng thống Biden không còn có thể dựa vào chiến lược "can dự" trong quá khứ, loại chính sách này gần như đã mất đi tất cả sự ủng hộ ở Washington và các nhà hoạch định chính sách Mỹ không chỉ xác định rằng chiến lược can dự của Mỹ là không hiệu quả về mặt chính trị, mà còn thừa nhận rằng mô hình của Trung Quốc rất hiệu quả về mặt kinh tế.

Việc ông Biden sử dụng "lá bài Trung Quốc" để thúc đẩy các chính sách trong nước không chỉ là một thủ đoạn chính trị, mà còn là chính sách kinh tế thực dụng hơn.

Chính phủ mới của Mỹ đã nhận ra rằng nếu muốn duy trì đại vị thống trị của mình trong nền kinh tế toàn cầu, họ sẽ phải từ bỏ chủ nghĩa giáo điều của các lý thuyết kinh tế trước đây và tiến hành các thử nghiệm kinh tế mới như Trung Quốc đã làm trong 40 năm qua./.

(Vietnam+)