Cuộc đua phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn

Thứ năm, 30/9/2021 | 09:23 GMT+7

Chất bán dẫn là nền tảng của cuộc cách mạng kỹ thuật số, tuy nhiên một trong những trở ngại lớn nhất của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới là tình trạng thiếu hụt kỹ sư có trình độ và kỹ năng cao.

Trong bài viết đăng tải trên trang Interpreter của Viện Lowy Australia, hai chuyên gia Elliot Silverberg và Eleanor Hughes của Viện Nghiên cứu Ngoại giao thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) nhận định chất bán dẫn là nền tảng của cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Trong những năm gần đây, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đại dịch COVID-19 và các hiện tượng thời tiết cực đoan, cùng tính dây chuyền liên kết chặt chẽ của ngành công nghiệp điện tử đã trở thành nguyên nhân chính khiến tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu gia tăng cực đại.

Theo tác giả, để giải quyết tình trạng thiếu hụt chip điện tử này, bên cạnh những nỗ lực đa phương nhằm "gỡ vướng" cho chuỗi cung ứng chất bán dẫn, cần có sự hợp tác để giảm thiểu những hạn chế mang tính hệ thống với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp điện tử.

Tác giả phân tích một trong những trở ngại lớn nhất của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới là tình trạng thiếu hụt kỹ sư có trình độ và kỹ năng cao tại Mỹ và một số quốc gia đối tác.

Thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng

Năm 2017, một cuộc khảo sát quốc tế đã được thực hiện với các nhà sản xuất chất bán dẫn. Kết quả cho thấy 77% số người được hỏi tin rằng có sự thiếu hụt nhân tài trong ngành này. 14% dự đoán tình trạng thiếu hụt sẽ trở nên nghiêm trọng đặc biệt vào năm 2020.

Các công ty Nhật Bản, nhập khẩu gần 2/3 tổng lượng chip thành phần từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), đang phải vật lộn để lấp đầy những vị trí công việc đòi hỏi chuyên môn cao về trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử và các công nghệ tiên tiến khác, được sử dụng trong thiết kế chip tiên tiến.

Để đối phó với tình hình khó khăn ngày càng gia tăng, Tokyo đã lên kế hoạch chi một nghìn tỷ yen nhằm phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn nội địa.

Các nhà sản xuất chip Đài Loan, dẫn đầu là nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC, đã đầu tư hàng trăm triệu đô la vào các trường đại học, hướng tới mục tiêu đào tạo nhân tài cho ngành công nghệ mũi nhọn.

Rất nhiều quốc gia đang khẩn trương đầu tư phát triển ngành công nghiệp quan trọng này. Hàn Quốc đã bơm hàng tỷ USD vào các nhà sản xuất chất bán dẫn nội địa, thể hiện một phần nỗ lực quốc gia nhằm giảm thiểu rủi ro về căng thẳng địa chính trị.

Liên minh châu Âu (EU) cũng thể hiện sự quan tâm đối với việc thiết lập chủ quyền kỹ thuật số, thông qua hành động trợ cấp cho các nhà sản xuất chip trong khu vực.

Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản là chi tiền nhiều hơn thì sẽ không thể thu hẹp được khoảng cách thiếu hụt tài năng, ít nhất là trong giai đoạn ban đầu, của ngành công nghiệp bán dẫn. Quá trình tăng trưởng nguồn lực sẽ mất một khoảng thời gian tương đối dài để bứt phá.

Thúc đẩy đầu tư phát triển nhân lực

Mặc dù hoạt động đào tạo và nâng cao kỹ năng cho ngành công nghiệp bán dẫn đã được đẩy mạnh, nhưng thực tế có khoảng 1/5 công nhân làm việc trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn chưa từng học đại học.

Tình trạng thiếu hụt xuất hiện nhiều nhất ở khâu kỹ năng cao cuối cùng của quá trình sản xuất. Do đó, để đáp ứng những công việc đòi hỏi nhiều năm đào tạo chuyên sâu, các chính phủ sẽ cần thực hiện thêm các hoạt động bổ trợ ngoài giáo dục, đào tạo và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, hướng tới xây dựng mục tiêu dài hạn hơn.

Trung Quốc đã phải vật lộn để lấp đầy hàng trăm nghìn công việc liên quan tới kỹ thuật sản xuất chất bán dẫn, bất chấp chiến lược đầu tư đầy tham vọng, có hiệu lực từ năm 2014. Nhưng Bắc Kinh hiện vẫn cần tới 400.000 nhân viên làm việc trong ngành công nghệ quan trọng này, để đáp ứng các mục tiêu đã đề ra.

Tương tự, tại Mỹ, nhu cầu về nhân lực có trình độ, làm việc trong lĩnh vực vi điện tử, đang vượt xa so với nguồn cung có sẵn. Các nhà tuyển dụng đã phải rất khó khăn để theo kịp tốc độ tăng trưởng của ngành, trước khi đại dịch khiến nhu cầu sử dụng chip tăng tốc.

Các báo cáo từ năm 2018 chỉ ra rằng hàng nghìn việc làm trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn đã không được lấp đầy, ngay tại thời điểm đó.

Biểu tượng của nhà sản xuất chất bán dẫn Mỹ Intel tại Santa Clara, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giờ đây, ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ có thể nhận một khoản đầu tư trị giá 52 tỷ USD, dựa trên một phần của Dự thảo Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ (USICA).

Dự thảo này đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 6/2020, hứa hẹn tạo thêm 1,1 triệu việc làm cho nền kinh tế Mỹ, tính đến năm 2026.

Nếu không có hành động bổ sung nguồn lao động kỹ năng từ nước ngoài, thiếu hụt nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ sẽ tăng cao, gây cản trở cho tăng trưởng.

Cuộc đua phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn

Nỗ lực của các chính phủ toàn cầu, nhằm trợ cấp cho các công ty sản xuất chất bán dẫn, đang dẫn đến một cuộc chạy đua khốc liệt, để tạo ra hoặc lôi kéo các kỹ sư làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn sáng giá nhất.

Mỹ và Trung Quốc có mối quan hệ ràng buộc, liên quan tới việc triển khai chuyên gia trong các công nghệ tiên tiến quan trọng để tạo ra các thế hệ chip tiếp theo.

Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, trong vòng 4 năm tới, các trường đại học của Trung Quốc có thể tạo ra gấp đôi số sinh viên tốt nghiệp Tiến sỹ ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) so với các trường đại học của Mỹ.

Chắc chắn Bắc Kinh vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc lôi kéo kỹ sư người Trung Quốc làm việc trong ngành STEM ở nước ngoài trở về quê hương và khả năng thu hút chuyên gia nước ngoài sẽ còn kém hơn nữa.

Nhưng đối với Washington, hậu quả an ninh quốc gia sắp xảy ra (do tụt hậu hơn so với Bắc Kinh) sẽ đòi hỏi nước này cần phải có hành động ngay lập tức.

Gần đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã kết thúc chiến dịch đánh giá 100 ngày đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ.

Chiến dịch này là một phần của cuộc điều tra rộng lớn hơn, về các mối đe dọa trong chuỗi cung ứng, qua đó thừa nhận tầm quan trọng của việc cần phải phá bỏ rào cản thể chế đối với sự phát triển của lực lượng lao động.

[Indonesia hướng đến tự chủ sản xuất các loại chip bán dẫn]

Báo cáo trích dẫn Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm tàng đối với khả năng cạnh tranh của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần chú trọng phát triển các chương trình giáo dục STEM hàng đầu của Mỹ.

Do đó, dự thảo USICA dành một khoản tài chính 5,22 tỷ USD để trao học bổng cho các sinh viên học tập trong ngành STEM, 8,43 tỷ USD cho các chương trình phát triển lực lượng lao động STEM.

Ngoài ra, khoản đầu tư 9,57 tỷ USD dành cho các đại học, trung tâm công nghệ và các viện đổi mới, được xác định là cơ sở quan trọng để duy trì sự thống trị liên tục của ngành này.

Hợp tác đa biên - chìa khóa để phát triển nhân lực cho ngành công nghệ bán dẫn

Việc xóa bỏ tình trạng thiếu hụt nhân lực trong ngành sản xuất bán dẫn sẽ đòi hỏi nhiều hơn một khoản đầu tư khổng lồ cho đào tạo kỹ năng STEM. Ngành công nghiệp bán dẫn cần phải được thúc đẩy cạnh tranh và đa dạng hơn nữa.

Các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn đã nhiều lần lên tiếng rằng họ đang gặp khó khăn trong việc thu hút các ứng cử viên tài năng.

Những kỹ sư giỏi nhất, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực STEM, là rất khó để có thể thu hút được. Lực lượng này thích đầu quân cho các công ty tư vấn và đầu tư như McKinsey và Goldman Sachs, trong khi các nhóm nhân viên mới, bao gồm sinh viên vừa tốt nghiệp, thế hệ trẻ, phụ nữ, dân tộc thiểu số và cựu chiến binh, lại đang gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận với ngành.

Báo cáo đánh giá về ngành công nghiệp bán dẫn của Washington cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ cùng các đồng minh và đối tác.

Cho đến nay, hợp tác dường như chỉ tập trung vào việc cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Các quốc gia đang ưu tiên cho việc hạn chế xuất khẩu, đánh giá đầu tư nước ngoài, bảo vệ không gian mạng, các sáng kiến minh bạch nhằm giải quyết hành vi bóp méo thị trường không công bằng của Trung Quốc và giám sát việc sử dụng chip.

Các sáng kiến liên quan đến lực lượng lao động thuộc lĩnh vực bán dẫn có xu hướng tập trung vào việc tăng cường, không nới lỏng và hạn chế lao động nước ngoài.

Các đề xuất phát triển lực lượng lao động chung, chẳng hạn như trao đổi tài năng đa phương, luôn phải giải quyết những mối lo ngại của ngành rằng công nghệ độc quyền có thể bị xâm phạm.

Nhưng hợp tác quốc tế về phát triển lực lượng lao động ngành bán dẫn không phải là một ý tưởng chưa được thử nghiệm. Sáng kiến Kỹ năng và Công nghiệp Đào tạo Vi điện tử (METIS), ra mắt vào năm 2019, là một tổ chức quốc tế nhằm lấp đầy khoảng cách về kỹ năng sản xuất chất bán dẫn.

Sáng kiến phát triển lực lượng lao động toàn cầu của Quỹ SEMI và Liên minh chất bán dẫn toàn cầu cũng đã áp dụng phương pháp tiếp cận đa biên, để thu hút và giữ chân các kỹ sư có trình độ, cùng với các chương trình khác.

Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng bên cạnh các sáng kiến nhằm tăng cường lộ trình giáo dục ngành bán dẫn và triển vọng nghề nghiệp đang diễn ra, nước Mỹ, quốc gia dẫn đầu thế giới về lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, cần tăng cường những biện pháp khuyến khích mới, dành cho các đối tác quốc tế đáng tin cậy, để thu hút tài năng của họ.

Đây có thể là một giải pháp trực tiếp hơn cho tình trạng thiếu nhân lực, hiện đang gây nhức nhối trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Bất chấp tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip kéo dài, doanh thu hàng năm của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Tăng cường và ban hành thêm các quy định, tạo khung tiêu chuẩn bảo mật tốt hơn giữa một nhóm các nhà sản xuất chất bán dẫn được lựa chọn có thể cung cấp sự đảm bảo cần thiết cho ngành công nghiệp này./.

(Vietnam+)