Những điều các nước Đông Nam Á hy vọng trong năm 2022

Thứ hai, 17/1/2022 | 17:37 GMT+7

Theo tờ “Liên hợp buổi sáng” nhấn mạnh người dân hy vọng sớm thoát khỏi tình hình dịch COVID-19, hy vọng kinh tế chuyển biến tích cực, hy vọng đoàn tụ với gia đình.

Theo tài liệu “Thập đại hán tự” do Hiệp hội người Hoa ở Malaysia vừa công bố, những từ hán tự được người dân sử dụng với tần suất cao để miêu tả về một năm 2021 đầy biến động là “khốn, nan, phong, lụy, châm, miêu, phục, loạn, gia, phán” (tạm dịch: khó khăn, gian khổ, phong tỏa, mệt mỏi, tiêm phòng, vaccine, phục hồi, hỗn loạn, gia đình, hy vọng).

Nếu như nói 9 chữ đầu đại diện cho tâm trạng và trải nghiệm của người dân, “phán” (hy vọng) rõ ràng là hướng đến tương lai. Tương tự với Malaysia, ngày 15/12/2021, kết quả bình chọn hán tự năm 2021 do tờ “Liên hợp buổi sáng” (Singapore) tổ chức được công bố và từ “phán” nhận được gần 30% phiếu bầu, trở thành hán tự trong năm của Singapore với 3.393 phiếu.

Đối với kết quả này, tờ “Liên hợp buổi sáng” nhấn mạnh người dân hy vọng sớm thoát khỏi tình hình dịch COVID-19, hy vọng kinh tế chuyển biến tích cực, hy vọng đoàn tụ với gia đình.

Song song với đó, Tổng hội trưởng Hiệp hội người Hoa Malaysia Ngô Thiêm Toàn nhấn mạnh Malaysia và Singapore không hẹn mà gặp đều chọn “phán” làm hán tự của năm, điều này cho thấy sự trông chờ của người dân hai nước đối với tình hình chính trị ổn định, dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế nhanh chóng phục hồi. Chắc chắn, đây cũng là hình ảnh thu nhỏ đại diện cho mong muốn của các quốc gia và người dân Đông Nam Á.

Tuy nhiên, như Tổng hội trưởng Ngô Thiêm Toàn nói “phán” là chữ rất lưỡng lự, điều này đồng nghĩa với việc giai đoạn hiện nay chưa có kết quả, chưa có manh mối, triển vọng có thể tích cực và cũng có thể tiêu cực, tương lai có thể mang lại hy vọng, nhưng cũng có thể mất mát, hoặc thậm chí hoàn toàn không có câu trả lời. Do đó, “phán” giúp tâm trạng mọi người tràn đầy một sự chờ đợi về điều chưa biết.

[Dịch COVID-19: Đông Nam Á ứng phó với biến thể Omicron]

Xét từ bối cảnh lớn, đây chỉ là trạng thái bình thường trong kỷ nguyên “không xác định.” Ở mức độ rất lớn, sự bùng phát đột ngột và lặp đi lặp lại của đại dịch COVID-19 đã làm nghiêm trọng hơn tính không xác định này. Dưới góc độ địa cảm xúc, đây có thể không phải là phản ứng thực sự về tâm trạng của các nước Đông Nam Á trong những năm qua.

Một mặt, Đông Nam Á trở thành một trong những khu vực tập trung các nước phát triển mới nổi trên toàn cầu, là “danh thắng” phát triển kinh tế toàn cầu, mặt khác tính mong manh của nền kinh tế các nước ASEAN rất rõ ràng. Dịch COVID-19 và sự cạnh tranh từ các nước lớn khiến cho tính mong manh này được bộc lộ hoàn toàn, chuỗi cung ứng không ổn định, sức ép “chọn bên” gia tăng. Có thể nói rằng sự đan xen phức tạp giữa hy vọng và thất vọng, lo lắng đang ảnh hưởng sâu sắc đến các nước ASEAN.

Một mặt, “phán” vẫn tràn đầy hy vọng. Một loạt nhân tố có lợi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế khu vực Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ hơn. Ngày 01/01/2021, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực. Với tư cách là thỏa thuận mới nhất của hội nhập khu vực, bên cạnh việc tích cực thúc đẩy tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên, RCEP chắc chắn sẽ là “liều thuốc trợ tim” mạnh cho đà phục hồi kinh tế khu vực.

Đồng thời, “Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á 2021” do Temasek Holdings, Google và Bain Capital phối hợp công bố vào tháng 11/2021 đã nhấn mạnh Đông Nam Á đã bước vào “thập niên số” và quy mô kinh tế số khu vực sẽ tiếp tục mở rộng, có triển vọng vượt 160 tỷ USD vào năm 2025, và thậm chí có thể đạt 700-1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ thái độ lạc quan về xu hướng phục hồi kinh tế của khu vực Đông Nam Á trong năm 2022. Tăng trưởng kinh tế của các nước chủ chốt nhìn chung được kỳ vọng sẽ tốt hơn so với năm 2021, với các mức lần lượt là Indonesia 5%, Malaysia 6%, Philippines 6%, Singapore 4,4%, Thái Lan 4% và Việt Nam 6,5%.

(Nguồn: ADB)

Bên cạnh đó, “phán” vẫn phản ánh với những thách thức nghiêm trọng bên trong lẫn bên ngoài. Tình hình dịch đại dịch COVID-19 liên tục đột biến và tái diễn, đặc biệt là sự tấn công của biến thể Omicron đã khiến cho nhiều nước như Bruney, Malaysia và Singapore phải cân nhắc thận trọng đối với việc cân bằng chính sách phòng dịch và phục hồi kinh tế, các vấn đề khó khăn về kinh tế-xã hội như thất nghiệp, đói nghèo rất có thể vẫn không được giải quyết tốt.

Đương nhiên, cạnh tranh và đọ sức nước lớn vẫn tiếp tục diễn biến gay gắt, nên bên cạnh việc bảo vệ vị trí trung tâm, ASEAN cần phải đối diện với thực tế rằng khối này luôn ở trong “tâm bão” của cạnh tranh nước lớn.

Hơn nữa, các “vòng tròn nhỏ” dưới sự dẫn dắt của Mỹ như quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) đã dẫn đến mối đe dọa tiềm tàng về một cuộc chạy đua vũ trang và đối đầu nước lớn kịch liệt chưa từng có giữa các nước lớn.

Về nội bộ, bên cạnh những khó khăn về dịch bệnh và kinh tế, xã hội, vấn đề Myanmar cũng kéo dài sang năm 2022. Năm nay, dưới sự điều phối và thúc đẩy của Campuchia, vấn đề Myanmar có thể sẽ đạt được sự tiến triển, nhưng khả năng giải quyết hoàn toàn vấn đề là không lớn, hơn nữa bên ngoài cũng phải tôn trọng “lộ trình ” và quy luật của Myanmar.

Ngoài ra, năm 2022 Philippines sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống khóa mới, sự biến đổi và bất ổn chính trị của các nước như Thái Lan, Malaysia cũng khó được giải quyết trong ngắn hạn.

Năm 2021, Đông Nam Á đã bước vào trạng thái “bình thường mới” để tìm thấy sự cân bằng khó khăn. Là nước chủ tịch luôn phiên của ASEAN trong năm 2022, Campuchia đã đề xuất và xác định chủ đề “Hành động ASEAN” - Cùng ứng phó với thách thức.”

Đứng trước thách thức bên trong lẫn bên ngoài và nhiều nhân tố không xác định, nếu các nước trong khu vực có thể cùng ứng phó, cùng hành động, không ngừng tăng cường sức bền chống chịu, có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng./.