Dự báo những ưu tiên đối ngoại Nga hậu xung đột tại Ukraine

Thứ hai, 25/4/2022 | 08:57 GMT+7

Theo chuyên gia Dmtry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva, các nhiệm vụ ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga trong điều kiện hậu xung đột ở Ukraine dường như khá rõ ràng.

Chuyên gia Dmtry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva. (Nguồn: Russia Direct)

Cuộc chiến tại Ukraine sớm muộn gì cũng sẽ kết thúc; tuy nhiên, cuộc chiến này sẽ khiến cục diện thế giới thay đổi căn bản và Moskva không thể không điều chỉnh lại chiến lược chính sách đối ngoại của mình.

Theo chuyên gia Dmtry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva, các nhiệm vụ ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga trong điều kiện hậu xung đột ở Ukraine dường như khá rõ ràng.

Theo ông Trenin, những ưu tiên chính, bao gồm:

Thứ nhất, răn đe đối thủ chiến lược là Mỹ và các đồng minh của họ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngăn ngừa nguy cơ sa vào một cuộc chiến tranh hạt nhân bất chấp cuộc đối đầu mang tính phức hợp ngày càng tích cực với họ.

Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi để Nga tự phát triển, chủ yếu dựa vào nội lực và duy trì hoặc định hướng lại quan hệ kinh tế đối ngoại của mình trong thời kỳ bùng nổ chiến tranh kinh tế với phương Tây; hỗ trợ tối đa cho hoạt động kinh doanh của Nga ở trong nước và hoạt động kinh tế đối ngoại.

Thứ ba, tăng cường phối hợp chặt chẽ và tương tác với đồng minh chính của Liên bang Nga là Belarus; phát triển hội nhập kinh tế và tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

Thứ tư, mở rộng hơn nữa các lĩnh vực tương tác thực tế và tăng cường hiểu biết lẫn nhau với các đối tác chiến lược chính của Liên bang Nga là Trung Quốc và Ấn Độ.

Thứ năm, tích cực phát triển quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các quốc gia khác ở châu Á, Mỹ Latin và châu Phi không tham gia trừng phạt chống lại Nga.

Thứ sáu, phối hợp cùng với các đối tác trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm BRICS và các quốc gia quan tâm khác để dần dần hình thành nền tảng của một kiến trúc tài chính quốc tế mới không phụ thuộc vào đồng USD.

[LHQ thúc đẩy đối thoại về vấn đề nhân đạo giữa Nga và Ukraine]

Tuy nhiên, đối với phương Tây, Nga vẫn ưu tiên có mức độ đối với việc duy trì tình hình ổn định chiến lược và ngăn ngừa các sự cố quân sự nguy hiểm với Mỹ và các nước NATO. Điều này đòi hỏi sự hoạt động đáng tin cậy của các kênh liên lạc với chính quyền Mỹ và NATO chịu trách nhiệm về quốc phòng và an ninh.

Trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu khác, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, chống lại dịch bệnh hoặc bảo tồn thiên nhiên ở Bắc Cực, Moskva sẽ phải nhấn mạnh vào các chương trình quốc gia và hợp tác với các quốc gia thân thiện.

Về vấn đề Ukraine, nhiệm vụ trong chính sách đối ngoại của Nga sau khi kết thúc xung đột quân sự là hình thành mối quan hệ mới giữa Liên bang Nga và Ukraine, loại trừ việc biến Ukraine thành mối đe dọa an ninh của Nga; nhận được sự công nhận của Kiev đối với tình trạng của Crimea là một phần của Liên bang Nga và sự độc lập của các nước cộng hòa ở Donbass.

Không loại trừ Moskva sẽ nhắm tới việc hình thành một thực tế địa chính trị mới (cộng đồng) ở phía Đông châu Âu dựa trên mối quan hệ hữu nghị giữa Nga, Belarus, các nước cộng hòa ở Donbass, cũng như các mối quan hệ được Liên bang Nga và Ukraine chấp nhận.

Trong bối cảnh liên hệ với các nước phương Tây (Bắc Mỹ, châu Âu, khu vực nói tiếng Anh) giảm mạnh, Nga cần phân bố lại các nguồn lực ngoại giao của mình từ hướng Tây sang Đông và Nam, bắt đầu từ các nước láng giềng trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), nơi mà hiệu quả của chính sách đối ngoại của Nga còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục điều này, giới nghiên cứu cho rằng ban lãnh đạo Nga cần củng cố cơ sở chuyên gia-phân tích về chính sách đối ngoại, đặc biệt là ở các nước thuộc Liên Xô cũ, cũng như các nước láng giềng của Nga ở Âu-Á.

Nhiều thất bại và tính toán sai lầm trong chính sách đối ngoại của Moskva đối với Ukraine kể từ những năm 1990 bắt nguồn từ những ý tưởng hời hợt, cao siêu xa vời với thực tế chính trị, xã hội và tư tưởng của Ukraine hiện đại.

Để khắc phục tình hình này, Moskva cần phải thành lập các trung tâm tầm cỡ thế giới để nghiên cứu các quá trình diễn ra ở Đông Âu, Trung Á và Kazakhstan, cũng như ở ngoại vi khu vực Caucasus.

Cùng với đó, Nga cần chuyển trọng tâm thông tin và tuyên truyền chính sách đối ngoại từ các nước phương Tây, nơi đã hình thành đồng thuận chống Nga mạnh mẽ trong xã hội, sang các nước không thuộc phương Tây, với việc xây dựng các cuộc đối thoại có ý nghĩa và tôn trọng, chủ yếu là với các quốc gia đã giữ lập trường trung lập trong cuộc chiến hỗn hợp toàn cầu chống Nga.

Điều này chủ yếu áp dụng cho các quốc gia hàng đầu của châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi (Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Indonesia, Malaysia, Argentina, Brazil, Mexico, Nam Phi, Nigeria, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Ai Cập, Algeria). Ngoài các nguồn lực vận động, các trung tâm nghiên cứu của Nga nhằm đối phó với các khu vực này cần nhận được sự hỗ trợ khuyến khích.

Đèn trang trí hình cốc rượu mừng năm mới tại Điện Kremlin. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Với sự thay đổi mạnh mẽ của tình hình địa chính trị, nhu cầu hình thành một tư tưởng chỉ đạo mới cho chính sách đối ngoại của Nga trong thế kỷ XXI càng trở nên rõ ràng hơn. Trong đó, Liên bang Nga cần xây dựng đội ngũ những người bạn thân thiết, những đối tác trung lập và các đồng minh tình thế.

Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa thực dụng trong chính sách đối ngoại Nga, vốn được xem như một chiến lược ưu tiên, sẽ không còn được chấp nhận trong điều kiện mới và nó sẽ đi xuống cấp độ chiến thuật.

Nhìn chung, Điện Kremlin cần xây dựng cái gọi là "ý tưởng Nga" hiện đại và hấp dẫn dựa trên một tập hợp các giá trị hấp dẫn đối với người dân Nga, và bao gồm một số mục tiêu và nguyên tắc: chủ quyền của các quốc gia, tính không thể phân chia của an ninh quốc tế, công lý dựa trên luật pháp, cùng phát triển, duy trì sự đa dạng văn hóa, đối thoại của các nền văn minh.

Nhiệm vụ chính trong phương hướng tư tưởng là việc thực hiện các giá trị và mục tiêu đã tuyên bố trong chính sách thực tiễn của nhà nước Nga trong phạm vi quốc gia, cũng như trên trường quốc tế.

Theo các học giả Nga, trong giai đoạn hậu xung đột ở Ukraine, quan hệ của Nga với hai cường quốc lớn nhất châu Á - Trung Quốc và Ấn Độ - có tầm quan trọng chiến lược lớn.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đương nhiên dẫn đến sự đối đầu của nước này với Mỹ, nước đang tìm cách duy trì vị trí thống trị trong hệ thống thế giới. Đồng thời, nhờ sự phát triển tiến bộ của quan hệ Nga-Trung Quốc trong ba thập kỷ qua, chất lượng quan hệ đối tác giữa Moskva và Bắc Kinh đã được nâng cao lên mức chưa từng có.

Sự đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Nga, cũng như sự đối đầu leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, về mặt khách quan đang dẫn đến một kiểu liên minh mới "không có giới hạn" giữa Nga và Trung Quốc, nhưng cũng không có ràng buộc nghĩa vụ nghiêm ngặt với nhau khi một trong hai bên vướng vào xung đột.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh kinh tế với phương Tây, Bắc Kinh sẽ đóng vai trò là đối tác quan trọng nhất đối với Moskva trong lĩnh vực tài chính, công nghệ và kinh tế. Việc đảm bảo cho mối quan hệ đối tác này phát triển ổn định cũng là lợi ích quốc gia chiến lược của chính Trung Quốc.

Quan hệ của Nga với Ấn Độ dựa trên truyền thống hữu nghị lâu đời và thông cảm lẫn nhau. Tầm quan trọng và vai trò ngày càng tăng của Ấn Độ trên thế giới hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Nga.

Sức mạnh kinh tế tăng lên và sự phát triển công nghệ của Ấn Độ đã mở rộng tiềm năng tương tác với Nga. Đồng thời, những mâu thuẫn giữa New Delhi và Bắc Kinh, cũng như mối quan hệ kinh tế và chính trị Ấn Độ-Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến phức hợp giữa Mỹ-Nga và sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa Liên bang Nga và Trung Quốc, đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với quan hệ Nga-Ấn Độ.

Do đó, nhiệm vụ cấp bách là tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Moskva và New Delhi để đưa mối quan hệ này lên ngang tầm với hợp tác Nga-Trung. Với việc chính trị bắt đầu chi phối nền kinh tế, nhiệm vụ quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga là giúp giảm thiểu sự khác biệt giữa Ấn Độ và Trung Quốc và lôi kéo Ấn Độ tham gia vào tương tác chiến lược chặt chẽ hơn cả trên cơ sở song phương và trên các nền tảng Bộ ba Nga-Trung Quốc-Ấn Độ (RIC), SCO và BRICS.

Hầu hết các tổ chức quốc tế mà Nga tham gia đều do Mỹ và/hoặc các đồng minh của Mỹ chi phối. Ví dụ điển hình là Tổ chức Cấm vũ khí hóa học và Hội đồng châu Âu. Việc Liên bang Nga rút khỏi Ủy hội châu Âu là một bước đi đáng lẽ phải thực hiện từ lâu. Ngay cả Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), có nguồn gốc từ Liên Xô, cũng chịu ảnh hưởng quyết định của các nước phương Tây. Tuy nhiên, Liên hợp quốc là trường hợp ngoại lê, nơi Nga với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có quyền phủ quyết.

Trong khi duy trì vai trò tích cực tại Liên hợp quốc và các cơ chế liên quan, Moskva cần tập trung nhiều hơn vào các tổ chức của các nước không thuộc phương Tây, như BRICS, SCO, RIC, cũng như các tổ chức mà Nga đóng vai trò chủ đạo như Liên minh kinh tế Á-Âu và CSTO.

Trên tất cả các nền tảng này, cần phải phát triển và thúc đẩy chương trình nghị sự toàn cầu, những ý tưởng tích cực cần được biến thành một nền tảng toàn cầu để giúp tăng cường tương tác giữa các quốc gia cùng quan tâm./.