Ấn Độ đối mặt nguy cơ suy giảm ảnh hưởng kinh tế ở Nam Á

Thứ sáu, 06/5/2022 | 11:42 GMT+7

Dưới sự lãnh đạo của ông Narendra Modi, Ấn Độ đã có thời kỳ khởi sắc kinh tế bùng nổ, với địa vị thống trị dường như nhận được sự thừa nhận của các nước Nam Á.

Kể từ khi độc lập vào năm 1947 đến nay, trình độ kinh tế lạc hậu và thực lực quân sự yếu của các nước khác ở khu vực Nam Á đã giúp Ấn Độ có thể dựa vào ưu thế quy mô dân số và diện tích lãnh thổ tuyệt đối của mình để có được quyền thống trị ở khu vực.

Năm 1991, chính quyền cựu Thủ tướng Ấn Độ Narasimha Rao đã khởi động chương trình cải cách nhằm đưa nền kinh tế vươn lên và đứng đầu khu vực Nam Á. Một năm trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ đã vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Điều khiến Ấn Độ tự hào là tính theo sức mua ngang giá, quy mô GDP của Ấn Độ đứng thứ ba thế giới và đây cũng chính là điều tâm đắc của giới lãnh đạo Ấn Độ.

Trước lợi thế sức mạnh tuyệt đối của Ấn Độ so với các nước khác ở Nam Á, sau khi lên nắm quyền vào năm 2013, Thủ tướng Narendra Modi đã đưa ra chính sách ngoại giao ưu tiên láng giềng để tăng cường củng cố quyền thống trị Nam Á của nước này, tạo môi trường tích cực cho việc trở thành nước lớn chủ chốt của thế giới.

Dưới sự lãnh đạo của ông Modi, Ấn Độ đã có thời kỳ khởi sắc kinh tế bùng nổ, với địa vị thống trị dường như nhận được sự thừa nhận của các nước Nam Á. Ngay khi vừa lên nắm quyền, ông Modi lập tức phô diễn chính sách “ngoại giao quyến rũ.”

Nước đầu tiên tiến hành công du sau khi ông Modi nhậm chức là Bhutan và nước thứ hai là Nepal. Một cột mốc lịch sử được tạo ra khi Thủ tướng đã có hai lần đến thăm Nepal trong năm 2013, quan hệ Ấn Độ-Nepal được cho là đạt tầm cao mới trong lịch sử.

[Ấn Độ kỳ vọng củng cố ngân sách thông qua các thương vụ IPO]

Tuy nhiên, “tuần trăng mật” trong quan hệ giữa Ấn Độ với các nước Nam Á, mà đại diện là Nepal, đã nhanh chóng kết thúc. Sau khi Hiến pháp mới của Nepal vào năm 2015 châm ngòi cho cuộc bạo loạn ở trong nước, Ấn Độ đã phong tỏa các tuyến đường thương mại bên thứ ba của Nepal.

Ở chiều ngược lại

Do Nepal là một quốc gia không giáp biển, hầu hết thương mại của bên thứ ba đều phải đi qua Ấn Độ nên sự phong tỏa trong gần 9 tháng này đã khiến kinh tế Nepal dường như sụp đổ. Mặc dù cuối cùng Nepal đã chịu khuất phục, nhưng kể từ đó quan hệ Ấn Độ-Nepal đã bị hủy hoại nghiêm trọng.

Năm 2018, Thủ tướng Modi một lần nữa công du Nepal hai lần trong cùng năm, nhưng quan hệ hai bên chỉ phục hồi hạn chế. Ở chiều ngược lại, quan hệ giữa Trung Quốc và Nepal lại phát triển ổn định.

Ngày 14/10/2021, Trung Quốc và Bhutan ký “Bản ghi nhớ về lộ trình ba bước nhằm đẩy nhanh đàm phán biên giới Trung Quốc-Bhutan.” Mặc dù Ấn Độ vẫn có sức ảnh hưởng tuyệt đối về đối nội và đối ngoại đối với Bhutan, nhưng quan hệ Trung Quốc-Bhutan vẫn có sự tiến bộ quan trọng dưới góc nhìn của Ấn Độ.

Hai dự án "đình đám" của Trung Quốc tại Sri Lanka, cảng Colombo và Hambanthota đã nhiều lần bị gián đoạn do tác động của Ấn Độ; trong đó dưới sức ép của Ấn Độ, Sri Lanka đã rút lại quyền sử dụng lâu dài đối với dự án thành phố cảng Hambanthota của Trung Quốc và đổi thành cho thuê 99 năm.

Mặc dù vậy, hiện nay hai dự án đều tiến triển thuận lợi, với cảng Hambanthota sắp được đưa vào khai thác sử dụng và Ấn Độ phải chấp nhận sức ảnh hưởng kinh tế khổng lồ của Trung Quốc ở Sri Lanka.

Năm 2016, Ấn Độ phản đối Hội nghị thượng đỉnh liên minh hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) tổ chức ở Pakistan. Sau đó, Hội nghị thượng đỉnh của SAARC không tiếp tục được tổ chức, khiến sức ảnh hưởng bị suy giảm đáng kể.

Tháng 4/2021, Ngoại trưởng 6 nước Trung Quốc, Afghanistan, Pakistan, Nepal, Sri Lanka, Bangladesh đã tổ chức hội nghị trực tuyến để ứng phó tình hình dịch COVID-19, Ấn Độ từ chối tham gia mặc dù nhận được lời mời. Tháng Bảy cùng năm, Trung Quốc và 5 nước nói trên tổ chức hội nghị hợp tác xóa đói giảm nghèo và phát triển ở Trùng Khánh của Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại New Delhi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau sự tồn tại danh nghĩa của SAARC, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã tính toán chiến lược khác, đó là xây dựng “Sáng kiến hợp tác kinh tế và công nghệ đa lĩnh vực vùng Vịnh Bengal” (BIMSTEC), nhưng loại trừ Pakistan.

Các thành viên bao gồm 7 nước Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Myanmar và Thái Lan. Năm 2018, các nước thành viên BIMSTEC tổ chức cuộc tập chung lần thứ hai ở Ấn Độ, nhưng Nepal và Bhutan không tham gia. Hơn nữa hai nước này lại tổ chức cuộc tập trận chung với Trung Quốc có tên gọi “Sagarmatha Friendship-2” ở Thành Đô vào ngày hôm sau.

Thế tiến thoái lưỡng nan

Trước sức ảnh hưởng không ngừng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Nam Á, rõ ràng Ấn Độ không thể đứng yên khi nước này luôn xem Nam Á là “sân sau.” Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc khốc liệt, Ấn Độ bắt đầu chuyển hướng xích lại gần Mỹ hơn bởi nước này hiểu rằng trước thực lực và tiềm lực phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc hiện nay, họ sẽ không thể kiềm chế hiệu quả Trung Quốc nếu không hợp tác với Mỹ.

Tuy nhiên, Ấn Độ muốn dựa vào Mỹ để kiềm chế Trung Quốc chắc chắn sẽ mời Mỹ tham gia vào khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương. Với sức mạnh vượt trội và kinh nghiệm phong phú của Mỹ, nếu Washington tham gia sâu hơn vào những khu vực này, sức ảnh hưởng của Ấn Độ chắc chắn sẽ suy yếu hơn nữa. Khi đó, việc giành lại sức ảnh hưởng thậm chí còn khó khăn hơn.

Từ năm 1991 đến nay, quả thực Ấn Độ đã đạt được thành tựu to lớn về phương diện phát triển kinh tế. Tuy nhiên, so với Mỹ và Trung Quốc có tốc độ phát triển nhanh hơn, khoảng cách tương đối và tuyệt đối giữa Ấn Độ và hai quốc gia này đều không ngừng được nới rộng.

Trong đó, một quốc gia cùng ở châu Á với Ấn Độ, và quốc gia còn lại là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Cho dù hợp tác với nước nào, cũng đều không thể tránh khỏi việc làm suy yếu quyền thống trị của Ấn Độ ở Nam Á.

Có thể nói, Ấn Độ nằm ở khu vực có điều kiện tự nhiên rất tốt, xung quanh dường như không có cường quốc, nhưng chính quyền ông Modi đầy tham vọng dường như lại tồn tại trong một thời đại Ấn Độ chưa đủ mạnh./.