Malaysia-Trung Quốc: Các sáng kiến phát triển thương mại điện tử

Thứ bảy, 07/5/2022 | 19:26 GMT+7

Do thương mại quốc tế vốn luôn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trao đổi giữa các quốc gia, thương mại điện tử cũng mang lại cơ hội hợp tác và tăng trưởng kinh tế lớn giữa Trung Quốc và Malaysia.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Theo Tiến sỹ Cheong Jia Qi, Giảng viên cấp cao tại Đại học Malaysia Sabah, thương mại điện tử đang vượt qua thương mại và bán lẻ thông thường bằng cách tiếp cận với người tiêu dùng xuyên biên giới. Lĩnh vực này đang mang lại nhiều cơ hội và phạm vi tiếp cận rộng lớn về mặt địa lý cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Ở cấp độ vĩ mô, thương mại điện tử đang định hình lại thương mại toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc áp dụng thương mại điện tử và chuyển đổi kỹ thuật số. Người tiêu dùng đã sử dụng thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu mua sắm của họ. Kết quả là thương mại điện tử đã trở thành yếu tố quan trọng trong thị trường nội địa - việc cung cấp và phân phối hàng hóa và dịch vụ gia tăng xoay quanh thương mại điện tử.

Có thể thấy rõ điều này trong sự trỗi dậy của các dịch vụ gọi xe và giao hàng, mặc dù nhiều doanh nghiệp đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Các doanh nghiệp đã áp dụng thương mại điện tử cũng được trang bị tốt hơn để giảm thiểu tác động của việc phong tỏa do dịch bệnh.

Thương mại điện tử đã mang lại những cơ hội mới tuy nhiên cũng cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc giải quyết các rào cản đang tồn tại. Do thương mại quốc tế vốn luôn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trao đổi giữa các quốc gia, thương mại điện tử ngày nay cũng mang lại cơ hội hợp tác và tăng trưởng kinh tế lớn hơn giữa Trung Quốc và Malaysia.

Xu hướng phát triển thương mại điện tử tại Malaysia

Chính phủ Malaysia đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kỹ thuật số với sáng kiến MyDigital và Kế hoạch chi tiết về nền kinh tế kỹ thuật số Malaysia. Chính phủ coi kinh tế kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế quốc gia và đã tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ số hóa.

Trong khu vực tư nhân, các nền tảng thương mại điện tử như Lazada, Grab và Shopee cho phép các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khởi nghiệp với chi phí tối thiểu và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Mặc dù thương mại điện tử ở Malaysia tương đối mạnh nhưng vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện. Những thách thức tồn tại bao gồm việc áp dụng các công cụ kỹ thuật số mới, các mối đe dọa an ninh mạng, kỹ năng tiếp thị kỹ thuật số, năng lực sản xuất hạn chế, chi phí hậu cần cao và thiếu kiến thức về tiếp cận thị trường cũng như các quy tắc trong thương mại điện tử xuyên biên giới.

Các rào cản khác bao gồm các dịch vụ băng thông rộng, sự thiếu tin tưởng của người tiêu dùng, kỹ năng kỹ thuật số kém trong cộng đồng và thiếu sự hỗ trợ của chính phủ.

Các tiêu chuẩn quốc tế có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng phục hồi kỹ thuật số quốc gia và xây dựng niềm tin vào thương mại điện tử. Trong đó, sẽ cần có các sáng kiến cụ thể như đánh giá khả năng sẵn sàng cho việc áp dụng thương mại điện tử và xây dựng chiến lược, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), tiếp cận nguồn tài chính cho thương mại điện tử, phát triển kỹ năng thương mại điện tử và trao quyền cho các doanh nhân ở các nước đang phát triển.

[Trung Quốc và Malaysia tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực]

Các tập đoàn Internet hàng đầu đang phát triển thương mại điện tử và dịch vụ thanh toán di động, đặc biệt tại Nam Á và Đông Nam Á. Alibaba đã và đang thiết lập các trung tâm hậu cần tại các thị trường quan trọng, bao gồm cả Malaysia.

Hoạt động mua bán và sáp nhập cũng ngày càng nhấn mạnh sự hợp tác với các công ty địa phương để nhanh chóng có sự hợp nhất. Điều này đã được củng cố dựa trên sự gia tăng các khu vực thương mại điện tử tự do.

Thương mại điện tử xuyên biên giới là thành phần quan trọng trong chiến lược Internet Plus của Trung Quốc. Trong đó, bán hàng trực tuyến là cách hiệu quả để thúc đẩy tiêu dùng và đóng góp nhiều hơn trong chuỗi giá trị khu vực, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điều này cũng được thúc đẩy thông qua các dự án công nghệ tài chính (fintech) của AliPay và WeChat Pay, vốn là các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán hàng đầu của Trung Quốc. Công ty con Ant Financial của Alibaba cũng đã thực hiện theo chiến lược tương tự khi gom cổ phần của các công ty fintech tại Philippines (Mynt), Malaysia (Touch ‘n Go) và Ấn Độ (PayTM).

Malaysia là quốc gia đầu tiên vận hành Trung tâm eWTP (Nền tảng Thương mại Thế giới Điện tử) bên ngoài Trung Quốc. Thương mại điện tử yêu cầu phải có hướng dẫn về cách thiết lập cửa hàng trực tuyến và chiến lược tiếp thị kỹ thuật số. Các chương trình “vườn ươm khởi nghiệp” đóng vai trò quan trọng để giúp phát triển những doanh nhân tiềm năng.

Malaysia có thể vận dụng sự phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc bằng cách bắt kịp xu hướng và đổi mới, thu hút các chuyên gia để cải thiện hơn nữa hệ sinh thái thương mại điện tử địa phương và áp dụng dữ liệu lớn để hiểu nhu cầu của người tiêu dùng. Malaysia cũng có thể hưởng lợi từ tiềm năng thị trường Internet chưa được khai thác của Trung Quốc, do 45% dân số Trung Quốc vẫn thiếu khả năng truy cập Internet.

Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) và thương mại điện tử

Việc thúc đẩy thương mại điện tử ở các nền kinh tế tham gia BRI đã chứng kiến Alibaba và JD.com cung cấp nền tảng cho các nền kinh tế kém phát triển hơn tiếp cận hàng tiêu dùng từ các chuỗi siêu thị và trung tâm mua sắm.

Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR) đã tiến tới việc cải thiện mạng lưới viễn thông và công nghệ kỹ thuật số của các nước tiếp nhận, bao gồm khả năng AI, điện toán đám mây, thương mại điện tử và các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số khác. Kết quả là các dự án về viễn thông, thương mại điện tử và các dạng công nghệ tiên tiến khác được áp dụng cho thành phố thông minh.

Tháng 5/2022, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hứa hẹn sẽ đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới như mạng 5G và trung tâm dữ liệu. Công ty chứng khoán Haitong Securities dự đoán các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới sẽ đạt tổng cộng 17.500 tỷ nhân dân tệ (2.470 tỷ USD) trong 5 năm tới, tức là trung bình khoảng 3.000 tỷ nhân dân tệ hàng năm.

Đầu tư cơ sở hạ tầng mới sẽ mang lại lợi ích lan tỏa cho các chính phủ và các công ty dọc BRI, vốn thường nhận được các khoản vay ưu đãi lãi suất thấp từ các ngân hàng nhà nước để mua các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc.

Trung Quốc và các nền kinh tế đối tác theo BRI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. BRI kỹ thuật số có thể thúc đẩy xuất khẩu công nghệ giám sát kỹ thuật số của Trung Quốc sang các quốc gia như một phần của cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Mặc dù việc triển khai 5G và doanh số bán thiết bị giám sát của Trung Quốc có xu hướng chiếm ưu thế, nhưng không nên bỏ qua tầm quan trọng của công nghệ thông tin và truyền thông đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có thể hỗ trợ phục hồi kinh tế bằng cách tăng nhu cầu, tạo ra việc làm và về lâu dài là thúc đẩy chuyển đổi kinh tế bằng cách nâng cao sản lượng và thương mại hàng hóa và dịch vụ./.