"Vén đám mây mù" để thấy tiềm năng kinh tế của Trung Quốc

Chủ nhật, 08/5/2022 | 18:50 GMT+7

Điểm không thể bỏ qua của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai gần là “ba áp lực” đã trở nên “vượt quá dự báo” khiến nước này đang phải đối mặt với những thách thức mới.

Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cảng ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong bối cảnh “bất ổn kép” do nguy cơ đại dịch COVID-19 tái bùng phát và leo thang xung đột Nga-Ukraine, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 và 2023 dự báo sẽ giảm xuống còn 3,6%.

Nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước ngã rẽ với triển vọng không mấy sáng sủa. Với những thay đổi lớn, nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều khó khăn trong quý 1/2022, nhưng hàng loạt số liệu cho thấy dấu hiệu “ổn định” và triển vọng phát triển tốt trong thời gian tới. Tuy nhiên, điểm không thể bỏ qua là trong tương lai gần đó là “ba áp lực” đã trở nên “vượt quá dự báo” và nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức mới.

Càng ở vào thời điểm khó khăn, càng phải giữ bình tĩnh và kiên định. Đối mặt với những đổi thay thế kỷ và đại dịch toàn cầu, kiên trì định hướng, trọng tâm chiến lược và làm tốt những công việc của mình là biện pháp chắc chắn nhất để đối phó với những bất ngờ. Nên phán đoán xu hướng từ dữ liệu, xét bản chất từ hiện tượng, nhìn tương lai từ hiện tại để nhìn nhận kinh tế Trung Quốc một cách toàn diện và khách quan, từ đó đánh giá sức mạnh hồi phục và triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc.

Động lực hồi phục đang chịu áp lực, còn khung “ổn định” vẫn vững vàng

Người ta nói sau cái lạnh giá của mùa Đông sẽ là mùa Xuân ấm áp.” Đánh giá tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay không thể chỉ “dựa trên giả định thuần túy,” mà cần xem xét số liệu của quý 1/2022, nghiên cứu những thay đổi về mặt cấu trúc cũng như những vấn đề, thuận lợi đằng sau đó. Nhìn vào 4 chỉ số kinh tế vĩ mô, bao gồm tăng trưởng, việc làm, giá cả và cán cân thanh toán, có thể thấy tất cả nằm “khung ổn định.”

Trong quý 1, GDP tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn quý 4/2021 là 0,8%, mức tăng trưởng hàng tháng là 1,3%. Tỷ lệ thất nghiệp theo khảo sát ở các khu vực thành thị Trung Quốc là 5,5%, về cơ bản bằng với tỷ lệ cùng kỳ năm 2021. Giá tiêu dùng tăng nhẹ 1,1%; thặng dư thương mại hàng hóa tăng, thâm hụt thương mại dịch vụ giảm và dự trữ ngoại hối duy trì ổn định ở quanh mức 3.200 tỷ USD.

Nhìn vào “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, có thể thấy các lĩnh vực này đều phát triển ổn định và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong quý 1/2022, quy mô đầu tư vào tài sản cố định tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó hỗ trợ lớn cho tăng trưởng. Tổng vốn tích lũy đóng góp tới 26,9% vào tăng trưởng kinh tế, giúp GDP tăng 1,3%.

Theo Nhiêu Hữu Phúc, Giám đốc Viện chế tạo thông minh của Tập đoàn Thiết bị Công nghiệp nặng Sany, “chỉ số máy xúc” do tập đoàn này xây dựng nhằm mục đích theo dõi cho thấy, trong quý 1/2022, khối lượng công việc trung bình của máy móc xây dựng ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc đã đạt mức cao nhất so với cùng kỳ trong 3 năm qua. Nhìn chung, tỷ lệ hoạt động của cần trục xe tải, xe nâng container, máy xúc, trạm trộn bêtông, xe trộn bêtông, xe bơm bêtông, cần cẩu bánh xích vượt xa các loại máy móc thiết bị khác.

Nhìn vào “bốn động lực mới” của nền kinh tế-công nghệ mới, lĩnh vực mới, định dạng mới và mô hình mới, có thể thấy các yếu tố này đang phát triển mạnh. Trong quý I, giá trị gia tăng của ngành sản xuất công nghệ cao tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh số bán lẻ hàng hóa trực tuyến dù đã ở mức cao nhưng vẫn tăng thêm 8,8%; sản lượng các loại xe sử dụng năng lượng mới tăng 140,8%.

[Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều sức ép]

Các số liệu đều cho thấy xu hướng ổn định lớn và triển vọng bứt phá trong thời gian tới. Ông Lương Quốc Dũng, một chuyên gia kinh tế cấp cao đã nói với báo chí rằng tại Hội thảo Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển rằng: “Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,8% trong quý 1/2022, cao hơn mức tăng của quý 4/2021. Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế phức tạp, bất ổn, không dễ để nền kinh tế Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng đó.”

Mặt ổn định đang diễn biến tốt, nhưng cũng không thể phớt lờ mặt khó khăn. Trong tháng vừa qua, dưới tác động của nhiều yếu tố như tình hình xung đột Nga-Ukraine leo thang, đại dịch COVID-19 tái bùng phát, công chúng bắt đầu tỏ ra lo ngại rằng sau giai đoạn hồi phục ngắn ngủi năm ngoái, nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào “suy thoái kép.”

Tương ứng với đó, “ba áp lực” sẽ càng lớn hơn trước những thay đổi có thể vượt ngoài dự đoán, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải tiếp tục đối mặt với những áp lực. Về các ngành nghề trung gian, sự hồi phục của lĩnh vực này chưa đồng đều. Các ngành dịch vụ như ăn uống, bán lẻ, du lịch vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Ví dụ cụ thể về ngành du lịch, trong quý 1/2022, tổng số khách du lịch nội địa là 830 triệu lượt, giảm 194 triệu, tương đương 19%, so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với tầm vi mô, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh, sản xuất cá thể bị ảnh hưởng nhiều hơn do dịch COVID-19. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của các doanh nghiệp cỡ vừa là 48,5% trong tháng Ba vừa qua, thấp hơn 2,9% so với tháng 2/2022, nằm trong ngưỡng hoạt động cầm chừng. Chỉ số PMI của các doanh nghiệp cỡ nhỏ là 46,6%, tiếp tục nằm ở ngưỡng nguy cơ. Tính đến hết quý 1/2022, chỉ số phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc đã sụt giảm 4 quý liên tiếp.

Nhà kinh tế trưởng và Viện trưởng Viện Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Việt Khai La Chí Hằng đã nói một cách thẳng thắn: “Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn ngưỡng tiêu chuẩn và các nhóm có thu nhập trung bình, thu nhập thấp thường chống chịu yếu trước các nguy cơ. Ở Trung Quốc, số lượng các nhóm trên rất nhiều, vì vậy cảm giác này lại tăng thêm.”

Nhà nghiên cứu trưởng của Ngân hàng dân sinh Trung Quốc Ôn Bân nhận xét: “Dù hoạt động kinh tế tổng thể trong quý 1/2022 là ổn định, nhưng bị ảnh hưởng bởi môi trường quốc tế phức tạp, khốc liệt hơn và dịch bệnh bùng phát ở nhiều nơi trong nước, mức độ tăng trưởng của một vài chỉ số đã chậm lại hoặc tăng theo hướng tiêu cực trong tháng Ba, điều này cho thấy động lực hồi phục của nền kinh tế đã yếu đi và không thể coi nhẹ áp lực suy giảm.” Trong quý 2/2022, cần tăng cường hơn nữa các nỗ lực chống lại chu kỳ giảm, ổn định và làm tăng tổng cầu, đảm bảo nền kinh tế hoạt động trong phạm vi hợp lý.

Bảy chính sách lớn để củng cố bước tiến và các biện pháp thúc đẩy kịp thời kinh tế Trung Quốc

Trong bối cảnh đối mặt với các vấn đề vượt ngoài dự báo, làm cách nào để giải quyết “ba áp lực” và đưa sự chắc chắn vào trong xu hướng không chắc chắn? Đây là câu hỏi buộc phải giải đáp đối với nền kinh tế Trung Quốc để giải quyết những vấn đề hiện thời và tiếp tục tiến lên.

Ở cấp cao, cần có sự nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng về tình hình mới, từ đó lèo lái để ổn định thị trường - kể từ tháng Ba vừa qua, đã có các cuộc họp của Quốc Vụ viện (Chính phủ) và các hội nghị về tình hình kinh tế giữa các chuyên gia và doanh nhân, các cuộc họp của quan chức địa phương về tình hình kinh tế. Ở một số cuộc họp quan trọng đã nhấn mạnh rằng sự vận hành ổn định của nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức lớn hơn, cho thấy dấu hiệu rõ ràng rằng các chính sách kinh tế phải tập trung hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế tiến lên một cách kịp thời.

Đây là việc tái triển khai và tái huy động “bảy chính sách lớn” được đề xuất tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương cuối năm 2021. “Bảy chính sách lớn” như chính sách vĩ mô, chính sách vi mô, chính sách cơ cấu đã liên tục được điều chỉnh và củng cố trong quá trình đề xuất và triển khai, vạch ra lộ trình thực hiện tốt công tác kinh tế năm 2022. Các chính sách kinh tế vĩ mô cần được chuẩn bị trước, cố gắng đề xuất sớm, triển khai sớm và đạt kết quả sớm.

Công nhân làm việc tại một máy lắp ráp ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/4 vừa qua, khoản hoàn thuế giá trị gia tăng cuối kỳ trị giá 247.500 nhân dân tệ được chuyển vào tài khoản đã khiến ông Ngụy Ngân Trung, Giám đốc Công ty Công nghệ lithium Giang Tây, thở phào nhẹ nhõm. Công ty của Ngụy Nhân Trung là một công ty trong lĩnh vực năng lượng mới, sản xuất vật liệu cực âm cho các loại pin lithium.

Hiện tại, giá nguyên liệu thô để sản xuất pin lithium đã tăng mạnh, trong đó, giá của lithium carbonate, một hợp chất chính, đã tăng gần 10 lần. Việc giảm thuế đã mang lại hy vọng giảm áp lực cho quỹ mua sắm nguyên liệu thô của công ty này. Ông Ngụy Nhân Trung chia sẻ: “Với gói hỗ trợ từ thuế và phí, chúng tôi có thêm nguồn tài chính và thêm tự tin để đối phó với những thay đổi của thị trường, gia tăng mức độ cạnh tranh của công ty trước những đợt sóng lớn.”

Từ đầu năm 2022, Trung Quốc đã chủ động thúc đẩy chính sách tài khóa, triển khai gói hỗ trợ thuế, phí kết hợp mới. Theo đó, hơn 20 chính sách hỗ trợ thuế, phí đã được ban hành. Về chính sách tiền tệ, Trung Quốc duy trì thanh khoản ở mức độ hợp lý, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Kiên trì thực hiện các nhiệm vụ chủ chốt, hỗ trợ hoạt động kinh tế ở biên độ hợp lý bằng cách duy trì ổn định việc làm và giá cả. Hội nghị về Tình hình việc làm đã cho thấy những dấu hiệu của việc coi trọng sự ổn định trong lĩnh vực việc làm: “Nâng tầm quan trọng của việc duy trì ổn định việc làm,” “Theo dõi sát những thay đổi và các xu hướng của thị trường việc làm,” “đề xuất những chính sách mới khi tình hình có những biến đổi.”

Đảm bảo các vựa lương thực cho thu hoạch tốt, đảm bảo nguồn cung ổn định các loại nông sản quan trọng; quyết định các biện pháp đảm bảo và tăng cường nguồn cung năng lượng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội… Nêu cao tầm quan trọng thiết yếu của an ninh lương thực và an ninh năng lượng.

Tập trung đột phá trong các lĩnh vực chủ chốt, giữ ổn định ngành công nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư vào những lĩnh vực “mới nhất.” Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin đã đề xuất các biện pháp ổn định tăng trưởng công nghiệp trong quý 2/2022 như sau áp dụng đồng thời nhiều biện pháp để giải quyết các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp; làm mọi việc có thể để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn; đẩy mạnh đầu tư vào các dự án lớn và khơi gợi tiềm năng tiêu dùng mới.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cũng nhấn mạnh các nỗ lực mở rộng tiêu dùng và thúc đẩy đầu tư: Nhanh chóng ban hành các văn bản chính sách về việc giải phóng tiềm năng tiêu dùng và thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng, triển khai các biện pháp toàn diện để giải phóng tiềm năng tiêu dùng. Chủ động thúc đẩy đầu tư hiệu quả và cố gắng tạo thêm nhiều khối lượng công việc lao động trong nửa đầu năm 2022.

“Trong bối cảnh chịu tác động của dịch COVID-19, tăng cường các biện pháp hỗ trợ và việc làm của các chủ thể vi mô sẽ là trọng tâm chính sách trong ngắn hạn. Các chính sách trong thời gian tới vẫn sẽ tập trung vào công tác chống dịch và thúc đẩy nền kinh tế,” theo nhận định của chuyên gia La Chí Hằng.

Trọng tâm hiện thời là chú ý tới ba đối tượng chính bị tác động bởi dịch COVID-19, bao gồm nhóm người có thu nhập thấp, trung bình, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chính quyền cấp cơ sở. Nhiệm vụ cấp thiết nhất là điều phối công tác ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp trong các ngành chủ chốt, đảm bảo hậu cần xuyên suốt, tránh tạm ngừng hoàn toàn các hoạt động kinh tế vốn có thể làm nảy sinh các vấn đề xã hội mới.

Ngày 24/4 vừa qua, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc Vụ viện Vương Nhất Minh nói rằng tình hình dịch bệnh hiện thời nên được kiểm soát hiệu quả, đặc biệt là trong vòng nửa đầu tháng Năm, để có thể triển khai các chính sách vĩ mô mạnh mẽ hơn nhằm phòng ngừa tác động của đại dịch COVID-19 và giúp nền kinh tế Trung Quốc quay lại mức tăng trưởng trên 5% trong quý 2/2022. Điều này đặc biệt quan trọng vì để đặt nền móng cho mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2022.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26/4/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khó khăn không đáng lo ngại, điều đáng sợ chính là sự sợ hãi trước khó khăn. Đối diện với tình hình kinh tế phức tạp, nhiều biến động, chúng ta phải giữ chắc điểm then chốt ổn định và tìm đường tiến lên. Nếu kịp thời tập trung thúc đẩy hơn nữa các biện pháp chính sách, chúng ta sẽ có thể giữ ổn định tốt hơn, qua đó giúp ổn định các kỳ vọng của thị trường.

Đánh giá triển vọng tương lai: Kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tích lũy sức mạnh và hồi phục

Khi xem xét nền kinh tế Trung Quốc, không chỉ nhìn ở hiện tại, mà cần nhìn trong dài hạn. Trong một nhà máy chế tạo thông minh của Tập đoàn Công nghiệp nặng Sany ở tỉnh Hồ Nam, chuyển đổi số đã giúp tăng mức độ hiệu quả của quá trình sản xuất thêm 50%, cứ mỗi 45 phút một xe bơm bê tông sẽ lại được ngắt kết nối mạng.

Tập đoàn Mạch Liệm xây dựng một nền tảng Internet công nghiệp cho ngành sản xuất các thiết bị phần cứng dựa trên nền tảng thông minh, qua đó giảm bớt các liên kết trong chuỗi công nghiệp này và giảm chi phí lưu thông nội địa từ 30% xuống còn 16%... Hiện tại, việc tận dụng các công nghệ số như 5G và Internet công nghiệp đã được nhiều công ty chủ động triển khai để đối phó với áp lực và cải thiện chất lượng, mức độ hiệu quả.

Trong dài hạn, tập trung vào đổi mới sáng tạo, tăng cường cải cách và mở cửa là nền tảng để Trung Quốc lèo lái nền kinh tế. “Quan điểm của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc Vụ viện về Đẩy mạnh xây dựng một thị trường quốc gia thống nhất” đã được công bố, qua đó phá bỏ sự bảo hộ của chính quyền địa phương và các sự phân khúc thị trường, đột phá những điểm nghẽn chính ngăn trở vòng tuần hoàn kinh tế. Xây dựng một cấu trúc mới với một thị trường rộng lớn, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi thị trường Trung Quốc từ rộng sang mạnh đã trở thành điểm trọng tâm trong công tác tăng cường cải cách định hướng thị trường của Trung Quốc.

Lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao thường niên năm 2022 vừa qua đã đề xuất thêm các biện pháp mở cửa như “tăng cường mở cửa với thế giới bên ngoài ở mức độ cao,” “mở cửa sâu rộng các lĩnh vực từng bị hạn chế đối với đầu tư nước ngoài,” “tăng cường các biện pháp khuyến khích đầu tư nước ngoài,” “có thêm một chương trình thử nghiệm toàn diện về việc mở cửa hơn nữa ngành dịch vụ,” và “kiên trì thúc đẩy xây dựng các khu thử nghiệm thương mại tự do và Cảng Thương mại tự do Hải Nam.”

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cải cách và Phát triển (Hải Nam) Trung Quốc Trì Phúc Lâm chỉ ra rằng trước những thay đổi về tình hình kinh tế, việc điều chỉnh chính sách là quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là phải tăng cường cải cách cùng với việc điều chỉnh chính sách, đẩy mạnh quá trình mở cửa ở mức độ cao, thúc đẩy cải cách sâu cùng với mở cửa ở mức độ cao, cũng như thúc đẩy phát triển chất lượng cao. Đúng là Trung Quốc cần duy trì sự ổn định của thị trường kinh tế vĩ mô, nhưng không thể ngắn hạn hóa các mục tiêu dài hạn, mục tiêu tổng thể của cả bộ máy không thể bị phân mảnh và cuộc chiến lâu dài không thể bị biến thành một cuộc đột kích.

Nhìn từ lĩnh vực công nghiệp, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc có đủ tiềm năng và khả năng phục hồi. Hệ thống công nghiệp của Trung Quốc đã hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng liên tục được cải thiện, lợi thế của thị trường khổng lồ là rõ ràng, định hướng phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo ngày càng cho thấy kết quả, và có nền tảng tốt để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, lành mạnh.

Cũng cần thấy rằng, dưới áp lực của cuộc chiến thương mại quốc tế, sức bật của chuỗi công nghiệp Trung Quốc đã tăng thay vì giảm sút trong những năm gần đây. Một mặt, quy mô xuất khẩu và thị phần quốc tế đạt mức kỷ lục mới; mặt khác, một số chuỗi công nghiệp có lợi thế cạnh tranh nổi trội trên trường quốc tế, ví dụ như lĩnh vực điện Mặt Trời, điện gió và kinh tế số. Đồng thời, các sản phẩm và công nghệ thay thế nội địa đã tăng mạnh trong một số ngành công nghiệp bị thiếu hụt như chíp và mạch tích hợp, cho thấy động lực đổi mới sáng tạo và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Trung Quốc.

Không thể phủ nhận rằng tăng trưởng kinh tế hiện thời đang đối mặt với áp lực suy giảm rất lớn. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc có thể đương đầu với những cú sốc bên trong và bên ngoài, và sẽ duy trì tăng trưởng ổn định.

Theo quan điểm của Lương Quốc Dũng, Trung Quốc có lợi thế lớn, toàn diện về sản xuất, số hóa, cơ sở hạ tầng và xuất khẩu, là những nguồn lực chính để nền kinh tế có thể phục hồi. Chính sách kinh tế của Trung Quốc còn dư địa tương đối lớn và các chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế - cũng là phương tiện chính để xử lý các thách thức.

Tại lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao thường niên 2022, một phát biểu đã thể hiện rõ sự kiên định: “Nền kinh tế Trung Quốc với những điểm cốt lõi là năng lực chống chịu, hồi phục mạnh mẽ, tiềm năng lớn, nhiều dư địa để điều chỉnh, sự cải thiện trong dài hạn sẽ không thay đổi. Trung Quốc sẽ tạo động lực mạnh mẽ giúp nền kinh tế thế giới ổn định và hồi phục, đồng thời giúp các nước có các cơ hội thị trường rộng lớn hơn. Trung Quốc sẽ triển khai đầy đủ khái niệm phát triển mới, đẩy mạnh xây dựng mô hình phát triển mới và tập trung thúc đẩy phát triển chất lượng cao"./.