Hé lộ tâm điểm của Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ sắp tới

Thứ ba, 10/5/2022 | 10:56 GMT+7

Tháng Sáu tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ IX tại Los Angeles. Kể từ sau Hội nghị Miami năm 1994, nước Mỹ mới lại tổ chức sự kiện này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Getty Images)

Trang mạng thehill.com đưa tin những hội nghị thượng đỉnh thành công của các nhà lãnh đạo quốc gia có ý nghĩa và sức hút đặc biệt.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của châu Mỹ đã khai sinh ra Khu vực mậu dịch tự do châu Mỹ (FTAA) mang tính bước ngoặt.

Dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, hội nghị ở Miami năm 1994 này, với sự tham dự của 34 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, đã khơi dậy trí tưởng tượng về một Tây Bán cầu gồm các nền dân chủ tự do ràng buộc với nhau bởi các mối quan hệ thương mại chặt chẽ và sự thịnh vượng chung.

Rốt cuộc, tầm nhìn về các thị trường thống nhất kéo dài từ Alaska xuống Argentina này tỏ ra quá tham vọng đối với một bán cầu đa dạng và rộng lớn.

Tuy nhiên, kế hoạch FTAA chi tiết đã thúc đẩy một loạt hiệp định thương mại nhỏ hơn nhưng vẫn mạnh mẽ, qua đó thúc đẩy thương mại khu vực và tạo ra hàng triệu việc làm ở Mỹ và các quốc gia láng giềng.

[Mỹ thông báo đăng cai Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9]

Tầm nhìn của FTAA đã đặt ra mục tiêu cao cho một thế hệ các nhà ngoại giao năng động, các nhà cải cách chính sách lý tưởng và các nhà đầu tư kinh doanh nhiệt tình.

Tháng Sáu tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ IX tại Los Angeles. Kể từ sau Hội nghị Miami năm 1994, nước Mỹ mới lại tổ chức sự kiện này.

Các nhà lãnh đạo sẽ ký các tuyên bố đầy tham vọng về nhiều vấn đề cấp bách hiện nay, bao gồm y tế cộng đồng và phục hồi sau đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo, quản trị dân chủ, chống tham nhũng và quản lý nhập cư.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa xác định được một chủ đề hấp dẫn cho chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh - một trọng tâm phù hợp với thực tế địa chính trị và trí tuệ của thời đại ngày nay.

Đây là một gợi ý xứng đáng cho chương trình nghị sự đó: tầm nhìn châu Mỹ cho các chuỗi giá trị được chia sẻ sẽ kết hợp sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong khu vực với nhau, thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và tạo ra mục tiêu chung giữa các nền dân chủ trong khu vực.

Các chuỗi giá trị toàn cầu phân phối hiệu quả nguồn cung cấp đầu vào và sản xuất hàng hóa chiếm tới một nửa thương mại toàn thế giới.

Nhưng dưới áp lực từ việc các doanh nghiệp Mỹ rút một phần khỏi Trung Quốc và giờ đây là sự cô lập của Nga với phương Tây, toàn cầu hóa đang nhanh chóng nhường chỗ cho chủ nghĩa khu vực rạn nứt hơn.

Ngay cả trước khi có sự gián đoạn nghiêm trọng về nguồn cung do cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những mặt trái của chuỗi cung ứng toàn cầu mỏng manh và quá tải, vốn ưu tiên cắt giảm chi phí hơn là an ninh, độ tin cậy và sự gần gũi.

Giờ đây, tính dễ bị tổn thương của các chuỗi cung ứng liên quan đến các chính phủ đàn áp cũng được nhấn mạnh.

Hiện tại, các công ty lớn có trụ sở tại Mỹ đang định vị một số chuỗi cung ứng của họ ở châu Mỹ.

Xu hướng “near-shoring” (các công ty, chủ yếu là đa quốc gia, chuyển hoạt động kinh doanh và chuỗi cung ứng về gần một quốc gia lân cận vì giá nhiên liệu và chi phí nhân công gia tăng) đặc biệt phổ biến xung quanh lưu vực Caribe, bao gồm cả ở Trung Mỹ và Caribe, và dọc theo biên giới với Mexico.

Những quốc gia này không chỉ thuận tiện về địa lý, mà do thường chia sẻ các giá trị tự do với Mỹ, các nước khu vực này cũng hội đủ điều kiện cho những gì mà Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo gọi là “bạn bè."

Cho đến nay, xu hướng near-shoring ở châu Mỹ vẫn chưa mấy quan trọng so với chuỗi cung ứng dày đặc trải dài từ Mỹ đến châu Á.

Nhưng khi các thương hiệu toàn cầu suy nghĩ lại về các chiến lược chuỗi cung ứng, họ đang quan tâm hơn tới lưu vực Caribe gần đó.

Mặc dù lương và các chi phí khác cao hơn một chút so với châu Á, near-shoring lại có thể cạnh tranh về độ tin cậy và tính bảo mật, đồng thời cung cấp dịch vụ vận chuyển gần hơn và rẻ hơn cho thị trường.

Ngoài ra, các giá trị dân chủ chung giữa hầu hết các quốc gia ở Tây Bán cầu làm giảm đáng kể rủi ro về uy tín và những nguy cơ của sự đổ vỡ địa chính trị.

Tuy nhiên, quá trình “near-shoring” và “friend-shoring” (cam kết làm việc với các quốc gia tuân thủ chặt chẽ một bộ chuẩn mực và giá trị về cách vận hành trong nền kinh tế toàn cầu) diễn ra chưa đủ nhanh.

Nó cần một sự thúc đẩy và Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ vào tháng Sáu tới là thời điểm thích hợp để tạo cho xu hướng này một cú hích.

Phần lớn các hoạt động phải diễn ra ở Mỹ Latinh và Caribe, nơi các chính phủ đã và đang xem xét các cải cách luật và quy định để cải thiện môi trường đầu tư cho sản xuất.

Các nhà lãnh đạo cũng nhận ra tầm quan trọng của việc nâng cao đào tạo lực lượng lao động cho các quy trình sản xuất phức tạp hơn.

Điều này cũng đúng đối với các công ty dịch vụ “offshore”; các công việc trong ngành dịch vụ được trả lương cao có thể bao gồm từ các công việc hành chính văn phòng và viết code trên máy tính từ xa đến các trung tâm cuộc gọi đa ngôn ngữ và các dịch vụ tài chính dựa trên Internet.

Vốn đầu tư cũng cần thiết để nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm cả giao thông, từ đường sá đến sân bay đến cảng biển, nhằm giảm chi phí đưa sản phẩm ra thị trường. Thương mại hiện đại cũng yêu cầu số hóa tốc độ cao.

Các công ty đa quốc gia ngày càng đòi hỏi các nguồn năng lượng sạch dồi dào và giá cả phải chăng.

Đối với những hàng hóa cấp thiết và có giá trị lớn này, khu vực cần mối quan hệ đối tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức cho vay quốc tế - tất cả đều sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Los Angeles.

Quan hệ đối tác công tư không phải là điều mới mẻ trong khu vực. Nhiệm vụ là nâng quy mô để đáp ứng các cơ hội mới đang mở ra do sự thay đổi về địa chính trị.

Trong một tuyên bố mang tính bước ngoặt về chính sách địa kinh tế của chính quyền Biden hôm 13/4 vừa qua tại Hội đồng Đại Tây Dương, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi “thúc đẩy xu hướng friend-shoring các chuỗi cung ứng ở một loạt các quốc gia đáng tin cậy.”

Bà nói thêm rằng “cũng nên xem xét xây dựng một mạng lưới các hiệp định thương mại đa phương” để tạo ra khuôn khổ chính sách cần thiết.

Hội nghị thượng đỉnh Los Angeles là một nơi phù hợp để thúc đẩy tầm nhìn của khu vực, để bắt đầu xác định các chính sách công cụ thể có thể hỗ trợ tốt nhất cho xu hướng friend-shoring.

Làm thế nào để cơ cấu trợ cấp công nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác công tư hiệu quả với mục đích nâng cao kỹ năng cho lao động địa phương một cách tốt nhất? Những ưu đãi chính thức nào sẽ thu hút nguồn vốn dài hạn, tư nhân và nhà nước để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và hậu cần lớn? Những rào cản thương mại còn lại nào cần được dỡ bỏ để tạo điều kiện thúc đẩy dòng chảy thương mại hiệu quả và biến chúng thành hiện thực?

Nếu Hội nghị thượng đỉnh ở Los Angeles có thể giúp định hình một tầm nhìn chung giữa các đối tác gần gũi về mặt địa lý và đáng tin cậy, hội nghị này sẽ đi vào lịch sử như một động lực thúc đẩy hội nhập khu vực giúp tạo ra một khu vực thịnh vượng hơn của các nền dân chủ sẵn sàng cạnh tranh toàn cầu trong thế kỷ XXI./.