Năng lực phát triển nhanh chóng của không quân Trung Quốc

Thứ ba, 10/5/2022 | 16:59 GMT+7

Các máy bay tiêm kích và lực lượng không vận có giá trị chiến lược của Trung Quố đạt dấu mốc quan trọng, qua đó cho thấy sự tập trung và chú trọng đầu tư ngày càng nhiều của Bắc Kinh vào không quân.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Theo trang mạng businessinsider.com, quân đội Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng một trong những lực lượng không quân lớn nhất thế giới, đồng thời phát triển các loại máy bay ngày càng có năng lực mà Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo là “làm suy yếu dần” lợi thế trên không của quân đội Mỹ.

Những tuần gần đây, các máy bay tiêm kích và lực lượng không vận có giá trị chiến lược của Trung Quốc đã đạt được những dấu mốc quan trọng, qua đó cho thấy sự tập trung và chú trọng đầu tư ngày càng nhiều của Bắc Kinh vào lực lượng không quân.

Đầu tháng 4, sáu máy bay chở hàng Y-20 đã đến thủ đô Belgrade của Serbia để chuyển giao vũ khí được cho là tên lửa đất đối không HQ-22 do Trung Quốc sản xuất cho quân đội Serbia. Chuyến bay dài khoảng hơn 8.000km mà truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi là "con số phá kỷ lục" của các máy bay Y-20 được coi là một minh chứng cho tham vọng của Bắc Kinh trong việc phô trương sức mạnh toàn cầu.

Vài ngày sau, một quan chức hàng đầu của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), công ty nhà nước phát triển máy bay tiêm kích J-20, cho biết các máy bay J-20 đang thường xuyên tuần tra trên Biển Hoa Đông và Biển Đông - dấu hiệu cho thấy độ tin cậy ngày càng tăng của máy bay phản lực tiên tiến này.

Trao đổi với “Business Insider,” Timothy Heath - nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation - nhận định những diễn biến này là dấu hiệu cho thấy lực lượng không quân Trung Quốc ngày càng tự tin hơn vào năng lực hoạt động xa bờ, với các máy bay hiện đại hơn và mới hơn.

Quan chức AVIC cho biết các máy bay J-20 thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra cảnh báo (chủ yếu là để giám sát trên Biển Đông) cũng như tuần tra chiến đấu (đòi hỏi mức độ sẵn sàng cao hơn trên Biển Hoa Đông). Quan chức này cho biết điều đó có thể thực hiện được nhờ việc chuyển máy bay phản lực cho nhóm “trái tim Trung Quốc,” cụm từ chỉ các động cơ được phát triển trong nước.

[Trung Quốc công bố lộ trình hiện đại hóa lực lượng không quân]

Ban đầu, J-20 được trang bị động cơ yếu hơn do Nga sản xuất. Một trong số hàng chục chiếc J-20 đang phục vụ hiện được trang bị động cơ WS-10C, một phiên bản nâng cấp của động cơ cũ do Trung Quốc sản xuất, nhưng nước này đã gặp rất nhiều khó khăn để phát triển động cơ WS-15, được thiết kế đặc biệt cho các máy bay thế hệ thứ năm như J-20. Sự thiếu hụt sức mạnh động cơ được cho là sẽ ngăn cản J-20 áp dụng các loại vũ khí tiên tiến và hiệu quả cao.

Các quan chức quân sự Trung Quốc cho biết WS-15 sẽ được hoàn thiện vào năm 2023 và sẽ đưa loại máy bay phản lực này ngang hàng với F-22 của Mỹ. Tuy nhiên, chuyên gia Heath cho rằng không nên đánh giá quá cao sự nâng cấp này, đồng thời khẳng định WS-15 "đi sau ít nhất một thế hệ" so với động cơ của F-22.

Ông nói: "WS-15 có những vấn đề thường gặp ở Trung Quốc là lịch trình bảo dưỡng ngắn, hoặc tuổi thọ ngắn do các vấn đề bảo trì, kiểm soát chất lượng và hoạt động kém hiệu quả."

Tướng Kenneth Wilsbach - người đứng đầu Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ - cho biết bất chấp những thiếu sót, J-20 đã để lại ấn tượng cho các chỉ huy Mỹ, theo đó lưu ý rằng các phi công Trung Quốc đang lái chiếc J-20 "khá tốt."

Wilsback quả quyết rằng "vẫn còn quá sớm" để nói liệu J-20 sẽ được sử dụng như một máy bay tiêm kích đa năng như F-35 hay tập trung vào ưu thế trên không như F-22, nhưng Trung Quốc đang cho thấy họ có thể sử dụng máy bay phản lực.

Đề cập đến một cuộc đụng độ gần đây, Wilsback nói: "Chúng tôi đã so sánh tương đối kỹ lưỡng những chiếc J-20 cùng những chiếc F-35 của chúng tôi ở Biển Hoa Đông và tương đối ấn tượng với khả năng chỉ huy cũng như kiểm soát của những chiếc J-20."

Giống như các chuyến bay của máy bay ném bom Trung Quốc xung quanh Đài Loan, các cuộc tuần tra của J-20 mang một khía cạnh tuyên truyền. Ông Heath cho rằng chúng “thể hiện sức mạnh quân sự của Trung Quốc" không chỉ đối với Mỹ, mà “chủ yếu đối với người dân Trung Quốc, cũng như các nước láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông.”

Năng lực hậu cần

Giống như J-20, Y-20 đã hoạt động được khoảng một thập kỷ và Trung Quốc đã tập trung phát triển phi đội Y-20 để hỗ trợ các hoạt động quân sự tầm xa hơn.

Trước chuyến bay tới Serbia, hai chiếc Y-20 đã chuyển hơn 30 tấn hàng tiếp tế cho Tonga sau khi nước này bị tàn phá bởi một vụ núi lửa phun trào và sóng thần. Trả lời báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng,” một cựu huấn luyện viên quân sự Trung Quốc cho biết đến nay, chuyến bay dài hơn 9.600 km này là sứ mệnh dài nhất ở nước ngoài của Y-20 được thế giới biết đến.

Tháng 11/2021, một biến thể tiếp nhiên liệu trên không của Y-20 lần đầu tham gia một chuyến bay quân sự gần Đài Loan, cho thấy khả năng được coi là cần thiết để hỗ trợ các chuyến bay đường dài và thời gian lâu hơn máy bay tiêm kích cũng như máy bay ném bom của Trung Quốc.

Việc mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay quân sự Trung Quốc đã được chú ý trên khắp Thái Bình Dương, trong đó có Australia, quốc gia mà các quan chức Mỹ và Australia cho rằng đang phải đối mặt với mối đe dọa tấn công mới từ Bắc Kinh.

Patrick Cronin - Chủ tịch An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Hudson - nói về chuyến bay đến Serbia: “Nếu nhìn vào độ dài chuyến bay và cách thức vận chuyển, máy bay này thực sự thu hút sự chú ý của dư luận Canberra...

Đây chính xác là năng lực hậu cần và chuyên chở hạng nặng của Trung Quốc, vốn có thể phục vụ cho một số cơ sở và điểm tiếp nhận hàng hóa mà họ đang đầu tư,” đồng thời chỉ ra một thỏa thuận an ninh vừa được Trung Quốc ký kết với quần đảo Solomon.

Theo chuyên gia Heath, các chuyến bay đường dài có nhiều giá trị trong khâu huấn luyện, nhưng các phi công Trung Quốc đã có kinh nghiệm trong các hoạt động tương tự trên máy bay chở hàng Il-76 và Il-78 cũ do Nga sản xuất mà Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã sử dụng trong nhiều thập kỷ.

Chuyên gia Heath nhận định: "Sự khác biệt là họ đang sử dụng Y-20 nhiều hơn Il-76 và 78, nhưng đó không phải là một sự thay đổi đáng kể." Ông cho rằng những nhiệm vụ đó "thực sự không được thiết kế để áp dụng trong chiến đấu,” do hầu hết quân đội Trung Quốc đều không có kinh nghiệm.

Ông Heath nói tiếp: “Tôi không rõ Trung Quốc có biết liệu họ có thể triển khai lực lượng tác chiến đến một quốc gia thù địch, được trang bị những vũ khí tối tân như tên lửa đất đối không hay không... Đó là tình huống mà tôi thấy rằng PLA chưa được chuẩn bị đủ tốt để thực hiện vào thời điểm này”./.