Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cuộc cách mạng khoa học

Thứ tư, 11/5/2022 | 14:27 GMT+7

Việc xác định trình tự của virus corona và sự lây lan toàn cầu của nó là bước ngoặt đầu tiên trong đại dịch, bởi vì nó cho phép các nhà khoa học bắt đầu ngay lập tức phát triển một loại vaccine.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bidderford, Maine, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo Le Soir của Bỉ, đại dịch COVID-19 đã buộc cộng đồng khoa học quốc tế phải xem xét lại các quy trình, nghiên cứu và các tương tác. Một mô hình cộng tác mới đã xuất hiện và tiếp tục phát triển.

Cách đây hơn hai năm, vào ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng đại dịch. Trong khi bộ gene của virus corona đã được tiết lộ, mở đường cho sự phát triển vaccine, thì nhiều điều chưa biết vẫn còn tồn tại.

Các bác sỹ đã phải đối mặt với căn bệnh này hàng ngày. Vaccine chỉ là một chân trời xa xôi và không chắc chắn.

[Thiết bị cho kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong vòng 30 giây]

Hai năm sau, chúng ta đã bước sang một thế giới khác nhờ lá chắn này được phát triển trong thời gian kỷ lục, nhưng cũng là sự hợp tác khoa học chưa từng có: chia sẻ dữ liệu, trao đổi các phương pháp hay, đẩy nhanh quy trình...

Nhưng điều tốt nhất đi cùng với điều tệ nhất: tin tức giả, thông tin liên lạc đôi khi thất thường, thậm chí đáng ngờ, một số chuyên gia kém nghiêm túc không tuân theo quy tắc... Tuy nhiên, thế giới khoa học đã trải qua một cuộc cách mạng.

Động lượng RNA thông tin

Những người gièm pha đã chỉ trích sự thiếu quan điểm của công nghệ này, vốn bị coi là mới mẻ một cách sai lầm.

Tuy nhiên, câu chuyện về RNA thông tin đã bắt đầu cách đây hơn 40 năm và tiềm năng điều trị của nó vượt xa các loại vaccine được phát triển chống lại COVID-19, như ông chủ của công ty Moderna giải thích.

Nhà nghiên cứu miễn dịch học Muriel Moser thuộc Đại học Tự do Brussels (ULB) khẳng định công nghệ này mở ra những khả năng đáng kinh ngạc đối với các bệnh khác như ung thư, cúm hoặc virus Epstein-Barr.

Đối với Jean-Michel Dogné, Trưởng Khoa dược tại Đại học Namur (UNamur), việc sử dụng rộng rãi vaccine mRNA chống lại bệnh COVID đã giúp xác thực rõ ràng tính hiệu quả và an toàn của công nghệ này, do đó đẩy nhanh việc sử dụng nó.

Ông Jean-Michel Dogné cho biết: “Các nghiên cứu lâm sàng đã ở giai đoạn 2 đối với HIV hoặc một số bệnh ung thư. Chúng tôi có lẽ đã lợi được 10 năm.”

Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm Nicolas Dauby, thuộc bệnh viện Đại học Saint-Pierre (CHU Saint-Pierre), vaccine mRNA rõ ràng đã theo đà phát triển của nó. Công nghệ đã có, phương tiện được triển khai để làm nên điều kỳ diệu vì không ngờ lại có vaccine hiệu quả nhanh đến vậy.

Ông Nicolas Dauby khẳng định: “Còn tốt hơn thế, nó chuẩn bị cho chúng ta cho tương lai và các đại dịch trong tương lai: chúng ta có thể phát triển một loại vaccine rất nhanh chóng trong trường hợp có mầm bệnh mới xuất hiện, ngay sau khi xác định được trình tự của nó.”

Sự hợp tác khoa học chưa từng có

Ông Jean-Michel Dogné nhấn mạnh việc xác định trình tự của virus corona và sự lây lan toàn cầu của nó là bước ngoặt đầu tiên trong đại dịch, bởi vì nó cho phép các nhà khoa học bắt đầu ngay lập tức phát triển một loại vaccine.

Từ kinh nghiệm này đã ra đời nền tảng giải trình tự quốc tế Gisaid, trong đó mỗi quốc gia chỉ ra dữ liệu của mình. Điều này giúp mỗi quốc gia có thể theo dõi virus, xác định sự xuất hiện của các biến thể đáng lo ngại, sự phân bố của chúng và tác động của chúng đối với dịch bệnh.

Ông Jean-Michel Dogné tiếp tục cho rằng sự phát triển của tri thức đã trải qua một sự bùng nổ thực sự: nhiều bài báo đã được đăng trực tuyến, cung cấp cho cộng đồng khoa học khả năng phản ứng và đặt câu hỏi cho các tác giả qua email hoặc qua Twitter.

Nhà nghiên cứu miễn dịch học Muriel Moser cho hay: “Đã có sự hợp tác đáng kinh ngạc giữa khu vực tư nhân và công cộng. Tiền của khu vực công đã tạo điều kiện cho các công ty tư nhân tập trung vào nghiên cứu trong khi đổi lại, chuyên môn của họ giúp sản xuất vaccine trên quy mô lớn, với chi phí thấp hơn và trong thời gian ngắn. Đó là một mô hình có thể được tái sản xuất trong tương lai.”

Quy trình nhanh chóng, an toàn cho vaccine và phương pháp điều trị

Tốc độ phát triển và phân phối vaccine là một nguyên nhân gây ra sự nghi ngờ. Tuy nhiên, kỳ tích này được đóng khung rất chặt chẽ bởi một thủ tục đã tồn tại, đó là sự đánh giá luân phiên.

Ông Jean- Michel Dogné giải thích: "Cho đến nay, để xác nhận một phương pháp điều trị với Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA), các công ty đã thực hiện tất cả các thử nghiệm, thu thập dữ liệu và gửi cho cơ quan này, sau đó mất 6 tháng để phân tích tất cả các tài liệu."

"Đánh giá tổng hợp là một quá trình cho phép EMA theo dõi các phân tích khi các thử nghiệm lâm sàng đang tiến triển, để kiểm soát chúng, để có thể yêu cầu dữ liệu bổ sung, cho phép họ đưa ra ý kiến ngay lập tức khi vaccine đã sẵn sàng."

"Điều này cũng được sử dụng cho các phương pháp điều trị, ngoại trừ việc phát hiện ra một loại thuốc đủ hiệu quả cũng cần có thời gian. EMA cũng đã kích hoạt nguyên tắc ủy quyền có điều kiện cho phép thương mại thuốc trước khi kết thúc thử nghiệm giai đoạn 3 với điều kiện là sự cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ là thuận lợi."

"EMA hầu như không bao giờ sử dụng các thủ tục hiện có này. COVID-19 đã chứng minh rằng chúng có hiệu quả, nhưng điều này không thể được thực hiện một cách có hệ thống cho tất cả các loại thuốc, đặc biệt là do sự đầu tư của con người mà điều này thể hiện."

Về phần mình, chuyên gia Nicolas Dauby nhấn mạnh rằng đại dịch cũng đã cho thấy tầm quan trọng của việc có các quy trình cho các thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá các loại thuốc men hiện có.

Những thử nghiệm lâm sàng lớn và nghiêm túc này đã đưa ra câu trả lời nhanh chóng về hiệu quả hoặc cách khác của một số phương pháp điều trị.

Bốn trong số đó đã được xác định về khả năng giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến COVID-19. Hơn nữa, COVID-19 cũng đã dẫn đến một sự thay đổi mô hình.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Hartford, Connecticut, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông phân tích: “Lúc đầu, vì nó là một bệnh do virus, chúng tôi vẫn rất tập trung vào mầm bệnh. Mục tiêu là có một chất kháng virus. Một phát hiện mới là chất dexamethasone, một chất chống viêm, làm giảm nguy cơ mắc một dạng nghiêm trọng bằng cách nhắm mục tiêu không phải là virus mà là phản ứng của vật chủ. Các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn này do WHO tập trung và tổng hợp thông qua các phân tích là một bài học tuyệt vời khác về đại dịch: nó cho thấy sự khả thi, bao gồm cả các tổ chức công cộng chứ không chỉ riêng ngành công nghiệp. Châu Âu đã hiểu điều này với việc thành lập nền tảng thử nghiệm lâm sàng thích ứng SolidAct.”

Mức độ của cảnh giác dược học

Vào tháng 3/2021, chỉ vài tuần sau khi bắt đầu tiêm chủng, Na Uy đã xác định được một tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng hiếm gặp có thể xảy ra liên quan đến việc tiêm vaccine AstraZeneca.

Cảnh báo về các vấn đề huyết khối tiềm ẩn được đưa ra trên toàn thế giới và tất cả các cơ quan chức năng quốc gia phụ trách cảnh giác dược (giám sát các phản ứng có hại của thuốc) đều xem xét kỹ lưỡng những tác dụng này, dẫn đến việc ngừng sử dụng vaccine trong một số trường hợp.

Ông Jean-Michel Dogné nói: “Sự minh bạch này trong việc truyền thông về các rủi ro liên quan đến tiêm chủng là con dao hai lưỡi vì chúng tôi tập trung vào việc giảm số ca tử vong trong khi đối với bất kỳ phương pháp điều trị nào, đó là sự cân bằng giữa lợi ích và rủi ro liên quan đến nó cho mỗi cá nhân. Nhưng sự minh bạch này là cơ bản để khuyến khích mỗi người đưa ra lựa chọn với lương tâm tốt. Vấn đề là việc chấp nhận dùng một loại thuốc và những tác dụng tiềm ẩn của nó để chữa căn bệnh mà chúng ta đã từng là nạn nhân sẽ dễ dàng hơn là để ngăn ngừa một căn bệnh mà chúng ta không biết tác động cá nhân.”

Khoa học trong tầm tay của nhân loại

Theo ông Muriel Moser, hiện nay, các nhà nghiên cứu đã quen với việc phổ biến kiến thức của họ thông qua các khóa học hoặc hội thảo.

Ông cho hay: “Có một khó khăn thực sự trong việc trình bày những thứ khác ngoài màu đen và trắng khi chúng ta phải có cái nhìn rõ ràng, điều này là không thể."

Là một người thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, nhà dịch tễ học Muriel Moser nhận thấy một thách thức kép trong việc truyền thông: “Đầu tiên là tránh cả chủ nghĩa tầm thường và chủ nghĩa báo động, và tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa hai yếu tố này. Thứ hai là quản lý để phổ biến những thứ không chỉ phức tạp mà còn nhiều sắc thái. Do đó, truyền thông là điều cần thiết, nó là một trong ba thành phần phải tuân thủ đối với bất kỳ kế hoạch đại dịch nào.

Ông nhấn mạnh cần phải có trách nhiệm thực sự của cộng đồng khoa học trong cách tổ chức cuộc tranh luận. “Chúng ta phải cung cấp địa điểm cho các cuộc tranh luận khoa học giữa các đồng nghiệp, để sự thể hiện lẫn nhau trên các phương tiện truyền thông có quy củ. Hơn nữa, phải cẩn thận để giải thích những điều có sự đồng thuận trước khi tranh luận về phần còn lại và có sự khiêm tốn để nói nếu điều đó nằm ngoài lĩnh vực năng lực của mình."

Đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông khoa học, ông Jean-Michel Dogné rút ra ba bài học từ COVID-19: “Đầu tiên, bạn phải dám nói những gì bạn không biết hơn là cố gắng né tránh những câu hỏi khó chịu. Sau đó, luôn luôn dựa vào dữ liệu và phải bám chắc. Nếu vaccine có hiệu quả 90%, điều này có nghĩa là 10% những người được tiêm chủng có thể đến bệnh viện. Cuối cùng, bạn đừng bao giờ từ chối cuộc tranh luận bất kể ý định của những người đối diện. Ngoại trừ trên mạng xã hội”./.