Thế khó triển khai tên lửa IRBM ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ

Chủ nhật, 15/5/2022 | 21:50 GMT+7

Chiến lược của Mỹ chủ yếu dựa vào việc một đồng minh chấp thuận triển khai thường trực hệ thống IRBM mặt đất có nguy cơ sụp đổ do nước này chưa thể tìm thấy đối tác sẵn sàng tại Thái Bình Dương.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Naval Today)

Theo trang mạng prestv.ir/scmp.com/asianikkei.com, nhiều nỗ lực của Mỹ nhằm lôi kéo các đồng minh và đối tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và kinh tế dường như đang không mấy suôn sẻ. Câu hỏi đặt ra là Mỹ liệu có còn sức hấp dẫn “không thể chối từ”?

Những đối tác không mặn mà

Viện nghiên cứu chính sách Tập đoàn RAND tại Mỹ, có mối liên hệ thân thiết với Lầu Năm Góc, đã có một báo cáo phân tích về khả năng các quốc gia Thái Bình Dương chấp nhận triển khai hệ thống tên lửa tầm trung (IRBM) của Mỹ, những lợi ích và hạn chế của các phương án tiềm năng cũng như khả thi nhất.

Theo báo cáo, chiến lược của Mỹ chủ yếu dựa vào việc một đồng minh chấp thuận triển khai thường trực hệ thống IRBM mặt đất có nguy cơ sụp đổ do nước này chưa thể tìm thấy đối tác sẵn sàng tại Thái Bình Dương.

Jeffrey W Hornung, tác giả của báo cáo, kết luận rằng với việc không có được một “chủ nhà” thiện chí, Washington có thể khuyến khích Nhật Bản tự phát triển kho tên lửa để đe dọa các tàu thuyền Trung Quốc, qua đó dùng Nhật Bản như quân tốt thí trong cuộc chiến không giới hạn chống Trung Quốc.

Sau khi rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vào năm 2019, Mỹ đã tìm cách phát triển và triển khai tên lửa mặt đất với tầm bắn từ 500-5.500km. Điều này nhanh chóng kích động một cuộc tranh luận về địa điểm Mỹ sẽ triển khai các vũ khí này. Do Trung Quốc không phải là một bên ký INF và đã tự phát triển tên lửa, người Mỹ rõ ràng phải để mắt tới khu vực Thái Bình Dương.

Tác giả của báo cáo nhắc đến các đồng minh của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan có khả năng triển khai hệ thống IRBM, song kết luận rằng chưa có ứng cử viên nào sẵn sàng.

[Mỹ phóng thử tên lửa đạn đạo Trident II ở Đại Tây Dương]

Báo cáo cũng phân tích những phương án khác như triển khai thường trực các tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ của đồng minh, song thừa nhận có những nhược điểm trong các phương án này, và vì vậy cho rằng việc khuyến khích Nhật Bản tự phát triển kho tên lửa chống hạm là giải pháp tối ưu nhất cho Mỹ.

Trong báo cáo được công bố ngày 2/5,, tác giả lập luận rằng “khả năng tiếp nhận các hệ thống như vậy là rất thấp do bối cảnh chính trị trong nước hiện tại và xu hướng an ninh khu vực,” nhắc đến Thái Lan, Australia, Hàn Quốc, Philippines và Nhật Bản.

Chừng nào Thái Lan “tiếp tục có một chính phủ được quân đội hậu thuẫn theo đuổi quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc”, thì Mỹ “sẽ không muốn Thái Lan triển khai IRBM.”

Trong khi đó, tại Philippines, nếu một tổng thống “tiếp tục các chính sách đối với Mỹ và Trung Quốc tương tự như của Tổng thống Rodrigo Duterte, thì Philippines” rất khó có thể chấp nhận IRBM của Mỹ. Chính quyền Hàn Quốc chia sẻ quan hệ với Trung Quốc, vì vậy Seoul cũng “rất khó có khả năng” đồng ý triển khai tên lửa của Mỹ trong bối cảnh “quan hệ Mỹ-Hàn nhìn chung đang xấu đi.”

Mối quan hệ lịch sử của Australia với Mỹ có nghĩa Mỹ không thể loại trừ khả năng này, nhưng “sự miễn cưỡng (của Australia) trong lịch sử đối với việc đặt các căn cứ nước ngoài lâu dài và khoảng cách với châu Á khiến điều này khó xảy ra.”

Báo cáo cho rằng Nhật Bản sẵn sàng “tăng cường năng lực phòng vệ của mình đối với Trung Quốc”, nhưng miễn cưỡng chấp nhận bất kỳ sự gia tăng nào của sự hiện diện quân sự của Mỹ hoặc “triển khai vũ khí có tính chất tấn công rõ ràng.”

Masahisa Sato, người đứng đầu Bộ phận Đối ngoại của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, bình luận tại hội nghị do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn Mỹ, rằng nước này nên triển khai các tên lửa tầm trung phóng từ mặt nước ở Hokkaido, cực Bắc của Nhật Bản, để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.

Theo tác giả báo cáo Jeffrey W Hornung, “lựa chọn có nhiều khả năng thành công nhất là giúp Nhật Bản nỗ lực phát triển và triển khai kho vũ khí có khả năng chống hạm.”

Những tên lửa này có thể được triển khai trên các hòn đảo phía Tây Nam của Nhật Bản, hoặc thậm chí Kyushu, vùng cực Nam của bốn hòn đảo chính… Dù những tên lửa này không có khả năng tấn công sâu vào Trung Quốc… chúng sẽ có thể bao quát các hoạt động di chuyển của tàu thuyền tại Eo biển Đài Loan… nơi có các tài sản mà Trung Quốc có thể sử dụng trong chiến tranh và cho các chiến dịch ngăn chặn hàng hải ở Eo biển Đài Loan.”

Washington trong những năm gần đây đã rất nỗ lực để xâm nhập vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chiến lược, với mục đích duy nhất là chống lại sự trỗi dậy của “rồng” Trung Quốc. Tuy nhiên, những nỗ lực này không mang lại kết quả.

Tác giả Jeffrey W Hornung cho rằng các lựa chọn thay thế khác của Mỹ có thể là việc cùng phát triển hoặc bán tên lửa cho một đồng minh, để đồng minh kiểm soát hệ thống và triển khai chúng đến khu vực trong thời kỳ khủng hoảng; hoặc triển khai luân phiên trong thời bình. Một lựa chọn khác cũng được nhắc đến là sử dụng lãnh thổ tại Guam, hoặc một trong những quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương đã ký Hiệp ước liên kết với Washington.

Cheung Mong, phó giáo sư tại Đại học Waseda, Nhật Bản, cho biết Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có thể hoan nghênh các lựa chọn thay thế khác vì chính phủ mới không muốn khiêu khích Bắc Kinh, bất chấp tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Nhật.

Ông nói: “Thực tế hiện tại kế hoạch phòng thủ của Tokyo là cố gắng sử dụng sức mạnh quân sự của Mỹ để bảo vệ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku… Song họ không muốn bị kéo vào vấn đề Đài Loan quá sâu, điều ngược lại với những gì Mỹ muốn làm.”

Dấu hỏi về sự chân thành

Trong một cuộc gặp ngày 4/5, các quan chức kinh tế hàng đầu của Nhật Bản và Mỹ gồm Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Koichi Hagiuda cùng Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo kêu gọi nhanh chóng triển khai Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) trong bối cảnh Mỹ tìm kiếm đối tác để thành lập khối kinh tế chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga.

Ngày 4/5, hai thành viên Hạ viện Nhật Bản - cựu bộ trưởng của chính phủ - cho rằng kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm thúc đẩy hội nhập sâu rộng giữa các đồng minh và đối tác của Washington tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một sự thay thế kém hơn cho khối thương mại mà Mỹ đã bỏ rơi cách đây 5 năm.

Taro Kono, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản; và Takashi Yamashita, cựu Bộ trưởng Tư pháp của nước này, đã kêu gọi Mỹ trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - kế thừa Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Phát biểu tại Viện Brookings ở Washington, ông Kono cho rằng các mục tiêu mà Biden đặt ra cho Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) sẽ được thực hiện tốt hơn thông qua CPTPP nếu Mỹ là thành viên.

Các chi tiết của IPEF chưa được công bố, song Nhà Trắng đã nêu ra những điểm khác trong kế hoạch để cho thấy đây là một dự án khác với việc hình thành khối thương mại truyền thống dựa trên các thỏa thuận thương mại tự do. IPEF hướng đến việc thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động và môi trường cũng như luật lệ, bao trùm hàng loạt lĩnh vực, từ bảo vệ dữ liệu cho tới phát thải khí carbon.

Các thành viên có thể lựa chọn tham gia các phần trong khung tổng thể. Takashi Yamashita cho rằng phương án lựa chọn này sẽ khiến các nước trong khu vực đặt câu hỏi liệu Washington có hoàn toàn thành tâm với kế hoạch của chính họ hay không?

Ông nói: “Tôi không biết chính xác về nội dung của IPEF và một số bạn bè của chúng tôi trong khu vực cũng không biết điều đó… Tôi nghĩ nếu IPEF là một khuôn khổ khu vực không ràng buộc, có thể nó sẽ gửi thông điệp đến các nước châu Á rằng Mỹ không mấy quan tâm”./.