"Một mũi tên, trúng hai đích" của Indonesia tại G20 sắp tới

Thứ ba, 17/5/2022 | 16:15 GMT+7

Indonesia phải chịu áp lực nặng nề từ phương Tây - những nước muốn loại Nga ra khỏi cuộc họp G20 sau khi có xung đột tại Ukraine nhưng Jakarta lập luận rằng họ phải giữ quan điểm “không thiên vị.”

Đường phố ở Jakarta, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ Jakarta Post của Indonesia mới đây, phớt lờ sự phản đối của Mỹ, Indonesia đã mời cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali vào tháng 11 tới.

Động thái này được các nhà phân tích cho rằng có thể mang lại “cơ hội vàng” để nước chủ nhà diễn đàn kinh tế này đóng vai trò trung gian hòa giải.

Indonesia, quốc gia giữ chức chủ tịch G20 năm nay, đã phải chịu áp lực nặng nề từ phương Tây, dẫn đầu là Mỹ - những nước muốn loại Nga ra khỏi cuộc họp sau cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine. Tuy nhiên, Jakarta lập luận rằng họ phải giữ quan điểm “không thiên vị.”

Chính phủ Indonesia đã cân nhắc một giải pháp thay thế bằng cách mời Tổng thống Zelensky tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với hy vọng điều này sẽ giúp xoa dịu những người ủng hộ Ukraine - quốc gia không phải là thành viên của G20 - và Nga, đồng thời hạn chế sự phân tâm khỏi các mục ưu tiên trong chương trình nghị sự của diễn đàn.

Nhà nghiên cứu Fitriani, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Jakarta, cho rằng việc Indonesia mời Ukraine là một “động thái tuyệt vời” vì tạo cơ hội cho nước này tham dự các cuộc họp bên lề với các quốc gia khác.

Nhà nghiên cứu Fitriani nhấn mạnh: “Như vậy, Indonesia có thể 'một mũi tên trúng hai đích': Một là giữ được chính sách đối ngoại tự do và tích cực của mình; Hai là Indonesia có thể thoát khỏi áp lực của các nước lớn thân Ukraine, đặc biệt là các nước G7.”

Indonesia giữ chức chủ tịch G20 trong năm nay và sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tài chính vào tháng Bảy tới, sau đó là Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới.

[Indonesia cam kết cải thiện khoảng cách tài chính G20]

Ukraine không phải là thành viên của diễn đàn này, song Nga thì có. Bà Dewi Fortuna Anwar, chuyên gia về chính sách đối ngoại và là cựu phó cố vấn tổng thống, đánh giá rằng quyết định của Indonesia mời cả Putin và Zelensky tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới có thể “mang tới hy vọng đảm bảo sự thống nhất của G20 và chương trình nghị sự của hội nghị,” đồng thời mang lại “cơ hội vàng” để Jakarta đóng vai trò trung gian hòa giải mà không cần phải nỗ lực gì thêm.

Bà Dewi nói: “Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) không cần phải bay tới Moskva và Kiev vì cả 2 nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đều được mời tới đây. Indonesia có thể không có vốn liếng chính trị để làm trung gian hòa giải giữa Nga-Ukraine, song Jakarta chắc chắn có thể đóng vai trò trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện cho đối thoại.”

Bà Dewi nói thêm rằng mục tiêu kết thúc chiến tranh không chỉ được coi là chương trình nghị sự của Mỹ mà còn của cả Indonesia - quốc gia luôn đề cao đối thoại hòa bình. Theo chuyên gia này, “rốt cuộc, Indonesia có quyền quyết định điều gì tốt nhất cho diễn đàn.”

Với tư cách là chủ tịch G20 năm nay, Indonesia đã tìm cách giữ thái độ trung lập trước cuộc xâm lược của Putin ở Ukraine, từ chối lên án Moskva. Mỹ và các đồng minh trong G7 đã tìm cách trừng phạt Putin bằng nhiều cách nhất có thể, bao gồm cả việc đe dọa tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức vào cuối năm nay, trừ khi Nga bị loại khỏi diễn đàn.

Các nhà lãnh đạo phương Tây đã ra dấu hiệu rằng động thái của Indonesia mời Ukraine tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới tại Bali có thể là chưa đủ. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng hoan nghênh động thái của Jakarta mời Ukraine, song nói rõ quan điểm của Washington về việc Putin tham dự hội nghị, nhấn mạnh rằng sự tham gia của Nga vào cộng đồng và các thể chế quốc tế không thể là “việc như bình thường.”

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từ chối trả lời khi được hỏi liệu ông có ngồi cùng bàn với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 do Indonesia tổ chức vào cuối năm nay hay không.

Theo hãng tin Reuters, phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước ZDF, nhà lãnh đạo này cho biết: “Chúng tôi sẽ quyết định điều đó nếu vấn đề phát sinh. Sẽ là không khôn ngoan nếu làm bất cứ điều gì khác.”

Nhà phân tích an ninh quốc tế cao cấp Rizal Sukma khẳng định rằng Indonesia - với tư cách là nước chủ nhà - hy vọng tất cả các nước thành viên sẽ tham dự vì cần phải thảo luận về cách thức giải quyết các tác động kinh tế toàn cầu của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay.

Ông Rizal nói: “Nếu họ (các cường quốc) vẫn từ chối tham dự hội nghị sau khi Indonesia đã mời Ukraine thì đó không phải là vấn đề của Indonesia. Nó sẽ phản ánh một thực tế rằng các cường quốc thực sự thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết nỗi đau kinh tế của hàng trăm triệu người ở các nước đang phát triển - đây là nỗi đau do chiến tranh mang lại..."./.