Nên làm gì khi Mỹ ngừng tuân thủ các quy định về tiền tệ?

Thứ năm, 19/5/2022 | 14:24 GMT+7

Khi Mỹ chứng tỏ sẵn sàng ngừng tuân thủ luật chơi với việc đóng băng một nửa dự trữ ngoại hối của Nga, Trung Quốc có thể làm gì để bảo vệ tài sản nước ngoài của mình?

Đồng USD và đồng nhân dân tệ tại một ngân hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng chinausfocus.com, trong cuốn “Vũ khí kinh tế: Sự trỗi dậy của các lệnh trừng phạt như một công cụ của chiến tranh hiện đại,” nhà sử học Nicholas Mulder nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả khi Anh và Nga chiến đấu ác liệt trong Chiến tranh Crimea (1853-1856), họ vẫn tiếp tục trả các khoản nợ cho phía bên kia.

Tương tự, khi các quỹ đầu cơ thực hiện các cuộc “tấn công” vào các đồng tiền châu Á trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi những năm 1990, cuối cùng họ vẫn tuân thủ các quy tắc (mặc dù hành vi phi đạo đức của họ đã khiến tiến bộ kinh tế của một số nước Đông Á bị đình trệ).

Quyết định hôm 28/2 của Mỹ về việc "đóng băng" khoảng một nửa dự trữ ngoại hối của Nga dường như sẽ được xếp vào mô hình hành động khác.

Mặc dù Mỹ đã có những hành động tương tự đối với Iran, Venezuela và Afghanistan, nhưng các nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng đó là những tình huống ngoại lệ và họ cảm thấy sốc khi Mỹ thực hiện các biện pháp như vậy chống lại Nga.

Hệ thống tài chính quốc tế hoạt động dựa trên sự tin tưởng rằng tất cả những người tham gia sẽ tuân thủ các quy tắc, và tôn trọng các nghĩa vụ nợ là một trong những quy tắc quan trọng nhất ở đó.

Dù lý do là gì thì việc "đóng băng" dự trữ ngoại hối của một quốc gia là một sự vi phạm trắng trợn niềm tin đó. Mỹ - quốc gia phát hành đồng tiền dự trữ toàn cầu chính - đang gây nguy hiểm cho uy tín tài chính của mình vì một số lợi ích chiến thuật ngắn hạn. Đó là một sai lầm lớn.

Trong nhiều năm qua, khả năng tích lũy dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là biểu tượng cho thành công kinh tế đang lên của nước này.

Tuy nhiên, đây là một vấn đề gây tranh cãi kể từ giữa những năm 1990 (khi dự trữ của Trung Quốc đạt 100 tỷ USD), bởi mục đích của thương mại ở đây không phải là để tích lũy dự trữ ngoại hối ngày càng lớn, mà là để tham gia vào sự phân công lao động quốc tế theo cách để cải thiện việc phân bổ tài nguyên xuyên biên giới.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 dường như chứng minh cho lập luận rằng Trung Quốc cần dự trữ ngoại hối lớn để chống lại các cuộc tấn công của các nhà đầu cơ quốc tế.

Đến năm 2003, dự trữ của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần, lên 400 tỷ USD, trong khi các nhà chức trách Trung Quốc phải đối mặt với ngày càng nhiều áp lực quốc tế để cho phép đồng nhân dân tệ tăng giá.

Tuy nhiên, họ đã miễn cưỡng làm vậy vì họ không muốn làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Do đó, lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc tiếp tục tăng với tốc độ nhanh chóng.

Sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến Trung Quốc phải nhận ra rằng dự trữ ngoại hối của họ có thể gặp nguy hiểm.

[Đồng USD có dễ đánh mất vị thế là đồng tiền dự trữ của toàn cầu?]

Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Ôn Gia Bảo đã bày tỏ những lo ngại này một cách công khai vào tháng 3/2009 rằng: “Chúng tôi đã cho Mỹ vay một số tiền rất lớn, vì vậy, tất nhiên chúng tôi lo ngại về sự an toàn của tài sản của mình. Thành thật mà nói, tôi thực sự lo lắng.”

Sau đó, ông thúc giục chính phủ Mỹ “duy trì uy tín, tôn trọng các cam kết và đảm bảo an ninh cho các tài sản của Trung Quốc.”

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). (Ảnh: THX/TTXVN)

Chính phủ Mỹ đã thực hiện các cam kết của mình và Trung Quốc tiếp tục tích lũy dự trữ ngoại hối, đạt mức đỉnh 3.800 tỷ USD vào năm 2014, trước khi giảm 800 tỷ USD trong hai năm sau đó khi ngân hàng trung ương Trung Quốc can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối để ổn định đồng nhân dân tệ khi đối mặt với tình trạng thoái vốn lớn.

Kể từ năm 2016, dự trữ của Trung Quốc đã dao động quanh mức 3.000 tỷ USD theo một chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, ngay cả khi nước này tiếp tục thặng dư tài khoản vãng lai. Ngày nay, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc ở mức khoảng 3.200 tỷ USD.

Cho dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa, không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đã tích lũy được một lượng dự trữ ngoại hối quá lớn.

Hiện, có 2 lý do chính khiến Trung Quốc phải cắt giảm lượng dự trữ ngoại hối này:

Thứ nhất, với hơn 2.000 tỷ USD tài sản quốc tế ròng, thu nhập đầu tư ròng của Trung Quốc đã ở mức âm trong gần 20 năm bởi các khoản nắm giữ của họ chủ yếu là trái phiếu chính phủ Mỹ lợi suất thấp. Đây là một sự phân bổ sai nguồn lực.

Thứ hai, đồng USD cuối cùng có thể giảm giá đáng kể bởi Mỹ đã duy trì các khoản nợ nước ngoài và quốc gia ròng khổng lồ trong nhiều thập kỷ, và điều này không có dấu hiệu thay đổi.

Hơn nữa, chính sách tiền tệ mở rộng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (dưới hình thức nới lỏng định lượng) có thể tiếp tục tạo ra áp lực lạm phát trong tương lai.

Chắc chắn, với việc nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, đang nắm giữ một lượng lớn dự trữ ngoại hối bằng đồng USD như vậy, USD có thể vẫn là đồng tiền mạnh trong một thời gian khá dài.

Tuy nhiên, tại một số thời điểm, giá trị của đồng bạc xanh sẽ giảm và nước nắm giữ các trái phiếu chính phủ Mỹ lớn thứ hai - Trung Quốc - sẽ phải đối mặt với tổn thất lớn.

Với khả năng này, điều Trung Quốc cần làm là theo đuổi cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi đối với đồng nhân dân tệ; một cách tiếp cận thận trọng đối với tự do hóa tài khoản vốn; đa dạng hóa dự trữ ngoại hối; quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và thương mại cân bằng hơn với Mỹ.

Tuy nhiên, tất cả những đề xuất này đều dựa trên giả định rằng Mỹ sẽ chơi đúng luật. Giờ đây, họ đã đơn phương "đóng băng" dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga, nền tảng cho các khuyến nghị chính sách nêu trên đã sụp đổ.

Nếu tất cả tài sản nước ngoài - công cũng như tư - có thể bị "đóng băng" trong tích tắc bởi các quốc gia phát hành đồng tiền dự trữ, các nhà hoạch định chính sách thậm chí không nên lãng phí thời gian của họ với các biện pháp phòng ngừa rủi ro như đa dạng hóa.

Giờ đây, khi Mỹ đã chứng tỏ sự sẵn sàng ngừng tuân thủ luật chơi, Trung Quốc có thể làm gì để bảo vệ tài sản nước ngoài của mình?

Câu trả lời hiện vẫn chưa rõ, nhưng chắc chắn rằng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc, và có lẽ cả ở các nước khác, đang suy nghĩ kỹ về các giải pháp./.