Trung Quốc xây dựng thị trường thống nhất và ảnh hưởng đối với ASEAN

Thứ sáu, 20/5/2022 | 07:42 GMT+7

Thị trường toàn quốc thống nhất không chỉ có thể thúc đẩy sự phồn thịnh lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc, mà còn có thể mang lại tác dụng tích cực cho các nền kinh tế láng giềng.

Quang cảnh cảng hàng hóa tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 19/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, ngày 10/4, Chính phủ Trung Quốc công bố "Ý kiến của Ban chấp hành Trung ương và Quốc vụ viện về việc đẩy nhanh xây dựng thị trường lớn thống nhất toàn quốc," xác lập phương châm chỉ đạo hoàn toàn mới đẩy nhanh xây dựng thị trường thống nhất toàn quốc. Động thái này giúp mọi người thấy được quyết tâm "phá vỡ rào cản thương mại, thống nhất thị trường trong nước chia năm xẻ bảy" của Trung Quốc.

Hiện nay, mọi người thường khá lo lắng vấn đề "lớn nhưng không mạnh" mà thị trường Trung Quốc đối diện. Để bảo vệ các doanh nghiệp địa phương và lợi ích kinh tế, chính quyền địa phương có thể ban hành các chính sách liên quan nhằm hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp bên ngoài, mặc dù cách làm này đã bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp địa phương, nhưng nền kinh tế quốc gia sẽ mất đi cơ hội phát triển tổng thể. Tương tự, nếu các doanh nghiệp bên ngoài bị hạn chế bởi hệ thống quy định không thống nhất của Trung Quốc thì đối tượng chịu thiệt hại vẫn là nền kinh tế Trung Quốc.

Trước mắt, Trung Quốc muốn thiết lập một thị trường toàn quốc thống nhất hiệu quả cao, tiêu chuẩn hóa, cởi mở và có sức cạnh tranh để thúc đẩy kinh tế phát triển. Chính phủ sẽ nhân cơ hội này để phá vỡ chủ nghĩa bảo hộ địa phương, thống nhất thị trường toàn quốc, xóa bỏ những rào cản then chốt cản trở tuần hoàn kinh tế, thúc đẩy các yếu tố sản xuất tiếp tục lưu chuyển trong thị trường rộng lớn hơn.

Từ đó có thể thấy rằng đẩy nhanh thiết lập thị trường thống nhất toàn quốc chắc chắn là thông tin tích cực. Nếu xóa bỏ được những rào cản nói trên, cơ chế thị trường sẽ phát huy tốt hơn vai trò phân phối nguồn lực, từ đó đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn. Dựa vào thị trường lớn để xây dựng cục diện mới là kịch bản công phu đi sâu cải cách của Trung Quốc hiện nay, do đó những phương châm chỉ đạo mới này cũng thu hút sự quan tâm rộng rãi của các giới.

Vậy, nguyên nhân Trung Quốc ban hành phương châm chỉ đạo này là gì? Doanh nghiệp và nhà đầu tư các nước ASEAN sẽ chịu những ảnh hưởng như thế nào từ vấn đề này?

Nguyên nhân ban hành phương châm chỉ đạo

Trên thực tế, khái niệm thị trường thống nhất toàn quốc không phải là điều mới mẻ, đây là vấn đề luôn được Chính phủ Trung Quốc cân nhắc. Năm 2004, Trung tâm nghiên cứu Quốc vụ viện đã công bố một báo cáo về chủ nghĩa bảo hộ địa phương và tầm quan trọng của việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ địa phương. Năm 2013, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ "nỗ lực xây dựng một hệ thống thị trường cởi mở, cạnh tranh có trật tự."

Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều vấn đề trong thực tiễn phá vỡ chủ nghĩa bảo bộ địa phương. Ví dụ điển hình là, khi chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên toàn quốc đối với một sản phẩm, tỷ lệ thông qua của thương hiệu hàng hóa địa phương luôn cao hơn thương hiệu nơi khác. Không chỉ như vậy, dịch COVID-19 dường như đã làm trầm trọng hơn xu hướng của chủ nghĩa bảo hộ địa phương.

[Bước nhảy vọt trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc sau 30 năm]

Chẳng hạn khi Thượng Hải bùng phát dịch bệnh, có báo cáo nhấn mạnh, một số tỉnh, thành phố đã chặn đường hoặc đóng cửa cao tốc hay thực hiện cách ly đối với các tài xế xe hàng khỏe mạnh. Điều này đã gây rối loạn nghiêm trọng dịch vụ kho vận (logistics) của các thành phố, do đó Quốc vụ viện ra lệnh ngay cả trong thời gian dịch bệnh thì sân bay, bến cảng và đường cao tốc cũng phải duy trì lưu thông thông suốt.

Ngoài ra, còn có các nhân tố khác "trợ sức" cho chủ nghĩa bảo hộ địa phương, chẳng hạn như địa chính trị, tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, Nga và Ukraine đều kiềm chế tiêu dùng của Trung Quốc, những sự kiện bên ngoài này rất khó kiểm soát.

Do đó, tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu thúc đẩy nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc đang dần suy giảm, để ứng phó với thách thức này, Chính phủ Trung Quốc cần phải tập trung cải thiện nguồn cung của nền kinh tế.

Muốn thực hiện được điều này, Trung Quốc cần phải xử lý hành vi phản đối cạnh tranh của các nơi, bảo đảm tất cả các yếu tố sản xuất như lao động, đất đai, vốn và năng lượng cần thiết để sản xuất hàng hóa và dịch vụ phải được phân phối công bằng, cạnh tranh và sử dụng hiệu quả.

Điều đáng quan tâm là phá vỡ chủ nghĩa bảo hộ địa phương cũng rất phù hợp với "chiến lược tuần hoàn kép" được Trung Quốc đưa ra vào năm 2020, một mặt giảm thiểu thị trường nội địa của chủ nghĩa bảo hộ địa phương sẽ thúc đẩy "vòng tuần hoàn bên trong" của nền kinh tế trong nước, mặt khác tăng cường đầu tư nước ngoài, nâng cao sức sản xuất cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa "vòng tuần hoàn bên ngoài" của nền kinh tế Trung Quốc.

Xét về dài hạn, thị trường thống nhất có lợi cho sự phát triển kinh tế của các khu vực khác nhau ở Trung Quốc. Một thị trường thống nhất không chỉ có thể nâng cao sức sản xuất, hạ thấp chi phí sản xuất và giao dịch, mà còn có thể cải thiện hiệu suất của thị trường, tăng cường ưu thế cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Vậy, thị trường thống nhất sẽ gây nên ảnh hưởng như thế nào đối với các nước ASEAN?

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Giai đoạn 2010-2019, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ASEAN đối với Trung Quốc là 10,4% và nhập khẩu là 12,5%. Nếu có thể cải thiện môi trường thị trường, cơ sở hạ tầng và dòng chảy của các yếu tố sản xuất Trung Quốc, thì có thể gia tăng nguồn cung hàng hóa và sản phẩm của Trung Quốc, ngoài ra còn có thể nâng cao chất lượng hàng hóa, cung cấp nhiều lựa chọn thương mại hơn cho ASEAN. Vì vậy, nếu thị trường Trung Quốc được cải thiện sẽ mang lại hiệu ứng bên ngoài tích cực đối với các nước ASEAN.

Ngoài ra, theo một bản báo cáo của Cục phát triển thương mại Hong Kong (Trung Quốc), những năm gần đây Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà đầu tư quan trọng của khu vực ASEAN, lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung vào bảo hiểm tài chính, bất động sản, ngành sản xuất, bán sỉ và bán lẻ, cũng như xây dựng.

Năm 2020, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đối với ASEAN đạt 7,62 tỷ USD, trở thành quốc gia/khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ tư của ASEAN, chỉ xếp sau Mỹ, Hong Kong và Nhật Bản.

Rõ ràng, ASEAN rất có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc và ASEAN có thể nói là "đồng cam cộng khổ." Mở rộng thị trường Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự ra đời của những doanh nghiệp lớn hơn, trong đó một số doanh nghiệp cũng mong muốn có thể tiến quân vào các thị trường khác nhau nhưng lân cận, chẳng hạn như ASEAN. Có thể thấy rằng, thị trường toàn quốc thống nhất không chỉ có thể thúc đẩy sự phồn thịnh lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc, mà còn có thể mang lại tác dụng tích cực cho các nền kinh tế láng giềng.

Phương châm chỉ đạo này cũng là thông tin tích cực đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc. Năm 2021, đầu tư thực tế của ASEAN vào Trung Quốc đạt 10,58 tỷ USD, trong đó Singapore, Thái Lan và Malaysia là ba nước đầu tư lớn nhất. Xây dựng một môi trường kinh doanh cởi mở, có trật tự, có sức cạnh tranh sẽ thu hút nhiều hơn thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.

Doanh nghiệp nước ngoài sẽ cạnh tranh công bằng với công ty Trung Quốc

Thời gian tới, các nơi ở Trung Quốc đều sẽ phá bỏ quy tắc "nhiều quy định khác nhau ở cùng một nơi," tất cả các doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp nước ngoài) đều phải tuân thủ quy định tương đồng.

Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không còn bị "chèn ép" của chính quyền địa phương, việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, quy trình sản xuất của những doanh nghiệp này sẽ trở nên thông suốt hơn, chi phí điều phối và giao dịch sẽ tiếp tục giảm, có thể tổ chức hiệu quả hơn chuỗi cung ứng.

Trong tương lai, những doanh nghiệp nước ngoài này sẽ triển khai cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp Trung Quốc trong một thị trường cạnh tranh mạnh mẽ, phương châm chỉ đạo mới sẽ mang lại niềm tin nhiều hơn cho nhà đầu tư. Điều này đặc biệt quan trọng đối với tình hình hiện nay, bởi vì sự phong tỏa của Thượng Hải đã khiến cho mọi người cảm thấy hoang mang và thất vọng, làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường Trung Quốc.

Cần phải nhận thức được rằng, thiết lập thị trường thống nhất toàn quốc là mục tiêu lâu dài của Trung Quốc, thị trường Trung Quốc không thể chuyển thành thị trường hóa trong chốc lát, tư tưởng chỉ đạo này giống như "chất xúc tác để tăng cường quản lý giám sát và đẩy mạnh thực hiện ý kiến chỉ đạo."

Chính phủ cần phải thay đổi mô hình tư duy "mọi việc tập trung vào phát triển kinh tế địa phương" của chính quyền địa phương, thuyết phục họ thay đổi. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc hạ quyết tâm cần phải thiết lập thị trường thống nhất, nhưng hiện nay vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thực hiện mục tiêu này có thể sẽ cần thời gian nhiều năm.

Tuy nhiên, các nước ASEAN vẫn có thể chuẩn bị trước cho sự thay đổi này. Một khi Trung Quốc phá vỡ những rào cản này, thì doanh nghiệp sẽ đón nhận tương lai tươi sáng hơn./.