Hiệp ước an ninh Salomon-Trung Quốc ảnh hưởng đến bầu cử ở Australia

Chủ nhật, 22/5/2022 | 16:07 GMT+7

Việc Trung Quốc công bố Khung hiệp ước đúng thời điểm Australia đang diễn ra vận động tranh cử được cho là nhằm mục đích đào sâu thêm bất đồng trong nội bộ chính trường Australia.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Adobe Stock Images)

Đài RFI đưa tin, mâu thuẫn sắc tộc, căng thẳng chính trị và lũng đoạn kinh tế trong nhiều thập kỷ; chấm dứt bang giao với Đài Loan để thiết lập ngoại giao với Trung Quốc (năm 2019); hay cuộc bạo loạn tại khu phố người Hoa ở thủ đô Honiara (tháng 11/2021); cũng như vị trí ở cửa ngõ Đông Bắc của Australia chỉ cách khoảng 2.000km là những gì có thể nhận diện về Quần đảo Salomon.

Ngày 19/4 vừa qua, Salomon và Trung Quốc công bố Hiệp ước An ninh-Khung thỏa thuận song phương khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại. Đặc biệt, vụ việc còn làm dấy lên những tranh luận gay gắt trên chính trường Australia đang chuẩn bị bước vào mùa bầu cử.

Hiệp ước An ninh song phương Salomon-Trung Quốc được cho là đã giáng một đòn khá mạnh vào hình ảnh của Australia, thậm chí được coi là “thất bại tình báo tồi tệ nhất” của Australia trong hơn 2 thập kỷ qua, theo lời Thượng nghị sỹ Rex Patrick.

Nội dung hiệp ước và ảnh hưởng của nó đến an ninh quốc phòng Australia

Theo ý kiến chuyên gia, việc ký kết một hiệp định an ninh với Salomon nằm trong chiến lược bành trướng lâu dài của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương. Từ sau năm 1949, khi chế độ Cộng hòa Nhân dân được thiết lập tại Bắc Kinh, Đài Loan với danh nghĩa Trung hoa Dân quốc vẫn tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với hầu hết các đảo quốc trong vùng.

Do đó, một cuộc tranh đua ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc không thể tránh được tại khu vực này. Tuy nhiên, vị thế của Đài Loan suy yếu dần từ sau năm 1972 khi Trung Quốc thay thế Đài Loan với tư cách Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Năm 1978, Trung Quốc bắt đầu tiến trình cải cách theo mô thức của ông Đặng Tiểu Bình. Khi đã trỗi dậy về kinh tế và quân sự, đặc biệt kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc từ năm 2012, Trung Quốc đã theo đuổi chính sách bành trướng và xác quyết chủ quyền mạnh mẽ với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng.

Với sách lược vươn ra toàn cầu này, Bắc Kinh coi 2 khu vực phía Nam có tầm chiến lược quan trọng là Biển Đông và vùng biển Nam Thái Bình Dương. Tại Biển Đông, Bắc Kinh hầu như đã hoàn tất kế hoạch quân sự hóa, sau khi vi phạm chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam. Tại Nam Thái Bình Dương, Bắc Kinh sử dụng sức mạnh kinh tế tài chính và ngoại giao để thiết lập đầu cầu chiến lược mà Quần đảo Salomon là một trong số các mục tiêu đầu tiên.

[Bầu cử Australia: Lãnh đạo hai đảng lớn tranh luận trực tiếp lần thứ 3]

Tháng Ba vừa qua, một bản thảo của Bản ghi nhớ đã rò rỉ trên mạng xã hội cho thấy Trung Quốc và Salomon đang thảo luận một hiệp định an ninh song phương.

Chính phủ Australia đã xác nhận tài liệu rõ rỉ này và điều đó có nghĩa là Canberra đã biết được cuộc thảo luận đằng sau hậu trường. Văn bản chính thức của Hiệp định được ký hôm 19/4 vừa qua không được phổ biến. Nhưng theo văn bản bị rò rỉ, Salomon đồng ý cho Trung Quốc triển khai lực lượng (cảnh sát, quân đội) để bảo vệ an ninh cho viên chức Bắc Kinh và các cơ sở, dự án của Trung Quốc tại Salomon; đồng thời các tàu chiến Trung Quốc cũng có thể thăm viếng và thực hiện công tác tiếp vận hậu cần thông qua lãnh thổ Salomon.

Quần đảo Salomon chỉ cách bang Queensland của Australia khoảng 2.000km nên sự hiện diện quân sự của Bắc Kinh là mối đe dọa lớn đối với Australia. Nếu Bắc Kinh thiết lập căn cứ quân sự, đó là một hành động vượt “lằn ranh đỏ.”

Từ Canberra, Bộ trưởng Nội vụ Karen Andrews và Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton cảnh báo một khi đã thiết lập được đầu cầu quân sự tại Salomon, Bắc Kinh sẽ bành trướng đến các đảo quốc khác, như Bắc Kinh đã từng bước chiếm đóng và quân sự hóa Biển Đông theo phương án "tằm ăn dâu."

Dù Thủ tướng Salomon Manasseh Sogavare nhiều lần khẳng định sẽ không có căn cứ quân sự nào của Trung Quốc được xây dựng trên quốc đảo, Bộ trưởng Andrews cho rằng trong vài năm tới, Trung Quốc có thể sẽ đưa quân đến Salomon và đó sẽ là con đường mà Bắc Kinh đi ở Thái Bình Dương.

Phản ứng quốc tế trước sự ra đời của Hiệp ước

Tại Australia, chính phủ Liên đảng Tự do Quốc gia không ngạc nhiên về Hiệp ước trên. Thật ra, Thủ tướng Scott Morrison đã nỗ lực can thiệp để ngăn cản việc ký kết nhưng không thành công.

Ông Morrison từng cử lãnh đạo các cơ quan Tình báo và Bộ trưởng Phụ trách Viện trợ Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương Zed Seselja đến Salomon để thảo luận vấn đề này nhưng đều không có kết quả. Trong khi đó, Thủ tướng Salomon Sogavare khẳng định bên cạnh hiệp ước an ninh với Bắc Kinh, Salomon vẫn duy trì Hiệp ước an ninh tương tự đã ký với Australia năm 2017.

Thủ tướng Australia Scott Morrison. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đây là cơ sở pháp lý và thể theo yêu cầu của Salomon, Australia đã gửi cảnh sát và quân đội đến Honiara hồi tháng 11/2021 để tái lập trật tự sau khi quần chúng nổi loạn đập phá nhiều cơ sở của Trung Quốc. Một phần của lý do dẫn đến cuộc nổi loạn này là vì công chúng bất mãn với quyết định của ông Sogavare bỏ rơi Đài Loan để thiết lập quan hệ với Bắc Kinh. Nội bộ Salomon cũng chia rẽ và lãnh đạo đối lập Matthew Wale cũng chống đối sự thay đổi chính sách này.

Tại Mỹ, chính quyền Joe Biden cũng coi đây là diễn tiến quan trọng và đã cử một phái đoàn gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) do Tiến sỹ Kurt Campbell - điều phối viên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng - dẫn đầu thăm Salomon và Papua New Guinea, Fiji ở Nam Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Bắc Kinh thông báo Hiệp ước đã được ký ngày 19/4, tức 2 ngày trước khi phái đoàn Mỹ đặt chân đến Honiara. Nhưng nếu Bắc Kinh thiết lập căn cứ quân sự tại Salomon, Washington tuyên bố sẽ có “phản ứng thích hợp.”

Trước mối đe dọa gia tăng từ Bắc Kinh, Nhật Bản đã tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng với Australia. Tháng Tư vừa qua, không quân Australia và Nhật Bản đã diễn tập tiếp liệu trên không để gia tăng khả năng phối hợp hoạt động chung.

Trong số các đồng minh, New Zealand có phản ứng chừng mực vì Tổng thống Jacinda Ardern không bị đảng đối lập chỉ trích mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng như người đồng nhiệm Australia, dù đã can thiệp, bà Ardern đã không thể ngăn cản sự ra đời của hiệp ước trên.

Hiệp ước an ninh giữa Honiara và Bắc Kinh đã làm cho nội các đương nhiệm ở Canberra thêm bối rối trước thềm tổng tuyển cử vào ngày 21/5 tới. Chính sách Nam Thái Bình Dương vốn là một trong những vấn đề chi phối các cuộc tranh luận giữa các đảng phái. Trong những ngày qua, hai đảng lớn nhất của Australia là Liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền và Công đảng đối lập đã tranh luận và có những chính sách ứng phó đáng chú ý.

Tại Australia, Liên đảng Tự do-Quốc gia bảo thủ được coi là có thế mạnh trong lĩnh vực an ninh quốc phòng so với Công đảng theo xu hướng trung tả. Do đó, sự kiện một quốc đảo như Salomon ký Hiệp ước An ninh với Trung Quốc là một diễn tiến rất tiêu cực và bất lợi cho Thủ tướng Morrison. Việc này càng khó bào chữa khi Salomon nhận được rất nhiều viện trợ từ Australia. Chính phủ Morrison cũng đã có kế hoạch gọi là “Step Up” để cải thiện bang giao với các nước trong Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.

Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng đối lập Anthony Albanese liên tục chỉ trích Thủ tướng Morrison về điều mà ông gọi là sự thất bại ngoại giao lớn nhất của Australia kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thủ tướng đương nhiệm, lãnh đạo đảng Tự do, Scott Morrison (phải) và lãnh đạo Công đảng Anthony Albanese. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Albanese cam kết nếu thắng cử, chính phủ Công đảng sẽ tăng thêm 500 triệu AUD trong vòng 4 năm cho ngân sách viện trợ phát triển Nam Thái Bình Dương và theo đuổi một nền ngoại giao năng động hơn.

Tính toán của Bắc Kinh khi công bố Hiệp ước an ninh với Solomon

Việc Trung Quốc công bố Khung hiệp ước đúng thời điểm Australia đang diễn ra vận động tranh cử được cho là nhằm mục đích đào sâu thêm bất đồng trong nội bộ chính trường Australia.

Tại Australia, có nguồn dư luận cho rằng thời điểm ký kết không phải ngẫu nhiên mà xảy ra ngay vào tuần lễ thứ hai của cuộc vận động tranh cử Quốc hội Liên bang.

Bộ trưởng Nội vụ Andrews đã đặt nghi vấn phải chăng thời điểm ký kết được chọn để tác động đến cuộc vận động tranh cử ở Australia. Công đảng đã chụp ngay lời phát biểu này để yêu cầu chính phủ chia sẻ nguồn tin tình báo, một yêu cầu mà Thủ tướng Morrison đã không đáp ứng.

Chính Bắc Kinh cũng đã phủ nhận cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tại Australia. Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn biết rằng trong Công đảng Australia, một vài nhân vật từng tỏ ra “thân thiện” với Bắc Kinh, chẳng hạn như nghị sỹ Richard Marles, Phó chủ tịch Công đảng.

Ông Marles từng được cho là đã phát biểu rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương không có gì đáng quan ngại.

Hiệp ước Salomon-Trung Quốc có thật sự tác động đến lá phiếu của cử tri Australia?

Nhìn vào các trận hải chiến giữa hải quân Mỹ-Australia và Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai, không ai có thể lập luận các đảo quốc Nam Thái Bình Dương và Quần đảo Solomon nói riêng là không quan trọng về mặt chiến lược.

Nhiều chuyên gia, như nhà phân tích Mỹ James Carouso, coi việc Mỹ đóng cửa sứ quán tại Salomon 30 năm trước là một sai lầm. Vì vậy, gần đây, khi thăm Nam Thái Bình Dương và Salomon, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Điều phối viên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Campbell đã thông báo Mỹ sẽ mở cửa lại sứ quán tại Honiara.

Trở lại cuộc vận động bầu cử lập pháp hiện nay tại Australia, chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc và Salomon ký Hiệp ước an ninh là một diễn biến nổi bật, có thể có ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử theo hướng bất lợi cho Thủ tướng Morrison./.