Những giả định sai lầm của Trung Quốc về Đông Nam Á

Thứ hai, 27/6/2022 | 14:37 GMT+7

Mặc dù có đóng góp lớn cho nền kinh tế khu vực, một cuộc khảo sát gần đây về giới tinh hoa Đông Nam Á của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) cho thấy Trung Quốc là nước kém tin cậy nhất trong khu vực.

Toàn cảnh hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác tại Trùng Khánh, Trung Quốc ngày 7/6/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com và Sputnik, hội nghị rất được chờ đợi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và 8 nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại Washington hồi tháng Năm đã đặt Trung Quốc vào tình trạng báo động.

Bất chấp những thành quả kinh tế to lớn của Bắc Kinh, Mỹ đã có được sự ủng hộ của ASEAN trong việc nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức “đối tác chiến lược toàn diện.”

Ngược lại, Trung Quốc từ lâu đã dần đánh mất sự tin cậy của người dân Đông Nam Á. Mặc dù có đóng góp lớn cho nền kinh tế khu vực, một cuộc khảo sát gần đây về giới tinh hoa Đông Nam Á của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) cho thấy Trung Quốc là quốc gia kém tin cậy nhất trong khu vực.

Cũng theo khảo sát này, Mỹ là đối tác đáng tin cậy thứ hai, sau Nhật Bản.

Nếu Trung Quốc có thể mang đến những gì Mỹ còn thiếu ở Đông Nam Á, vậy tại sao họ lại không được tin tưởng bằng?

Các tranh chấp hàng hải và lãnh thổ có lẽ là câu trả lời rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề này còn bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa hơn, như việc Trung Quốc coi thường giá trị của sự tự chủ và toàn diện trong khu vực.

Chắc chắn, chiến lược của Trung Quốc xuất phát từ những giả định sai lầm về tình hình ngoại giao ở Đông Nam Á.

Giả định đầu tiên của Bắc Kinh là các nước Đông Nam Á sẵn sàng đẩy mạnh phát triển kinh tế để đổi lấy quyền tự chủ của họ.

Trung Quốc đã đúng khi cho rằng các nước trong khu vực ưu tiên hàng hóa công và phát triển kinh tế, và một trong những thiếu sót trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington là bản chất quân sự hóa quá mức của nó.

Cuộc đàm phán muộn màng của Tổng thống Biden về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã bị phủ bóng bởi nhiều hiệp định thương mại khác nhau của Trung Quốc tại khu vực này.

Điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu nhầm là người dân Đông Nam Á sẽ không đánh đổi quyền tự chủ của mình chỉ để đảm bảo các mục tiêu kinh tế.

Nhiều thập kỷ can dự từ bên ngoài và các cuộc đấu tranh chống chế độ thực dân đã khiến chủ quyền trở thành yếu tố bất khả xâm phạm. Trước và trên hết, việc duy trì quyền tự chủ luôn là mục tiêu của các nền pháp chế trong khu vực.

Thật không may, tầm ảnh hưởng kinh tế đã khiến Trung Quốc không ưu tiên tôn trọng tính toàn vẹn của các nước Đông Nam Á, còn sự can dự kinh tế của Bắc Kinh lại đi kèm với chủ nghĩa bành trướng đang đe dọa khu vực này.

Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng gần gấp đôi, từ 443 USD năm 2013 lên 878 tỷ USD năm 2021. Đồng thời, Bắc Kinh đã bồi đắp khoảng 1.300 hecta đất nhân tạo và quân sự hóa hoàn toàn ít nhất 3 hòn đảo trên Biển Đông, kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu thúc đẩy chính sách “Ngoại giao láng giềng” vào năm 2013.

[Australia, Mỹ, Nhật phản đối hành động vi phạm luật pháp ở Biển Đông]

Theo phân tích của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), chiến lược của Trung Quốc là để khuếch đại ảnh hưởng kinh tế, đồng thời “khắc phục các khía cạnh có vấn đề trong hành vi của họ, bao gồm cả ở Biển Đông.”

Tuy nhiên, kết quả lại hoàn toàn trái ngược. Thái độ cứng rắn của Trung Quốc đã khiến họ không thể tận dụng tầm ảnh hưởng kinh tế để có được sự tin cậy của người dân trong khu vực.

Nhóm Bộ Tứ gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ ra tuyên bố ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.(Nguồn: Getty Images)

Là những nước láng giềng, người dân Đông Nam Á đã quan sát cách Trung Quốc trừng phạt các nước khác, trong đó có cả các biện pháp trừng phạt bị coi là không phù hợp với Australia.

Từ những hành động ép buộc của Trung Quốc ở Biển Đông, không có gì ngạc nhiên khi các nước trong khu vực không tin tưởng vào ý đồ của Bắc Kinh.

Đông Nam Á là một khu vực mở

Giả định sai lầm thứ hai của Trung Quốc là các nước Đông Nam Á sẵn sàng phụ thuộc vào tầm ảnh hưởng của một cường quốc duy nhất - miễn là điều đó có lợi.

Ngoài kích thích kinh tế, Trung Quốc đã kết hợp “sức mạnh phát ngôn” như một phần trong chiến lược đối với khu vực này. Trung Quốc đã đặt ra nhiều khẩu hiệu ngoại giao khác nhau, nhấn mạnh "tính tương đồng" giữa các đối tác, trong đó có "Cộng đồng chung vận mệnh" và gần đây nhất là "Sáng kiến an ninh toàn cầu.”

Tuy nhiên, những khẩu hiệu này chỉ tạo ấn tượng rằng Trung Quốc muốn xây dựng một quan hệ đối tác độc quyền, theo đó đặt các nước Đông Nam Á dưới sự kiểm soát theo thứ bậc của Bắc Kinh.

Các nhà lãnh đạo khu vực hẳn không quên nhận xét của cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội năm 2010 rằng “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, và đó là thực tế.”

Mặc dù trong lịch sử, có lẽ một số vùng ở Đông Nam Á từng tồn tại theo một trật tự thứ bậc của Trung Quốc - cái gọi là “hệ thống triều chính” - nhưng toàn bộ khu vực thì chưa từng tuân theo một trật tự nào.

Họ luôn cởi mở và dễ dàng tiếp thu các tác động bên ngoài.

Evan Laksmana thuộc Đại học Quốc gia Singapore đã viết: “Việc không có một ‘hệ điều hành’ được coi là một đặc trưng, không phải lỗi của trật tự khu vực” ở Đông Nam Á. Do đó, tuyên bố rằng Đông Nam Á là một “phần độc quyền” trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc là không có giá trị lịch sử.

Điều mà các nước Đông Nam Á mong muốn là một trật tự khu vực rộng mở và bao trùm, nơi họ có thể tối đa hóa quyền tự chủ. Chiến lược của Trung Quốc mâu thuẫn với mục tiêu này.

Điều này bao gồm việc Trung Quốc kiên quyết hạn chế sự hiện diện quân sự của nước ngoài (phương Tây) ở Biển Đông thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và các âm mưu khác nhằm áp đặt ảnh hưởng độc quyền đối với khu vực này.

Không phải “sân sau” của bất kỳ ai

Trung Quốc sẽ không thể lôi kéo các nước Đông Nam Á nếu đe dọa các giá trị nền tảng cho trật tự khu vực của họ. Ảnh hưởng kinh tế và sức mạnh phát ngôn vốn đã yếu của Trung Quốc sẽ trở nên vô ích, nếu họ không tôn trọng chủ quyền và quyền tự chủ của các quốc gia trong khu vực.

Trung Quốc nên từ bỏ ý định “mua chuộc” các nước Đông Nam Á bằng hàng hóa kinh tế và biệt ngữ chính trị đồng thời xem xét một chiến lược khu vực mới phù hợp và dễ thích ứng hơn với bối cảnh địa phương.

Thể hiện sự tôn trọng bằng cách không coi các nước Đông Nam Á như một phần “sân sau” của Trung Quốc sẽ là bước đi đầu tiên./.