Khu vực Mỹ Latinh đối mặt với một trật tự an ninh mới

Thứ hai, 25/7/2022 | 14:29 GMT+7

Hợp tác giữa các lực lượng an ninh địa phương của các nước Mỹ Latinh đã gặp nhiều trở ngại, thậm chí là “nhúng chàm” bởi sự thâm nhập mà các tổ chức tội phạm ma túy đã cố gắng củng cố.

Cảnh sát Panama trưng bày số ma túy thu giữ trong chiến dịch chống buôn lậu ma túy tại Panama City. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khu vực Mỹ Latinh đang phải đối mặt với một thách thức lịch sử.

Tình trạng gia tăng nạn buôn bán ma túy và mối liên kết ngày càng sâu sắc của những kẻ tội phạm với các tổ chức khủng bố cho thấy những chuyển đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực an ninh khu vực.

Theo phân tích của trang mạng revistafal.com, sự hội tụ đáng chú ý giữa các nhóm tội phạm khác nhau, theo đuổi các mục tiêu khác nhau, cho thấy những biến động đáng quan ngại trong quy mô và mức độ phức tạp của tội phạm có tổ chức và khủng bố trong khu vực, nhất là khi xét về khả năng hoạt động, nguồn lực và hậu cần đã tăng lên về mặt chất lượng cũng như số lượng.

[Mexico thu giữ lượng chất gây nghiện lớn nhất trong lịch sử]

Trong bối cảnh đó, hợp tác giữa các lực lượng an ninh địa phương của các nước Mỹ Latinh đã gặp nhiều trở ngại, thậm chí là “nhúng chàm” bởi sự thâm nhập mà các tổ chức tội phạm này đã cố gắng củng cố.

Ngoài các trường hợp nổi tiếng của Colombia, Mexico và biên giới ba nước gồm Argentina, Brazil và Paraguay, nay còn có thêm Ecuador, một quốc gia được nhiều đối tượng tội phạm lựa chọn do vị trí địa chiến lược.

Trong bối cảnh này, người ta cho rằng cần phải phân tích cách thức hoạt động của các tổ chức tội phạm và thực hiện phân tích các cơ sở hoạt động tiềm năng để đưa ra các giải pháp toàn diện khả thi giữa các quốc gia trong khu vực.

Dù có những chia rẽ nội bộ nghiêm trọng ở cấp độ bầu cử và xã hội, nhưng những nhà lãnh đạo khu vực cần phải ưu tiên hợp tác trong các vấn đề an ninh và thừa nhận tầm quan trọng của Mỹ trong vấn đề này.

Mỹ Latinh chia sẻ một khuôn mẫu văn hóa giúp cho sự hợp tác trở nên khả thi hơn nhiều, vì ngay Trung Quốc và Nga đều không có kiến thức phong phú về khu vực như Mỹ, và thực tế là cả hai quốc gia này sẽ không khó can dự nhiều hơn ngoài các khoản hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và các phương tiện kỹ thuật nhất định.

Trong trường hợp của Nga, hệ quả của cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine sẽ buộc Nga phải phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho các vấn đề chiến lược nội bộ. Bởi lẽ đó, Mỹ Latinh sẽ xếp sau trong danh sách các lợi ích quốc tế của Moskva.

Về phần mình, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến các vấn đề kinh tế-chiến lược, chẳng hạn như cảng biển và viễn thông, nhằm tăng cường dự án toàn cầu Sáng kiến “Vành đai và Con đường Tơ lụa Mới,” do đó, dù là nhà cung cấp vật liệu quốc phòng cho một số quốc gia Mỹ Latinh, nhưng Bắc Kinh sẽ không can dự, ít nhất là trong trung hạn, vào các vấn đề an ninh nội khối.

Để đưa ra các sáng kiến hợp tác hiệu quả, bất chấp sự suy giảm đáng kể trong lực lượng an ninh của tất cả các quốc gia khu vực, cần phải đánh giá bản chất của những gì các quốc gia Mỹ Latinh đang phải đối mặt để thiết lập một lộ trình đáp ứng thách thức lớn này.

Trường hợp của Ecuador có thể là một ví dụ minh họa bởi chỉ trong 5 năm qua quốc gia này đã chịu những ảnh hưởng không nhỏ bởi nạn buôn bán ma túy.

Theo báo cáo gần đây nhất từ Viện Thống kê và Điều tra của Ecuador, công bố hồi tháng 5/2022, và số liệu từ Bộ Chính phủ và Văn phòng Tổng Chưởng lý bang, trong quý đầu tiên của năm 2021, số vụ giết người có chủ đích tại Ecuador là 697 vụ, trong khi đó cùng kỳ năm 2022, con số này là 1.322, cao hơn 89,7%.

Đặc biệt nổi bật là việc sử dụng chất nổ trong các vụ phạm tội, chẳng hạn như vụ xảy ra tại các nhà tù Guayas, Esmeraldas và Guayaquil trong những tháng đầu năm nay.

Tương tự, việc sử dụng máy bay không người lái chứa đầy chất nổ dường như cho thấy mức độ ngày càng tinh vi của các nhóm tội phạm có tổ chức.

Trong bối cảnh đó, theo báo cáo của InSight Crime, chỉ trong một tuần, vào đầu tháng 5/2022, ba nhân viên an ninh đã thiệt mạng trong các vụ tấn công, và một số trường hợp có dấu hiệu bị tra tấn.

Dựa trên dữ liệu do Horizon Intelligence tổng hợp, trong lãnh thổ Ecuador, phần lớn các vụ việc liên quan đến sản xuất và buôn bán chất ma túy tập trung chủ yếu ở ba điểm: biên giới phía Bắc Ipiales-Tulcán; thành phố Esmeraldas, đặc biệt là ở khu vực cảng; và vùng trung tâm phía Nam Guayaquil, tỉnh Guayas.

Tất nhiên, sự gia tăng nhanh chóng về tội phạm và bạo lực ở Ecuador không tách rời khỏi các vấn đề an ninh nghiêm trọng ở Mỹ Latinh. Los Choneros, một trong những tổ chức tội phạm lớn nhất ở Ecuador, được biết nằm trong đường dây buôn bán ma túy của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC).

Nhiều băng đảng Mexico khác cũng tham gia vào cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát đường dây buôn bán ma túy này.

Sự gia tăng nhanh chóng bạo lực, “sản phẩm” của các cuộc cạnh tranh giữa các băng nhóm tội phạm (ví dụ như trong nhà tù), và sự tập trung chủ yếu ở các khu vực miền núi Nariño cho đến các thành phố cảng phía tây Ecuador, và sự xâm nhập ngày càng tăng của quân du kích Colombia cùng các băng đảng Mexico cho thấy bước ngoặt mới trong nạn buôn bán ma túy quốc tế, nơi các băng nhóm tội phạm có thể tìm cách tiến tới hợp tác để cùng chia sẻ lợi ích.

Trật tự an ninh mới trong khu vực cho thấy sự xuất hiện của các tác nhân có giá trị địa chiến lược khác nhau, từ sản xuất cho đến mạng lưới hỗ trợ và hậu cần phức tạp với phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh mới này, Ecuador được coi là một địa bàn trọng yếu trong các hoạt động vận chuyển và hậu cần ma túy quốc tế.

Trung tuần tháng 4, nhà chức trách Ecuador đã bắt giữ một lô hàng kỷ lục gồm 7 tấn cocaine tại cảng Guayaquil, với đích đến là cảng Antwerp, Bỉ.

Nhiều vụ việc tương tự cũng đã được phát hiện từ năm 2020 tại Bulgaria, Estonia, Hy Lạp, Italy, Hà Lan và Bờ Tây của Mỹ. Ecuador hiện được coi là trung tâm hậu cần chính cho việc xuất khẩu ma túy.

Đặc biệt, cảng Guayaquil đã được Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá là trung tâm hậu cần chính cho vận chuyển ma túy sang châu Âu và Mỹ.

Thách thức lớn mà Ecuador phải đối mặt hiện nay từ tội phạm có tổ chức là nguy cơ các dịch vụ an ninh bị các băng nhóm tội phạm qua mặt, trong khi hợp tác khu vực dường như ngày càng rời rạc và hạn chế.

Trước viễn cảnh đáng lo ngại này, các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh cần phải biết cách phân biệt lợi ích chính trị và xã hội với những đòi hỏi của bối cảnh an ninh đáng báo động.

Dù những vấn đề xung quanh an ninh khu vực có thể làm nảy sinh những bất đồng về ý thức hệ, an ninh là vấn đề cấp bách đủ để tạo ra động lực lớn giúp các bên có thẻ vượt qua rào cản và tập trung vào các chiến lược khả thi, củng cố một mô hình an ninh toàn diện.

Những yếu tố tối quan trọng là cung cấp dữ liệu tình báo và đào tạo nước ngoài, hợp tác thông tin và thiết lập các mô hình phối hợp đối phó với tội phạm có tổ chức... là những nội dung đang có được sự hậu thuẫn đáng kể về mặt chính trị để phát triển các nguồn lực, thúc đẩy cam kết và trên hết là tính chuyên nghiệp./.