Những điều khiến cuộc tập trận RIMPAC 2022 trở nên đặc biệt

Thứ sáu, 29/7/2022 | 15:14 GMT+7

Đặc điểm và bối cảnh của RIMPAC năm nay đã làm cho sự kiện trở nên quan trọng và thu hút sự chú ý hơn, đặc biệt là trong việc giới thiệu các phát triển mới của các lực lượng hải quân trong khu vực.

Hải quân Hàn Quốc và Mỹ tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2022 do Mỹ dẫn đầu hiện vẫn là cuộc tập trận hàng hải đa quốc gia lớn nhất hiện nay.

Nhưng tập trận RIMPAC năm nay mang ý nghĩa đặc biệt do bối cảnh và một số diễn biến hải quân được phô bày, theo như nhận định của hai chuyên gia Nick Childs và James Hackett thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế IISS.

[Bắt đầu cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn đầu]

Tập trận RIMPAC được tổ chức hai năm một lần, do Mỹ tổ chức và dẫn đầu, từ lâu đã được coi là cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới và là một sự kiện chính về hàng hải và hải quân tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, đặc điểm và bối cảnh của RIMPAC năm nay, được triển khai từ cuối tháng 6 và hiện đang trong giai đoạn tập trận chính, đã làm cho sự kiện trở nên quan trọng và thu hút được nhiều sự chú ý hơn, đặc biệt là trong việc giới thiệu các phát triển mới của các lực lượng hải quân trong khu vực.

Về lực lượng tham gia

Theo các số liệu thống kê cơ bản về lực lượng, RIMPAC 2022 tương đối như thường lệ, với 26 quốc gia tham gia, đóng góp khoảng 38 tàu mặt nước với tổng số 25.000 nhân viên.

Mỹ vẫn là nước đóng góp lớn nhất, với các lực lượng nòng cốt bao gồm tàu sân bay USS Abraham Lincoln và tàu tấn công đổ bộ USS Essex, cùng với sự tham gia lần đầu tiên của tàu tuần dương USS Michael Monsoor lớp Zumwalt.

Tuy nhiên, phần lực lượng còn lại của RIMPAC đã cho thấy sự phát triển của các cường quốc hải quân khác trong khu vực.

Để thể hiện năng lực ngày càng tăng của lực lượng hải quân, Hàn Quốc đã cử một lực lượng rất ấn tượng, với tàu tấn công đổ bộ sàn lớn mới Marado và tàu tuần dương được trang bị Aegis Sejong Đại đế.

Ngoài ra, Hàn Quốc đã triển khai một tàu khu trục và một tàu ngầm tấn công thông thường, máy bay P-3 Orion và một đội thủy quân lục chiến.

Theo hải quân nước này, đóng góp của lực lượng này cho cuộc tập trận 2022 là lớn nhất kể từ khi nước này bắt đầu gửi lực lượng đến RIMPAC vào năm 1990.

Ngoài ra, RIMPAC 2022 còn có sự tham gia của hai tàu sân bay trực thăng, gồm tàu Izumocủa Nhật Bản, hiện đang trong quá trình sửa đổi để vận hành máy bay chiến đấu F-35B Lightning II và tàu HMAS Canberra của Australia.

Việc cử tàu Izumo đã phản phản ánh tham vọng của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản nhằm mở rộng khả năng của mình, bao gồm hoạt động hiệu quả hơn và độc lập hơn ở tầm xa, trong khi hải quân Australia đang muốn thể hiện khả năng hoạt động của nhóm tác chiến đặc biệt cũng như sức mạnh tiềm tàng.

Về nội dung diễn tập

RIMPAC 2022 cũng phản ánh một số xu hướng khác. Cuộc tập trận thực hiện theo phương châm "Đối tác thích ứng có thể thay đổi," do đó nhấn mạnh ưu tiên quốc phòng của Mỹ là cải thiện khả năng tương tác và khả năng thay thế lẫn nhau với và giữa các đồng minh và đối tác như một phần trong chiến lược răn đe tổng hợp của Mỹ.

Nội dung tập trận cũng liên quan đến nhiều yếu tố "tự do" hơn, phản ánh một xu hướng khác, hướng tới sự phức tạp và hiện thực hơn trong các cuộc tập trận hải quân gần đây.

Có sự tích hợp nhiều hơn các nền tảng thiết bị không người lái, bao gồm cả máy bay không người lái (UAV) General Atomics MQ-9. Ngoài ra. RIMPAC 2022 còn có sự chú trọng nhiều hơn vào hệ thống mạng và phân tán hoả lực.

RIMPAC 2022 cũng chú trọng vào các khóa huấn luyện-đào tạo, được coi là phương châm của RIMPAC 2022 nhằm nâng cao năng lực.

Trong giai đoạn huấn luyện trên bộ trước khi tham gia vào tập trận trên biển, quân đội các nước như Australia, Indonesia, Malaysia, Mexico, Hàn Quốc và Sri Lanka đã tập huấn các các nhiệm vụ bao gồm tác chiến trong rừng, kỹ năng bắn tỉa và chiến đấu đô thị cũng như kỹ năng quân sự nói chung.

Các nhân viên lực lượng đặc biệt từ Đức, Nhật Bản và Mỹ cũng tham gia các cuộc tập trận trên bộ ở Hawaii, trong khi các cuộc tập trận của lực lượng đặc biệt trên biển bao gồm các thành phần từ Đức, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Các chỉ huy quân đội Mỹ khẳng định RIMPAC không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, tất cả các xu hướng hoạt động và tập trận này chủ yếu được thúc đẩy bởi năng lực hải quân và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời phản ánh nỗ lực của Mỹ và các đồng minh cũng như đối tác để chống lại mối đe doạ này.

RIMPAC cũng phản ánh ý thức rõ ràng hơn về sự gia tăng cạnh tranh trên biển. Chỉ một vài năm trước, Trung Quốc đã từng là khách mời trong một số lần tổ chức RIMPAC, nhưng không được mời vào năm 2018 vì Mỹ và Trung Quốc không giải quyết được thực trạng Trung Quốc tiếp tục củng cố vị thế ở Biển Đông.

Ngoài ra, còn có thêm bối cảnh căng thẳng gia tăng về cuộc chiến Ukraine và những hậu quả tiềm tàng tại châu Á, bao gồm tác động đối với bất kỳ nỗ lực nào có thể xảy ra của Trung Quốc để chiếm Đài Loan bằng vũ lực và cách thức đối phó với điều đó.

Một yếu tố khác trong bối cảnh cho RIMPAC năm nay là hoạt động hải quân và không quân gần đây của cả Trung Quốc và Nga, trong một số trường hợp có sự phối hợp với nhau.

Trên thực tế, các cuộc diễn tập hải quân phức tạp hơn và quyết đoán hơn đã ngày càng trở nên quan trọng như một phần của thông điệp chiến lược cường quốc, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Điều này đặc biệt đáng chú ý giữa Mỹ và các đồng minh cũng như đối tác khi đối mặt với thách thức từ Trung Quốc.

Theo nghĩa đó, một phần quan trọng khác trong đặc điểm và bối cảnh của RIMPAC là mặc dù nó vẫn là cuộc tập trận lớn nhất trong các cuộc tập trận đa phương, nhưng đang diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều cuộc tập trận đa quốc gia và nhiều tàu tham vọng khác./.