Hong Kong: Số hóa nền kinh tế không đơn thuần là tiêu dùng thẻ điện tử

Thứ bảy, 20/8/2022 | 16:30 GMT+7

Số người nhận tiền thông qua ứng dụng "Octopus" trên thực tế vẫn chỉ chiếm hơn 50% dân số Hong Kong, từ đó có thể thấy rằng quá trình số hóa nền kinh tế này vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo trang HK01, Cục trưởng Cục Tài chính Hong Kong (Trung Quốc) Trần Mậu Ba nhấn mạnh rằng muốn thúc đẩy phát triển kinh tế và mở rộng xu hướng bao trùm của các ngành công nghiệp, một mặt Hong Kong phải tạo điều kiện để người dân tham gia và hưởng lợi từ quá trình đó, mặt khác, Khu hành chính đặc biệt này cũng cần nâng cao mức độ nhận thức và công nhận xã hội đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp liên quan.

Người đứng đầu ngành tài chính Hong Kong lấy đợt phát hành phiếu tiêu dùng điện tử mới làm ví dụ, cho rằng kế hoạch đã phát huy vai trò trợ lực và thúc đẩy đối với việc "tăng tốc phát triển số hóa nền kinh tế."

Quả thực, phiếu tiêu dùng đã tạo ra động lực thúc đẩy nhiều người dân thành phố sử dụng phương thức tiêu dùng điện tử hơn và số người nhận tiền thông qua ứng dụng di động "Octopus" tăng lên khoảng 1 triệu người như lời Cục trưởng Trần Mậu Ba nói là một hiện tượng đáng mừng.

Tuy nhiên, nếu lấy số liệu năm 2021 để so sánh, chủ thể lựa chọn "Octopus" trên thực tế vẫn chỉ chiếm hơn 50% dân số Hong Kong, từ đó có thể thấy rằng quá trình số hóa nền kinh tế Hong Kong vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Cần ngăn chặn tâm lý tự mãn

Tháng 9/2021, "Báo cáo tình hình cải thiện năng lực cạnh tranh số toàn cầu năm 2021" (Digital Riser Report 2021) do Trung tâm Cạnh tranh số châu Âu thuộc Học viện kinh doanh châu Âu (ESCP) công bố cho thấy xếp hạng tổng thể về năng lực cạnh tranh số nói chung của Hong Kong ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã thể hiện rõ xu hướng suy giảm, đặc biệt là yếu tố tư duy (mindset), ngược lại là năng lực cạnh tranh của các nước và khu vực lân cận như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Mông Cổ, Singapore… đều gia tăng.

So sánh với sự kích thích tích cực mang lại từ quá trình thực hiện kế hoạch phát thẻ tiêu dùng điện tử, cần phải thấy rằng hiện nay vẫn có một lượng lớn người dân cầm thẻ "Octopus" xếp hàng chờ đến lượt để nhận tiền, hơn nữa còn có tình trạng doanh nghiệp và người tiêu dùng thông đồng lách luật, tất cả điều chứng minh tiêu dùng số không thực sự phổ cập trong xã hội.

Vấn đề trớ trêu là mặc dù các quan chức nhấn mạnh số lượng người sử dụng ứng dụng di động "Octopus" gia tăng, nhưng lại tồn tại thực tế giá trị tối đa tích trữ trong thẻ chỉ giới hạn ở mức 3.000 đôla Hong Kong (HKD). Điều này phản ánh sự thật là các cơ quan chức năng chưa đủ lực để "phá bỏ bức tường ngăn cách.

[Indonesia kêu gọi ASEAN củng cố lĩnh vực y tế và phát triển kinh tế số]

Hơn nữa, số hóa nền kinh tế không chỉ giới hạn ở phương diện tiêu dùng, các trình tự khác liên quan đến các giai đoạn vận hành của nền kinh tế cũng cần được số hóa tương tự.

Từ chương trình "Trợ cấp thất nghiệp tạm thời" 10.000 HKD sắp kết thúc có thể thấy rằng việc yêu cầu người nộp đơn phải chuẩn bị các bản sao khác nhau chứng minh tình trạng thất nghiệp và thu nhập đã làm trễ tốc độ xử lý, điều này phản ánh khâu lưu trữ hồ sơ việc làm và thu nhập của toàn bộ xã hội luôn thiếu dữ liệu chứng minh.

Chính phủ dẫn dắt phát triển

Trung Quốc đã đạt được những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực thúc đẩy số hóa nền kinh tế, đầu năm nay nước này đã công bố "Quy hoạch phát triển kinh tế số giai đoạn 5 năm lần thứ 14", xác định những chỉ tiêu phát triển cụ thể đến năm 2025 cho các công việc liên quan.

"Ý kiến về đẩy nhanh xây dựng thị trường lớn thống nhất cả nước" do Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện ban hành gần đây cũng là nguyên tắc "thị trường hiệu quả, chính phủ triển vọng", trong đó nêu rõ ngay từ ban đầu yêu cầu thực hiện tốt các công việc, bao gồm "đẩy nhanh chuyển đối số và nâng cấp thông minh hóa các thị trường hàng hóa".

Trong bối cảnh đó, Hong Kong không thể tụt lại phía sau về phương diện thúc đẩy số hóa nền kinh tế, chính quyền cần trực tiếp đối mặt, thừa nhận và cải thiện những vấn đề chưa thực hiện tốt. Chẳng hạn, kế hoạch phiếu tiêu dùng điện tử bộc lộ giới hạn giá trị lưu trữ của công cụ thanh toán phần cứng 3.000 HKD đã không còn phù hợp, cần nâng lên ngưỡng quy định của "Điều lệ chống rửa tiền và tài trợ khủng bố", hoặc "Điều lệ hệ thống thanh toán và công cụ lưu trữ giá trị thanh toán", đáng tiếc đến nay chính quyền Hong Kong vẫn chưa có động thái tương tự sau hơn một năm bộc lộ bất cập.

Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần rà soát toàn diện và phối hợp thống nhất việc thúc đẩy nền kinh tế số. Trong "Dự toán ngân sách" được công bố trước đó, Cục trưởng Trần Mậu Ba đã đề xuất thành lập một "Ủy ban phát triển kinh tế số", ủy ban này có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước để xây dựng bộ chỉ số kết quả công việc và lộ trình cụ thể, như vậy mới có thể thúc đẩy toàn bộ xã hội và nội bộ chính quyền thực sự đẩy nhanh tốc độ số hóa một cách hiệu quả, nếu không sẽ chỉ tạo ra ảo tưởng về thành tích như chương trình phiếu tiêu dùng, từ đó làm tê liệt và cản trở sự phát triển bền vững./.