Chuyển động địa chính trị: Trung Quốc và thực tế mới của Mỹ Latinh

Thứ tư, 30/11/2022 | 16:25 GMT+7

Nếu như 20 năm trước, các nền kinh tế quan trọng nhất của châu Mỹ đều coi Washington là đối tác thương mại chính thì có lẽ ngày nay chỉ có ba nước Mexico, Colombia và Canada còn giữ lập trường này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm và hội đàm với Tổng thống Panama Juan Carlos Varela (phải) tại Panama City, ngày 3/12/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư chính ở Mỹ Latinh, thay thế vị trí của Mỹ.

Hiện tượng này đặc biệt rõ ràng ở khu vực phía Nam của lục địa, nơi các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với gã khổng lồ châu Á và đã tăng cường đáng kể trao đổi thương mại, khoa học và công nghệ với Trung Quốc.

Nếu như 20 năm trước, các nền kinh tế quan trọng nhất của châu Mỹ đều coi Washington là đối tác thương mại chính thì có lẽ ngày nay chỉ có ba nước Mexico, Colombia và Canada còn giữ lập trường này.

[UNCTAD: Mỹ Latinh nằm trong số các nền kinh tế suy thoái mạnh nhất]

Cùng với các quốc gia Trung Mỹ và Caribe, Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, Peru và Uruguay đã hướng tới cường quốc châu Á.

Hiện tượng trên tạo nên một thực tế lục địa mới, trong đó lợi thế của Mỹ khi tiếp tục coi Mỹ Latinh là "sân sau" đã bị giảm đáng kể.

Mỹ Latinh: “Xa Thượng đế, gần Mỹ”

Với diện tích rộng gần 20 triệu km2 và gần 650 triệu dân, Mỹ Latinh bao gồm Nam Mỹ, các nước vùng biển Caribe và Trung Mỹ, được ví như một bức tranh màu đa dạng về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, chính trị.

Giàu tài nguyên khoáng sản, tiểu lục địa này từng là một trong những đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào đầu thế kỷ 21, và hiện nắm giữ một kỷ lục buồn - khu vực bất bình đẳng nhất thế giới.

Cựu Tổng thống Mexico Porfirio Diaz (1830-1915) từng nhận xét như sau về vị trí của đất nước: “Tuy xa Thượng Đế, mà gần Mỹ.” Đây là một nhận định có thể áp dụng cho phần còn lại của cả khu vực.

Thế nên, ngay từ những năm 1960, các nước Mỹ Latinh đã tìm cách thoát dần khỏi sự bảo hộ của Mỹ, tập hợp lại trong nhiều tổ chức khu vực để bảo vệ tốt hơn các lợi ích của mình.

Một loạt các định chế ra đời: Từ Hiệp hội tự do mậu dịch Mỹ Latinh (1960), Cộng đồng dãy Andes (1969), Liên minh Thái Bình Dương (2012) cho đến Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribe vì sự hội nhập và phát triển (Celac), Liên minh Bolivar các nước Mỹ Latinh (Alba) hay như Thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ (Alena) (2018) sau trở thành Thỏa thuận Canada-Mỹ-Mexico...

Một chiếc kính vạn hoa minh chứng cùng lúc mong mỏi và sự bất lực hợp nhất của Mỹ Latinh, theo như nhận xét của bà Sabine Jansen, Giáo sư CNAM, Tổng biên tập tạp chí Questions Internationales.

Mặt khác, cũng theo vị giáo sư này, Mỹ Latinh đã dần bị Mỹ bỏ lơ ngay từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc vào những năm 1990.

Giáo sư Sabine Jansen nhận định xu hướng này ngày càng tăng từ sau vụ khủng bố 11/9/2001, do Mỹ tập trung nhiều vào khu vực Trung Đông.

Kể từ năm 2011, người ta còn thấy có một sự chuyển trục sang châu Á, để rồi sau cùng Mỹ Latinh thật sự trở thành một kiểu "sân sau bị bỏ lơ" trong một quãng thời gian dài. Tình trạng này còn nghiêm trọng hơn dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngày nay, người ta nhận thấy rõ là đương kim Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực tìm cách quay lại. Nhiều quan chức Mỹ, kể cả giới chức quân sự, tỏ ra lo lắng cho an ninh quốc gia và nhất là bởi vì Washington đang lao vào một cuộc đọ sức lớn với Bắc Kinh.

Miếng mồi ngon của Trung Quốc

Với hai bề giáp đại dương là Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, ngoại trừ một số nước nằm sâu trong lục địa, rất nhiều nước tại Mỹ Latinh dễ dàng kết nối với thế giới.

Nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, đặc biệt là nước ngọt và cây rừng, đã biến vùng tiểu lục địa này thành “miếng mồi béo bở” mà nhiều nước thèm muốn, nhất là Trung Quốc.

Trong vòng hai thập niên qua, Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ lớn các khoáng sản dãy núi Andes, dầu khí Nam Mỹ và nguồn tài nguyên nông nghiệp bao la của Argentina và Brazil - đã dần bắt rễ tại khu vực mà không làm Mỹ mảy may bận tâm.

Theo ước tính, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh đã tăng vọt từ 18 tỷ USD trong năm 2003 lên 450 tỷ vào năm 2021.

Theo phân tích của hãng tin Reuters về dữ liệu thương mại của Liên hiệp quốc giai đoạn 2015-2021, loại trừ Mexico - đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ ở Mỹ Latinh và gia tăng lợi thế hồi năm ngoái.

Cụ thể, khi không tính Mexico, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Mỹ Latinh và Trung Quốc đạt gần 247 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 174 tỷ USD với Mỹ.

Trung Quốc trở thành đối tác hàng đầu của Brazil, Chile, Peru và Uruguay. Các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc đang gia tăng trong khu vực và Bắc Kinh mua rất nhiều đậu tương, ngô, thịt heo và xây dựng hàng loạt cầu đường, xe lửa, lưới điện.

Trung Quốc dẫn đầu ở Argentina, gia tăng lợi thế ở những “gã khổng lồ” về sản xuất đồng như Chile và Peru, đồng thời đạt bước tiến lớn tại Brazil bất chấp việc Tổng thống Jair Bolsonaro hoài nghi lợi ích kinh doanh của Bắc Kinh đang ảnh hưởng quá nhiều đến nước này.

Ðơn cử như Tập đoàn năng lượng khổng lồ State Grid của Trung Quốc sở hữu công ty cung cấp điện cho hơn 10 triệu ngôi nhà tại Brazil.

Công nhân Tập đoàn State Grid. (Nguồn: Reuters)

Nhà nghiên cứu người Pháp Emmanuel Veron, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, khẳng định Bắc Kinh sử dụng nợ vay như một "vũ khí chiến thuật" nhằm khẳng định chiến lược đa dạng hóa nguồn cung khoáng sản và nông nghiệp và để làm đối trọng với các cường quốc đối thủ, đi đầu là Mỹ.

Trung Quốc đã cho một số nước Mỹ Latinh vay đến 180 tỷ USD. Colombia, đồng minh của Mỹ, cũng đã cho Bắc Kinh thầu nhiều hợp đồng lớn như dự án tầu điện ngầm ở Bogota.

Ngay cả những nước được cho là vùng an toàn của Mỹ, sự hiện diện của Mỹ vẫn còn đó, nhưng đang chứng kiến sự ảnh hưởng, sự hiện diện của Trung Quốc có ở khắp các cảng biển lớn của Mỹ Latinh.

Chia sẻ quan điểm này, Tổng biên tập tạp chí Questions Internationales Sabine Jansen cho rằng với việc kỳ công đặt nhiều nền móng vững chắc như vậy, Trung Quốc sẽ không dễ gì rời bỏ Mỹ Latinh.

Washington đang nỗ lực tái di dời nhà xưởng về trong nước hay các nước lân cận, không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ và nhiều nước khác trong vùng, mà còn giúp bình ổn vấn đề di dân và an ninh khu vực. Tuy nhiên, so với Trung Quốc, Mỹ phần nào đã chậm bước.

Sự quan tâm của Trung Quốc đối với Mỹ Latinh không chỉ dừng ở thương mại và khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản, mà còn cả trên bình diện ngoại giao.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã 11 lần đến thăm khu vực này kể từ khi ông lên cầm quyền năm 2013.

Đến nay đã có 21 quốc gia Mỹ Latinh tham gia Sáng kiến Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, nhiều nước Trung Mỹ như Nicaragua và Panama cũng đã ngừng công nhận Đài Loan.

Trong khi đó, Mỹ lại làm điều ngược lại. Theo tính toán của một số nhà quan sát, số ngày cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm châu Á khi ông còn tại vị cao hơn nhiều so với số lần đến Mỹ Latinh.

Sự thức tỉnh muộn màng

Trước đà ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh tại khu vực, đô đốc Craig Faller, chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Nam của Mỹ phụ trách Mỹ Latinh trong phiên điều trần trước Thượng Viện hồi năm 2021 đã gióng chuông báo động: “Mỹ đang mất các lợi thế của mình tại vùng bán cầu này và cần hành động ngay tức thì để đảo ngược tình thế.”

Trong bối cảnh này, đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, làm thế nào chống lại đà đi lên của Trung Quốc tại Mỹ Latinh là nhiệm vụ khẩn cấp.

Mỹ lo ngại trước việc cả những đồng minh quan trọng của Mỹ như Colombia hay Chile không kháng cự được sức cám dỗ từ Trung Quốc.

Những nước này đã mở rộng cửa đón các nhà đầu tư Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, giao thông...

Thế nên, tại hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ, Nhà Trắng đã đề xuất sáng kiến “Đối tác vì sự thịnh vượng kinh tế châu Mỹ,” với mục tiêu là tái kích hoạt các định chế khu vực như Ngân hàng Phát triển toàn châu Mỹ, nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân, kích thích tăng trưởng kinh tế xanh và chống tham nhũng, đồng thời tăng cường trao đổi thương mại.

Theo Giáo sư Lịch sử Đương đại Olivier Compagnon thuộc Viện Nghiên Cứu Mỹ Latinh, đây là sự thức tỉnh khá muộn màng của nước Mỹ sau những cân nhắc địa chính trị trong khuôn khổ cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc.

Tổng thống Biden, người đi đầu về chính sách Mỹ Latinh trong nhiệm kỳ làm Phó Tổng thống cho ông Obama, từ lâu đã lập luận rằng Mỹ nên tìm cách lấy lại vai trò lãnh đạo trong khu vực để chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Các trợ lý của ông Biden từng đến Mỹ Latinh để cố gắng thuyết phục các nước trong khu vực rằng Washington là đối tác đáng tin cậy và minh bạch hơn trong việc kinh doanh, đồng thời công khai cáo buộc Trung Quốc sử dụng đầu tư để tạo ra “bẫy nợ” cho các nước.

Eric Farnsworth, một cựu quan chức Nhà Trắng hiện làm việc tại Viện nghiên cứu của Hội đồng châu Mỹ, chỉ ra rằng giá cả hàng hóa tăng cao đã thúc đẩy thương mại Mỹ Latinh-Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Farnsworth cũng thừa nhận rằng chương trình nghị sự chính sách đối nội bận rộn của Mỹ và xung đột ở Ukraine đã khiến Tổng thống Biden tập trung vào nơi khác.

Nguy cơ tiềm tàng từ cuộc đối đầu kinh tế đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn có những tác động địa chính trị không thể phủ nhận, có xu hướng căng thẳng hơn ở khu vực Mỹ Latinh.

Để ngăn chặn rủi ro này, Tổng thống López Obrador đề xuất thành lập một khu vực kinh tế tương tự như khu vực kinh tế châu Âu trên toàn bộ lục địa Mỹ, dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng những điểm khác biệt về thể chế và ý thức hệ của mỗi quốc gia.

Về phần mình, các nền kinh tế lớn khác của Mỹ Latinh cần cải tổ các chính sách thương mại của mình.

Việc Mỹ Latinh tăng cường trao đổi với Trung Quốc không ảnh hưởng gì đến việc khu vực này cũng đẩy mạnh giao thương với Mỹ, đưa Mỹ Latinh trở thành khu vực kinh tế năng động nhất trên thế giới./.