Nền kinh tế Xanh dưới thời Chủ tịch G20 Ấn Độ: Mệnh lệnh để phát triển

Thứ hai, 23/1/2023 | 08:26 GMT+7

Việc Ấn Độ đảm nhận chức Chủ tịch G20 từ Indonesia có ý nghĩa quan trọng, khiến Ấn Độ trở thành trung tâm của bộ ba (Indonesia, Ấn Độ và Brazil) ở khu vực Nam bán cầu tham gia chủ trì G20.

Công nhân vận chuyển gạo tại một chợ bán buôn ngũ cốc ở Amritsar, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ India Today đăng bài phân tích của Giám đốc Quỹ nghiên cứu nhà quan sát (ORF) Nilanjah Ghosh và Nghiên cứu viên cao cấp Srinath Sridnath, cho rằng mệnh lệnh Nền kinh tế Xanh (BE) đối với nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Ấn Độ được củng cố bởi thực tế là BE có ý nghĩa riêng đối với khu vực Nam bán cầu hơn so với khu vực Bắc Bán cầu. Sự khác biệt này thường không được hiểu đầy đủ.

Việc Ấn Độ đảm nhận chức Chủ tịch G20 từ Indonesia có ý nghĩa quan trọng, khiến Ấn Độ trở thành trung tâm của bộ ba (Indonesia, Ấn Độ và Brazil) ở khu vực Nam bán cầu tham gia chủ trì G20.

Do đó, nhiệm vụ của Chủ tịch G20 của Ấn Độ là làm nổi bật tầm quan trọng của BE từ khu vực Nam bán cầu.

Cho đến nay, hầu như không có định nghĩa nào được chấp nhận rộng rãi về BE.

Trong khi một định nghĩa chung hơn từ Ủy ban châu Âu liên quan đến BE là tất cả các hoạt động kinh tế liên quan đến biển và hệ sinh thái ven biển, các định nghĩa từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc kết hợp khía cạnh bền vững với diễn ngôn BE.

Dù vậy, tầm quan trọng toàn cầu của BE có thể được đánh giá từ thực tế là 80% thương mại thế giới diễn ra bằng đường biển, 40% dân số thế giới sống gần các khu vực ven biển và hơn 3 tỷ người tiếp cận các đại dương để kiếm sống.

Giá trị “vốn tự nhiên” của BE ước tính khoảng 25.000 tỷ USD, với giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất hàng năm ước tính khoảng 2.500 tỷ USD/năm, tương đương với nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tầm quan trọng của đại dương đối với Nam bán cầu

Tầm quan trọng của các đại dương đối với khu vực Nam bán cầu có thể được hiểu từ vai trò đối với sinh kế con người, thông qua việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái khác nhau mà cộng đồng ven biển phụ thuộc.

Các dịch vụ được cung cấp bởi nền kinh tế xanh thông qua chức năng hữu cơ của hệ sinh thái tự nhiên có thể được phân loại là dịch vụ cung cấp (thủy sản, vật liệu xây dựng, thực phẩm…), dịch vụ điều tiết (bể hấp thụ và hấp thụ carbon, ngăn ngừa xói mòn, kiểm soát sự kiện cực đoan…), dịch vụ văn hóa (du lịch, giải trí, thẩm mỹ và lợi ích tinh thần) và các dịch vụ hỗ trợ (duy trì quần thể động vật và địa phương, các nguyên tố và chu trình dinh dưỡng).

[Ấn Độ nhấn mạnh ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên G20]

Kinh tế học Hệ sinh thái và Đa dạng sinh học (TEEB) gọi các dịch vụ hệ sinh thái này là “GDP của người nghèo” vì phần lớn sinh kế và thu nhập của người nghèo được lấy từ các dịch vụ hệ sinh thái. Điều này đúng đối với các cộng đồng nghèo ven biển ở phía Nam bán cầu.

Ngoài ra, đại dương là biên giới kinh tế lớn tiếp theo, với nhiều ngành công nghiệp dựa trên đại dương đang phát triển nhanh, sẵn sàng trở thành động lực tăng trưởng trong tương lai của Nam bán cầu qua các hoạt động như năng lượng gió, nuôi trồng thủy sản ngoài khơi, khai thác đáy biển và công nghệ sinh học di truyền biển.

Trong bối cảnh này, Nam Á là khu vực đóng góp chính cho giỏ thực phẩm toàn cầu thông qua ngành thủy sản, với nghề đánh bắt thủ công ở khu vực Vịnh Bengal, đóng góp hơn 80% sản lượng cá biển.

Ngành đánh bắt cá sử dụng 15 triệu lao động ở Ấn Độ. Hơn nữa, du lịch ven biển và hàng hải chiếm 5% GDP thế giới và dự kiến tạo cơ hội việc làm cho khoảng 8,5 triệu người vào năm 2030, là một ngành nổi bật mang lại việc làm và sinh kế quy mô lớn ở khu vực phía Nam của châu Á.

Làm sao để đạt được SDG 14

Các nước còn một chặng đường dài để hướng tới các tiềm năng BE. Điều này chủ yếu là do thiếu đầu tư cho đổi mới nhằm hướng tới nền kinh tế xanh liên quan đến vốn tài chính và con người.

Mía đường được bày bán tại một chợ ở Bangalore, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc khảo sát gần đây của KPMG xác định Mục tiêu Phát triển Bền vững 14 của Liên hợp quốc (SDG 14) (Mục tiêu Phát triển Bền vững 14 - Cuộc sống dưới nước - là một trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững do Liên hợp quốc thiết lập vào năm 2015).

Đây là một trong những SDG ít được ưu tiên nhất theo quan điểm của khu vực tư nhân, với chỉ 18% công ty lựa chọn ưu tiên. Mặc dù ước tính cần khoảng 174,52 tỷ USD/năm để tài trợ cho SDG 14 nhưng chỉ hiện nay có 25,05 tỷ USD được chi hàng năm, cho thấy khoảng cách tài trợ là 149,02 tỷ USD/năm.

Thâm hụt tài chính lớn này không phải là chỉ dấu tốt với dân số dễ bị tổn thương ngày càng tăng trên thế giới, những người phụ thuộc vào đại dương kiếm sống.

Do đó, điều cần thiết đối với chính phủ và các tổ chức là tập trung vào đổi mới và mở rộng nền kinh tế xanh để có thể cung cấp lộ trình rõ ràng hướng tới một tương lai bền vững ít phát thải carbon.

Các “sản phẩm tài chính xanh” sáng tạo hơn như trái phiếu và khoản vay xanh cũng như các sản phẩm phái sinh xanh cũng cần được tính đến để tài trợ cho SDG14.

Chủ tịch G20 của Ấn Độ: Một cơ hội

Do tầm quan trọng toàn cầu của BE và hơn thế nữa là đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương phụ thuộc vào đại dương ở phía Nam bán cầu, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ mang đến cơ hội duy nhất để ưu tiên BE trong tăng trưởng, kinh tế xanh và công bằng xã hội.

Sự tham gia của Ấn Độ vào Nền kinh tế xanh đang tăng lên, với sự tham gia tích cực của nước này vào các cuộc đối thoại quốc tế và khu vực về kinh tế xanh, hàng hải và hợp tác biển.

Có một lo ngại rằng nếu không xây dựng các nguyên tắc hoặc hướng dẫn cụ thể, nền kinh tế xanh quốc gia hoặc nền kinh tế đại dương bền vững có khả năng tập trung vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà ít chú ý đến tính bền vững môi trường và công bằng xã hội.

Hơn nữa, bất chấp chi phí bảo trì và các vấn đề về khả năng mở rộng, năng lượng sóng có thể là nguồn năng lượng xanh tiềm năng.

Trong bối cảnh đó, lời kêu gọi của Thủ tướng Narendra Modi về “Cuộc sống vì Môi trường” tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow ngày 1/11/2021 trở nên vô cùng quan trọng.

Đây là cơ sở cho sự tồn tại của con người mà G20 dưới thời Chủ tịch của Ấn Độ cần nghiêm túc thực hiện việc bảo tồn các hệ sinh thái biển và ven biển.

Có thể nói, BE không đơn thuần là một mục đích nhân văn mà là một mệnh lệnh phát triển từ quan điểm của khu vực Nam bán cầu./.