Đã đến lúc các ngân hàng trung ương từ bỏ lập trường “diều hâu”?

Thứ hai, 23/1/2023 | 20:48 GMT+7

Chuyên gia Claire Jones nhận định ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy phần lớn các yếu tố thúc đẩy lạm phát tăng mạnh trong năm ngoái đang dần tiêu tan.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Israel ở Jerusalem, ngày 16/6/2020. (Ảnh: REUTERS/TTXVN)

Tại bài bình luận đăng trên tờ Financial Review, chuyên gia Claire Jones nhận định ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy phần lớn các yếu tố thúc đẩy lạm phát tăng mạnh trong năm ngoái đang dần tiêu tan.

Tại châu Âu, giá khí đốt đang trở về mức trước khi diễn ra cuộc xung đột Nga–Ukraine vào cuối tháng 2/2022.

Chi phí vận chuyển của một con tàu container dài 12m, từ bến cảng Thượng Hải (Trung Quốc) đến cảng Long Beach tại Nam California (Mỹ), đã giảm từ mức 8.300 USD vào đầu tháng 1/2022 xuống còn 1.500 USD vào thời điểm hiện tại.

Nhưng giá ôtô cũ lại có xu hướng ngược lại, đặc biệt là ở Anh. Liệu điều này có nghĩa là hành động thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới sẽ ít gây ra tác động không mong muốn hơn trong năm nay hay không? Theo tác giả, câu trả lời thích hợp nhất là "không phải ngay lập tức."

Khi sự phụ thuộc vào Mỹ là quá lớn

Tác giả lý giải rằng sau khi bơm quá nhiều gói kích thích vào các nền kinh tế trong những ngày đầu của đại dịch COVID-19, và "từ chối" nhận ra những nguy cơ tiềm ẩn của việc giá cả tăng, những "nhà điều hành chính sách tiền tệ tài ba" sẽ bắt đầu năm 2023 trong một nỗ lực tuyệt vọng, nhằm khôi phục uy tín của họ bằng các phát ngôn cứng rắn về việc sẽ tăng cường chống lạm phát.

[Kinh tế thế giới sẽ đón nhận gì từ lập trường “diều hâu” của Fed?]

Tác giả cho rằng "luận điệu diều hâu" của các ngân hàng trung ương không chỉ nhằm mục đích xây dựng lại lòng tin. Trong khi tỷ lệ lạm phát toàn phần đang giảm, do tác động cơ bản của việc giá năng lượng và lương thực tăng mạnh vào năm ngoái không gây ảnh hưởng đáng kể đến các chỉ số, áp lực về giá vẫn chưa hoàn toàn giảm bớt.

Những trở ngại trong chuỗi cung ứng đã không còn là nguyên nhân chính dẫn đến việc giá hàng hóa tăng vọt, nhưng xu hướng thắt chặt trong lĩnh vực dịch vụ và thị trường lao động đang tiếp tục gây rắc rối cho các ngân hàng trung ương.

Hơn thế nữa, có một nỗi sợ hãi kéo dài rằng đại dịch và căng thẳng địa chính trị bùng phát đã khiến năng lực sản xuất của kinh tế toàn cầu kém hơn so với năm 2019.

Nỗi sợ này dẫn đến nguy cơ các ngân hàng trung ương sẵn sàng theo đuổi mục tiêu "phá hủy nhu cầu" bằng cách tăng lãi suất để đưa lạm phát trở lại mức bình thường của giai đoạn trước đại dịch.

Hiện các ngân hàng trung ương đang "nín thở" chờ đợi động thái tiếp theo của  Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), để đưa ra các quyết sách phù hợp cho nền kinh tế của họ.

Tác giả lý giải những đã xảy ra trong năm 2022 cho thấy Fed chính là một cái "móc vô hình" để các nhà thiết lập lãi suất ở phần còn lại của thế giới treo quyết định của họ trên đó.

Tuy nhiên, không có bất kỳ một sự hợp tác chính thức nào giữa các ngân hàng trung ương được quan sát thấy trong năm 2022.

Khi Chủ tịch Fed Jerome Powell bắt đầu tăng lãi suất vào mùa Xuân năm ngoái, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn ở chế độ chờ xem và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đang dốc sức cho kế hoạch tăng lãi suất khiêm tốn ở mức 0,25% mà hầu hết các ngân hàng trung ương khác có xu hướng ủng hộ.

Nhưng đến mùa Thu năm ngoái, cả ECB và BoE đã lần lượt đi theo sự dẫn dắt của Fed, đưa ra mức tăng lãi suất "khổng lồ" 0,75 điểm phần trăm - một tốc độ thắt chặt tiền tệ đáng chú ý, khiến các nhà đầu tư ở khắp nơi trên thế giới đều bị sốc.

Cuối năm 2022, ngay cả Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), vốn đã duy trì mức lãi suất âm trong suốt sáu năm qua, cũng bất ngờ đưa ra các quan điểm mang tính diều hâu của riêng mình.

Kinh tế Mỹ suy yếu là một dấu hiệu tốt?

Những gì mà Fed thực hiện sẽ tác động trực tiếp đến các ngân hàng trung ương khác và nền kinh tế của họ, nhờ sức mạnh tuyệt đối của đồng USD.

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các ngân hàng trung ương không muốn thừa nhận áp lực mà thị trường ngoại hối gây ra, nhưng mức độ sụt giảm của hầu hết các loại tiền tệ chính so với đồng bạc xanh - đồng euro đã giảm gần 16% vào năm ngoái, bảng Anh giảm hơn 20% và đồng yen giảm gần 1/4 - đã khiến họ lo sợ. Phản ứng của các ngân hàng trung ương là đi theo Fed và tăng lãi suất siêu lớn.

Tác giả nhận định năm 2023 có thể là một trong những sự kiện hiếm hoi khi nền kinh tế yếu kém của Mỹ trở nên ít "nguy hiểm" hơn. Việc nền kinh tế lớn nhất thế giới bị trì trệ có lẽ lại là một điều may mắn cho phần còn lại của thế giới, khi các ngân hàng trung ương có thể giảm bớt áp lực tăng lãi suất từ Fed.

Trong trường hợp Fed quyết định giảm mức tăng lãi suất từ 0,5 điểm phần trăm xuống còn 0,25 điểm phần trăm, đây sẽ là cơ hội để các ngân hàng trung ương khác làm theo và giảm tỷ lệ tăng lãi suất của chính họ.

Điều nguy hiểm là thị trường lao động của Mỹ vẫn đang phát triển nóng và Fed không đưa ra bất kỳ tín hiệu "nới lỏng" nào. Do đó, các nhà điều hành chính sách tiền tệ từ khắp nơi trên thế giới vẫn cảm thấy áp lực, bởi "sức nóng" tỏa ra từ Mỹ, mặc dù nền kinh tế nước này đang ở trong tình trạng yếu kém hơn nhiều so với các năm trước.

Tác giả cho rằng rủi ro lớn nhất trong năm nay là các ngân hàng trung ương lo sợ về việc bị mất uy tín và tiếp tục gia tăng hành động thắt chặt tiền tệ. Chi phí đi vay tăng nhanh gần như chắc chắn sẽ đẩy các nền kinh tế vào tình trạng suy thoái.

Chúng cũng có thể "châm ngòi" cho những cơn hỗn loạn tài chính, gây ra các cơn "lốc xoáy" trên các thị trường tiền tệ, chứng khoán và vàng.

Tình trạng hỗn loạn, như trường hợp của BoE trong cơn hoảng loạn đầu tư xuất phát từ trách nhiệm pháp lý, sẽ gửi đi những tín hiệu lẫn lộn bằng cách buộc các nhà hoạch định chính sách phải hỗ trợ các "ví tiền" của thị trường tài chính, trong khi cố gắng thắt chặt các điều kiện tín dụng.

Các ngân hàng trung ương thậm chí sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực chính trị hơn - ở châu Âu, các nhà lãnh đạo Pháp, Italy và Phần Lan đã phàn nàn rằng những nỗ lực của ECB nhằm kiềm chế lạm phát đang đặt việc làm và tăng trưởng vào tình thế khó khăn, đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ quốc gia khác.

Việc tập trung vào các mối đe dọa khác ngoài lạm phát có thể sẽ khiến lãi suất tăng ít hơn. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là giá cả sẽ tiếp tục tăng khoảng 3-4%/năm trong tương lai gần và lạm phát vẫn ở mức cao hơn mục tiêu 2% của hầu hết các ngân hàng trung ương.

Đó không phải là điều kiện lý tưởng mà các ngân hàng trung ương mong muốn. Nhưng sau một năm 2022 vô cùng lộn xộn, việc hy sinh tham vọng về một bến đỗ hoàn hảo cho một điều gì đó tầm thường hơn có thể là lựa chọn ít tồi tệ nhất cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ và nền kinh tế thế giới./.