Căng thẳng ở Biển Đông khó có thể được hóa giải trong tương lai gần?

Chủ nhật, 18/7/2021 | 12:39 GMT+7

Bất chấp nỗ lực giảm leo thang thông qua việc thiết lập đường dây nóng và các tuyên bố ngoại giao, căng thẳng ở Biển Đông khó có thể được hóa giải trong tương lai gần.

Tàu Trung Quốc ở Biển Đông. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng lawfareblog.com, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hàng hải mà giờ đã trở thành thường lệ ở Biển Đông.

Theo Sáng kiến Đo lường Tình hình Chiến lược Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh, Mỹ đã thực hiện 72 chuyến bay do thám trong tháng 5/2021, tăng so với 65 chuyến hồi tháng 4/2021.

Những hoạt động này diễn ra song song với chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực. Ngày 14/6, hạm đội tấn công tàu sân bay Ronald Reagan - gồm tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường Shiloh, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Halsey và tàu sân bay Wing 5 - đã đi qua Kênh Bashi, ngăn cách Đài Loan và Philippines.

Một tuần sau, tàu USS Curtis Wilbur - một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Arleigh Burke - đã tiến hành “lộ trình đi qua Eo biển Đài Loan như thường lệ.”

Các hoạt động này nhanh chóng vấp phải phản ứng gay gắt của Trung Quốc, với phát biểu từ phía Bộ Tư lệnh Quân khu phía Đông của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) rằng “Mỹ là nhân tố tạo ra rủi ro lớn nhất cho an ninh khu vực.”

Trong khi đó, thực tế là Bắc Kinh cũng tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân tại Biển Đông. Ngày 31/5, Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia cho biết 16 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã đi vào không phận của Malaysia "để thể hiện sự thống trị.”

Tuy nhiên, một số nhà phân tích quốc phòng đặt câu hỏi về tính chính xác của con số này vì việc triển khai hơn hơn 10 máy bay chiến đấu tới Malaysia là một thách thức đáng kể về mặt hậu cần đối với Trung Quốc. Dù vậy, Tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Không quân Mỹ đã tố cáo cuộc xâm nhập là "leo thang" và "gây mất ổn định."

[Cộng đồng quốc tế chỉ trích hành động của Trung Quốc tại Biển Đông]

Ngày 5/6, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản tuyên bố ghi nhận kỷ lục các tàu Trung Quốc hiện diện 112 ngày liên tiếp gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Ngày 15/6, PLA đã tiến hành cuộc tập trận trên không lớn nhất từ trước tới nay ở vùng trời phía trên Đài Loan, với 28 máy bay chiến đấu tiến vào Vùng Nhận dạng Phòng không phía Tây Nam của Đài Loan (ADIZ), và một số tiếp tục đi qua Kênh Bashi, ngoài khơi bờ biển phía Đông của hòn đảo.

Cuộc tập trận có sự tham gia của 14 máy bay chiến đấu J-16, 6 máy bay chiến đấu J-11, 4 máy bay ném bom H-6, 2 máy bay cảnh báo sớm KJ-500, một máy bay tác chiến điện tử Y-8 và một máy bay tác chiến chống ngầm Y-8.

Các nhà phân tích như Ngụy Đông Húc, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho rằng việc Mỹ và Trung Quốc gần đây gia tăng cường độ hoạt động là kết quả của một sự trả đũa qua lại. Khi Trung Quốc khẳng định các yêu sách về quyền tài phán đối với lãnh thổ bên trong cái gọi là “Đường 9 đoạn,” Mỹ tăng tần suất các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không. Khi Mỹ tăng cường quan hệ với Đài Loan, Trung Quốc sẽ gia tăng cường độ trả đũa.

Ông Ngụy Đông Húc cho rằng chu kỳ leo thang này gần đây có thể đã diễn ra từ việc Mỹ triển khai hạm đội tấn công Ronald Reagan tại Kênh Bashi hồi trung tuần 6, với việc Trung Quốc có phản ứng vào ngày hôm sau bằng cách triển khai một số lượng kỷ lục máy bay chiến đấu lân cận Đài Loan.

Chưa đầy 1 ngày sau cuộc triển khai trên không, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - Thượng tướng Ngụy Phụng Hòa (Wei Fenghe) - nhấn mạnh rằng " về các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tân Cương, Hong Kong và Biển Hoa Nam, Trung Quốc quyết tâm bảo vệ các lợi ích cốt lõi của đất nước."

Tuyên bố này cũng là nhằm đáp trả áp lực ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc về việc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương và sự đàn áp quyền tự do báo chí ở Hong Kong.

Mỹ cũng có kế hoạch mở rộng sự hiện diện của lực lượng hải quân trong khu vực. Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF) Kenneth Wilsbach cho biết lực lượng này đang xem xét mở rộng năng lực Triển khai Tác chiến Linh hoạt (ACE), theo đó sẽ luân chuyển binh sỹ khỏi các căn cứ hoạt động chính và phân bổ trong khu vực Thái Bình Dương. Tướng Wilsbach cho rằng kế hoạch này sẽ cải thiện thời gian phản ứng trước khủng hoảng và giảm khả năng nhắm mục tiêu của đối thủ.

Politico dẫn các nguồn thạo tin cho biết Lầu Năm Góc cũng đang xem xét thành lập một lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực ở Thái Bình Dương để chống lại sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Dù chưa được hoàn thiện, Politico lưu ý rằng sáng kiến này “sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những phát biểu cứng rắn của Tổng thống Joe Biden về Trung Quốc và gửi đi tín hiệu rằng chính quyền mới của Mỹ nghiêm túc về việc trấn áp các hoạt động tăng cường quân sự và gây hấn của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương.”

Theo Elbridge Colby, một cựu quan chức Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền của ông Donald Trump, sáng kiến này báo hiệu việc Lầu Năm Góc tiếp tục chuyển hướng khỏi Trung Đông và hướng tới Thái Bình Dương.

Lực lượng đặc nhiệm này sẽ mô phỏng theo Lực lượng Hải quân Thường trực Đại Tây Dương của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đơn vị phản ứng tức thời được thành lập trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.

Lực lượng đặc nhiệm châu Âu chủ yếu tham gia các cuộc tập trận theo lịch trình nhưng cũng đảm bảo khả năng phản ứng nhanh với các cuộc khủng hoảng.

Ông Jerry Hendrix, nhà phân tích của hãng tư vấn Telemus Group, cho rằng sự linh hoạt này cho phép lực lượng đặc nhiệm “tối đa hóa ảnh hưởng của họ trên biển và cũng chuyên môn hóa hơn các khoản đầu tư của họ.”

Theo ông Hendrix, sáng kiến được đề xuất nên kêu gọi cả các đồng minh trong khu vực của Mỹ, như Nhật Bản và Australia, cũng như các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Anh và Pháp, cả hai quốc gia đều đang tăng cường hiện diện hải quân ở Thái Bình Dương.

Ông nhấn mạnh một lực lượng đặc nhiệm quốc tế sẽ là “biện pháp răn đe hiệu quả bởi nó thể hiện nỗ lực thống nhằm chống lại các mối đe dọa quá mức mà Trung Quốc đặt ra cho các khái niệm tự do trên biển và tự do thương mại bằng các yêu sách lãnh hải bành trướng.”

Chưa rõ thành phần của lực lượng đặc nhiệm này song các nhà lãnh đạo NATO đang ngày càng tỏ rõ sự đồng điệu với lập trường đối đầu Bắc Kinh của của Washington.

Trong chuyến thăm kéo dài 8 ngày của Tổng thống Biden tới châu Âu hồi giữa tháng 6, ông đã kêu gọi các đồng minh có chung một tiếng nói về Trung Quốc.

Ngày 14/6, tuyên bố chung của các lãnh đạo NATO khẳng định “sự quyết đoán của Trung Quốc đang đặt ra những thách thức có hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và những lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh.”

Các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương đang vận dụng các nền tảng quốc tế để kêu gọi Mỹ-Trung giảm leo thang căng thẳng. Ngày 7/6, Ngoại trưởng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc tại Trùng Khánh để thảo luận về tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

Tuyên bố chung cho biết ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí “tăng cường và thúc đẩy an ninh hàng hải” và “kiềm chế những hành động có nguy cơ làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực, đồng thời theo đuổi việc giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình."

Một tuần sau đó, các quan chức quốc phòng ASEAN đã gặp những người đồng cấp từ 8 quốc gia khác - bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ - tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN thường niên (ADMM).

Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi “kêu gọi tất cả các bên nỗ lực giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.” Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri cũng đề nghị các bên ở Biển Đông “có những hành vi ôn hòa hơn.”

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực giảm leo thang thông qua việc thiết lập đường dây nóng và các tuyên bố ngoại giao, căng thẳng ở Biển Đông khó có thể được hóa giải trong tương lai gần.

Nhà phân tích Dewi Fortuna Anwar, làm việc tại Viện Khoa học Indonesia (LIPI), nói với BenarNews: “Tôi không nghĩ vấn đề này sẽ thực sự được giải quyết bởi tình hình đã dần diễn tiến theo chiều hướng cạnh tranh 'một mất một còn', và tôi không nghĩ rằng có ai đó trong tâm trạng mong muốn thỏa hiệp"./.

(Vietnam+)