"Kỷ nguyên vàng" của dịch vụ giải trí trong nhà đến hồi thoái trào?

Thứ hai, 19/7/2021 | 14:42 GMT+7

Khi lượng thời gian rảnh rỗi bắt đầu giảm với sự tăng tốc chiến dịch tiêm chủng, sự bùng nổ đáng chú ý của những hình thức giải trí trong nhà được ghi nhận trong năm 2020 có vẻ như đang nguội dần.

Ứng dụng trực tuyến Antenna. (Nguồn: thefastcode.com)

Theo The Economist, sau hơn một năm phải thích nghi với bối cảnh đại dịch COVID-19, thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ của nhiều xu hướng tiêu dùng mới.

Dịch vụ giải trí trong nhà được coi là một trong những “chú gà đẻ trứng vàng” của nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cùng với sự tăng tốc của các chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, chính phủ ở nhiều quốc gia giàu có đã dừng việc khuyến khích người dân ở trong nhà, các văn phòng tái mở cửa, nhà hàng đang nhận đơn đặt hàng trở lại và nhiều hoạt động thể thao ngoài trời như Wimbledon và EURO 2020 cũng đã mở cửa cho khán giả vào sân.

Và như một lẽ dĩ nhiên, khi lượng thời gian rảnh rỗi bắt đầu giảm, sự bùng nổ đáng chú ý của những hình thức giải trí trong nhà được ghi nhận trong năm 2020 có vẻ như đang nguội dần.

Cái khó “ló” cái khôn

Chỉ số bình thường mới (normalcy index) do The Economist khảo sát, thực hiện trên 50 quốc gia, cho thấy hoạt động kinh doanh ở nhiều trong số những quốc gia này đã quay trở lại mức bình thường.

Điều này khiến chuyên gia Brendan Brady thuộc công ty chuyên theo dõi hồ sơ đăng ký xem video trực tuyến Antenna đặt câu hỏi rằng liệu thời hoàng kim của những hình thức giải trí trong nhà như xem video/phim trực tuyến đã qua?

Kết quả khảo sát của hãng phân tích MIDiA về người tiêu dùng ở Mỹ, Australia, Anh và Canada cho thấy người lao động toàn thời gian trung bình có thêm khoảng 15% thời gian rảnh rỗi trong thời gian đại dịch. Họ không chỉ có nhiều thời gian hơn mà thậm chí có nhiều tiền hơn nếu họ vẫn duy trì được công việc của mình.

Theo thống kê, chi tiêu của người Mỹ cho các hoạt động giải trí như thể thao, công viên giải trí và ngày lễ đã giảm 30% vào năm 2020. Số tiền này phần nào được chi tiêu vào các hình thức giải trí trực tuyến.

[Dịch COVID-19: WHO cảnh báo các nước đặc biệt cảnh giác khi nới lỏng]

Tại Anh, thời gian người dân dành để sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong năm ngoái (bao gồm cả các dịch vụ phát trực tuyến truyền hình) đã tăng hơn nửa giờ mỗi ngày lên gần 5 giờ, theo Ofcom, một cơ quan quản lý truyền thông. Nhu cầu được kết nối đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Vào thời điểm đại dịch bắt đầu xuất hiện, cứ 10 hộ gia đình ở Anh thì có 1 hộ không truy cập Internet, nhưng đến nay khoảng một nửa trong số này đã được nối mạng.

Theo chuyên gia Craig Chapple thuộc công ty nghiên cứu về các ứng dụng điện thoại Sensor Tower, người dùng điện thoại thông minh trên khắp thế giới đã cài đặt 143 tỷ ứng dụng mới, nhiều hơn 25% so với hồi năm 2019 (và hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng của năm 2018).

Ở các nước giàu, thời gian xem video tăng khoảng 80 phút mỗi tuần, trong khi các trò chơi điện tử cũng chứng kiến sự tăng trưởng lớn, khi người dùng dành thêm 1 giờ mỗi tuần.

Thời gian nghe nhạc tăng 5%, trong khi tỷ lệ tìm đến podcast (một series các tập tin âm thanh hoặc video số mà người dùng có thể tải về và nghe) và sách nói (audio book) cũng cộng thêm gần 25%.

Cùng với đó, nhu cầu sách in nhiều loại cũng gia tăng. Theo công ty dữ liệu Nielsen ở Anh, 4 trong số 10 người cho biết, họ đọc nhiều hơn trước đây.

Sự tăng trưởng được nhìn nhận rõ rệt nhất ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Họ đã dành nhiều hơn đến 50% thời gian để đọc so với thời điểm trước đại dịch. Trong đó, sách nấu ăn và làm vườn là những lựa chọn hàng đầu, trong khi ở phân khúc sách dành cho trẻ em, sách hỗ trợ tự học tại nhà tăng mạnh nhất.

Kẻ khóc, người cười

Khi thời gian rảnh rỗi ít dần, câu hỏi đặt ra là thói quen nào trong số những thói quen mới có được này sẽ tiếp tục và thói quen nào sẽ bị lãng quên. Trên thị trường phát video trực tuyến vốn cực kỳ cạnh tranh, đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy tỷ lệ người xem có thể đang giảm dần.

Theo công ty nghiên cứu Omdia, số lượng các dịch vụ phát trực tuyến được người xem ở Mỹ sử dụng đã giảm vào tháng Tư vừa qua, với mức trung bình là 7,06 dịch vụ (bao gồm cả các dịch vụ miễn phí) so với 7,23 của tháng 11/2020.

Trên toàn thế giới, 5 triệu người dùng đã đăng ký sử dụng Netflix trong quý đầu tiên của năm 2021, giảm so với con số 15 triệu cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó Disney+, đối thủ hàng đầu của Netflix, cũng hạ thấp dự báo về số lượng người dùng mới.

Dù vậy, không thể không nhắc đến “người thua cuộc” chính. Đó là những hình thức giải trí ở định dạng cũ. Ví dụ, tỷ lệ người xem truyền hình cáp ở Mỹ, đã vốn suy giảm từ lâu, chỉ tăng nhẹ trong năm 2020.

Tuy nhiên, theo công ty phân tích MoffettNathanson, việc mở cửa trở lại đã khiến triển vọng trong lĩnh vực này trượt nhanh hơn bao giờ hết, giảm đến 23% so với cùng kỳ năm ngoái vào quý 2/2021, trong khi lượng người xem truyền hình phát sóng của Mỹ cũng giảm tương tự.

Và mặc dù hầu hết các rạp chiếu phim đã mở cửa trở lại, song sự gián đoạn kéo dài trong một năm qua cũng đã buộc các hãng sản xuất phim phải thay đổi cách kinh doanh. Một số hãng hiện ưu tiên phát hành các bộ phim bom tấn mới trên nền tảng dịch vụ phát trực tuyến vào cùng ngày ra mắt phim tại rạp.

Cùng với việc đẩy nhanh sự chuyển đổi từ các hình thức giải trí định dạng cũ sang định dạng mới, đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự cạnh tranh giữa các phương tiện truyền thông khác nhau nhằm thu hút sự chú ý của người dùng.

Khoảng một thập kỷ trước, người dùng thường phải sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để giải trí, ví dụ như bộ phát video, máy tính chơi game hay dàn âm thanh nghe nhạc. Nhưng ngày nay, tất cả các dịch vụ đều có thể được tích hợp trong một chiếc điện thoại thông minh.

Bên cạnh đó, khi các biện pháp “bế quan tỏa cảng” được gỡ bỏ, “đối thủ cạnh tranh” trực tiếp của các hình thức giải trí trong nhà sẽ là những hoạt động như bóng rổ, trò ném đĩa và các điểm vui chơi công cộng.

Sự cạnh tranh được thể hiện rõ ràng nhất ở mảng âm thanh. Trong thời gian đại dịch hoành hành hồi năm 2020, các số liệu cho thấy người dân tìm đến các phương tiện âm thanh nhiều hơn, từ âm nhạc đến podcast hay sách nói. Tuy nhiên, thị phần của mảng âm nhạc trong tổng các dịch vụ âm thanh lại giảm xuống.

Khi đại dịch bắt đầu, podcast và sách nói chỉ chiếm 1/5 tổng số lượt nghe. Đến cuối năm ngoái, thị phần này đã tăng lên 1/4, theo số liệu từ MIDiA. Và khi mọi thứ trở lại mức bình thường, có một số bằng chứng cho thấy người dùng có xu hướng tiếp tục gắn bó với những lựa chọn mới này thay vì quay trở lại với âm nhạc đơn thuần.

Tháng 4/2021, Spotify cho biết, lượng người nghe podcast đã đạt mức cao nhất mọi thời đại trong tổng số lượt nghe được hãng cung cấp dịch vụ âm nhạc kỹ thuật số này ghi nhận.

Xu hướng này phù hợp với lợi ích của các công ty cung cấp dịch vụ phát trực tuyến, bởi trong khi hầu hết các bài hát đều thuộc bản quyền của các hãng thu âm thì mảng podcast lại có thể trở thành tài sản riêng những công ty này.

Điều này mang lại cho họ phương tiện để tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, đồng thời nâng cao lợi nhuận, chẳng hạn như “Call Her Daddy” và “The Joe Rogan Experience” là hai podcast độc quyền chỉ được khai thác bởi Spotify.

Kỳ vọng vào một mùa Hè "yêu thương”

Bên cạnh podcast và sách nói, lĩnh vực trò chơi điện tử cũng “thắng lớn” trong thời kỳ đại dịch. Số thời gian bổ sung mỗi tuần được người dùng dành ra để chơi game trong năm ngoái đã ghi nhận mức tăng lớn nhất so với bất kỳ hình thức giải trí nào khác.

Và không giống như một số hình thức giải trí chỉ được ưu ái khi trong thời kỳ đóng cửa, thị hiếu dành cho game dường như không có dấu hiệu sẽ mất đi khi cuộc sống trở lại bình thường.

Chuyên gia Craig Chapple cho biết, chơi game đã trở thành “một thói quen khó bỏ.” Ông nhận thấy rằng trong năm ngoái, có đến 56,2 tỷ ứng dụng chơi game đã được tải về và cài đặt, nhiều hơn 1/3 so với hồi năm 2019 và nhiều gấp ba lần tốc độ tăng của năm trước đó.

Quý đầu tiên của năm 2021 ghi nhận nhiều lượt tải hơn bất kỳ quý nào của năm 2020. Roblox, nền tảng tạo và chia sẻ các trò chơi điện tử, báo cáo rằng trong quý 1/2021, người dùng đã dành ra gần 10 tỷ giờ sử dụng nền tảng này, cao gần gấp đôi số thời gian trong cùng kỳ năm 2020.

Sự phổ biến của các trò chơi chủ yếu được thúc đẩy bởi Thế hệ Z - những người dưới 25 tuổi chiếm hầu hết lượng người dùng của Roblox.

Một cuộc thăm dò hồi tháng Hai của hãng cung cấp dịch vụ tài chính Deloitte cho thấy trong khi tất cả các thế hệ người Mỹ khác đều coi truyền hình và phim ảnh là hình thức giải trí gia đình yêu thích của họ, thì Thế hệ Z lại xếp hai hình thức này ở vị trí cuối cùng, đứng sau trò chơi điện tử, âm nhạc, các trang web và mạng xã hội.

Theo thời gian, “vị trí thống trị mà mảng video giải trí đang nắm giữ có thể bị thách thức”, Deloitte lập luận. Cùng với đó, sự thay đổi sau đại dịch cũng được cảm nhận trong các nền tảng mạng xã hội. Theo thống kê, người dùng đã dành thêm 40 phút mỗi tuần để lướt các trang mạng xã hội vào năm ngoái, thêm 30 phút để đọc tin tức (đôi khi thông qua các nền tảng truyền thông xã hội).

Vào tháng 4/2021, Facebook cho biết, mức độ tương tác gia tăng mà họ đã thấy vào năm 2020 đang giảm xuống khi các biện pháp nới lỏng giãn cách được công bố. Trong khi đó, Snapchat lại báo cáo điều ngược lại.

Evan Spiegel, Giám đốc điều hành của Snapchat, đã chia sẻ với các nhà đầu tư rằng khi lệnh giãn cách được dỡ bỏ ở Mỹ vào cuối tháng Hai, khối lượng nội dung được đăng tải trên Snapchat trên đã tăng lên.

Giám đốc này cho biết kể từ cuối tháng Ba, tỷ lệ kết bạn mới đã tăng lên khi mọi người bắt đầu giao lưu nhiều hơn trong cuộc sống thực. Chuyên gia Michael Nathanson của hãng phân tích MoffettNathanson nhận xét trong một ghi chú: “Dường như không có tâm lý lo ngại rằng xu hướng sử dụng mạng xã hội sẽ bị xói mòn một khi các nền kinh tế mở cửa. Với việc mọi người có cơ hội gặp gỡ trực tiếp nhiều hơn, xu hướng này thực sự có thể tăng lên."

Một điều thú vị khác đó là có lẽ “người thắng” lớn nhất trong số các nền tảng mạng xã hội là các ứng dụng hẹn hò. Match Group, công ty sở hữu Tinder, đã báo cáo rằng các lượt đăng ký mới của công ty này đã giảm hồi tháng 4/2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và vào tháng 12, giữa làn sóng thứ hai của đại dịch.

Tuy nhiên bây giờ, mọi thứ dường như đã thay đổi. Cho đến nay, số lượt đăng ký sử dụng dịch vụ mới trong năm 2021 đã tăng khoảng 10% so với thời điểm trước đại dịch.

Vào tháng Hai, số tin nhắn được gửi đã tăng gần 20% tin nhắn so với một năm trước đó. Khi sự chú ý của mọi người chuyển từ “thế giới ảo” trở về cuộc sống thực, một “mùa Hè yêu thương” có lẽ là điều mà Match Group đang hướng đến./.

(Vietnam+)