80% ca ung thư do môi trường sống

Thứ tư, 13/6/2018 | 08:54 GMT+7

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm do nhiều căn nguyên khác nhau gây ra, trong có có 80% trường hợp có liên quan tới môi trường sống như lối sống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường, chế độ ăn uống không phù hợp…

Hóa chất độc hại được sử dụng khó kiểm soát

Các yếu tố từ môi trường sống như ô nhiễm môi trường, chế độ ăn uống không khoa học, lối sống sinh hoạt không hợp lý... gây ảnh hưởng tới sức khỏe, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ung thư nguy hiểm.

- Ô nhiễm môi trường

Tác nhân ô nhiễm môi trường có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày như khói thuốc lá, thuốc hóa chất trong công nghiệp – nông nghiệp, khói bụi.

Khói thuốc là nguyên nhân của hơn 30% trong tổng số các loại ung thư ở người bao gồm ung thư phổi, ung thư thanh quản, thực quản, khoang miệng… Lý do là bởi trong khói thuốc lá có tới hơn 4.000 hợp chất, trong đó 200 loại hóa chất có hại cho sức khỏe, nguy hiểm hơn là có tới 40 loại hóa chất khác nhau gây ung thư.

Các hoá chất độc hại sử dụng trong công nghiệp như chất benzene, anilin trong sản phẩm nhuộm, amiang trong các hầm mỏ, thạch tín… Ước tính nhóm nguyên nhân này gây ra khoảng 2-8% trong tổng số các loại ung thư.

Ngoài ra, nếu tiếp xúc trong thời gian dài với các hóa chất trong nông nghiệp như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư da, ung thư bàng quang, ung thư phổi, ung thư máu…

Khói bụi từ môi trường sống cũng làm gia tăng nguy cơ ung thư. Lý do là bởi không khí chứa đựng nhiều khí độc hại, chúng ta hít thở không khí trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp, làm gia tăng nguy cơ ung thư phổi.

- Chế độ ăn uống không hợp lý

Chế độ ăn uống không hợp lý là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý ở đường tiêu hóa, trong đó nguy hiểm nhất là ung thư dạ dày, đại trực tràng, ung thư thực quản.

Chế độ ăn uống không hợp lý được thể hiện ở thói quen thích ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm muối chua, đã được lên men như dưa, cà muối; những thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, chiên rán ở nhiệt độ cao; các loại thịt đỏ, ít rau củ quả, thói quen ăn mặn, uống nhiều rượu bia…

Ngoài ra, đa số người dân Việt Nam còn có sở thích ăn vặt, ăn uống ngay tại các quán xá vỉa hè với những thực phẩm không được che đậy kỹ, thức ăn không được nấu chín kỹ, đảm bảo an toàn vệ sinh. Thói quen ăn uống ngày cũng khiến hệ tiêu hóa dễ mắc bệnh ung thư nguy hiểm.

- Lối sống thiếu khoa học

Thói quen ngồi lâu trong một thời gian dài thường thấy ở những người ít vận động như nhân viên văn phòng, lái xe. Việc ngồi nhiều khiến cơ thể chúng ta dễ bị tăn cân và béo phì. Đây là yếu tố có liên quan tới một vài bệnh ung thư như ung thư đại trực tràng, ung thư thận, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang…

Chủ động tầm soát ung thư định kỳ là việc làm thiết thực giúp phát hiện và điều trị kịp thời bệnh (nếu có)

Quan hệ tình dục không an toàn cũng là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư phụ khoa ở nữ giới và ung thư hậu môn, ung thư khoang miệng... ở nam giới nếu bị nhiễm vi khuẩn HPV. Quan hệ tình dục không an toàn được thể hiện ở việc không sử dụng dụng cụ bảo vệ (bao cao su) khi hoạt động tình dục, quan hệ thô bạo, quan hệ với nhiều bạn tình…

Như vậy có thể thấy, các bệnh lý ung thư hình thành và phát triển không phải do một nguyên nhân mà có thể do nhiều yếu tố khác nhau từ môi trường sống gây ra. Trong đó, hút thuốc lá và chế độ ăn uống không hợp lý là hai nhóm nguyên nhân quan trọng, gây ra nhiều bệnh lý ung thư nguy hiểm.

Nguy cơ mắc ung thư từ môi trường sống có thể phòng tránh được nếu bản thân mỗi người biết cách tự bảo vệ mình bằng cách thay đổi lối sống, sinh hoạt hợp lý.

Đặc biệt, chúng ta nên tạo cho mình thói quen khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh ngay từ khi chưa có triệu chứng. Hầu hết tất cả các bệnh lý ung thư, nếu được phát hiện và điều trị sớm, khả năng chữa khỏi sẽ cao hơn việc chữa trị ở giai đoạn muộn.

Thái Hà (t/h)

Theo Đời sống & Pháp luật