Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Trung Quốc chuẩn bị kịch bản xấu nhất

Chủ nhật, 13/6/2021 | 19:05 GMT+7

Theo báo HK01 của Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc cần có sự chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với những khó khăn và tính lâu dài của xung đột thương mại với Mỹ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo báo HK01 của Hong Kong (Trung Quốc), so với mạng viên thông 3G và 4G, tầm quan trọng của mạng 5G có ý nghĩa chưa từng có trong lịch sử. Nếu như mạng 4G làm thay đổi cuộc sống, thì 5G làm thay đổi xã hội và sản xuất công nghiệp, bên cạnh video độ phân giải cao, công nghệ thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường… phục vụ tiêu dùng gia đình, trong tương lai mạng 5G chủ yếu được ứng dụng vào công nghiệp hóa.

Đây sẽ là yếu tố quan trọng trong cạnh tranh công nghệ thập niên tới, là điểm tựa của chiến lược khoa học công nghệ quốc gia, là động lực của thời đại kinh tế số.

Thời đại 2G, Trung Quốc lạc hậu toàn diện. Thời đại 3G, Trung Quốc bắt đầu nổi lên. Thời đại 4G, Trung Quốc cơ bản theo kịp, không còn lạc hậu. Đến thời đại 5G, Trung Quốc bắt đầu dẫn dắt, từ chip, thiết bị đầu cuối và trạm gốc đến mạng và ứng dụng, chuỗi sản xuất công nghiệp 5G tương đối dài.

Dưới sự thúc đẩy của "đầu tàu" công nghệ Huawei, Trung Quốc phát huy vai trò chủ đạo trên các phương diện tiêu chuẩn hóa, bố trí và thúc đẩy chuỗi sản xuất. Mặc dù Mỹ vẫn là nước đi đầu toàn diện trên lĩnh vực 4G, nhưng dường như nước này đã "chậm chân" trong thời đại 5G.

Trước hết, Mỹ thiếu nhà cung ứng thiết bị viễn thông 5G trong khi châu Âu có Nokia, Ericsson, Trung Quốc có Huawei, ZTE. Những năm qua, Mỹ không cấp phép cho mạng viễn thông tần số thấp và trung bình sử dụng vào mục đích dân dụng. Lĩnh vực viễn thông dân dụng của Mỹ chỉ có thể sử dụng tần số cao hoặc băng tần sóng milimet (hay còn gọi là băng tần mmWave), nên tất cả các nhà khai thác thương mại đều tập trung vào tần số cao.

Bước sóng của tần số thấp và trung bình dài hơn, khoảng cách truyền xa hơn, số lượng trạm gốc cần có ít, chi phí thấp, năng lực thâm nhập mạnh, phạm vi bao phủ rộng. Trong khi đó, bước sóng của tần số cao không dài, rất dễ bị ngăn chặn, số lượng trạm gốc cần có nhiều, chi phí cao, năng lực thâm nhập kém, phạm vi bao phủ nhỏ. Hiện nay, Mỹ đang gấp rút chuyển hướng, điều chỉnh chính sách, mở cửa tần số thấp và trung bình. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh trên lĩnh vực cơ sở hạ tầng viễn thông thế hệ mới, Mỹ đã không thể duy trì địa vị dẫn đầu.

Một vấn đề khác là vấn đề trạm gốc phủ sóng. Hiện nay, có hơn 500 trạm gốc 4G trên toàn cầu, trong đó Trung Quốc chiếm trên 370 trạm, Mỹ chỉ có khoảng 40 trạm, 100 trạm còn lại thuộc về các nước khác. Do số lượng trạm gốc phủ sóng không đủ, nên chất lượng viễn thông 4G ở một số thành phố nhỏ và vừa của Mỹ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn xa xôi tương đối kém.

[Trung Quốc tiếp tục miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ]

Bên cạnh đó, Mỹ cũng gặp thách thức trong vấn đề nghiên cứu khoa học cơ bản trên lĩnh vực viễn thông. Từ thập niên 1960 thế kỷ 20 đến nay, các tổ chức nghiên cứu khoa học và công ty của Mỹ luôn dẫn đầu thế giới trên lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là hãng cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn thứ hai của Mỹ AT&T và phòng thí nghiệm Bell trực thuộc đã "độc chiếm" ngôi đầu trong hơn 20 năm, giành được nhiều giải thưởng Nobel. Tuy nhiên, từ thập niên 90 thế kỷ 20 đến nay, vì lý do chống độc quyền nên Mỹ đã chia cắt AT&T và phòng thí nghiệm Bell, kể từ đó địa vị dẫn đầu trên lĩnh vực viễn thông của Mỹ cũng dần sụt giảm.

Trên lĩnh vực 5G, Trung Quốc có nhiều ưu thế. Đầu tiên là nhờ sự thúc đẩy của thị trường khổng lồ. Thứ hai, phạm vi phủ sóng của các trạm gốc 4G rộng, đặt nền tảng cho việc xây dựng các trạm gốc 5G. Thứ ba, tần số thích hợp.

Với sự ra đời của 5G vào năm 2020, Trung Quốc đã góp phần đặt ra các tiêu chuẩn về mạng viễn thông 5G trên toàn cầu. Điều này có thể sẽ làm thay đổi cục diện phát triển toàn cầu trên lĩnh vực viễn thông từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay, đặc biệt là sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Do đó, Mỹ đã tìm cách gây áp lực đối với tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc. Nước này viện dẫn lý do an ninh quốc gia để hạn chế khả năng Huawei tiếp cận thiết bị và công nghệ của Mỹ, đồng thời cắt đứt nguồn cung của các doanh nghiệp thượng nguồn trong chuỗi sản xuất như Qualcomm, Intel… Google đã được yêu cầu ngừng cung cấp hệ điều hành Android cho các thiết bị của Huawei, ngừng ủy quyền phần mềm thiết kế cấu trúc chip ARM.

Trước những khó khăn trên, "người khổng lồ" Huawei đã tìm cách tự chủ nghiên cứu phát triển hệ thống điều hành, phát triển trạm gốc 5G, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ số lượng lớn thiết bị đầu cuối điện thoại di động.

Bên cạnh đó, Huawei đã nỗ lực nghiên cứu và phát triển chip trạm gốc, chip máy chủ, chip điện thoại di động, chip trí tuệ nhân tạo (AI), chip bộ định tuyến và chip băng tần cơ sở 5G. Công ty cũng phát triển hệ điều hành HongMeng chạy trên nền tảng điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính xách tay, nhằm mục tiêu thay thế hệ điều hành Android của Google.

Đáng chú ý, Huawei đã phát triển các công nghệ "dự phòng" tương ứng để phòng ngừa một số sản phẩm trong chuỗi cung ứng bị gián đoạn, phong tỏa.

Trong bối cảnh này, Trung Quốc cần có sự chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với những khó khăn và tính lâu dài của xung đột thương mại. Cuộc xung đột này ít nhất có thể ảnh hưởng đến 1-2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong trường hợp xấu hơn, mức độ ảnh hưởng có thể lên tới 5-10%. Điều đó không những tác động đến xuất nhập khẩu, mà còn ảnh hưởng đến việc làm, đầu tư. Một số dòng vốn đầu tư có thể rút khỏi thị trường, do đó cần phải làm tốt công tác dự báo về vấn đề này.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng cần đề phòng có thể xảy ra xung đột trên các phương diện như tỷ giá, tài chính… trong xung đột thương mại, đồng thời cảnh giác với quyền tài phán nối dài, quyền rút vốn đặc biệt (SDR), phong tỏa tài sản bằng USD, đóng băng hệ thống thanh toán của Mỹ.

Mặt khác, Trung Quốc cũng cần đẩy nhanh chuyển động lực tăng trưởng sang nhu cầu trong nước nhiều hơn. Cụ thể là tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của xung đột thương mại, thực hiện các biện pháp giảm thuế và hạ phí, tăng cường áp dụng các biện pháp để giải quyết vấn đề huy động vốn khó và huy động vốn đắt của doanh nghiệp.

Bắc Kinh cũng nên tăng cường cải cách kết cấu trọng cung, đẩy mạnh điều chỉnh cơ cấu sản xuất công nghiệp. Tăng cường kiểm soát chuỗi sản xuất toàn cầu, nắm chắc động lực đổi mới, bù đắp những khiếm khuyết, chú trọng đổi mới cơ bản mang tính chiến lược, tự chủ đổi mới các khâu then chốt của chuỗi sản xuất, thực hiện phát triển chất lượng cao.

Cải cách trong nước cũng là lĩnh vực cần được ưu tiên. Trung Quốc nên tăng cường hoàn thiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tài sản tư nhân, tăng tốc cải cách thị trường hóa, xóa bỏ các loại lũng đoạn thị trường khác nhau, để thị trường phát huy vai trò quyết định cơ bản trong việc phân bổ nguồn lực. Nước này nên nỗ lực bảo vệ nguyên tắc chủ nghĩa đa phương, duy trì trật tự quốc tế hiện có, thực hiện các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở cửa toàn diện, tăng cường hữu nghị quốc tế, tích cực tham gia và thúc đẩy cải cách WTO.

Song song với việc ứng phó xung đột thương mại với Mỹ, Trung Quốc cần mở ra một cách tiếp cận khác, đi sâu thảo luận về các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, đồng thời tranh thủ sớm ký kết FTA với những đối tác này. Dự kiến, trong 15 năm sắp tới, Trung Quốc có thể nhập khẩu lượng hàng hóa có giá trị lên tới 30.000 tỷ USD, dịch vụ khoảng 10.000 tỷ USD./.

(Vietnam+)