Hợp tác ASEAN-Trung Quốc và tác động đối với kinh tế thế giới

Thứ bảy, 28/8/2021 | 14:17 GMT+7

Đối mặt với tương lai, mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ gánh vác nhiệm vụ lịch sử là chung tay hợp tác, dẫn dắt sự trỗi dậy nhanh chóng của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 23 tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo báo Tri thức thế giới, năm 2021 là kỷ niệm tròn 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Các kết quả đạt được trong thời gian qua không những có ý nghĩa đối với quan hệ hai bên mà còn phát huy vai trò tích cực đối với việc duy trì và thúc đẩy hòa bình và sự phát triển thế giới.

Dẫn dắt sự gia tăng của các nhóm thị trường mới nổi

Nhóm thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trỗi dậy nhanh chóng, trở thành xu thế quan trọng nhất trong cục diện thế giới biến động lớn chưa từng có trong 100 năm qua.

Trong 30 năm từ 1990-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trường mới nổi và đang phát triển gấp 3,15 lần các nước phát triển.

Kết quả tất yếu là tỷ trọng của các nền kinh tế đang phát triển trong tổng quy mô kinh tế toàn cầu tăng lên nhanh chóng, tính theo tỷ giá hối đoái danh nghĩa, tỷ lệ này tăng gấp đôi trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, từ 20% tăng lên khoảng 40%. Nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), năm 2008, tỷ trọng các nền kinh tế đang phát triển đã vượt các nước phát triển, hiện chiếm 60% quy mô kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của COVID-19, các nền kinh tế mới nổi và phát triển nhìn chung mang đặc điểm suy thoái nhẹ hơn, hồi phục mạnh mẽ hơn.

Trong tiến trình trỗi dậy nhanh chóng của nhóm các thị trường mới nổi và đang phát triển, Trung Quốc và ASEAN đã phát huy vai trò hỗ trợ và dẫn dắt quan trọng. Những năm 1960 của thế kỷ XX, Singapore trỗi dậy nhanh chóng trở thành một trong “bốn con rồng châu Á” và là đại diện điển hình của nền kinh tế công nghiệp hóa mới nổi lần thứ nhất.

Những năm 1970, “bốn nước ASEAN cũ” gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines cũng lần lượt trở thành các quốc gia dẫn dắt thị trường mới nổi và đang phát triển trỗi dậy.

Đến những năm 1980, Trung Quốc là thị trường mới nổi và đang phát triển lớn nhất toàn cầu, thông qua cải cách mở cửa đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế nổi bật. Những năm 1990, “bốn nước ASEAN mới” gồm Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia lần lượt đứng vào hàng ngũ thị trường mới nổi và đang phát triển.

Trong các giai đoạn khác nhau của sự trỗi dậy tổng thể của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, cả Trung Quốc và các nước ASEAN đều có những đóng góp quan trọng.

Đối mặt với tương lai, mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ gánh vác nhiệm vụ lịch sử là chung tay hợp tác, cùng nhau dẫn dắt sự trỗi dậy nhanh chóng của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

Nhiệm vụ trước mắt, Trung Quốc và ASEAN cần tăng cường hợp tác trong việc kiểm soát dịch bệnh và khôi phục kinh tế, phát huy vai trò dẫn dắt đối với phần lớn nhóm thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nêu rõ: “Hai bên đã tập trung hoạch định vấn đề hợp tác phòng chống dịch bệnh, đạt được nhiều nhận thức chung mới như mở rộng hợp tác vaccine, kế hoạch phát triển kết nối hậu dịch bệnh, đã gửi đi những tín hiệu tích cực với bên ngoài cùng nhau vượt qua khó khăn, tập trung sức mạnh chiến thắng dịch bệnh, nâng cao lòng tin vào sự phục hồi của nền kinh tế.”

Thúc đẩy trung tâm kinh tế thế giới chuyển dịch sang khu vực Đông Á

Sự chuyển dịch nhanh chóng trọng tâm phát triển kinh tế của thế giới sang Đông Á cũng là một xu hướng quan trọng. Trong cục diện thế giới “ba cực,” tạo nên bởi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Đông Á, khu vực Đông Á đã vượt Mỹ trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất toàn cầu. Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, tổng quy mô kinh tế của ASEAN+3 (ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) tăng trưởng 2,31 lần, trong khi Mỹ chỉ tăng 1,04 lần.

Kết quả là tổng quy mô kinh tế của Đông Á - từ chỉ tương đương với 72,2% của Mỹ vào năm 2000 - đã tăng lên gấp 1,17 lần của Mỹ vào năm 2020. Đại dịch COVID-19 thậm chí đẩy nhanh quá trình chuyển dịch trung tâm phát triển kinh tế thế giới sang khu vực Đông Á.

Sự chuyển trọng tâm phát triển kinh tế của thế giới sang Đông Á do Nhật Bản dẫn dắt trong những năm 1950 và 1960, tiếp theo là “bốn con rồng châu Á” và Nhật Bản cùng thúc đẩy. Đến nay, xu hướng này tiếp tục được Trung Quốc và ASEAN “tiếp sức.”

[Kỳ vọng xung lực mới cho quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc]

Trung Quốc và ASEAN đóng góp 93,4% mức tăng trưởng kinh tế của 13 nước Đông Á (ASEAN+3) giai đoạn từ năm 2000-2010. Trong đó, tỷ trọng kinh tế của Trung Quốc và ASEAN trong tổng quy mô kinh tế 13 nước Đông Á đã tăng mạnh từ 25% năm 2000 lên 72,7% năm 2020, tăng 47,7% trong vòng 20 năm.

Trong tương lai, việc chuyển trọng tâm phát triển kinh tế thế giới sang Đông Á ngày càng đòi hỏi hơn nữa sự dẫn dắt chung của Trung Quốc và ASEAN.

Sự phát triển toàn diện quan hệ Trung Quốc-ASEAN, đặc biệt là sự thúc đẩy nhanh chóng của hợp tác kinh tế-thương mại, đóng vai trò giúp củng cố nền kinh tế Đông Á trỗi dậy, và trung tâm phát triển kinh tế thế giới chuyển dịch sang khu vực Đông Á.

Cũng nhờ đó, Trung Quốc và ASEAN hình thành mối quan hệ kinh tế thương mại ngày càng chặt chẽ hơn, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau.

Ứng phó với thay đổi trong cán cân sức mạnh giữa các nước lớn

Sự thay đổi của cán cân sức mạnh giữa các nước lớn thể hiện trong quan hệ giữa ba nước lớn hàng đầu là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh và sau năm 2010, Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và ngày càng tiệm cận Mỹ.

Từ năm 2000-2019, tỷ trọng quy mô kinh tế Trung Quốc so với quy mô kinh tế của Mỹ tăng mạnh từ 11,8% lên tới 66,9%. Trong cùng giai đoạn, tỷ trọng quy mô kinh tế Trung Quốc so với Nhật Bản, tăng từ 1/4 lên 2,8 lần. Dịch bệnh đã đẩy nhanh sự thay đổi cán cân sức mạnh giữa các nước lớn.

(Nguồn: aseanbriefing.com)

Số liệu thống kê về triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế của Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản năm 2020 lần lượt là 2,3%, -3,5% và -4,8%, dự đoán năm 2021 lần lượt là 8,4%, 6,4% và 3,3%.

Năm 2020, quy mô kinh tế Trung Quốc đã ở mức tương đương 70,3% quy mô kinh tế Mỹ, dự báo năm 2021 tăng lên 74,3%. Trong khi đó, năm 2020 quy mô kinh tế của Trung Quốc lớn gấp 2,9 lần so với Nhật Bản, dự kiến năm 2021 con số này là 3,1 lần.

Sự thay đổi nhanh chóng trong cán cân sức mạnh giữa các nước lớn tác động mạnh tới quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Một mặt, Trung Quốc thay Mỹ trở thành đối tác kinh tế, thương mại lớn nhất của ASEAN. Mặt khác, Mỹ-Trung không ngừng cạnh tranh trên nhiều mặt trận như thương mại, công nghệ, đồng thời hai nước cũng tranh giành ảnh hưởng chính trị ở khu vực ASEAN. Điều này làm gia tăng tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của các nước ASEAN dựa vào Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, dựa vào Mỹ trong lĩnh vực an ninh.

Thúc đẩy thay đổi quản trị toàn cầu

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng được đẩy nhanh, nhu cầu của cộng đồng quốc tế về quản trị toàn cầu tăng chưa từng có, trong khi các cơ chế đa phương từng đảm nhiệm chức năng quản trị toàn cầu đang gặp khó khăn nghiêm trọng, ngày càng khó đáp ứng được nhu cầu này. Dịch bệnh đã làm bộc lộ hơn nữa các thiếu sót, dẫn tới việc cải thiện và cải cách hệ thống quản trị toàn cầu càng trở nên cấp thiết.

Trung Quốc và ASEAN đều kiên định ủng hộ chủ nghĩa đa phương và quản trị toàn cầu, coi việc thúc đẩy thay đổi và cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu là phương hướng hợp tác chính trong thời gian tới. Phát biểu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, các nước ASEAN và các văn kiện quan trọng giữa hai bên đã thể hiện điều này.

Tuyên bố chung Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao kỷ niệm 30 năm thiết lập Quan hệ đối tác Trung Quốc-ASEAN ngày 8/6/2021 tái khẳng định hai bên kiên trì thúc đẩy chủ nghĩa đa phương dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế và nguyên tắc của “Hiến chương Liên hợp quốc”, duy trì khuôn khổ hợp tác khu vực mở, bao trùm, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ khu vực, cùng ứng phó với thách thức khu vực và toàn cầu.

Thúc đẩy điều chỉnh bố cục hợp tác khu vực

Trong bối cảnh các khuôn khổ đa phương khó đáp ứng yêu cầu của quản trị toàn cầu, các khuôn khổ hợp tác khu vực bắt đầu được triển khai toàn diện và đẩy nhanh.

Từ những năm 1990 thế kỷ XX, hợp tác khu vực đã dần hình thành bố cục “châu Âu dẫn dắt - Bắc Mỹ tiếp sau - Đông Á tụt hậu,” xu hướng này duy trì trong thời gian dài. Nhưng sau đó, Liên minh châu Âu (EU) chịu tác động do Anh rời khối, hợp tác ngoại giao của Mỹ có phần thu hẹp dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Đông Á trở thành lực lượng dẫn đầu.

Dịch bệnh đã đẩy nhanh xu hướng điều chỉnh bố cục hợp tác khu vực này. Đông Á đã phối hợp nhịp nhàng, ủng hộ lẫn nhau trong nhiều khuôn khổ hợp tác, đạt tiến triển nổi bật hơn các khu vực khác trên các phương diện hợp tác phòng chống dịch COVID-19 và thúc đẩy kinh tế phục hồi.

15 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã vượt qua khó khăn để tiến lên. Ngày 15/11/2020, RCEP đã được ký kết, đánh dấu sự ra đời của khu vực thương mại tự do lớn nhất toàn cầu với quy mô dân số và kinh tế chiếm 30% tổng dân số và kinh tế toàn cầu, thương mại chiếm gần 29% toàn cầu. Các quốc gia liên quan đã đẩy nhanh thủ tục phê duyệt nội bộ, tranh thủ sớm thực hiện toàn diện RCEP.

Hợp tác khu vực ở Đông Á phát triển sau, thậm chí còn đi ngược xu hướng, ở mức độ lớn đó là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ, cùng nhau thúc đẩy giữa Trung Quốc và ASEAN.

Trung Quốc và ASEAN đã hợp tác, sáng tạo nhiều “điều đầu tiên,” chẳng hạn như Trung Quốc là quốc gia đầu tiên gia nhập Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), lần đầu tiên ủng hộ rõ “vai trò trung tâm” của ASEAN trong hợp tác khu vực, lần đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, lần đầu tiên khởi động đàm phán thương mại từ do với ASEAN.

Năm 2012, ASEAN đề xuất khởi động đàm phán RCEP, nhận được sự hưởng ứng của Trung Quốc, hai bên cùng phối hợp hành động. Ngày 16/4/2021, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN đã trao thư phê chuẩn RCEP cho Ban Thư ký ASEAN, Trung Quốc trở thành đối tác đầu tiên ngoài ASEAN chính thức hoàn tất các thủ tục và trình tự nội bộ phê chuẩn RCEP.

Tận dụng việc triển khai toàn diện RCEP, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ có những đóng góp lớn hơn nữa trong việc chung tay thúc đẩy hợp tác toàn diện của khu vực Đông Á, châu Á và châu Á-Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)