Eurasia Review mới đây đăng bài viết của nhà kinh tế học vĩ mô Dean Baker, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR), bàn về chính sách nới lỏng định lượng (QE) trong khủng hoảng COVID-19.
Dưới đây là nội dung bài phân tích:
Kể từ khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell công bố gói giải cứu của thể chế này vào thời điểm đại dịch bắt đầu, nhiều người đã chỉ trích rằng giải pháp này ưu ái người giàu
Fed đã bất ngờ thông báo cắt giảm lãi suất cơ bản về 0-0,25% kể từ giữa tháng 3/2020, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang chao đảo vì đại dịch COVID-19.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, còn duy trì chương trình mua trái phiếu ở mức ít nhất 120 tỷ USD/tháng, trong đó có 80 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và 40 tỷ USD nợ đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp nhà.
Với ý chủ trương đưa lãi suất ngắn hạn về 0, Chủ tịch Powell cũng quyết định mua quy mô lớn trái phiếu dài hạn. Việc mua trái phiếu dài hạn hơn, được gọi là nới lỏng định lượng (QE), có tác động làm tăng giá trái phiếu.
Trong khi đó, phần lớn trái phiếu được nắm giữ bởi những người giàu có, gần một nửa được nắm giữ bởi 1% những người giàu nhất. Điều này có tác động làm gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo.
Lãi suất giảm cũng có tác động làm tăng giá cổ phiếu. Vì những lý do này, một số nhà tiến bộ đã cho rằng QE là một chính sách thụt lùi. Tuy nhiên, liệu có nên bãi bỏ chính sách này hay không lại là một vấn đề khác.
Nguồn gốc của QE
Để hiểu được tác động của QE đối với nền kinh tế, sẽ rất hữu ích khi hiểu nguồn gốc của nó. Trong khi Fed đã mua trái phiếu chính phủ dài hạn trong cuộc Đại suy thoái và Chiến tranh Thế giới thứ hai, thể chế này đã chuyển hành động sang thị trường quỹ liên bang ngắn hạn trong thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai. Đây là lãi suất mà các ngân hàng cho nhau khi cho vay qua đêm, để cho phép đáp ứng các yêu cầu dự trữ của họ.
[Fed yêu cầu các ngân hàng lớn duy trì bộ đệm an toàn vốn]
Trong những thập kỷ trước khi bong bóng nhà đất sụp đổ và Đại suy thoái, Fed đã tìm cách tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng cách đẩy lãi suất quỹ liên bang cao hơn hoặc thấp hơn. Mặc dù lãi suất quỹ liên bang hoàn toàn không ảnh hưởng trực tiếp đến mức cầu trong nền kinh tế, nhưng logic trong chính sách của Fed là lãi suất quỹ liên bang ảnh hưởng đến lãi suất dài hạn, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu trong nền kinh tế.
Nếu lãi suất quỹ liên bang giảm, các ngân hàng sẽ sẵn sàng cho vay mua ô tô, cho vay thế chấp và cho vay kinh doanh với lãi suất thấp hơn. Họ cũng sẽ giảm lãi suất nợ thẻ tín dụng. Ngoài ra, lãi suất ngắn hạn thấp hơn cũng có thể lan tỏa vào thị trường nợ doanh nghiệp và chính phủ. Điều này có nghĩa là các tập đoàn, chính quyền tiểu bang và địa phương có thể được vay với lãi suất thấp hơn. Chính phủ liên bang cũng sẽ trả lãi suất thấp hơn cho khoản nợ của mình.
Bằng cách hạ lãi suất trong toàn bộ nền kinh tế, Fed hy vọng sẽ tăng nhu cầu trong các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như mua xe hơi, xây nhà và mua các mặt hàng có giá trị lớn như tủ lạnh và máy giặt, vốn thường được mua theo hình thức tín dụng. Lãi suất thấp cũng cho phép chủ nhà tái cấp vốn cho các khoản thế chấp của họ với lãi suất thấp hơn, có khả năng giải phóng hàng nghìn USD mỗi năm để chi tiêu cho các khoản tiêu dùng khác hoặc tiết kiệm.
Vì việc giảm lãi suất quỹ liên bang rõ ràng là không đủ để thúc đẩy nền kinh tế đạt mức gần bằng toàn dụng, nên Fed đã chuyển sang các công cụ khác. Cụ thể, Fed đã chuyển sang mua trực tiếp các khoản nợ dài hạn của chính phủ liên bang, cũng như các chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp.
Chính sách QE của Fed sau cuộc Đại suy thoái đã làm giảm lãi suất kỳ hạn dài thêm hơn 0,5 đến 1,0 điểm phần trăm. Con số này đã cộng thêm 2-3% vào GDP, có nghĩa là 3 triệu và 4,5 triệu việc làm. Thị trường lao động thắt chặt không chỉ mang lại cơ hội kiếm được việc làm mà còn mang lại cho họ khả năng thương lượng để đảm bảo tăng lương.
Bất bình đẳng giàu nghèo
Vấn đề thường được nêu ra về bất bình đẳng giàu nghèo rất thực tế là bất bình đẳng giàu nghèo dẫn đến bất bình đẳng lớn về quyền lực chính trị. Tất cả các tỷ phú của Mỹ đều có thể trông cậy rất nhiều vào cánh cửa rộng mở đối với các chính trị gia quan trọng nhất. Đây là một thực trạng thái quá trong một nền dân chủ, nhưng không phải là một tình huống có thể giải quyết vào thời điểm này bằng những thay đổi hợp lý trong chính sách.
Nếu chúng ta cắt giảm một nửa tài sản của hàng trăm người giàu nhất, họ vẫn sẽ có ảnh hưởng lớn đến chính sách. Giảm sự giàu có ở cấp cao nhất sẽ không phải là một lộ trình hiệu quả để khôi phục bất cứ điều gì như sự cân bằng chính trị. Con đường hợp lý hơn là đi theo hướng ngược lại, cung cấp cho những người ở giữa và ở bên dưới các phương tiện để có tiếng nói hiệu quả.
Tác giả đã ủng hộ một khoản tín dụng thuế cá nhân cho mục đích này, nhưng có những cơ chế khác có thể đạt được mục đích tương tự. Chúng ta có thể thử các cơ chế khác nhau ở các bang và thành phố khác nhau, nơi những người cấp tiến có khả năng ảnh hưởng đến chính sách, nhưng việc tăng cường quyền lực chính trị của những người ở cấp trung bình và cấp dưới mang lại triển vọng tốt hơn nhiều so với việc trực tiếp giảm bớt quyền lực của những người ở cấp cao nhất.
Có nên chấm dứt ngay QE?
Giả sử rằng có sự thay đổi tại Fed và QE có thể bị ngăn chặn vào ngày mai. Điều này gần như chắc chắn sẽ làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và giảm tỷ lệ tạo việc làm. Đó khó được coi là một câu chuyện hay.
Lĩnh vực có lẽ sẽ khó khăn nhất và bị ảnh hưởng ngay lập tức là nhà ở. Trong nửa đầu năm nay, các đơn vị nhà ở mới đạt hơn 1,7 triệu đơn vị, cao hơn so với con số 1,3 triệu nhà ở vào năm 2019. Nếu kết thúc QE và tỷ lệ lãi suất dài hạn tăng 1-2 điểm phần trăm, chúng ta có thể sẽ thấy tỷ lệ xây dựng giảm trở lại mức gần với mức năm 2019. Chi phí nhà ở là một nguyên nhân quan trọng và thực sự cần quan tâm. Không có cách nào hiệu quả hơn để giảm giá thành nhà ở là xây thêm nhà. Do đó, kết thúc QE là đi sai đường trong vấn đề này.
Người dân cũng đã đưa ra lo ngại về việc lãi suất thấp gây ra bong bóng. Lãi suất thấp rõ ràng có lợi cho bong bóng hơn lãi suất cao, nhưng chúng ta cần nhìn nhận vấn đề bằng con mắt sáng suốt. Vấn đề với bong bóng không chỉ là sự tồn tại, mà vấn đề là khi nào chúng đang thúc đẩy nền kinh tế.
Giả sử đồng Bitcoin sẽ giảm xuống 0 vào ngày mai, phá hủy gần 1.000 tỷ USD tài sản trên giấy tờ. Mặc dù sẽ có rất nhiều nhà đầu tư tiền điện tử không hài lòng, nhưng tác động lên nền kinh tế sẽ gần như không thể phát hiện được (trên mạng). Điều tương tự cũng đúng với sự bùng nổ giá của Token độc nhất - một loại token mã hóa trên blockchain (chuỗi khối) đại diện cho một tài sản duy nhất, tác phẩm nghệ thuật hiếm, thẻ bóng chày và nhiều loại tài sản khác.
Ngược lại, bong bóng thị trường chứng khoán rõ ràng đã thúc đẩy nền kinh tế vào cuối những năm 1990, dẫn đến sự bùng nổ đầu tư và tiêu dùng. Điều này cũng đúng vào những năm 2000 với bong bóng nhà đất. Xây dựng khu dân cư đã đạt mức kỷ lục trong GDP, trong khi sự giàu có từ nhà ở tạo ra bong bóng dẫn đến sự bùng nổ tiêu dùng khổng lồ. Những sự bùng nổ này đã biến mất khi bong bóng nhà đất vỡ.
Nhưng dù sao không có câu chuyện mạch lạc nào về sự sụp đổ của bất kỳ bong bóng hiện tại nào dẫn đến suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Nếu bong bóng không có tác động kinh tế lớn, thì sự sụp đổ của bong bóng sẽ không có tác động kinh tế lớn.
Có một điểm cuối cùng cần lưu ý đối với những người gặp rắc rối bởi sự bất bình đẳng giàu nghèo do QE, đó là lãi suất cuối cùng sẽ tăng. Toàn bộ quan điểm của QE là giữ lãi suất ở mức thấp khi nền kinh tế cần một sự thúc đẩy. Khi nền kinh tế trở lại gần mức toàn dụng, thì chúng ta kỳ vọng QE sẽ kết thúc và lãi suất sẽ tăng lên.&
Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự đoán rằng lãi suất Kho bạc kỳ hạn 10 năm sẽ tăng lên 2% vào năm 2023 và lên 2,3% vào năm 2024, giống như mức năm 2017. Nếu chúng ta lo ngại về sự giàu có do lãi suất thấp gây ra bởi QE , chúng ta có thể thoải mái khi biết rằng khối tài sản này sẽ biến mất sau hai hoặc ba năm khi nền kinh tế phục hồi.
Nói tóm lại, sự đánh đổi ở đây là sự gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo tạm thời để tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và tạo việc làm, điều này cũng sẽ mang lại lợi ích không cân bằng cho những người thiệt thòi nhất trên thị trường lao động./.