Hai điểm nhấn trong triển vọng hợp tác thương mại Trung Quốc-ASEAN

Thứ ba, 21/9/2021 | 14:10 GMT+7

Thúc đẩy hành lang trên bộ, trên biển và RCEP được coi là hai điểm nhấn đã, đang và sẽ thúc đẩy mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại.

Ảnh minh họa. (Nguồn: aseanbriefing.com)

Theo thestar.com.my/asia.nikkei.com, dịp kỷ niệm 30 năm Quan hệ Đối thoại Trung Quốc-ASEAN cũng là lúc để Trung Quốc và ASEAN cùng nhìn lại chặng đường đã qua và vạch ra những mục tiêu cụ thể cho tương lai hợp tác.

Có hai điểm nhấn đã, đang và sẽ thúc đẩy mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại.

Thúc đẩy hành lang trên bộ-trên biển

Tại Diễn đàn Lãnh đạo Doanh nghiệp Trung Quốc-ASEAN hôm 10/9, các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp cho biết một hành lang trên bộ-trên biển với mạng lưới vận tải đa phương thức sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Phát biểu tại diễn đàn, một sự kiện được tổ chức trực tuyến và ngoại tuyến ở Nam Ninh (thủ phủ khu tự trị Choang Quảng Tây) nhân Kỷ niệm 30 năm Quan hệ Đối thoại Trung Quốc-ASEAN, Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) Sun Dawei tuyên bố “tác động của hành lang mới là rõ ràng.”

Hành lang mới mà ông Sun nhắc đến chính là tuyến Hành lang thương mại mới quốc tế trên bộ - trên biển được khởi động hồi tháng 9/2017 kết nối các tỉnh khu vực miền Tây Trung Quốc, Singapore và các nền kinh tế Đông Nam Á khác.

Theo ông Sun, năm 2020 có tổng cộng 4.596 chuyến tàu hàng vận chuyển bằng đường biển và đường sắt trên tuyến hành lang thương mại này, vượt tổng số chuyến tàu vận chuyển hàng hóa trong 3 năm trước đó.

Với tuyến đường này, hàng hóa từ miền Tây Trung Quốc có thể được vận chuyển đến và đi từ các quốc gia như Singapore qua vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ Quảng Tây thông qua đường bộ, đường sắt và đường thủy.

[Hợp tác ASEAN-Trung Quốc và tác động đối với kinh tế thế giới]

Tuyến đường này cũng kết nối châu Âu với Đông Nam Á. Khối lượng xếp dỡ hàng hóa tại cảng Vịnh Bắc Bộ đạt 173,1 triệu tấn trong nửa đầu năm 2021, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số lượng container đạt 2,61 triệu đơn vị tương đương 20 feet, tăng 22,3% - mức tăng trưởng cao nhất ở các cảng lớn của Trung Quốc. Năm 2020, thương mại song phương giữa Quảng Tây và các nước ASEAN đã tăng 1,7% lên 237,57 tỷ Nhân dân tệ (36,8 tỷ USD), chiếm gần một nửa tổng kim ngạch thương mại của khu vực Quảng Tây.

Ông Sun cho biết Quảng Tây sẵn sàng cùng với các quốc gia ASEAN thúc đẩy hơn nữa kết nối cơ sở hạ tầng và phát triển hành lang mới như một tuyến đường tiết kiệm thời gian nhất kết nối Trung Quốc và ASEAN với lợi ích chi phí hấp dẫn.

Ghi nhận bước tiến nhanh chóng trong việc xây dựng hành lang mới cũng như các khuôn khổ tiểu khu vực như Hợp tác Lan Thương-Mekong và Khu vực tăng trưởng phía Đông Trung Quốc-ASEAN, Chủ tịch Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế của Trung Quốc Gao Yan cho biết cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc và 10 quốc gia thành viên ASEAN đã thu được những lợi ích to lớn từ việc hợp tác kinh tế và thương mại ngày càng sâu rộng, đạt được sự phát triển chung.

Ông Gao cũng nhấn mạnh: “Trong 30 năm qua, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng 85 lần, với mức đầu tư tích lũy giữa hai bên vượt 310 tỷ USD.”

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết ASEAN và Trung Quốc là những đối tác quan trọng của nhau và cũng là những đối tác chiến lược năng động nhất.

ASEAN và Trung Quốc luôn tuân thủ nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và cùng hướng tới thịnh vượng trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, ông cho rằng hợp tác chống đại dịch COVID-19 giữa hai bên là tấm gương sáng trong quan hệ hợp tác quốc tế.

Ông Jurin cũng ghi nhận Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã thúc đẩy hợp tác thương mại quốc tế và khẳng định Thái Lan đánh giá cao tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo ông Jurin, Thái Lan, Trung Quốc và các nước ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cần hợp tác để hình thành một môi trường kinh tế khu vực cởi mở, minh bạch, công bằng và ổn định.

RCEP là một hiệp định thương mại tự do lớn được ký hồi tháng 11 giữa ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, với các thành viên chiếm 1/3 GDP của thế giới.

Tại diễn đàn trên, các đại biểu hoan nghênh việc triển khai sáng kiến thúc đẩy tham vấn chung, đóng góp và chia sẻ lợi ích của hành lang mới về thương mại trên bộ, trên biển quốc tế giữa các cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc và ASEAN.

Một buổi lễ khởi động cho “Hợp tác kỹ thuật số trong chuỗi cung ứng xuyên biên giới thông qua hành lang mới về thương mại đường bộ, đường biển quốc tế” cũng đã được tổ chức. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Malaysia Low Kian Chuan cho biết Malaysia ủng hộ sáng kiến hợp tác nhằm thúc đẩy kết nối đa chiều giữa Đông Nam Á và Âu-Á thông qua miền Trung và Tây Trung Quốc. “Trong thời kỳ hậu đại dịch, chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Trung Quốc-ASEAN để đạt mức cao mới trong 30 năm.”

Thúc đẩy RCEP

Các quốc gia đã ký RCEP đang nỗ lực tối đa để có thể chính thức triển khai hiệp định này vào ngày 1/1/2022 bất chấp khó khăn từ quy định đa số phê chuẩn của hiệp định này. Trung Quốc và ASEAN có lý do để đặc biệt quan tâm và mong muốn hiệp định này sớm có hiệu lực.

Theo quy định, hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi 6 quốc gia ASEAN và 3 nước ngoài ASEAN hoàn tất việc phê chuẩn hoặc các thủ tục tương tự. Cho đến nay mới có Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc phê chuẩn RCEP.

Hôm 13/9, các bộ trưởng kinh tế của hầu hết các quốc gia ký kết đã tổ chức cuộc họp trực tuyến và ra Tuyên bố chung “hoan nghênh nỗ lực của các nước tham gia ký kết nhằm hoàn tất quy trình nội bộ để RCEP có hiệu lực vào đầu tháng 1/2022 như kế hoạch.”

Theo một quan chức Chính phủ Nhật Bản, “thời gian không còn nhiều. Việc triển khai hiệp định vào đầu năm 2022 sẽ rất khó khăn.” Đây cũng là quan điểm của đa số thành viên RCEP.

ASEAN và Trung Quốc có những động cơ riêng để thúc đẩy RCEP. ASEAN coi mình là người tiên phong của hiệp định và việc thực hiện một thỏa thuận thúc đẩy hoạt động thương mại tự do ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành sẽ có ý nghĩa to lớn đối với các quốc gia Đông Nam Á.

Tại một cuộc họp trực tuyến kết thúc hôm 9/9, các bộ trưởng kinh tế ASEAN đã tái khẳng định mục tiêu triển khai RCEP vào ngày đầu tiên của năm 2022. Các quốc gia ASEAN hy vọng một vòng tự do hóa thương mại mới sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế của họ.

Trong khi đó, Trung Quốc kỳ vọng RCEP sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước ASEAN. RCEP, bao trùm khoảng 30% dân số thế giới và tổng sản phẩm quốc dân, sẽ loại bỏ thuế quan đối với 91% hàng hóa, chủ yếu là các mặt hàng công nghiệp.

So với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), RCEP kém tự do hóa thương mại và quy định, nhưng là hiệp định thương mại tự do lớn duy nhất mà Trung Quốc tham gia.

Không có dấu hiệu nào cho thấy xung đột thương mại Trung-Mỹ sẽ được cải thiện. Liên minh châu Âu đã đình chỉ cuộc thảo luận về một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc tại nghị viện châu Âu do lo ngại các vấn đề nhân quyền liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ. Do đó, Trung Quốc đang đặt nhiều hy vọng vào RCEP để kích cầu ở nước ngoài.

Theo một quan chức chính sách thương mại, Bắc Kinh đang “ngày càng mất kiên nhẫn” trước sự thiếu tiến triển của các nước ASEAN trong việc thực thi các biện pháp được nêu trong RCEP.

Tham dự Diễn đàn Lãnh đạo Doanh nghiệp Trung Quốc-ASEAN hôm 10/9 ở Nam Ninh, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Ren Hongbin đã kêu gọi nhanh chóng tiến hành phê chuẩn hiệp định.

Mỹ, quốc gia không muốn gia nhập CPTPP hoặc tham gia bất kỳ hiệp định thương mại tự do mới nào, đang thúc đẩy các chuỗi cung ứng không phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhật Bản và các đối tác khác cũng đang hợp tác với Mỹ trong việc phát triển chuỗi cung ứng chất bán dẫn mà không có Trung Quốc.

Vì vậy, việc Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo trong thương mại với ASEAN thông qua RCEP trước khi cơ chế thương mại không có Trung Quốc bén rễ là điều có lợi cho Bắc Kinh./.

(Vietnam+)