Khu vực ASEAN và những lợi ích của việc kết nối kinh tế với Lào

Thứ bảy, 25/9/2021 | 15:12 GMT+7

Với tuyến đường sắt Lào nối Vientiane với biên giới Trung Quốc, Lào kỳ vọng thay đổi vị thế từ quốc gia lục địa, không tiếp giáp biển, thành một nước kết nối khu vực và mở ra "chân trời" kinh tế mới.

(Nguồn: urdupoint.com)

Trang bangkokpost.com ngày 20/9 vừa có bài viết với tiêu đề “Kết nối với Lào,” trong đó nhận định về những lợi ích và cơ hội kinh tế mà tuyến đường sắt Lào-Trung có thể đem lại sau khi chính thức khai trương vào ngày 2/12.

Nội dung bài viết cho rằng dù không giáp biển, nhưng Lào lại là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên và có nền tảng địa lý đa dạng. Những khoản đầu tư đáng kể từ các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc, đã giúp kinh tế Lào tăng trưởng từ 6-7%/năm trong thập kỷ qua.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng yếu và thiếu lực lượng lao động tay nghề cao là một trong những nguyên nhân khiến Lào chưa phát huy hết tiềm năng. Mặc dù vậy, với việc tuyến đường sắt dài 471km nối thủ đô Vientiane với biên giới Trung Quốc tại thị trấn Boten sắp khai trương, Lào đang kỳ vọng thay đổi vị thế của nước này từ một quốc gia lục địa, không tiếp giáp biển, thành một nước kết nối khu vực và mở ra những “chân trời” kinh tế mới.

Những “chân trời” kinh tế mới

Ông Soulivath Souvannachoumkham, Cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính Đối ngoại thuộc Bộ Tài chính Lào, cho biết khi chính thức được khai trương vào ngày Quốc khánh Lào 2/12 tới, tuyến đường sắt Lào-Trung, dự án hạ tầng đắt đỏ nhất của Lào, dự kiến sẽ giúp tăng cường xuất khẩu, thu hút đầu tư và khách du lịch đến nước này.

Ông Soulivath nói: “Một trong những chính sách trọng tâm của chính phủ là phát triển Lào trở thành quốc gia kết nối đất liền. Và chúng tôi nhận thấy sẽ rất khó để đạt được mục tiêu mà chính phủ đã đề ra nếu không có hệ thống đường sắt kết nối. Tất cả chúng ta đều biết rằng một trong những điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế của Lào là không có đường biển, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa giữa các thành phố và các huyện cũng như việc phát triển kinh tế-thương mại. Tuyến đường sắt đi vào hoạt động sẽ giúp giảm khoảng 50% chi phí vận tải.”

Theo ông Soulivath, việc xây dựng tuyến đường sắt đã đạt tiến độ theo đúng kế hoạch, bất chấp những lo ngại trước đó rằng tuyến đường này có thể bị trì hoãn do đại dịch COVID-19.

[Dự án đường sắt Trung Quốc-Lào: Những đánh đổi chiến lược]

Kể từ khi đại dịch bùng phát tại Lào vào năm 2020, nhờ các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát nghiêm ngặt, đến nay Lào chỉ ghi nhận 17.905 ca nhiễm COVID-19, với 16 ca tử vong.

Hiện đã có 2,6 triệu người (tương đương 36% dân số) đã được tiêm mũi ngừa vaccine COVID–19 đầu tiên trong khi 1,9 triệu người (tương đương 26% dân số) đã được tiêm đủ 2 mũi.

Ông Soulivath cho biết: “Cho đến nay, các dự án lớn tại Lào chưa bị ảnh hưởng nhiều từ đại dịch COVID-19, bởi việc lây lan chủ yếu xảy ra giữa cộng đồng tại các khu vực thành thị chứ không phải ở công trường xây dựng. Do vậy, các dự án lớn vẫn có thể tiếp tục tiến hành.”

Lợi ích về kinh tế và thương mại mà tuyến đường sắt có thể mang lại là rất đáng kể. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí vận chuyển từ thủ đô Vientiane đến Côn Minh, tỉnh Vân Nam, miền Nam Trung Quốc sẽ giảm từ 40-50%, tương đương 30 USD/tấn, trong khi chi phí vận chuyển trong các tuyến nội địa sẽ giảm từ 20-40%.

Theo dữ liệu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Liên hợp quốc (UN Comtrade), xuất khẩu từ Lào sang Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD trong năm 2019 và có thể tăng khoảng 20% mỗi năm.

Theo ông Soulivath, Chính phủ Lào và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận cho phép Trung Quốc nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ Lào, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp như ngô, chuối, sắn và đậu, thịt bò và các sản phẩm khác.

Liên kết đường sắt cũng sẽ giúp thu hút nhiều đầu tư hơn từ Trung Quốc và các nước khác vào Lào, chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi và khai khoáng. Cho đến nay, Trung Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu của Lào, tiếp đó là Thái Lan và Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng các khu vực dọc tuyến đường sắt Lào-Trung sẽ có thể thu hút thêm nhiều khoản đầu tư, đặc biệt là vào các đặc khu kinh tế (SEZ), để các sản phẩm được sản xuất tại Lào và gửi sang Trung Quốc xuất khẩu thông qua mạng lưới đường sắt hiện trải dài từ Trung Quốc sang châu Âu.

Cũng theo ông Soulivath, nhà phát triển bất động sản công nghiệp hàng đầu của Thái Lan, Tập đoàn Amata đã được Chính phủ Lào đồng ý cho phát triển một SEZ quy mô lớn ở Bắc Lào để thu hút các nhà đầu tư và sản xuất từ các nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản.

Tuyến đường sắt Lào-Trung cũng sẽ giúp tăng lượng khách du lịch, đặc biệt là du khách từ Trung Quốc, vì giúp giảm đáng kể thời gian di chuyển. Theo ông Sulivath, trước đại dịch COVID-19, Lào đã thu hút từ 800.000 đến 1 triệu lượt du khách Trung Quốc mỗi năm và con số này dự kiến sẽ tăng thêm 40-50% khi du lịch quốc tế hoạt động trở lại.

Trong khi đó, việc xây dựng tuyến đường cao tốc dài 445 km nối thủ đô Vientiane với cửa khẩu Boten, giáp với Trung Quốc, cũng đang được thúc đẩy. Chặng đầu tiên dài 113 km từ Vientiane đến huyện Vang Vieng hiện đã đi vào vận hành, trong khi chặng thứ hai từ Vang Vieng đến Luang Prabang (137km) cũng đang được thúc đẩy và dự kiến sẽ hoàn thành trong ba năm tới.

Một tuyến cao tốc nối với Việt Nam ở phía Nam cũng đang được nghiên cứu với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản và có thể bắt đầu được xây dựng vào năm 2023.

Theo ông Soulivath, kinh tế Lào đã nỗ lực để đạt mức tăng trưởng 3,3% vào năm 2020, vượt xa dự báo của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vốn cho rằng kinh tế nước này sẽ âm hoặc tăng trưởng ở mức cao nhất là dưới 1%.

Năm nay, Lào dự kiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng từ 3,8% đến 4%, hoặc ít nhất là bằng năm 2020.

Ông Soulivath nói: “Mặc dù làn sóng COVID thứ hai bắt đầu vào tháng 4/2021 đã gây ra những tác động đáng kể đến nền kinh tế, nhưng nhiều hoạt động kinh tế vẫn có thể tiếp tục bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng, khai thác mỏ và năng lượng.”

Năm ngoái, thâm hụt ngân sách của Lào là 5,3% GDP do đại dịch ảnh hưởng đến việc thu ngân sách. Nhưng con số này vẫn khả quan hơn so với dự báo ban đầu là 6% nhờ các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ chi tiêu và hoãn một số khoản đầu tư không thiết yếu. Năm 2021, Chính phủ Lào đặt mục tiêu giới hạn mức thâm hụt không quá 3% GDP vì thu ngân sách có thể vẫn chưa trở lại như mức trước đại dịch.

Phục hồi sau đại dịch COVID-19

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Lào sẽ tăng trưởng 3,6% vào năm 2021, dự báo này đã giảm so với mức 4% được đưa ra vào tháng 3/2021. Báo cáo theo dõi kinh tế Lào cập nhật ngày 20/8 của WB nhận định rằng kinh tế Lào đang trên đà cải thiện ở mức vừa phải trong năm 2021, bất chấp làn sóng COVID-19 thứ hai đang cản trở sự phục hồi kinh tế.

Tại Lào, nông nghiệp và công nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng, với xuất khẩu nông sản ngày càng tăng, trong khi xuất khẩu điện, khoáng sản và các sản phẩn chế biến cũng tăng trở lại sau suy thoái thương mại năm ngoái.

Tuy nhiên đối với các lĩnh vực như du lịch, khách sạn, vận tải và các dịch vụ khác, việc phong tỏa và tiếp tục hạn chế du khách quốc tế đang khiến phần lớn các công ty của nước này gặp khó khăn, tước đi nguồn thu nhập chính của đất nước.

Alex Kremer, Giám đốc WB mới tại Lào, cho biết: “Lào đang làm rất tốt việc ngăn chặn COVID-19 và đang tiêm chủng cho toàn dân. Tuy nhiên, những rủi ro đến từ gánh nặng nợ nần, đồng kip Lào (LAK) yếu và nguồn thu của chính phủ thấp đã tiếp tục hạn chế các lựa chọn của chính phủ nhằm phục hồi nền kinh tế. Những cải cách nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân, thanh toán thuế và thương mại sẽ giúp ích trong vấn đề này."

Theo ông Soulivath, để giúp nền kinh tế phục hồi, Lào đang hướng tới sản xuất nhiều sản phẩm hơn, đặc biệt là hàng nông nghiệp, để thay thế hàng nhập khẩu. Đồng thời, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), điều rất quan trọng để tạo ra một tương lai bền vững hơn.

Ông Soulivath nói: “Trong 10-20 năm qua, Lào đã dựa quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế, ví dụ như xuất khẩu than, đồng và khai thác các tài nguyên khác. Mặc dù chúng tôi đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao 7-8%/năm trong quá khứ, điều đó có thể không đạt được trong tương lai. Do đó, Chính phủ Lào đã chuyển trọng tâm sang tăng trưởng có chất lượng hay còn gọi là tăng trưởng xanh nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sử dụng hiệu quả hơn các tài nguyên đó."

Bên cạnh đó, Chính phủ Lào cũng đặt mục tiêu đa dạng hóa nguồn tăng trưởng ở những ngành trọng điểm như dịch vụ, sản xuất công nghiệp và du lịch. Trong đó, năng lượng vẫn là lĩnh vực ưu tiên của Lào, đặc biệt là sản xuất năng lượng để xuất khẩu sang Thái Lan.

Điện hiện vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính của Lào, trị giá 6,1 tỷ USD, tương đương khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu trong năm 2020. Công suất phát điện của Lào hiện đạt tổng cộng 10.438 MW, trong đó 80% đến từ thủy điện.

Từ năm 2016 đến năm 2020, 53 nhà máy điện đã được phát triển với tổng công suất lắp đặt là 4.700 MW. Trong số 86 nhà máy hiện đang hoạt động, 73 nhà máy là thủy điện, 8 nhà máy năng lượng Mặt Trời, 4 nhà máy điện sinh khối và một nhà máy nhiệt điện.

Trong giai đoạn 2020-2025, một số dự án điện khác sẽ được triển khai, bao gồm 10 dự án do Công ty EDL-Generation Public (EDL-Gen) mà Chính phủ Lào sở hữu 51% phát triển. 9 nhà máy khác sẽ xuất khẩu điện, hai nhà máy cung cấp điện cho Việt Nam và 27 dự án khác sẽ dành cho tiêu thụ nội địa. Ông Soulivath nói: “Chúng tôi ước tính, các dự án điện này sẽ tạo ra tổng doanh thu khoảng 1,7 tỷ USD cho Chính phủ trong 5 năm tới.”

Lợi ích của ASEAN

Trong bối cảnh tuyến đường sắt Lào-Trung đã gần hoàn thành, trong khu vực ASEAN, người ta cũng đang kỳ vọng lớn vào một tuyến kết nối theo hướng khác, bắt đầu từ tỉnh Nong Khai, Thái Lan, đối diện với thủ đô Viêng Chăn, và chạy đến cảng nước sâu Laem Chabang của Thái Lan.

Dù tiến độ ở Thái Lan đang bị chậm lại nhưng sau khi hoàn thành, tuyến đường này dự kiến sẽ tạo ra các kênh vận chuyển nối liền Thái Lan, Lào, Trung Quốc và một số nước ASEAN khác, đồng thời đem lại lợi ích cho các chủ hàng vận chuyển hàng hóa giữa Thái Lan-Lào, Thái Lan-Trung Quốc, cũng như với Malaysia và Singapore trong tương lai.

Ông Suwit Ratanachinda, Chủ tịch Liên đoàn các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần Thái Lan, cho biết kế hoạch ban đầu là mở rộng tuyến đường sắt từ Viêng Chăn đến cảng cạn Thanaleng, bên cạnh Cầu Hữu nghị Thái-Lào ở phía Lào của sông Mekong.

Cảng được phát triển từ các khoản vay từ Cơ quan Hợp tác Phát triển Kinh tế Các nước láng giềng của Thái Lan (Neda). Một khu hậu cần rộng 2.000 rai (1 rai bằng 1.600 m2) đang được xây dựng để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng của tuyến đường sắt Lào-Trung.

Ông Suwit Ratanachinda, người đã tham gia lễ khởi công tuyến đường sắt Lào-Trung và đã theo dõi tiến độ của dự án trong 5 năm qua, cho biết: “Giai đoạn đầu tiên của khu hậu cần rộng 2.000 rai cũng sẽ đi vào hoạt động vào ngày 2/12 tới.”

Ông nói: “Tốc độ chạy tàu trung bình của tuyến đường sắt Lào-Trung sẽ lên tới 160 km/giờ, giảm đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa. Vận chuyển hàng hóa từ Viêng Chăn đến Côn Minh bằng đường bộ hiện mất hai ngày và sẽ chỉ còn khoảng 15-16 giờ nếu vận chuyển bằng đường sắt.”

Với tuyến hành lang mới từ Thái Lan, qua Vientiane đến Côn Minh, việc thời gian vận chuyển được cắt giảm sẽ đặc biệt có lợi cho các nhà xuất khẩu trái cây Thái Lan, bao gồm cả sầu riêng, sang Trung Quốc, nơi có nhu cầu cao.

Theo ông Suwit Ratanachinda, trái cây Thái Lan hiện được vận chuyển bằng xe tải trên các tuyến đường R9, R3 và R2. Kể từ ngày 2/12 tới, chúng sẽ được chuyển sang Vientiane và sau đó sẽ được bốc lên tàu và chuyển bằng đường sắt tới Kunming. Không chỉ vậy, đường sắt Lào-Trung sẽ mang lại cho các nhà xuất khẩu Thái Lan "cơ hội mới" để tiếp cận các thị trường tại Trung Á như Kazakhstan và Uzbekistan, và cũng có thể vận chuyển đến châu Âu trong tương lai.

Ông Suwit cho hay hiện thời gian vận chuyển hàng hóa tới các thị trường Trung Á phải mất 35-40 ngày và với tuyến đường sắt nói trên, thời gian này có thể giảm xuống chỉ còn 15 ngày”./.

(Vietnam+)