Khi Chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ “bức tường” bảo vệ Big Tech

Thứ hai, 04/10/2021 | 13:53 GMT+7

Động thái mới nhất này nằm trong chiến dịch của Chính phủ Trung Quốc nhằm chấn chỉnh lĩnh vực công nghệ, đã kéo dài trong nhiều tháng qua.

(Nguồn: Adweek)

Theo Nikkei, Trung Quốc đã ban hành quy định mới yêu cầu các công ty công nghệ lớn (Big Tech) tại nước này ngừng việc chặn các đường dẫn sang các trang mạng khác trên nền tảng của mình.

Đây là biện pháp vẫn được áp dụng phổ biến để “chặn đường” của các đối thủ song lại bị giới chức coi là hành vi chống cạnh tranh. Động thái mới nhất này nằm trong chiến dịch của Chính phủ Trung Quốc nhằm chấn chỉnh lĩnh vực công nghệ và đã kéo dài trong nhiều tháng qua.

Các Big Tech chiếm lĩnh mạng Internet của Trung Quốc, từ tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đến “gã khổng lồ” truyền thông xã hội Tencent, lâu nay đã sử dụng nhiều biện pháp để chặn người dùng của họ chia sẻ liên kết/đường dẫn (link) đến bài đăng hoặc sản phẩm trên nền tảng của các công ty công nghệ đối thủ.

Các công ty này dựng lên “bức tường” để bảo vệ hệ sinh thái kỹ thuật số của mình và chặn liên kết dẫn đến các dịch vụ cạnh tranh.

Ví dụ, các nền tảng thương mại điện tử Taobao và Tmall của Alibaba cũng không cho phép dịch vụ thanh toán WeChat Pay của Tencent được sử dụng như một phương thức thanh toán.

Tencent đang hạn chế người dùng chia sẻ các nội dung từ ứng dụng video ngắn Douyin thuộc sở hữu của ByteDance trên ứng dụng nhắn tin WeChat và QQ của mình.

Hồi tháng Hai, Douyin đã nộp đơn khiếu nại lên một tòa án ở Bắc Kinh, khi cho rằng hành động này cấu thành hành vi độc quyền. Đáp lại, Tencent cho biết những cáo buộc đó là không có cơ sở.

[Mỹ siết chặt kiểm soát đối với các vụ thâu tóm của Big Tech]

Giờ đây, các nhà chức trách tuyên bố sẽ dỡ bỏ các "bức tường" để thúc đẩy kết nối giữa các nền tảng Internet khác nhau, nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng và cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, biện pháp này có thể làm lung lay mô hình tăng trưởng vốn tạo ra doanh thu khổng lồ cho các Big Tech Trung Quốc.

Theo một nguồn tin trong ngành, các cơ quan quản lý Trung Quốc dường như chưa nhất trí về cách thức tháo dỡ các “bức tường” này, bởi có những lo ngại rằng kết nối mở hoàn toàn sẽ khiến việc giám sát trở nên khó khăn hơn.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) mong muốn ngành công nghiệp Internet phát triển lành mạnh, trong khi Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc tập trung vào vấn đề bảo mật nội dung và Bộ Công an lo ngại về lừa đảo trực tuyến.

“Cơn bão” lập pháp bắt đầu vào ngày 26/7 khi MIIT công bố một chiến dịch kéo dài sáu tháng để chấm dứt các hành vi sai trái của ngành công nghiệp Internet. Ngày 17/8, cơ quan giám sát thị trường đã ban hành dự thảo hướng dẫn việc cấm chặn liên kết trên các nền tảng Internet.

Vào tháng Tám, Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang đã kêu gọi các công ty đối thủ cùng áp dụng chỉ thị trên. Ông Zhang chỉ ra rằng việc cho phép truy cập liên kết bên ngoài có thể giảm chi phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và tạo ra sự thuận tiện hơn cho người tiêu dùng.

Tencent thì có thái độ thận trọng hơn. Chủ tịch Tencent Liu Zhiping cho biết, "sự kết nối giữa các nền tảng khác nhau là rất phức tạp" bởi vì mỗi nền tảng có các quy tắc riêng.

Ngày 13/9, MIIT đã yêu cầu các công ty công nghệ hàng đầu như Tencent, Alibaba, ByteDance và Baidu tự kiểm điểm và sửa lỗi, trong đó các nền tảng nhắn tin tức thời là một trong những lĩnh vực đầu tiên mà bộ này nhắm đến.

Tuy nhiên, MIIT không cho biết hình phạt đối với các công ty không tuân thủ quy định mới này. Bộ này đã theo đuổi một chiến dịch kể từ tháng Bảy để chấn chỉnh các hành vi sai trái như "pop-up" hay quảng cáo “ăn theo” (hình thức quảng cáo hiển thị trong một cửa sổ mới khi bạn ghé thăm một trang web), thu thập dữ liệu và chặn liên kết.

Người phát ngôn MIIT Zhao Zhiguo cho biết, việc hạn chế quyền truy cập bình thường vào các liên kết Internet mà không có lý do chính đáng "đang gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng, vi phạm các quyền lợi của người dùng và làm gián đoạn trật tự của thị trường."

Quan chức này cũng cho biết MIIT đã nhận được nhiều báo cáo và phàn nàn từ người dùng kể từ khi Bộ này tiến hành đánh giá các hành vi trong lĩnh vực công nghệ vào tháng Bảy.

Hai ngày sau, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc ban hành một bộ hướng dẫn, trong đó yêu cầu các nền tảng thực hiện các quy định về dữ liệu và lưu lượng truy cập Internet.

Sau đó, ngày 17/9, Tencent đã cho phép người dùng WeChat truy cập vào các liên kết của Taobao và ByteDance. Một nguồn tin thân cận với Tencent cho biết, Tencent biết rằng các quy định là không thể đảo ngược, nhưng họ vẫn đang đàm phán với các nhà quản lý về cách thức điều chỉnh hoạt động của họ.

Người này cho biết Tencent đã vạch ra một loạt kế hoạch để thảo luận với các cơ quan quản lý và công ty vẫn sẽ chủ động xác định những hành vi nào cần sửa đổi.

Tencent viện dẫn những lo ngại về bảo mật để biện minh cho biện pháp chặn các liên kết bên ngoài, cho biết mục đích là để bảo vệ người dùng khỏi các rủi ro về quyền riêng tư và lừa đảo. Công ty cho biết người dùng có thể báo cáo nội dung đáng ngờ trong khi “mở” một phần nền tảng của mình cho những bên khác.

Việc các Big Tech như Tencent, Alibaba và ByteDance sẽ cải tổ hệ thống như thế nào thu hút nhiều sự chú ý của giới quan sát. Tencent, công ty cung cấp các ứng dụng nhắn tin như WeChat và QQ có tổng cộng gần 1,9 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Alibaba thì nắm giữ cơ sở dữ liệu của khoảng 1,6 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên ứng dụng Taobao và dịch vụ thanh toán lớn nhất Alipay. Ứng dụng Douyin của ByteDance có 640 triệu người dùng.

Mặc dù vậy, các nhà quản lý vẫn chưa đưa ra chỉ đạo rõ ràng về mức độ kết nối giữa các công ty, chuyên gia trong ngành dự đoán Tencent và WeChat - có số lượng người dùng lớn nhất - sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tác động lớn nhất đối với các Big Tech là vấn đề phân phối lại lưu lượng truy cập Internet - tài sản quý giá nhất đối với các doanh nghiệp Internet.

Trong khi đó, những công ty nhỏ hơn trên thị trường kỳ vọng vào những thay đổi giúp tăng sự cạnh tranh trên thị trường. Một giám đốc điều hành của một công ty trong lĩnh vực dữ liệu lớn (big data) cho biết: “Chúng tôi đã phải chịu đựng hành vi chặn liên kết của những công ty công nghệ lớn trong một thời gian dài."

Các rào cản do các công ty lớn tạo ra đã làm gia tăng đáng kể chi phí người dùng mới của các công ty nhỏ. Vị giám đốc này cho hay: “Chúng tôi chờ đợi lưu lượng truy cập Internet được tái phân phối và mong đợi các chính sách rõ ràng hơn"./.

(Vietnam+)