An ninh mạng - “Điểm mù” trong liên minh Philippines-Mỹ

Thứ năm, 18/8/2022 | 09:20 GMT+7

Ngoại trưởng Blinken khó có thể khắc phục những vấn đề như vậy trong một chuyến thăm ngắn, song cũng đã đến lúc liên minh Mỹ-Philippines nhận ra rằng an ninh mạng là một nghĩa vụ không thể bỏ qua.

Ảnh minh họa (Nguồn: nbcnews.com)

Theo trang mạng thediplomat.com, từ việc chiến đấu với đế quốc Nhật Bản đến quân nổi dậy và các nhóm khủng bố Hồi giáo, mối quan hệ quốc phòng Philippines-Mỹ đã phát triển hiệu quả trong suốt 70 năm qua để ứng phó với các mối đe dọa khu vực và toàn cầu đang có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, trong 20 năm qua, sự chuyển đổi này đã chững lại. Trong giai đoạn này, hoạt động trên không gian mạng ngày càng trở thành một công cụ nổi bật của xung đột quốc tế.

Trong khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và liên minh Nhật-Mỹ đã có nhiều biện pháp quan trọng để tăng cường khả năng phòng thủ tập thể trong lĩnh vực này, thì quan hệ hợp tác Mỹ-Philippines lại tụt hậu.

Đây không chỉ là vấn đề về việc bắt kịp các đối tác an ninh tập thể, bởi việc không có khả năng đối phó hiệu quả các tội phạm mạng đã tạo ra các điểm yếu mới, có thể làm suy yếu và cản trở hoạt động của liên minh.

Một liên minh thiết thực không những cần ngăn chặn các cuộc tấn công phá hoại quy mô lớn mà còn phải đẩy lùi các chiến dịch tấn công mạng kéo dài, vốn làm suy giảm lòng tin mang tính thể chế và định hình các kết quả chiến lược.

[Ngoại trưởng Mỹ thăm Philippines, cam kết củng cố quan hệ đồng minh]

Chuyến công du Philippines của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6/8 là cơ hội để khắc phục thiếu sót này, theo đó chính thức mở rộng liên minh Philippines-Mỹ sang lĩnh vực kỹ thuật số.

Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) cam kết Mỹ và Philippines sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra "một cuộc tấn công vũ trang" đối với một trong hai bên.

Khi hiệp ước được ký kết, trong bối cảnh Chiến tranh Triều Tiên và chưa đầy một thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, định nghĩa về một "cuộc tấn công vũ trang" là hiển nhiên và dường như không mập mờ.

Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng các hoạt động “vùng xám” như sử dụng chiến tranh hỗn hợp và các lực lượng dân quân trên biển, cho phép các quốc gia định hình lại các điều kiện an ninh và nâng cao lợi ích của họ thông qua các hành động dưới mức tấn công vũ trang. Điều này đặc biệt rõ ràng với việc sử dụng các công cụ mạng để theo đuổi các lợi ích chiến lược.

Các hoạt động không gian mạng đã được nhiều chính phủ sử dụng để phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng, làm suy giảm năng lực quân sự, gây thiệt hại cho nền kinh tế và gieo rắc bất đồng chính kiến, song đều tránh vi phạm các quan niệm truyền thống về một “cuộc tấn công vũ trang.”

Các cuộc tấn công mạng liên tục với các tác động riêng rẽ nhưng tích tụ có thể định hình lại các điều kiện an ninh và mang lại lợi thế chiến lược lớn. Từ nhận thức về những mối nguy hiểm do các hoạt động không gian mạng, an ninh mạng đã được coi là một vấn đề an ninh quốc gia và các năng lực quân sự trên không gian mạng cũng được tăng cường.

Tuy nhiên, sự gia tăng xung đột mạng đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với các liên minh quốc tế. Mặc dù trong các hiệp ước quốc phòng hiện tại, các bên cam kết ứng phó với một cuộc tấn công vũ trang, nhưng điều này có ý nghĩa gì đối với an ninh mạng, lĩnh vực mà danh tính của kẻ tấn công không rõ ràng và có thể gây ra thiệt hại mà không có thương vong về người?

Hơn nữa, các tổ chức này dự định phản ứng ra sao khi các hoạt động trên không thực sự vi phạm chuẩn mực và luật pháp quốc tế hiện hành?

Đáng chú ý, NATO cùng các liên minh của Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc đã có nhiều biện pháp mở rộng năng lực và cam kết sang lĩnh vực không gian mạng, trong đó có các dấu hiệu chỉ ra rằng một cuộc tấn công mạng có thể cấu thành một “cuộc tấn công vũ trang.” Tuy nhiên, liên minh Philippines-Mỹ đã không bắt kịp với sự phát triển này và an ninh mạng vẫn là một điểm mù.

Vấn đề an ninh mạng trong liên minh Philippines-Mỹ

Hợp tác an ninh mạng không hoàn toàn vắng bóng trong liên minh Philippines-Mỹ. Sau một loạt các cuộc tấn công mạng trả đũa của các tin tặc Trung Quốc và Philippines trong cuộc tranh chấp Bãi cạn Scarborough năm 2012, cả Mỹ và Philippines đã cam kết hợp tác trong vấn đề an ninh mạng.

Hơn nữa, từ những ngày đầu xuất hiện Internet, các lĩnh vực hợp tác song phương trước đó đã cung cấp các cơ chế hợp tác không gian mạng và ứng phó sự cố. Điều này đặc biệt thể hiện rõ vào năm 2016 khi Philippines hứng chịu một loạt các cuộc tấn công mạng lớn và được nhiều cơ quan Mỹ như Bộ Tư pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, hợp tác không gian mạng đã bị đình trệ.

Chiến thắng của Rodrigo Duterte và Donald Trump vào năm 2016 đã tạo ra những thách thức đối với liên minh này, đặc biệt gây bất lợi cho lĩnh vực kỹ thuật số. Cùng với các cuộc tấn công trực tiếp vào liên minh, Duterte khôi phục quan hệ với Trung Quốc, trong đó có hợp tác phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) thuộc khuôn khổ “Dự án Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” của Trung Quốc.

Việc sử dụng ICT Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng quan trọng của Philippines làm gia tăng lo ngại của Mỹ về các hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở Philippines, khiến Manila rơi vào xung đột trực tiếp với chính quyền Trump và chiến dịch toàn cầu của Mỹ chống lại các công ty ICT Trung Quốc như Huawei.

Ngoài mâu thuẫn trên, liên minh Mỹ-Philippines cũng có nhiều khác biệt cơ bản trong chính sách an ninh mạng quốc gia. Mặc dù cả hai chính phủ đều coi an ninh mạng là ưu tiên quốc gia sau năm 2016, nhưng Mỹ coi các chính phủ nước ngoài như những mối đe dọa chính.

Trong khi đó, các chính sách an ninh mạng và an ninh quốc gia của Philippines không chú trọng mối đe dọa từ các chính phủ nước ngoài nhưng tập trung vào tội phạm mạng và các tác nhân phi nhà nước. Những nhận thức này không chỉ dẫn đến sự khác biệt trong chiến lược an ninh mạng mà còn cả các ưu tiên thể chế, có thể vô tình loại bỏ các lĩnh vực hợp tác đã có từ trước.

Sự đình trệ của hợp tác an ninh mạng song phương tạo thành một điểm yếu trong liên minh hai nước. Philippines bị liệt vào danh sách các nước có không gian mạng kém an toàn nhất thế giới, khi các cơ sở hạ tầng quan trọng rất dễ bị tấn công mạng từ nước ngoài.

Trong các hoạt động của liên minh, điểm yếu của một nước có thể trở thành điểm yếu của nước còn lại và các cuộc tấn công mạng nhằm vào Philippines có thể cản trở khả năng Mỹ sử dụng các địa điểm ở Philippines để ứng phó với các cuộc khủng hoảng khu vực. Mối lo ngại này lớn đến mức Mỹ đã được khuyến khích xem xét thiết lập các cơ sở năng lượng độc lập để hỗ trợ các địa điểm quan trọng ở Philippines.

Cơ sở hạ tầng quan trọng cũng không phải là điểm yếu duy nhất. Các chiến dịch thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử quốc gia năm nay cho thấy người dân Philippines rất dễ bị tác động. Đây là vấn đề nghiêm trọng vì trước đây Trung Quốc từng có âm mưu sử dụng các chiến dịch như vậy để nhằm vào liên minh Philippines-Mỹ.

Do đó, mặc dù Blinken không thiếu các chủ đề thảo luận trong cuộc gặp Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., song các vấn đề kỹ thuật số vẫn cần được đưa vào chương trình nghị sự. Hai bên vẫn có nhiều cách để thúc đẩy đáng kể hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng.

Tại một hội nghị gần đây, Ely Ratner - Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - tuyên bố rằng hai bên đang hợp tác “để xây dựng các chỉ dẫn quốc phòng song phương mới, từ đó làm rõ vai trò, sứ mệnh và khả năng tương ứng của từng bên trong khuôn khổ liên minh.”

Điều cần thiết là các chỉ dẫn này phải chính thức thừa nhận các hoạt động không gian mạng là một loại “tấn công vũ trang” để viện dẫn Hiệp ước Phòng thủ chung. Tuyên bố như vậy sẽ mở rộng phạm vi liên minh Philippines-Mỹ sang lĩnh vực không gian mạng và đưa quan hệ đối tác giữa 2 nước ngang tầm với các liên minh khác của Mỹ.

Hơn nữa, mặc dù không nên nêu chi tiết các điều kiện kích hoạt Điều IV, việc đưa các hoạt động không gian mạng vào “chiếc ô an ninh” của MDT sẽ loại bỏ một điểm yếu trong liên minh, vốn có thể bị các đối thủ lợi dụng.

Tuy nhiên, việc mở rộng các cam kết liên minh đối với an ninh mạng sẽ là không phù hợp nếu không đi đôi với các năng lực, các dự án đầu tư và phát triển thể chế tương ứng. An ninh mạng phải được tích hợp vào các hoạt động này và hợp thức hóa để thúc đẩy phát triển bền vững trong hợp tác an ninh mạng song phương.

Tương tự, khi hai nước phát triển các thể chế và cơ quan mới để tăng cường an ninh mạng quốc gia, các thực thể mới này cũng phải được đưa vào các cam kết hợp tác.

Cuối cùng, cần phải thừa nhận rằng an ninh mạng là một vấn đề quốc gia, không thể tách biệt khỏi các vấn đề phát triển kinh tế, thương mại và giáo dục. Ví dụ, mong muốn phát triển kinh tế của Philippines và nhu cầu bắt kịp tốc độ trong một thế giới số hóa đã dẫn đến việc nước này áp dụng ICT Trung Quốc.

Ngoài ra, không nên bỏ qua an ninh mạng vì lợi ích kinh tế, các đối tác không nên bị yêu cầu hy sinh lợi ích kinh tế mà không được hỗ trợ. Mặc dù những bước phát triển như đa dạng hóa chuỗi cung ứng mang lại cơ hội giải quyết những tình huống khó xử này theo hướng đôi bên cùng có lợi, nhưng cũng sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư đáng kể và sự hỗ trợ chính trị bền vững.

Blinken khó có thể khắc phục những vấn đề như vậy trong một chuyến thăm ngắn, song cũng đã đến lúc liên minh Mỹ-Philippines nhận ra rằng an ninh mạng là một nghĩa vụ không thể bỏ qua./.