Chuyên gia dự báo triển vọng an ninh mạng trong năm 2023

Chủ nhật, 22/1/2023 | 08:34 GMT+7

Từ năm 2023 trở đi, các công nghệ mới sẽ tiếp tục củng cố an ninh mạng. Những đổi mới này làm cho các quy trình an ninh mạng hiện tại trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn cùng nhiều phương pháp tiếp cận mới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Forbes)

Theo chuyên gia Phil Rodrigues, Trưởng bộ phận An ninh Thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Nhật Bản của Amazon Web Services (AWS), công ty con của Amazon, cung cấp các nền tảng điện toán đám mây theo yêu cầu cho các cá nhân, một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhóm an ninh mạng là bối cảnh bảo mật thay đổi liên tục.

Địa chính trị phát triển, mâu thuẫn giữa tiến bộ kinh tế và an ninh cũng như sự hiểu biết về mối đe dọa trên không gian mạng đã thúc đẩy nhiều nhận thức tiêu cực về an ninh mạng.

Mặc dù rất dễ bị phân tâm bởi các tiêu đề bắt mắt về những sai sót nhưng an ninh mạng cũng đang liên tục được nâng cao bằng các công nghệ mới và hấp dẫn để giúp con người giải quyết thách thức của các mối đe dọa luôn thay đổi.

An ninh mạng sẽ là nền tảng của mọi thứ

Thế giới đang chứng kiến sự tăng tốc nhanh chóng của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong thời gian ngắn, buộc các tổ chức phải khắc phục những gián đoạn đối với hoạt động kinh doanh như tác động của làm việc từ xa. An ninh mạng luôn là ưu tiên hàng đầu của một số tổ chức.

Tuy nhiên, trọng tâm này đang được mở rộng. An ninh mạng có khả năng trở thành ưu tiên hàng đầu đối với tất cả các tổ chức hoạt động trong nền kinh tế kỹ thuật số.

[An ninh mạng sẽ là nền tảng của mọi hoạt động trong tương lai]

Thay vì đánh giá định kỳ, an ninh mạng tự động liên tục có vẻ sẽ sớm xuất hiện. Điều này sẽ tạo ra môi trường giúp các quyết định về an ninh mạng được đưa ra một cách tốt nhất và sớm hơn trong quá trình phát triển các quy trình kinh doanh và sản phẩm kỹ thuật số.

Do đó, an ninh mạng sẽ thực sự được tích hợp vào mọi hoạt động của các tổ chức và đó là cách tiếp cận phù hợp. Văn hóa bảo mật mới này sẽ thúc đẩy tự động hóa an ninh mạng nhiều hơn, cho phép các tổ chức đổi mới và mở rộng quy mô một cách an toàn.

Trong khi đó, điện toán đám mây cung cấp cơ hội thú vị để bảo mật dữ liệu theo những cách không thể thực hiện tại chỗ, giúp đơn giản hóa việc tự động hóa các tác vụ an ninh mạng như vá lỗi, ghi nhật ký, giám sát, kiểm tra và tích hợp với các bộ công cụ hiện có.

Lợi ích đối với các tổ chức và chính phủ thuộc mọi quy mô, bao gồm cả những cải tiến phổ biến trong việc bảo vệ dữ liệu, là rõ ràng. Trên khắp thế giới, công chúng đang trở nên sáng suốt hơn trong cách thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu cá nhân và các chính phủ đang phản ứng bằng cách tạo ra luật mới để bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đến năm 2024, 3/4 dân số thế giới sẽ triển khai luật bảo vệ dữ liệu và các tổ chức lớn dự kiến sẽ chi ngân sách 2,5 triệu USD để đầu tư vào công nghệ bảo mật như mã hóa, kiểm soát truy cập nâng cao và ghi nhật ký chi tiết hơn.

Những cách thức mới để giải quyết khoảng cách về kỹ năng

Năm 2022, thế giới thiếu hụt khoảng 3,4 triệu người làm việc trong lĩnh vực an ninh mạng, trong khi các mối đe dọa bảo mật tiếp tục gia tăng.

Dự báo trên thế giới sẽ xuất hiện xu hướng ưu tiên sự đa dạng và tìm kiếm những quan điểm mới và sáng tạo để tuyển dụng các chuyên gia an ninh mạng.

Các tổ chức thực hiện điều này sẽ hoạt động tốt hơn trong lĩnh vực an ninh mạng so với những tổ chức không thực hiện.

Điều này có nghĩa là ưu tiên tuyển dụng những người có trình độ học vấn và nghề nghiệp đa dạng, đến từ các nền văn hóa khác nhau.

Sự đa dạng trong an ninh mạng không chỉ là sự bình đẳng mà còn là sự tối ưu hóa khả năng phòng thủ và tấn công bằng cách tiếp cận với phạm vi khả năng giải quyết vấn đề rộng nhất có thể.

Ngày càng có nhiều người nhận ra rằng chi phí giáo dục đại học ngày càng tăng và việc không được tiếp cận với chương trình đào tạo an ninh mạng phù hợp có thể cản trở khả năng tiếp cận các bằng cấp chính thức của các cá nhân có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, hạn chế sự tham gia của họ vào lĩnh vực an ninh mạng.

“Chân trời” công nghệ mới đối với an ninh mạng

Từ năm 2023 trở đi, các công nghệ mới và mới nổi sẽ tiếp tục củng cố an ninh mạng.

Những đổi mới này sẽ không chỉ làm cho các quy trình an ninh mạng hiện tại trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn, mà còn thúc đẩy các phương pháp tiếp cận an ninh mạng mới cho các tổ chức.

Tự động hóa đang nhanh chóng nổi lên như một yếu tố cần thiết để thực hành an ninh mạng hiệu quả.

Các phương pháp tiếp cận trí tuệ nhân tạo và học máy (AI/ML) sẽ giúp mở rộng điều này, bổ sung lớp tự động hóa quan trọng cho an ninh mạng trong môi trường đám mây.

AI/ML dựa trên đám mây cung cấp các khả năng dự đoán bắt nguồn từ thông tin được thu thập có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp an ninh mạng trở nên chủ động hơn bằng cách xác định các điểm ngoại lệ và đưa ra đề xuất về cách giải quyết các lỗ hổng.

Điện toán lượng tử sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng, phổ biến và có thể áp dụng cho các trường hợp sử dụng thực tế. Về lâu dài, điều này sẽ giúp dữ liệu trở nên an toàn hơn bằng cách nhắc nhở các tổ chức xem xét lại các quy trình và thuật toán mã hóa hiện tại của họ.

Các cơ chế như xác thực đa yếu tố (MFA) sẽ được chuẩn hóa hoàn toàn thành các thành phần cốt lõi của an ninh mạng thực tế trong tất cả các tổ chức.

Các phương pháp tiếp cận MFA trong tương lai sẽ hướng tới các hình thức xác thực sinh trắc học và đa phương thức. Những cách tiếp cận này sẽ tăng đáng kể tính bảo mật cho các tổ chức.

Sức mạnh của điện toán đám mây

Khả năng tiếp cận rộng rãi hơn với công nghệ đám mây sẽ cho phép các tổ chức xây dựng các biện pháp thực hành an ninh mạng hiệu quả hơn trong hoạt động hàng ngày.

Một loạt công cụ an ninh mạng được cung cấp sẵn trên đám mây và được cập nhật liên tục để đáp ứng với môi trường tiềm ẩn những đe dọa đang ngày càng phát triển, phù hợp với các phương pháp tốt nhất trong ngành.

An ninh mạng đang trở thành trụ cột trong cách các chính phủ và doanh nghiệp lập kế hoạch cũng như thực hiện các sáng kiến kỹ thuật số mới.

Các công cụ điện toán đám mây sẽ đi đầu trong việc giúp các tổ chức thích ứng với bối cảnh an ninh mạng đang thay đổi, có thể đóng vai trò đặc biệt không thể thiếu trong việc trao quyền cho các tổ chức tận dụng các công nghệ mới nổi để bảo vệ dữ liệu quan trọng nhất của xã hội./.