Tranh cãi quanh dự án khai thác đáy biển sâu ở Thái Bình Dương

Thứ tư, 27/7/2022 | 05:52 GMT+7

Việc khai thác đáy biển sâu đang là một vấn đề gây tranh cãi lớn trên toàn thế giới và đã có ít nhất bốn quốc đảo Thái Bình Dương lên tiếng kêu gọi tạm hoãn ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.

Khai thác đáy biển sâu đang là vấn đề gây tranh cãi lớn. (Nguồn: Science4fun)

Tờ The Guardian của Vương quốc Anh đưa tin Cơ quan nghiên cứu khoa học Australia (CSIRO) ngày 14/7 tuyên bố đã cử một nhóm các nhà khoa học từ Australia và New Zealand cùng tham gia với công ty Metals (TMC) để thực hiện dự án khai thác biển sâu ở khu vực Thái Bình Dương.

Dự án này nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng trong khả năng khai thác tài nguyên kết hạch đa kim, có tên gọi là polymetallic nodules (quặng hỗn hợp của nhiều kim loại dưới đáy biển). Tổng kinh phí dành cho CSIRO là 1,5 triệu AUD (1,08 triệu USD), do TMC chi trả dưới sự bảo trợ của bốn quốc đảo ở Thái Bình Dương, bao gồm Nauru, Tonga, Kiribai và Cook Islands.

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là việc khai thác đáy biển sâu đang là vấn đề gây tranh cãi lớn trên toàn thế giới và có ít nhất bốn quốc đảo Thái Bình Dương đã lên tiếng kêu gọi tạm hoãn ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này, vì lo ngại chúng có thể dẫn đến nguy cơ hủy diệt môi trường đại dương.

Cuộc đua khai thác đáy biển sâu

Polymetallic nodules gồm hỗn hợp các kim loại nickel, cobalt, mangan và một số kim loại đất hiếm khác. Các polymetallic nodules có kích thước như củ khoai tây, nằm rải rác dưới đáy biển sâu. Đây là những thành phần hóa học quan trọng nhất để sản xuất ôtô điện, tuabin gió và tấm pin Mặt Trời…

Các công ty, tìm kiếm cơ hội tham gia vào lĩnh vực khai thác kim loại mới, lập luận rằng thế giới cần polymetallic nodules nếu các quốc gia có kế hoạch rời xa nhiên liệu hóa thạch và hướng tới một tương lai được thúc đẩy bởi nguồn năng lượng tái tạo.

Khi ngành công nghiệp khai thác đáy biển được hình thành, dự kiến đây sẽ là một ngành kinh doanh tiềm năng, trị giá lên đến hàng tỷ USD. Một loạt các tên tuổi lớn toàn cầu đã vận động hành lang để thúc đẩy sự phát triển của các dự án khai thác đáy biển sâu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà môi trường, mở rộng hoạt động thăm dò và khai thác đáy biển sâu sẽ tạo ra sự huỷ diệt, đe dọa môi trường sống của đại dương và cả hành tinh. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng kêu gọi Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA) của Liên hợp quốc cần sớm ban hành lệnh cấm khai thác tài nguyên dưới đáy biển sâu.

Đầu năm 2020, sau một loạt tham vấn trên diện rộng, ISA đã đưa ra các quy định về thăm dò đáy biển sâu, nhưng chưa thiết lập các quy tắc khai thác cần thiết. Báo cáo của ISA cho biết nghiên cứu quốc tế nên được tiến hành để lấp đầy “lỗ hổng kiến thức” về hoạt động này, trước khi cho phép bất kỳ dự án khai thác dưới đáy biển nào được thực hiện và phải thiết lập các khu vực được bảo vệ trên tất cả các đại dương thuộc phạm vi quyền hạn của ISA.

Sau khi báo cáo được công bố, ISA đã lên kế hoạch cho các cuộc họp thảo luận chi tiết, nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến hoạt động này bị trì hoãn. Dự kiến đến tháng 6/2023, ISA mới có thể ban hành các quy định về hoạt động khai thác dưới đáy biển sâu.

Kế hoạch khai thác đáy biển sâu ở Thái Bình Dương

Vào năm ngoái, quốc đảo Nauru đã đưa ra một quy định mới, cho phép các công ty được quyền chuyển từ hoạt động thăm dò sang khai thác tại khu vực đại dương do nước này quản lý.

Trong thư đề nghị gửi đến ISA, Tổng thống Nauru Lionel Aingimea viết rằng khai thác polymetallic nodules dưới đáy biển sâu sẽ “tạo ra quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo trong tương lai và hỗ trợ cho nền kinh tế tuần hoàn."

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng việc cho phép khai thác polymetallic nodules dưới đáy biển một cách có trách nhiệm sẽ giúp đưa chúng ta đến một tương lai không carbon."

Dự án do TMC phát triển, dưới sự hậu thuẫn của Chính phủ Tổng thống Nauru, nhắm mục tiêu khai thác polymetallic nodules dưới đáy biển trong một khu vực rộng từ 4-6 km ở vùng Clarion Clipperton (CCZ) của Thái Bình Dương.

Một công ty con của TMC là Nauru Ocean Resources sẽ tham gia vào hoạt động này. Tháng 5/2022, Nauru Ocean Resources cho biết họ đã thử nghiệm đưa một thiết bị khai thác hoạt động ở đáy biển sâu trong phạm vi 2,5km của CCZ, sẽ chạy dọc theo đáy biển để thu thập các polymetallic nodules. Các cuộc thử nghiệm tiếp theo tại CCZ đã được lên kế hoạch vào cuối năm nay và hoạt động thương mại dự kiến bắt đầu vào năm 2024.

Giám đốc điều hành người Australia của TMC, Gerard Barron, cho biết nhiệm vụ của CSIRO là thiết lập một khu vực được bảo vệ, để hỗ trợ TMC thực hiện dự án khai thác polymetallic nodules. Công việc của CSIRO sẽ “cung cấp một đánh giá rủi ro nghiêm ngặt và minh bạch dựa trên các nghiên cứu cơ bản mà TMC đã thực hiện."

Ông nói: “CSIRO sẽ làm việc chặt chẽ với các nhà khoa học từ Bảo tàng Victoris, Trường đại học Griffith và Đại học Sunshine Coast." Sự tham gia của CSIRO, sẽ giúp “thúc đẩy sự phát triển của một kế hoạch quản lý nghiêm ngặt, tập trung vào các tác động tích luỹ của việc thu thập polymetallic nodules… cho phép TMC hoạt động trong giới hạn sinh thái an toàn."

Các quốc đảo Thái Bình Dương lên tiếng

Trong khi đó, Liên bang Micronesia đang cùng với Samoa, Fiji và Palau kêu gọi ngay lập tức hoãn các hoạt động khai thác ở biển sâu tại Thái Bình Dương. Ngoài bốn quốc đảo đã chính thức lên tiếng phản đối, một số quốc đảo khác cũng đang xem xét việc bảo vệ các đại dương xanh.

Các quốc đảo này cho rằng việc khai thác dưới đáy biển sâu khi chưa có các đánh giá chi tiết sẽ “gây thiệt hại to lớn” cho môi trường. Họ tuyên bố Chính phủ Australia và New Zealand đã “đứng về phía sai trong cuộc tranh luận," khi bày tỏ quan điểm bảo vệ cho dự án.

Ngày 11/7, Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo tuyên bố đất nước của ông muốn dừng tất cả các hoạt động thăm dò, cũng như bất kỳ phê duyệt nào về các quy định thăm dò khai thác đáy biển sâu, cho tới khi có các đánh giá chi tiết hơn về những tác động tiềm tàng của hoạt động này đối với môi trường.

TMC lập luận rằng quy trình của họ ít gây thiệt hại hơn so với việc khai thác trên cạn để lấy nickel, cobalt, đồng, mangan và công ty đang làm việc trên một hệ thống "giảm thiểu nhiễu âm đối với cột nước."

Giám đốc Barron cho biết công ty đã tiến hành một nghiên cứu sơ bộ về tiếng ồn và rung động dưới nước, kết quả sẽ được xác minh khi họ kiểm tra bộ thu kết quả vào cuối năm nay. Cụ thể, TMC đã thử nghiệm sử dụng ngưỡng tiếng ồn thấp đối với cá voi và cá heo và những nơi có mức độ tiếng ồn cao, dựa trên một giả định không chắc rằng có tới 17 ứng dụng sẽ hoạt động cùng một lúc trong CCZ.

[Hội nghị Đại dương LHQ hướng tới vẽ bản đồ đáy biển vào năm 2030]

Trong một tuyên bố, CSIRO khẳng định cơ quan này có vai trò quan trọng trong việc “cung cấp lời khuyên khoa học, để hỗ trợ việc ra quyết định nhằm đảm bảo việc ra quyết định được dựa trên những lời khuyên khoa học tốt nhất hiện có."

CSIRO là cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới trong việc phát triển hệ thống quản lý dựa trên hệ sinh thái và đánh giá rủi ro "và CSIRO có chuyên môn sâu rộng về sinh học và sinh thái biển sâu, đánh giá rủi ro và mô hình hệ thống."

Người phát ngôn của Bộ trưởng Khoa học Australia Ed Husic cho biết: “CSIRO là cơ quan khoa học quốc gia độc lập của Australia, được điều hành bởi một hội đồng độc lập. Các quyết định về nghiên cứu mà cơ quan này thực hiện, bao gồm cả các dự án nghiên cứu cá nhân, đều được chính phủ xem xét trong một khoảng thời gian dài."

Chuyên gia Duncan Currie, Cố vấn của Liên minh Bảo tồn Biển sâu, cho biết cơ quan này đang kêu gọi Chính phủ New Zealand và Australia nên “đoàn kết với các nước láng giềng Thái Bình Dương," cùng lên tiếng phản đối các hoạt động khai thác có hại cho đại dương.

Phản ứng từ thế giới

Trước đó, Tổ chức Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và nhà sản xuất ôtô BMW đã lên tiếng kêu gọi tạm hoãn trên quy mô toàn cầu đối với hoạt động khai thác dưới đáy biển sâu. Tập đoàn Google, công ty Volvo và nhà sản xuất pin của Samsung cũng công khai ủng hộ yêu cầu này.

Đầu tháng 7/2022, một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Science chỉ ra rằng tiếng ồn từ một điểm khai thác đáy biển sâu có thể làm tăng mức độ tiếng ồn trong khu vực có bán kính 500km xung quanh.

Các nhà nghiên cứu cho biết nếu tất cả 17 ứng dụng dùng để khai thác polymetallic nodules trong CCZ được sử dụng, điều này sẽ làm tăng độ ồn trên phạm vi 5,5 triệu km2 - một khu vực lớn hơn cả Liên minh châu Âu (EU).

Đánh giá của các nhà nghiên cứu viết: "Sẽ có những thách thức về chi phí và hậu cần để trả lời cho những câu hỏi cơ bản liên quan tới tác động âm thanh có thể xảy ra đối với các hệ sinh thái biển sâu" và chưa thể có đủ dữ liệu được đánh giá trước thời hạn tháng 6/2023./.