Triều Tiên sẽ trở thành siêu cường hạt nhân trong tương lai?

Thứ năm, 29/4/2021 | 16:12 GMT+7

Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia của Mỹ (ODNI) cảnh báo rằng Triều Tiên vẫn luôn là một mối đe dọa hạt nhân tiềm tàng, trong bối cảnh chương trình vũ khí hạt nhân của nước này vẫn hoạt động.

Một tên lửa đạn đạo chiến thuật kiểu mới được phóng thử từ thị trấn Hamju, tỉnh Nam Hamgyong của Triều Tiên ngày 25/3/2021. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, nếu Triều Tiên thiết lập được một kho vũ khí hạt nhân lên tới hàng trăm vũ khí, những hệ quả của điều này có thể sẽ rất thảm khốc đối với Mỹ, trừ khi Washington từ bỏ thói "nghiện can thiệp" vào công việc nội bộ của các nước khác.

Ngày Mặt Trời - lễ kỷ niệm ngày sinh của người sáng lập ra đất nước Triều Tiên, lãnh tụ Kim Nhật Thành - đã trôi qua mà không có một sự cố nào xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, tương lai có lẽ sẽ không yên bình như vậy.

Báo cáo mới nhất từ Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia của Mỹ (ODNI) đã cảnh báo rằng Triều Tiên vẫn luôn là một mối đe dọa hạt nhân tiềm tàng, trong bối cảnh chương trình vũ khí hạt nhân của lãnh đạo tối cao đương nhiệm Kim Jong-un vẫn đang hoạt động.

ODNI cảnh báo rằng trong năm nay, Triều Tiên có thể sẽ khôi phục các hoạt động thử cả tên lửa tầm xa lẫn các loại vũ khí hạt nhân, từ bỏ lệnh tạm ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa mà nước này từng cam kết cách đây 3 năm trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim đầu tiên.

Báo cáo chung của hãng tư vấn Rand Corporation và Viện Asan Hàn Quốc thậm chí còn mô tả những tiến triển hạt nhân tiềm tàng của Triều Tiên một cách nghiêm trọng hơn.

Dĩ nhiên, không ai dám chắc chắn điều gì trong tương lai, nhưng những ước tính hiện nay đều rất đáng ngại: từ nay đến năm 2027, Triều Tiên có thể sở hữu 200 vũ khí hạt nhân và vài chục tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cùng hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm xa dưới 3.500km mang theo vũ khí hạt nhân.

Những tiến triển này có thể đưa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trở thành cường quốc hạt nhân thuộc hàng thứ hai thế giới.

[Triều Tiên có thể có tới 242 vũ khí hạt nhân vào năm 2027]

Mặc dù vẫn đứng sau Mỹ và Nga, nhưng kho vũ khí của Triều Tiên sẽ đuổi kịp Trung Quốc và Pháp, xấp xỉ Anh và vượt Ấn Độ, Israel và Pakistan. Điều này khiến Triều Tiên trở thành nhà nước có nhiều vấn đề nhưng lại mạnh mẽ nhất hành tinh.

Như vậy, cần phải suy tính xem liệu Triều Tiên có thể làm gì với một sức mạnh lớn như thế. Bình Nhưỡng từng chiếm ưu thế trong một cuộc chiến tranh truyền thống khi xâm lược Hàn Quốc vào năm 1950 và đang đe dọa sẽ lặp lại điều này sau nhiều năm.

Tuy nhiên, tình trạng kinh tế bất ổn của Triều Tiên và sự tăng trưởng "thần kỳ" theo hướng thị trường của Hàn Quốc đã làm thay đổi cán cân sức mạnh trên bán đảo này.

Triều Tiên vẫn chiếm ưu thế về khối lượng quân sự. Kho vũ khí và xe tăng đồ sộ của Triều Tiên dù già nua, nhưng nếu đổ dồn về thủ đô Seoul thì vẫn có thể gây ra những tổn thất to lớn.

Tuy nhiên, những tiến triển rõ ràng về năng lực quân sự truyền thống được thể hiện trong cuộc duyệt binh hồi tháng 10/2020 của Triều Tiên không thể che giấu được sự yếu kém cơ bản của chế độ họ Kim trước các đối thủ hiện đại, có công nghệ tân tiến.

Chiến tranh luôn ẩn chứa đầy rẫy bất ngờ, nhưng có một điều chắc chắn là Hàn Quốc và Mỹ, hay thậm chí chỉ cần một mình Hàn Quốc, cũng có thể đánh bại Triều Tiên, mặc dù "những thiệt hại về tài sản" - tên gọi chung cho những thương vong về người và sự tàn phá về vật chất - sẽ là rất lớn.

Mặc dù vậy, Triều Tiên vẫn đang tiếp tục đánh cược lớn bằng cách phát triển các vũ khí hạt nhân và tìm cách đưa chúng tiếp cận lục địa Mỹ.

Theo báo cáo chung của Rand/Asan, "vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo của họ đã trở thành các công cụ để họ củng cố quyền lực cho chế độ và nỗ lực hướng tới sự thống trị. Hiện nay, chỉ cần một vài trong số hàng chục vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là đã có thể gây ra hàng triệu cái chết và thương vong nghiêm trọng nếu chúng được dùng để tấn công các thành phố của Hàn Quốc và Mỹ. Ngoài ra, các vụ tấn công còn có khả năng nhắm vào Tokyo và các thành phố khác của Nhật Bản, cũng như Guam - một vùng lãnh thổ của Mỹ mà các lực lượng quân sự của Mỹ đang đóng quân."

Sự gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ tinh vi của kho vũ khí sẽ giúp Bình Nhưỡng có thêm nhiều lựa chọn thâm hiểm. Tích cực mà nói, không có gì cho thấy Kim Jong-un hay bất kỳ ai khác trong giới lãnh đạo Triều Tiên đang muốn tự sát. Họ không hề muốn rời khỏi trái đất này trên đỉnh một giàn thiêu phóng xạ ở Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, trong hầu hết các cuộc chiến tranh, ít nhất sẽ có một bên tham chiến tính toán sai lầm và thường sẽ gây ra thảm họa. Sự tuyệt vọng sẽ làm gia tăng khả năng phán đoán kém và mắc sai lầm.

Báo cáo nêu lên khả năng đáng lo ngại về sự liều lĩnh có tính toán: Chế độ Triều Tiên đang đối mặt với những bất ổn từ bên trong và rất kiên quyết, tàn nhẫn; chúng ta không thể loại trừ khả năng Triều Tiên đang cố gắng giải quyết những vấn đề nội bộ bằng cách xúc tiến một cuộc chiến nghi binh lớn hoặc nhỏ, trong đó họ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Kịch bản này có thể là tiền đề cho sự leo thang và hủy diệt.

Vậy cần phải làm gì để đối phó? Các tác giả của báo cáo đề xuất một vài ý tưởng tồi tệ một cách kỳ lạ, chẳng hạn như "Hàn Quốc và Mỹ cần củng cố liên minh Hàn-Mỹ." Tuy nhiên, liên minh Mỹ-Hàn, cùng với chiếc ô hạt nhân của Mỹ, trong trường hợp này lại chính là vấn đề.

Lời hứa sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Seoul sẽ có hiệu quả chừng nào Triều Tiên không sở hữu vũ khí nhạt nhân hoặc ít nhất là không có khả năng tấn công Mỹ bằng các vũ khí này.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Moskva từng tin vào mối đe dọa từ việc Washington sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ châu Âu: sự đối đầu giữa các siêu cường luôn mang tính toàn cầu và Mỹ tin là an ninh của họ đòi hỏi sự độc lập của lục địa này trước Liên Xô.

Mỹ và Triều Tiên không bị ràng buộc trong một cuộc xung đột tương tự như vậy, chứ chưa nói đến một cuộc chiến tranh thế giới rộng lớn, và Hàn Quốc không đóng một vai trò quan trọng tương tự trong một cán cân quyền lực quốc tế.

Không có mối quan tâm nào của Mỹ với Hàn Quốc đáng để mạo hiểm với một cuộc chiến tranh hạt nhân đe dọa lục địa Mỹ. Liên minh Hàn-Mỹ không những không phải là một câu trả lời cho mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng của Triều Tiên mà còn khó có thể tồn tại được trước mối đe dọa này.

Ngay cả một cuộc chiến tranh truyền thống cũng có thể trở thành chiến tranh hạt nhân nếu Hàn Quốc và Mỹ xuất hiện để tấn công nhằm giải phóng miền Bắc như hồi năm 1950.

Một đề xuất khác của Rand/Asan còn đáng sợ hơn. Các tác giả viết: "Hàn Quốc và Mỹ cũng có thể sử dụng những lời đe dọa nhằm gây sức ép đối với Triều Tiên.

Chẳng hạn, Mỹ có thể cảnh báo Triều Tiên rằng nếu nước này cho thấy họ có vẻ đang tích lũy một số lượng vũ khí hạt nhân không thể chấp nhận được (khoảng 80-100), Hàn Quốc và Mỹ sẽ buộc phải chuẩn bị thực hiện tấn công phủ đầu hoặc tấn công vào các cơ quan đầu não của Triều Tiên, hoặc cả hai.

Một chính sách như vậy có thể khiến chế độ trở nên hoài nghi và sợ hãi hơn. Bình Nhưỡng từ đó có lý do để hành động một cách bí mật hơn nữa, che đậy vũ khí và các hoạt động nhiều hơn nữa, tập trung vào các vũ khí có khả năng sống sót nhiều hơn nữa, chẳng hạn như tên lửa đan đạo phóng từ tàu ngầm.

Kim Jong-un và những người kế nhiệm ông cũng có thể sẽ giảm bớt những liên hệ quốc tế vốn đã rất hạn chế, trong đó có các hội nghị thượng đỉnh trong tương lai.

Tệ hơn nữa, một cách tiếp cân như vậy có thể chứng thực cho Triều Tiên những gì họ vốn đang chỉ hoài nghi, rằng những lực lượng quân sự của họ, dù là truyền thống hay hạt nhân, đều "phải sử dụng, nếu không thì sẽ mất." Vì vậy, trong bất kỳ cuộc xung đột nào, dù là thực tế hay trong dự tính, Triều Tiên đều sẽ quyết định phải hành động nhanh chóng và quyết đoán, và có lẽ còn cần phải hành động trước.

Nguy cơ Triều Tiên trở thành một cường quốc hạt nhân nghiêm túc nên trở thành động cơ để thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm kiềm chế kho vũ khí của họ.

Cho dù Washington có sẵn sàng công khai thừa nhận rằng những nỗ lực của họ nhằm ngăn Triều Tiên trở thành một nhà nước hạt nhân đã tiêu tan hay không, thì chính quyền Biden cũng nên tập trung vào việc "đóng băng" các nỗ lực của Triều Tiên.

Quan trọng không kém, Mỹ cũng nên cân nhắc cái giá họ sẵn sàng trả để bảo vệ các đồng minh của mình, đặc biệt trong một thế giới mà hầu hết những người bạn của Mỹ đều có thể tự bảo vệ bản thân và không quá quan trọng đối với sự sống còn của Mỹ.

Mối đe dọa quân sự hiện hữu duy nhất mà Mỹ đang đối mặt hiện nay là chiến tranh hạt nhân. Vì vậy, không có gì quan trọng với Washington bằng việc ngăn ngừa, chặn đứng, cản trở hoặc đánh bại một cuộc tấn công như vậy.

Điều này đòi hỏi Mỹ phải tránh can thiệp vào bất kỳ cuộc chiến nào mà Triều Tiên bị cho là đang đặt ra một mối đe dọa tiềm tàng, đồng nghĩa với bất kỳ một cuộc chiến nào với Mỹ.

Dù thế giới hiện tràn lan những cuộc xung đột và nổi loạn, Mỹ ngày nay vẫn an toàn hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào khác trong quá khứ. Những mối đe dọa hàng đầu xuất phát từ việc can thiệp vào các cuộc xung đột của những nước khác, chẳng hạn như trên Bán đảo Triều Tiên.

Nếu Triều Tiên thiết lập được một kho vũ khí hạt nhân lên tới hàng trăm vũ khí, thì những hệ quả của điều này có thể sẽ rất thảm khốc đối với Mỹ, trừ khi Washington từ bỏ thói quen "nghiện can thiệp" vào công việc nội bộ của các nước khác./.

(Vietnam+)