Sai lầm của Trung Quốc khi nhận định về nền kinh tế Mỹ

Thứ ba, 18/5/2021 | 17:36 GMT+7

Giới tinh hoa Trung Quốc tin rằng Mỹ đang trên đà suy thoái và điều này là không thể đảo ngược. Tuy nhiên, quan điểm Mỹ suy thoái lại có phần hơi phóng đại, Mỹ hiện vẫn nắm giữ lượng tài sản khổng lồ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng ft.com, hiện nay, giới tinh hoa Trung Quốc tin rằng Mỹ đang trên đà suy thoái và điều này là không thể đảo ngược. Đó cũng là những gì mà Jude Blanchette thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược có trụ sở tại Washington đã báo cáo.

Những gì xảy ra tại Mỹ những năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, được lấy làm minh chứng cho quan điểm trên. Một nền dân chủ tự do ổn định hẳn sẽ không bầu ông Donald Trump, người thiếu mọi phẩm chất và năng lực cần thiết, vào vị trí lãnh đạo quốc gia.

Tuy nhiên, quan điểm Mỹ đang suy thoái lại có phần hơi phóng đại. Washington hiện vẫn nắm giữ lượng tài sản khổng lồ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Trong suốt một thế kỷ rưỡi, Mỹ luôn là nền kinh tế mang tính đổi mới nhất trên thế giới. Đó chính là nền tảng cho ảnh hưởng và quyền lực toàn cầu của Washington.

Vậy năng lực đổi mới của Mỹ hiện nay như thế nào? Câu trả lời là “khá tốt,” bất chấp sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Thị trường cổ phiếu mặc dù không hoàn hảo, song giá trị mà nhà đầu tư gửi gắm vào các doanh nghiệp ít nhất vẫn phần nào phản ánh được triển vọng của các doanh nghiệp đó.

Nếu không tính công ty dầu mỏ của Saudi Arabia thì 5 công ty giá trị nhất trên thế giới đều là những "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ: Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook. Trung Quốc có 2 công ty công nghệ giá trị: Tencent (vị trí thứ 7) và Alibaba (vị trí thứ 9).

Nếu chúng ta chỉ nhìn vào các công ty công nghệ, Mỹ đã sở hữu 12 trong số 20 công ty hàng đầu; Trung Quốc (bao gồm Hong Kong nhưng không tính Đài Loan) sở hữu 3 công ty; và Hà Lan sở hữu 2 công ty, một trong số đó là ASML, công ty chế tạo máy móc lớn nhất thế giới chuyên sản xuất vi mạch. Đài Loan có Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan, nhà cung cấp vi mạch máy tính lớn nhất thế giới, và Hàn Quốc có Samsung Electronics. 

[Nghiên cứu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang phục hồi không đồng đều]

Khoa học đời sống cũng là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công trong tương lai. Trong lĩnh vực này, có 7 công ty châu Âu (bao gồm Thụy Sỹ và Anh) nằm trong top 20.

Tuy nhiên, Mỹ có tới 7 công ty trong top 10, và 11 công ty trong top 20. Nhìn chung, doanh nghiệp Mỹ vẫn đang thống trị toàn cầu và hầu như tất cả các công ty có giá trị lớn nhất mà không phải của Mỹ đều đóng trụ sở tại những quốc gia đồng minh.

Phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường cổ phiếu này rõ ràng đã không tính đến các doanh nghiệp Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, cũng như Huawei, công ty dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực trang thiết bị viễn thông.

Trung Quốc còn tuyên bố dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, công nghệ này vốn có nguồn gốc từ quốc gia khác. Thành công của Bắc Kinh trong lĩnh vực đường sắt và trong một số lĩnh vực khác nằm ở khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh chóng và trên quy mô lớn.

Một khía cạnh quan trọng khác là các trường đại học. Trong một bảng xếp hạng nổi tiếng, 5 trong số 10 trường đại học hàng đầu, và 10 trong số 20, đều là các trường đại học Mỹ. Chỉ 1 trường đại học Trung Quốc lọt vào danh sách này.

Hơn nữa, sự quản lý tập trung tại Trung Quốc đang được thắt chặt hơn bao giờ hết, điều đó khó có thể thúc đẩy sáng tạo bền vững.

Về tổng thể, Mỹ khó có thể rơi vào viễn cảnh đánh mất ảnh hưởng kinh tế, nhất là khi phối hợp cùng các đồng minh. Thậm chí nếu Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới về mọi mặt trong tương lai gần, họ vẫn không phải là nền kinh tế hiệu quả nhất hay có tính đổi mới nhất.

Hơn nữa, Mỹ và các đồng minh có thể vẫn dẫn trước một thời gian dài, ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc không trở nên “cứng nhắc”.

Hiểm họa lớn nhất đối với vị thế của Mỹ nằm trong chính bản thân họ, không phải từ Trung Quốc. Nếu Mỹ bầu ra những nhà lãnh đạo coi thường dân chủ, đa dạng sắc tộc, liên minh toàn cầu, khoa học và lý trí, Mỹ chắc chắn sẽ suy thoái.

Có lẽ giới tinh hoa Trung Quốc đã đúng khi cho rằng Mỹ đang trên con đường suy tàn. Tuy nhiên, họ cũng sai khi nghĩ rằng con đường họ đi là con đường tốt hơn.

Tài sản vĩ đại của nước Mỹ chính là khả năng thu hút những người giỏi nhất và sáng giá nhất của thế giới đến Mỹ. Hai người sinh ra tại Ấn Độ đang điều hành Microsoft và Alphabet.

Một trong hai đồng sáng lập của Google là người nhập cư từ Liên Xô. Tuy nhiên, chính sách ưu tiên người bản xứ hơn người nhập cư hiện nay đang gây ảnh hưởng tới khả năng thu hút này. 

Mặc dù vậy, sự đa dạng - trong khuôn khổ các giá trị chung và thể chế chung - có thể vẫn là một nguồn sinh khí to lớn giúp duy trì sức mạnh của nước Mỹ trong kinh doanh, văn hóa và chính trị. Mỹ khó có khả năng duy trì được quyền lực thống trị thế giới, đơn giản bởi dân số Trung Quốc đông gấp bốn lần Mỹ.

Tuy nhiên, chừng nào Washington luôn duy trì dân chủ, tự do và mở cửa, họ vẫn có nhiều cơ hội để tiếp tục là quốc gia ảnh hưởng nhất thế giới trong tương lai xa. Thế nhưng, nếu họ chệch khỏi con đường đó, họ sẽ thất bại. Xét cho cùng, đó là lựa chọn của bản thân nước Mỹ, không phải định mệnh./.

 

(Vietnam+)