Nguy cơ tiềm ẩn nếu vũ khí xuất khẩu rơi vào tay những kẻ xấu

Thứ năm, 03/6/2021 | 13:42 GMT+7

Lịch sử cho thấy việc xuất khẩu vũ khí thường diễn ra ở những nơi không nên làm, gây ra nhiều đau khổ cho dân thường. Đôi khi chúng được dùng để chống lại chính lợi ích của các nước sản xuất ra chúng.

Chính phủ Australia tự hào rằng không có một chiếc tiêm kích F-35 nào có thể hoạt động mà không có các bộ phận do nước này sản xuất. (Nguồn: AFP/TTXVN)

The Conversation đã đăng bài của tác giả Megan Price, giảng viên Đại học Queensland (Australia), phân tích về những nguy cơ tiềm ẩn của hoạt động xuất khẩu vũ khí, nội dung như sau:

Kể từ năm 2018, Australia đã tìm cách trở thành 1 trong 10 nước xuất khẩu quốc phòng hàng đầu thế giới.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Australia là các sản phẩm và linh kiện phù hợp với chuỗi cung ứng toàn cầu lớn hơn cho các loại vũ khí và hệ thống vũ khí.

Ví dụ, Chính phủ Australia tự hào rằng không có một chiếc tiêm kích F-35 nào có thể hoạt động mà không có các bộ phận do nước này sản xuất. Chính phủ Australia cũng nhận thấy tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm và linh kiện sử dụng cho xe bọc thép, hệ thống radar tiên tiến và tàu tuần tra.

Mặc dù Australia không đạt được nhiều tiến bộ trong bảng xếp hạng xuất khẩu nhưng đã đạt được một số thành công ấn tượng về doanh số bán hàng.

["Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang là bảo vệ thường dân"]

Trong năm tài chính 2017-2018, giá trị ước tính của các giấy phép xuất khẩu được phê duyệt là 1,5 tỷ AUD.

Đến năm 2019-2020, con số này đã tăng lên gần 5,5 tỷ AUD. Các mục tiêu xuất khẩu của Australia gắn liền với nỗ lực lớn hơn để vực dậy ngành sản xuất trong nước.

Chính phủ đóng góp tài chính đáng kể vào nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu quốc phòng của Australia, trong đó có 1 tỷ AUD được phân bổ gần đây cho nhà máy sản xuất vũ khí Sovereign Guided Weapons để chế tạo tên lửa.

Những đối tác nhập khẩu vũ khí từ Australia?

Australia không cung cấp dữ liệu về những quốc gia mà nước này xuất khẩu vũ khí. Họ chỉ lập bản đồ các khu vực mà không cần sự trợ giúp nào, và gộp cả Trung Đông và châu Á với nhau.

Một số tài liệu đã được chỉnh sửa mà tờ The Guardian (Anh) thu thâp được cho thấy trong giai đoạn 2018-2019, Australia đã cấp phép cho 45 chuyến hàng xuất khẩu vũ khí cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và 23 chuyến cho Saudi Arabia. 14 giấy phép khác cũng đã được phê duyệt cho 2 quốc gia này trong giai đoạn 2019-2020.

Những con số này rất quan trọng, đặc biệt vì cả UAE và Saudi Arabia đều đã tham gia cuộc nội chiến Yemen trong nhiều năm qua, đôi lúc tiến hành các cuộc không kích bừa bãi.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres ước tính 16 triệu người Yemen sẽ lâm vào cảnh thiếu lương thực trong năm nay, và khoảng 50.000 người Yemen đã chết đói do xung đột.

Đầu năm 2021, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố cấm bán vũ khí “tấn công” cho Saudi Arabia và UAE với lý do nhiều dân thường thiệt mạng trong cuộc chiến ở Yemen. Quyết định này đã nhận được sự hưởng ứng của Italy.

Trong khi đó, Đức cũng đã ngừng xuất khẩu vũ khí cho Saudi Arabia sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi vào năm 2018.

Tại Australia, nhiều nhóm vận động đã cố gắng nắm bắt động lực này bằng cách kêu gọi Chính phủ cũng làm như vậy.

Khi vũ khí rơi vào tay kẻ xấu

Chính phủ Australia vẫn tuyên bố rằng ngành xuất khẩu vũ khí của họ hoạt động theo các quy định nghiêm ngặt: để phù hợp với lợi ích quốc gia và nghĩa vụ quốc tế của Australia, Bộ Quốc phòng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa và công nghệ quân sự và lưỡng dụng từ Australia.

Những tuyên bố như vậy hầu như không phải là mới. Trên thực tế, chúng đã trở thành truyền thống ở các quốc gia phương Tây.

Trong thập kỷ 60 của thế kỷ XX, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tranh luận về giá trị của lệnh cấm vận vũ khí đối với Nam Phi.

Vào thời điểm đó, Pháp và Anh tuyên bố việc bán vũ khí của họ là vì “mục đích phòng thủ” chứ không phải “sử dụng chúng để đàn áp người dân bản xứ.”

Lịch sử cho thấy việc xuất khẩu vũ khí thường diễn ra chính xác ở những nơi không nên làm, gây ra nhiều đau khổ cho dân thường. Đôi khi chúng còn được sử dụng để chống lại lợi ích trước mắt của các quốc gia sản xuất ra chúng.

Những sai lầm của Anh

Ở đây, kinh nghiệm của Anh là một minh chứng sống động. Khi Công đảng của Tony Blair lên nắm quyền vào năm 1997, họ đã đã hứa hẹn một chính sách đối ngoại “có đạo đức.”

Trong khuôn khổ đó, Công đảng tuyên bố sẽ không bao giờ cho phép bán vũ khí cho các chế độ có thể sử dụng chúng để đàn áp người dân trong nước. Hoặc đó chỉ là những gì họ đã nói.

Chính phủ trước đó đã phê duyệt giấy phép xuất khẩu để bán máy bay phản lực Hawk cho chế độ Suharto ở Indonesia. Mặc dù Công đảng có thể hủy các giấy phép này, nhưng họ đã không làm như vậy cho đến khi quá muộn, kéo theo một loạt hệ lụy.

Năm 1999, Anh xác nhận Indonesia đã điều máy bay Hawk sang Timor Leste đe dọa cư dân địa phương trước cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của khu vực này.

Sau đó, vào năm 2003, Hawk được sử dụng để ném bom tỉnh Aceh trong một chiến dịch quân sự nội bộ tàn bạo. Xe tăng Scorpion của Anh cũng được sử dụng trong chiến dịch đó.

Đây hoàn toàn không phải là những sự cố không thể dự đoán. Năm 2009, Anh thừa nhận có thể vũ khí của họ đã được sử dụng trong cuộc nội chiến Sri Lanka, trái với mục đích xuất khẩu.

Cùng năm đó, Ngoại trưởng Anh cũng xác nhận Israel đã sử dụng thiết bị do Anh sản xuất để ném bom Gaza.

Giống như Australia, Anh hiện đang xuất khẩu vũ khí cho Saudi Arabia, mặc dù một thách thức pháp lý đang được đưa ra để cố gắng ngăn chặn việc này.

Từ năm 2013 đến 2017, Anh là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Saudi Arabia, chỉ sau Mỹ. Mặc dù gần đây Anh tuyên bố sẽ cắt giảm một nửa ngân sách viện trợ cho Yemen, nhưng nước này sẽ không ngừng cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia.

Hôm nay là bạn, mai là kẻ thù

Việc trang bị vũ khí cho các chính phủ nước ngoài không chỉ gây rủi ro tức thời cho dân thường.

Trong một hiện tượng được gọi là “phản ứng tiêu cực mà không lường hậu quả,” việc này có thể làm giảm lợi ích của các nhà xuất khẩu.

Ví dụ, năm 2004, Liên minh châu Âu (EU) đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vũ khí đối với Libya. Và từ 2005-2009, các nước thành viên EU đã củng cố các hợp đồng mua bán vũ khí với quốc gia nhiều dầu mỏ này.

Chế độ của Muammar Gaddafi đã cất trữ những vũ khí mới nhập khẩu đó trong kho của quốc gia.

Sau đó, năm 2011, Libya nổ ra nội chiến và NATO ban bố “vùng cấm bay.” Nhiều kho vũ khí đã bị cướp phá và vũ khí rơi vào tay cả chính phủ lẫn lực lượng nổi dậy. Điều này đã thực sự kích động một cuộc xung đột mà NATO lẽ ra phải chịu trách nhiệm kiểm soát.

Một báo cáo của Liên hợp quốc năm 2013 cho biết những vũ khí mà lực lượng nổi dậy cướp được đã được buôn bán trái phép sang 12 quốc gia trong khu vực.

Những vũ khí này rơi vào tay các chính phủ nước ngoài, phe ly khai, lãnh chúa và các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Đây là cách mà các giao dịch mua bán vũ khí có thể quay trở lại làm hại các nhà xuất khẩu.

Ngành công nghiệp vũ khí có một loạt vấn đề tiềm ẩn. Có nhiều câu hỏi về hiệu quả kinh tế của việc đầu tư vào quốc phòng bằng chi phí của các lĩnh vực khác, và mua sắm vũ khí rất dễ dẫn đến tham nhũng.

Mặc dù ý định của Australia là tốt và chính phủ hành động minh bạch, rất khó để đoán trước tương lai. Vũ khí xuất khẩu có thể rơi vào tay kẻ xấu hoặc được sử dụng sai mục đích. Điều đó đáng để chúng ta phải suy nghĩ./.

(Vietnam+)