Nâng cấp xưởng đóng tàu: Cuộc cạnh tranh siêu cường Mỹ-Trung

Thứ hai, 07/6/2021 | 16:41 GMT+7

Đô đốc Hải quân Mỹ Michael Gilday nhận định khoản chi 25 tỷ USD cho các xưởng đóng tàu hải quân lỗi thời là khoản đầu tư đúng mức, 'trăm năm mới có một lần'.

Tàu của Hải quân Mỹ trên Biển Đen. (Nguồn: unian.info)

Trang mạng asia.nikkei.com đưa tin một nhóm nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ đã đề xuất chi 25 tỷ USD cho các xưởng đóng tàu hải quân lỗi thời của quốc gia này nhằm chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh siêu cường với Trung Quốc.

So với tốc độ đóng tàu hiện nay của Bắc Kinh, việc sản xuất và bảo trì đang là một vấn đề đau đầu của quân đội Mỹ.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi tháng trước đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham dự lễ hạ thủy 3 tàu hải quân tại đảo Hải Nam.

Các tàu này bao gồm tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân Trường Chinh 18, tàu khu trục Đại Liên và tàu chiến đổ bộ Hải Nam.

Chỉ cần nhìn vào một trong các công ty đóng tàu Trung Quốc, đó là Công ty đóng tàu Hudong-Zhonghua tại Thượng Hải - một đơn vị thuộc Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc - chúng ta có thể thấy năng lực đóng tàu của quốc gia này.

[Hải quân Trung Quốc đã vượt Mỹ về cả số lượng và chất lượng?]

Hải Nam 31, tàu chiến đổ bộ lớn nhất của Trung Quốc, có thể vận chuyển và đổ bộ toàn bộ lực lượng thủy quân lục chiến của nước này - bao gồm một số lớn bộ binh, xe tăng và trực thăng - vào lãnh thổ kẻ địch.

Được biết với tên gọi “tàu sân bay nhỏ,” tiềm năng “chiếm đảo” của con tàu này đã khiến giới chiến lược gia quân sự quốc tế đưa ra nhiều đồn đoán về vai trò của nó với eo biển Đài Loan.

Sau khi bàn giao con tàu mới nhất thuộc Lớp 075 này cho Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ngày 23/4, Công ty đóng tàu Hudong-Zhonghua lại tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ.

Chỉ trong tuần sau đó, công ty đã bàn giao 2 tàu, trong đó có 1 tàu côngtenơ siêu trọng, cho công ty vận tải CMA CGM của Pháp.

Hudong-Zhonghua đã nhận đơn đặt hàng 6 tàu từ CMA CGM, bắt đầu đóng mới một tàu chuyên chở khí hóa lỏng, và đã hạ thủy 3 tàu.

Theo báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về tình hình an ninh và quân sự Trung Quốc, Trung Quốc hiện là quốc gia đóng tàu hàng đầu thế giới tính theo tải trọng và “đang tăng cường công suất và năng lực đóng mọi lớp tàu hải quân.”

Ngược lại, Mỹ chỉ có 4 xưởng đóng tàu nhà nước - tại Norfolk, Virginia; Portsmouth, Maine; Puget Sound, Washtington và Trân Châu Cảng, Hawaii - tất cả đều đã trên 100 tuổi.

Các xưởng đóng tàu do chính phủ sở hữu và điều hành này đang được sử dụng để bảo trì các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân, bao gồm tàu sân bay, tàu ngầm tấn công và tàu ngầm tên lửa đạn đạo.

Tính đến giữa những năm 1990, Mỹ có 9 xưởng đóng tàu hải quân còn hoạt động, nhưng rất nhiều trong số này đã bị đóng cửa khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và ngân sách quốc phòng bị cắt giảm dưới danh nghĩa “lợi tức hòa bình.”

Hai nhà phân tích Brent Sadler và Maiya Clark thuộc Quỹ di sản viết: “Hiện nay, quan điểm địa chính trị của Mỹ đã thay đổi. Các tính toán về năng lực bảo trì tàu chiến cũng nên thay đổi tương xứng.”

Dự luật trình Quốc hội của các nghị sỹ được đặt tên một cách khéo léo “Đạo luật SHIPYARD,” viết tắt của Đạo luật cung cấp tài chính cho cơ sở hạ tầng tại các cảng, xưởng sửa chữa và xưởng đóng tàu Mỹ năm 2021.

Dự luật này đề nghị phân bổ 25 tỷ USD cho việc sửa chữa, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất của các xưởng đóng tàu, trong đó 21 tỷ USD dành cho 4 xưởng đóng tàu nhà nước và 4 tỷ USD dành cho các xưởng đóng tàu tư nhân được Hải quân sử dụng.

Hải quân ban đầu cũng có kế hoạch giải ngân 21 tỷ USD trong 20 năm nhằm nâng cấp các xưởng đóng tàu nhà nước lỗi thời. Đạo luật SHIPYARD lại đề xuất giải ngân một lần nhằm đẩy nhanh tiến độ nâng cấp.

Trong một cuộc thảo luận hồi đầu tháng này, lãnh đạo Hải quân Mỹ - Đô đốc Michael Gilday - đã khẳng định 3 ưu tiên hàng đầu của ông là chuẩn bị cho các tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Columbia thế hệ tiếp theo, hiện đại hóa các xưởng đóng tàu đã lỗi thời và hiện đại hóa hệ thống hải vận chiến lược.

Ông Gilday nói: “Các cảng cạn của chúng ta tính trung bình đã 100 năm tuổi. Chúng ta có 21 cảng cạn tại 4 xưởng đóng tàu nhà nước. Các xưởng đóng tàu này đang bảo trì các tàu sân bay, tàu ngầm tên lửa đạn đạo, tàu ngầm tên lửa hành trình và tàu ngầm tấn công. Chúng ta phải duy trì việc đó trong tương lai. Chúng ta đang đầu tư đúng mức. Đây là một khoản đầu tư 'trăm năm có một lần' vào các xưởng đóng tàu nhà nước, những xưởng đóng tàu mà ta sẽ không rời bước, ít nhất là khi tôi vẫn còn là chỉ huy trưởng các hoạt động hải quân. Đây phải là một ưu tiên.”

Vài ngày sau, ngày 10/5, Gilday đã đi thăm Bath Iron Workds, một xưởng đóng tàu tư nhân tại Maine thuộc sở hữu của General Dynamics. Đây là xưởng đóng tàu đã sản xuất tàu khu trục tên lửa tự hành lớp Arleigh Burke.

Gilday nói: “Một trong những lý do quan trọng nhất khiến tôi đến Maine hôm nay là để cho mỗi người tại đây biết rằng công việc của họ là đặc biệt quan trọng đối với Hải quân của chúng ta. Tàu khu trục tên lửa dẫn đường là chủ lực trong hạm đội tàu của chúng ta. Nói một cách đơn giản, bạn không thể đến được chiến trường nếu bạn không có tàu để đi tới đó.”

Các nhà phân tích Sadler và Clark đề xuất rằng “một xưởng đóng tàu hải quân mới, có lẽ nằm tại Bờ Tây, sẽ là đặc biệt quan trọng đối với việc bảo trì kịp thời tàu thuyền phục vụ những chiến dịch hàng đầu tại Thái Bình Dương.”

Tuy nhiên, Andrew Lautz - Giám đốc chính sách thuộc Liên đoàn người đóng thuế quốc gia - đã chỉ trích Đạo luật SHIPYARD là “giải pháp cổ điển của Quốc hội đối với mọi vấn đề: đổ tiền vào vấn đề đó với tốc độ cực nhanh.”

Lautz cho rằng báo cáo hồi tháng Ba của Văn phòng ngân sách quốc hội (CBO) là một giải pháp thay thế tốt hơn.

CBO đã xem xét 4 phương án nhằm giải quyết tình trạng chậm trễ trong việc bảo trì tại các xưởng đóng tàu: nâng cao năng lực dự báo nhu cầu bảo trì tại xưởng, ủy quyền cho Hải quân được phép gia tăng nhân công tại xưởng, bắt đầu gửi thêm các tàu ngầm cho các xưởng tư nhân, và giảm quy mô hạm đội.

Lautz nhận định: “Hiện có nhiều lựa chọn khác mang tính trách nhiệm hơn những lựa chọn được đề xuất trong Đạo luật SHIPYARD”./.


(Vietnam+)