Châu Á lao vào cuộc đua chạy đua phát triển tên lửa

Thứ bảy, 31/7/2021 | 16:10 GMT+7

Theo giới phân tích, trong 10 năm tới, các nước châu Á sẽ được trang bị những tên lửa truyền thống bay xa và nhanh hơn, sát thương lớn hơn và tinh vi hơn bao giờ hết.

Ảnh minh họa. (Nguồn: ajudaily.com)

Theo Reuters, theo giới phân tích, châu Á đang lao vào một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm khi các nước nhỏ - những nước từng một thời đứng ngoài rìa - bắt đầu xây dựng các kho tên lửa tầm xa hiện đại để "theo chân" các cường quốc Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc đang tiến hành sản xuất hàng loạt DF-26, một loại vũ khí đa mục đích với tầm bắn lên tới 4.000km, trong khi Mỹ cũng phát triển nhiều loại vũ khí mới nhằm đối chọi với Bắc Kinh tại Thái Bình Dương.

Các quốc gia khác trong khu vực cũng đang đặt mua hoặc tự phát triển tên lửa mới, nguyên nhân là do những lo ngại về an ninh liên quan đến Trung Quốc và để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Theo giới phân tích, trong 10 năm tới, các nước châu Á sẽ được trang bị những tên lửa truyền thống bay xa và nhanh hơn, sát thương lớn hơn và tinh vi hơn bao giờ hết.

Đây là một chuyển biến nhanh chóng và nguy hiểm. Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương David Santoro nói: “Bức tranh tên lửa tại châu Á đang thay đổi một cách rất nhanh chóng.”

Theo giới phân tích, loại vũ khí này đang trở nên ngày càng chính xác và có chi phí phải chăng. Khi một quốc gia sở hữu chúng, các quốc gia láng giềng cũng không muốn thua kém. Tên lửa đem lại nhiều lợi ích chiến lược như răn đe kẻ thù và tăng cường ảnh hưởng đối với đồng minh, ngoài ra còn là một mặt hàng xuất khẩu đầy lợi nhuận.

Tuy nhiên, theo ông Santoro, tác động dài hạn của xu thế này hiện vẫn chưa thể biết trước. Hiện khó có khả năng các vũ khí mới có thể giúp ổn định căng thẳng và duy trì hòa bình.

Ông nói: “Việc phổ biến tên lửa có khả năng cao sẽ gia tăng sự ngờ vực, kích động chạy đua vũ trang, thổi bùng căng thẳng và cuối cùng gây ra khủng hoảng, thậm chí là chiến tranh.”

Tên lửa sản xuất trong nước

Theo một tài liệu quân sự năm 2021 chưa được công bố mà Reuters có được, Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ đang có kế hoạch triển khai các loại vũ khí tầm xa mới trong “các hệ thống tấn công chính xác, độ tin cậy cao dọc Chuỗi đảo thứ nhất,” trong đó bao gồm Nhật Bản, Đài Loan và nhiều đảo khác tại Thái Bình Dương bao quanh bờ biển phía Đông của Trung Quốc và Nga.

[Nhật Bản thử thành công động cơ đẩy tên lửa bằng công nghệ mới]

Một trong số các vũ khí mới là Vũ khí siêu thanh tầm xa (LRHW), một loại tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn có độ cơ động cao và bay với vận tốc hơn 5 lần vận tốc âm thanh để đánh vào các mục tiêu cách xa hơn 2.775km.

Người phát ngôn của INDOPACOM khẳng định với Reuters rằng vị trí triển khai những vũ khí này hiện vẫn chưa được quyết định. Tính tới hiện tại, hầu hết các đồng minh của Mỹ trong khu vực đều đang do dự trong việc cho phép Washington lắp đặt những vũ khí này tại quốc gia của mình.

Nếu triển khai tại Đảo Guam thuộc lãnh thổ Mỹ, LRHW sẽ không thể bắn tới đại lục Trung Quốc. Theo một nguồn tin giấu tên thân cận với chính phủ Tokyo, Nhật Bản - quốc gia đang có hơn 54.000 quân Mỹ đồn trú - có thể sẽ cho phép Washington triển khai một số khẩu đội tên lửa tại quần đảo Okinawa, nhưng Washington phải rút các lực lượng khác.

Các nhà phân tích cho rằng việc đặt tên lửa Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản rất có khả năng sẽ vấp phải phản ứng giận dữ từ Trung Quốc.

Một số đồng minh của Mỹ đang tự xây dựng kho vũ khí của riêng họ. Australia gần đây đã tuyên bố quốc gia này sẽ chi 100 tỷ USD trong 20 năm để phát triển tên lửa tiên tiến. Michael Shoebridge, làm việc tại Viện chính sách chiến lược Australia, nói: “COVID-19 và Trung Quốc đã cho thấy rằng sẽ là sai lầm nếu chúng ta dựa vào chuỗi cung ứng toàn cầu mở rộng để mua các vật phẩm thiết yếu trong giai đoạn khủng hoảng, và mua tên lửa hiện đại trong giai đoạn chiến tranh. Bởi vậy, tư duy chiến lược là tự sở hữu năng lực sản xuất tại Australia.”

Nhật Bản đã chi nhiều triệu USD cho các vũ khí tầm xa phóng từ trên không, và đang phát triển một phiên bản mới của tên lửa chống tàu lắp trên xe tải, tên lửa Type 12, với tầm bắn dự kiến lên tới 1.000km.

Trong số các đồng minh của Mỹ, Hàn Quốc là quốc gia triển khai chương trình tên lửa đạn đạo nội địa uy lực nhất. Tên lửa Hyunmoo-4 của Hàn Quốc có tầm bắn 800km, cho phép nó có thể tấn công sâu vào nội địa Trung Quốc.
Chiêu Thông, chuyên gia về an ninh chiến lược tại Bắc Kinh, viết: “Khi năng lực tấn công truyền thống tầm xa của các đồng minh của Mỹ tăng lên, khả năng vũ khí tầm xa được triển khai trong tình huống xảy ra xung đột khu vực cũng tăng theo.”

Mike Rogers, thành viên cấp cao của Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ, nói với Reuters: “Mặc dù quan ngại song Washington vẫn tiếp tục khuyến khích các đồng minh và đối tác đầu tư vào các năng lực quốc phòng phù hợp với các hoạt động phối hợp.”

Ranh giới mờ nhạt

Đài Loan (Trung Quốc) vẫn chưa có tuyên bố công khai về chương trình tên lửa đạn đạo, song vào tháng 12/2020, Lầu Năm Góc đã phê chuẩn đề nghị của Đài Loan về việc mua hơn 20 tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Mỹ sản xuất. Giới quan chức khẳng định Đài Bắc đang sản xuất vũ khí số lượng lớn và phát triển các loại tên lửa hành trình có khả năng tấn công tới Bắc Kinh, chẳng hạn tên lửa Vân Phong.

Vương Định Vũ, một nghị sỹ cấp cao thuộc đảng Dân tiến, cho rằng tất cả những nỗ lực này là nhằm “tăng cường năng lực quốc phòng của Đài Loan trong bối cảnh năng lực quốc phòng của Trung Quốc gia tăng,” đồng thời nhấn mạnh tên lửa của Đài Loan không có ý định tấn công vào sâu trong nội địa Trung Quốc.

Một nguồn tin ngoại giao tại Đài Bắc cho biết lực lượng vũ trang Đài Loan, vốn có truyền thống chỉ tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ hòn đảo và ngăn chặn một cuộc xâm lược từ Trung Quốc, đang bắt đầu chuyển sang “thế công.”

Nhà ngoại giao này nói thêm: “Ranh giới giữa vũ khí tấn công và vũ khí phòng thủ đang ngày càng trở nên mỏng manh hơn.”

Hàn Quốc đã tham gia cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt với Triều Tiên. Bình Nhưỡng gần đây vừa tiến hành thử nghiệm một loại vũ khí được cho là phiên bản cải tiến của tên lửa KN-23 với đầu đạn 2,5 tấn nhằm đánh bại đầu đạn 2 tấn của tên lửa Hyunmoo-4.

Kelsey Davenport thuộc Hiệp hội kiểm soát vũ khí tại Washington nhận định: “Mặc dù Triều Tiên dường như là nguyên nhân chủ yếu đằng sau các hoạt động phát triển tên lửa của Hàn Quốc, song Seoul lại đang xây dựng các hệ thống tên lửa có tầm bắn vượt quá cả tầm bắn cần thiết để chống Triều Tiên.”

Khi hoạt động phổ biến vũ khí liên tục tăng tốc, các nhà phân tích cho rằng loại tên lửa đáng ngại nhất đó là tên lửa có thể mang theo đầu đạn truyền thống hoặc đầu đạn hạt nhân. Cả Trung Quốc, Triều Tiên và Mỹ đều đã sở hữu những vũ khí như vậy.

Ông Davenport nói: “Hiện rất khó, nếu không muốn nói là không thể, để xác định một tên lửa được trang bị đầu đạn thường hay đầu đạn hạt nhân cho đến khi nó chạm tới mục tiêu. Khi số lượng những vũ khí đó tăng lên, nguy cơ bất ngờ leo thang thành một cuộc tấn công hạt nhân cũng tăng theo”./.

(Vietnam+)