Trở ngại đối với hợp tác thành phố thông minh ASEAN-Trung Quốc

Thứ ba, 03/8/2021 | 17:00 GMT+7

Theo Diễn đàn Đông Á, Trung Quốc đang tiến rất nhanh trong cuộc đua giành vị trí số một thế giới về công nghệ nhờ thúc đẩy AI, tăng cường đầu tư mạo hiểm và tài trợ cho các công ty khởi nghiệp.

Một thành phố thông minh. (Nguồn: eastasiaforum)

Theo Diễn đàn Đông Á, Trung Quốc đang tiến rất nhanh trong cuộc chạy đua giành vị trí số một thế giới về công nghệ nhờ thúc đẩy trí tuệ nhân tạo (AI), tăng cường đầu tư mạo hiểm và tài trợ cho các công ty khởi nghiệp trên toàn thế giới.

Các nước ASEAN đã chứng kiến sự gia tăng dòng vốn từ Trung Quốc thông qua các dự án cơ sở hạ tầng lớn có yếu tố thành phố thông minh, trong đó có Forest City Johor Bahru, New Clark City, New Manila Bay City of Pearl và Hành lang Kinh tế phía Đông của Thái Lan. Trung Quốc cũng rất quan tâm đến các dự án đô thị mới được quy hoạch trong khu vực, bao gồm thủ đô mới của Indonesia ở tỉnh Đông Kalimantan và New Yangon City ở Myanmar.

Nhằm thúc đẩy đầu tư trong khu vực, Bắc Kinh đã nhấn mạnh cơ hội tận dụng các giải pháp dựa trên Internet Vạn vật (IoT), đồng thời quảng cáo các dự án này là “thông minh,” “xanh” và “đáng sống.” Các giải pháp bao gồm sử dụng cảm biến, mạng và dữ liệu để tối ưu hóa các dịch vụ công, đồng thời nâng cao chất lượng sống thông qua việc quản lý năng lượng tự động, kiểm soát giao thông tích hợp và kết nối Internet nhanh hơn tại các thành phố mới được xây dựng.

Các nền tảng công nghệ do Trung Quốc sở hữu như ví kỹ thuật số của Alipay, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), mạng viễn thông thế hệ 5 (5G) của Huawei và các nền tảng truyền thông của Tencent cũng đã trở thành những nhà cung cấp giải pháp thiết yếu nhằm tăng cường dịch vụ công.

Chính phủ Trung Quốc thường xuyên thúc đẩy hợp tác thành phố thông minh trong khuôn khổ Sáng kiến Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số - một thành tố quan trọng của sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI). Trong khu vực ASEAN, hợp tác được tăng cường thông qua Tầm nhìn Đối tác Chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030, trong đó Bắc Kinh cam kết hỗ trợ các sáng kiến chuyển đổi công nghệ của ASEAN, bao gồm Kế hoạch Tổng thể Công nghệ thông tin và Truyền thông ASEAN 2020 (AIM) và Mạng lưới Thành phố Thông minh ASEAN.

[ASEAN-Trung Quốc mở ra chương mới cho phát triển và thịnh vượng chung]

Tuy nhiên, bất chấp những tham vọng lớn và sự mua chuộc chính trị đối với các nhà lãnh đạo ASEAN, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những thách thức kỹ thuật. Thất bại của Huawei trong vụ đấu thầu cung cấp mạng 5G chính của Singapore cho thấy các nhà hoạch định chính sách nhận thức được các vấn đề về bảo mật và bảo vệ dữ liệu. Huawei thường xuyên phải đối mặt với cáo buộc làm gián điệp cho Chính phủ Trung Quốc. Thất bại của Huawei trước Nokia và Ericsson cũng cho thấy tính chất cạnh tranh và nghiêm ngặt của quá trình đấu thầu cơ sở hạ tầng quan trọng ở Singapore.

Tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung (Indonesia) bị trì hoãn bởi các rào cản giải phóng mặt bằng đã cho thấy những thách thức mà Trung Quốc phải vượt qua để thực hiện các dự án quy mô lớn tại một quốc gia tôn trọng quyền sở hữu cá nhân và hoàn toàn tuân thủ nền kinh tế thị trường đất đai. Kinh nghiệm này cũng cho thấy giới hạn đối với mô hình phát triển của Trung Quốc ngay cả khi nước này có nhiều kinh nghiệm xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở trong nước.

Trung Quốc vẫn chưa tạo được hình ảnh “xanh” và “bền vững” cho các dự án BRI của mình. Các dự án đầu tư do Trung Quốc hậu thuẫn như Forest City Johor Bahru đã hứng chịu nhiều chỉ trích do tác động bất lợi đến hệ sinh thái xung quanh, phá hủy đa dạng sinh học và gây ô nhiễm cho môi trường biển.

Tương tự như vậy, dự án New Manila Bay City of Pearl đang bị chỉ trích vì những tác động có thể gây ra từ việc phá vỡ đa dạng sinh học rừng ngập mặn và nguồn sinh kế của cộng đồng ngư dân. Ngoài ra, dự án này còn gây quan ngại nhiều hơn là tin tưởng.

Các tổ chức xã hội dân sự Malaysia thường xuyên nêu ra vấn đề công bằng, đồng thời chất vấn về cách thức Forest City Johor Bahru có thể mang lại việc làm và nhà ở với giá phải chăng cho người dân địa phương. Việc chỉ định Tổng công ty xây dựng cảng Trung Quốc tiến hành bồi đắp đất tại Vịnh Manila cũng làm dấy lên lo ngại khi công ty này từng dính vào một vụ bê bối hối lộ ở Bangladesh.

Forest City Johor Bahru có thể mang lại việc làm và nhà ở với giá phải chăng cho người dân địa phương. (Nguồn: forestcitycgpv)

Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ khác. Tuy Nhật Bản vẫn chưa ký kết các thỏa thuận quan trọng để triển khai các dự án thành phố thông minh quy mô lớn, gần đây nước này đã công bố một quỹ trị giá 2,4 tỷ USD mở đường cho các công ty đang tìm kiếm dự án thành phố thông minh, đặc biệt là các dự án giúp các thành phố ASEAN cắt giảm khí phát thải. Hàn Quốc gần đây cũng đã tăng vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng ASEAN thông qua Quỹ hạ tầng Hàn Quốc-ASEAN, và Quỹ xây dựng nhà máy, cơ sở hạ tầng và thành phố thông minh.

Các nhà đầu tư tư nhân ngoài Trung Quốc cũng đã bắt đầu các dự án thành phố thông minh trong khu vực. Hãng Mitsubishi của Nhật Bản gần đây đã công bố liên doanh với tập đoàn Temasek Holdings được Chính phủ Singapore hậu thuẫn để xây dựng một thành phố thông minh rộng 100ha ở Jakarta.

Tập đoàn Amata - nhà phát triển bất động sản công nghiệp của Thái Lan - cũng đã bắt đầu tăng cường đầu tư tại các nước lưu vực sông Mekong. Tập đoàn này cũng đã ký kết các thỏa thuận xây dựng khu liên hợp công nghiệp tại Myanmar (đã bị tạm dừng do đảo chính quân sự) và Lào cùng với các danh mục đầu tư mở rộng tại Việt Nam.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, mô hình phát triển đô thị của Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều. Không giống với các dự án phát triển đô thị phi tập trung hóa đáng chú ý của Trung Quốc, các kế hoạch phát triển đô thị hiện nay của nước này được thúc đẩy bởi cách tiếp cận từ trên xuống, trong đó chính quyền trung ương nắm quyền phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ một cách cứng nhắc, cũng như quản lý dữ liệu và vận hành các dịch vụ thông minh. Điều này trái ngược với mối quan ngại của các công dân toàn cầu vốn ngày càng gia tăng nhận thức về quyền riêng tư dữ liệu và sự giám sát quá mức.

Các chuyên gia cho rằng hợp tác thành phố thông minh của Trung Quốc với các nước ASEAN phải là sự kết hợp giữa cam kết thực sự vì lợi ích chung và các dự án chất lượng cao, trong đó đảm bảo bảo vệ môi trường xã hội. Quan trọng nhất là sự hợp tác này đòi hỏi sự phát triển địa phương một cách có ý thức, trong đó người dân các nước ASEAN là người hưởng lợi trực tiếp từ các dự án đầu tư của Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)