Trắc trở trong mối quan hệ ngoại giao giữa Anh và Myanmar

Thứ sáu, 13/8/2021 | 15:44 GMT+7

Người được chính phủ quân sự Myanmar bổ nhiệm vẫn cần phải được chính phủ Anh đồng ý cấp thị thực để có thể đảm nhận vị trí Đại biện của Myanmar tại London. Vấn đề này có thể gây tranh cãi.

Cảnh sát phong tỏa tuyến đường dẫn tới tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Naypyidaw ngày 29/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng ChannelNewsAsia đã đăng bài bình luận của Tiến sỹ Alistar D B Cook, Điều phối viên của Chương trình Cứu trợ Thảm họa và Hỗ trợ Nhân đạo thuộc Viện Nghiên cứu Các vấn đề quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), và Giáo sư Mely Caballero-Anthony - người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu an ninh phi truyền thống cũng thuộc RSIS - về những động thái gần đây trong quan hệ giữa Vương quốc Anh và Myanmar. Nội dung như sau:

Ngày 23/7, chính phủ Vương quốc Anh đã công bố việc bổ nhiệm ông Pete Vowles làm đại sứ mới của nước này tại Myanmar. Cùng ngày, Anh cũng đưa ra một tuyên bố cho biết đã nhận được thông báo Myanmar bổ nhiệm tân đại biện phụ trách Đại sứ quán Myanmar tại Vương quốc Anh.

Những động thái nói trên diễn ra sau những diễn biến hồi tháng 4/2021, khi Đại sứ Myanmar tại Vương quốc Anh lúc đó là ông Kyaw Zwar Minn bị nhân viên của chính Đại sứ quán Myanmar ngăn chặn không cho vào Đại sứ quán.

Kể từ thời điểm đó, đã có những đồn đoán về việc liệu chính phủ Anh có công nhận một đại sứ Myanmar mới do quân đội Myanmar (Tatmadaw) bổ nhiệm hay không; và nếu Anh công nhận thì liệu hành động như vậy có thể mang lại cho Hội đồng Điều hành Nhà nước (SAC) Myanmar (do lực lượng quân đội Myanmar lập ra) “tính chính danh hợp pháp” là chính phủ của Myanmar hay không? Khi đó, điều này sẽ tác động như thế này tới Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (NUG) được thành lập bởi các nghị sỹ Myanmar bị lật đổ trong cuộc đảo chính tháng 2/2021 vừa qua?

Nỗ lực giành sự công nhận quốc tế

Mặc dù lực lượng quân đội Myanmar đã thực hiện một số nỗ lực để SAC nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, nhưng ở trong nước, họ đã vấp phải sự phản kháng rất lớn. Các cuộc tuần hành và biểu tình chống lại giới tướng lĩnh đã kéo dài dai dẳng, và gần đây nhất là cuộc biểu tình diễn ra vào đúng Ngày tưởng niệm các liệt sỹ 19/7 của Myanmar nhằm phản đối việc quân đội nắm quyền điều hành chính phủ.

Lập trường thụ động của cộng đồng quốc tế cho rằng một giải pháp hòa bình cho tình hình tại Myanmar là cần thiết, vẫn không có sự thay đổi. Và có lẽ đây là lý do tại sao cộng đồng quốc tế đã đạt được rất ít thành công về vấn đề này.

[Quân đội Myanmar tiếp tục trả tự do cho hàng trăm người biểu tình]

Liên hiệp quốc đã không thể đạt được đồng thuận về tình trạng hỗn loạn ở Myanmar. Điều duy nhất mà 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí được với nhau thông qua các tuyên bố công khai là phản ứng quốc tế đối với tình hình ở Myanmar cần phải hỗ trợ tiến trình do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn dắt.

Ngay cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Myanmar, cũng chỉ đơn giản là thúc giục ASEAN hành động để chấm dứt bạo lực và khôi phục nền dân chủ ở Myanmar trong một cuộc họp trực tuyến của ông này với những người đồng cấp ASEAN vào giữa tháng 7/2021.

Những lập trường như vậy đã không chỉ dẫn đến tình thế bế tắc mà còn cho thấy những thách thức mới các chính phủ phải đối mặt về việc nên hành xử như thế nào với chế độ quân sự Myanmar trong hoàn cảnh hiện nay.

Trong bối cảnh các quốc gia đang cân nhắc các biện pháp ngoại giao và chính sách thực dụng đối với vấn đề Myanmar, những động thái can dự của họ với quốc gia này sẽ vô tình bị dư luận giám sát chặt chẽ.

Sự bế tắc ở Myanmar đã làm gia tăng mức độ nhạy cảm đối với bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy động thái của cộng đồng quốc tế đối với Myanmar có sự “chuyển động”. Đây là lý do tại sao mối quan tâm hiện nay đang đổ dồn về quan hệ giữa Myanmar và Vương quốc Anh, trong khi vài tháng trước đây dư luận lại chú ý tới thành phần của phía Myanmar tham gia hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN hồi tháng 4/2021.

Vấn đề hiện nay tóm lại là liên quan tới sự công nhận về mặt chính trị, về nhận thức, và ai có thể đại diện cho tiếng nói của ai và nhằm mục đích gì - cũng như liệu những hành động đó có thể làm thay đổi cuộc chơi khiến tình hình thay đổi theo hướng không có lợi cho người dân Myanmar hay không.

Sự mập mờ chính trị

Có những thông lệ ngoại giao mà trong đó các quốc gia công nhận các nhà nước nhưng không công nhận chính phủ. Điều này giúp các quốc gia linh hoạt trong các mối quan hệ ngoại giao của họ, đặc biệt là khi có liên quan tới một đất nước nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng quân đội và bị người dân của chính nước này cũng như bị cộng đồng quốc tế coi là “không hợp pháp”.

Đó là khi thế giới ngoại giao và công chúng đã có sự khác biệt. Nhiều người cho rằng bất kỳ sự công nhận nào từ quốc gia bên ngoài đối với một vị trí ngoại giao được bổ nhiệm đều mang lại cho lực lượng quân đội tính chính danh hợp pháp để điều hành đất nước thay vì một chính phủ được bầu ra một cách dân chủ.

Điều này trái ngược với luật ngoại giao được quy định trong Công ước Vienna năm 1961 về quan hệ ngoại giao, trong đó quy định các đại sự cần phải trình quốc thư lên nước sở tại và được nước sở tại chấp nhận, nhưng những cấp ngoại giao thấp hơn cấp đại sứ thì không cần.

Về mặt kỹ thuật, việc Myanmar bổ nhiệm đại biện mới tại Anh là vấn đề của quy trình chứ không phải là vấn đề chính trị.

Điều này có thể xảy ra và một đại sứ mới do chính phủ quân sự Myanmar bổ nhiệm có thể giữ chức Đại biện lâm thời tại Anh, do đó sẽ không cần sự chấp thuận chính thức từ chính phủ Anh. Tuy nhiên, người này vẫn cần phải được Anh cấp thị thực vì hiện ông vẫn đang ở Myanmar. Vấn đề này không đơn giản như thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Người biểu tình tập trung tại Yangon, Myanmar phản đối việc nắm quyền lãnh đạo đất nước của các quan chức quân đội cấp cao, ngày 3/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Myanmar đang nằm trong Danh sách Đỏ liên quan tới dịch COVID-19 của Anh, vốn chỉ cho phép công dân Anh, công dân Ireland hoặc nhưng người có quyền cư trú tại Vương quốc Anh được nhập cảnh.

Vì vậy, người được chính phủ quân sự Myanmar bổ nhiệm sẽ vẫn cần phải được chính phủ Anh đồng ý cấp thị thực để ông có thể đảm nhận vị trí Đại biện của Myanmar tại London. Trước sự phản đối gay gắt của quốc tế đối với chế độ quân sự ở Myanmar, cách thức chính phủ Anh “điều hướng quan điểm” của mình có thể trở thành một vấn đề gây tranh cãi.

Liệu việc Anh công nhận Đại biện Myanmar dưới bất kỳ hình thức nào có phù hợp với lập trường chính thức của Anh phản đối việc quân đội tiếp quản chính phủ ở Myanmar hay không? Và “sự mập mờ ngoại giao” này sẽ gửi thông điệp như thế nào về giao thiệp ngoại giao của Anh tới các quốc gia khác?

Tác động tới tiến trình ngoại giao của ASEAN đối với cuộc khủng hoảng Myanmar

Quay trở lại tháng 4/2021, ASEAN đã phải đối mặt với một thử thách tương tự là liệu sự hiện diện của một đại diện lực lượng quân đội Myanmar tại hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN có phải là sự công nhận quân đội Myanmar là chính phủ Myanmar hay không?

Tướng Min Aung Hlaing cuối cùng đã tham dự với tư cách là Tổng tư lệnh Myanmar và không được chính thức công nhận là người đứng đầu chính phủ Myanmar. Điều này đã thừa nhận quyền kiểm soát trên thực tế của quân đội tại Myanmar đối với các cửa ngõ chính và các tòa nhà của chính phủ, nhưng không được công nhận là “Chính phủ Myanmar được quốc tế công nhận”.

Mặc dù sự không rõ ràng về ngoại giao này đã cho phép ASEAN bước đầu nhất trí về một cách tiếp cận khu vực để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar, nhưng cách tiếp cận này vẫn chưa thể phá vỡ được sự bế tắc tại Myanmar.

Đã 3 tháng kể từ khi hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, nhưng Brunei Darussalam - nước Chủ tịch ASEAN hiện nay - hiện vẫn chưa có câu trả lời từ về việc bổ nhiệm Đặc phái viên tới Myanmar theo “Đồng thuận 5 điểm” đã được ASEAN nhất trí.

Gần 6 tháng sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, hơn 900 người đã thiệt mạng và hơn 5.300 người bị quân đội bắt giữ, buộc tội hoặc kết án. Dịch COVID-19 tràn lan ở Myanmar và nhiều người đã thiệt mạng do không nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.

Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản đang cung cấp cho Myanmar một số vaccine và các thiết bị y tế, nhưng gần như là không đủ hoặc không kịp thời. Giá lương thực tăng cao và người dân đang phải hứng chịu những tác động tàn khốc kể từ khi thiết quân luật được áp dụng.

Hoạch định cách tiếp cận ngoại giao đối với Myanmar

Trong bối cảnh Myanmar phải đối mặt với những hậu quả nghiệt ngã của cuộc khủng hoảng kép từ cuộc đảo chính quân sự và đại dịch COVID-19, nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra về khả năng ứng phó và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đối với người dân Myanmar.

ASEAN sẽ chịu sức ép ngày càng lớn trong việc hành động để thực hiện “Đồng thuận 5 điểm” của khối này. Điều này cũng sẽ xảy ra đối với các quốc gia khác như Vương quốc Anh, những nước vốn đã đi đầu trong việc phản đối chế độ quân sự ở Myanmar. Các quốc gia này sẽ điều chỉnh sự can dự ngoại giao của họ với chế độ ở Myanmar như thế nào trong khi việc ứng phó với tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Myanmar vẫn còn cần phải xem xét.

Khi người dân Myanmar vẫn đang kiên cường đối mặt với nghịch cảnh hiện tại, họ chắc chắn hy vọng rằng các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế sẽ không giảm bớt sự quan tâm dành cho họ để tập trung vào “sự công nhận chính trị”. 

Trong khi thế giới ngoại giao được xác định phần lớn bởi các lập trường mà các quốc gia thực hiện vì lợi ích của riêng mình thì việc làm cân bằng giữa sự mơ hồ này với nhu cầu cấp thiết phải tập trung nỗ lực vào một chương trình nghị sự thực chất và nhất quán hơn để tìm ra một giải pháp chính trị và hỗ trợ người dân ở Myanmar là điều cấp thiết lúc này./.

(Vietnam+)