Chuyên gia: Nỗ lực hòa bình của Hàn Quốc trước nguy cơ phá sản

Thứ tư, 08/9/2021 | 16:10 GMT+7

Theo Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Seoul sẽ cùng Washington và nỗ lực vì sự phát triển của quan hệ liên Triều, phi hạt nhân hóa một cách toàn diện, lập hòa bình trên bán đảo Triều Triều.

Hình ảnh từ vệ tinh GeoEye cho thấy tổ hợp hạt nhân Yongbyon ở Triều Tiên, ngày 22/8/2012. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ The Korea Times (Thời báo Hàn Quốc) số ra ngày 30/8 dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA); trong đó chỉ ra việc Triều Tiên tái khởi động lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon - có khả năng "dội một gáo nước lạnh" vào những nỗ lực của Hàn Quốc nhằm nối lại tiến trình hòa bình đang bị đình trệ trên bán đảo Triều Tiên.

Báo cáo của IAEA - công bố ngày 30/8 - cho biết kể từ đầu tháng 7/2021 vừa qua đã xuất hiện một vài dấu hiệu cho thấy "lò phản ứng (ở Yongbyon) đã hoạt động trở lại, trong đó có việc xả nước làm mát."

Các chuyên gia của IAEA cho rằng lò phản ứng này dường như đã ngừng hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng 12/2018 đến đầu tháng 7/2021, đồng thời lưu ý thêm rằng Triều Tiên đã sử dụng một phòng thí nghiệm gần lò phản ứng để tách plutoni khỏi các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng lấy ra từ lò phản ứng.

Động thái "chưa xác định" này của Triều Tiên đã "gây quan ngại sâu sắc" và vi phạm một cách rõ ràng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Báo cáo trên của IAEA được đưa ra đúng vào thời điểm Noh Kyu-duk, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc, đang thực hiện chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Mỹ (từ ngày 29/8 đến ngày 1/9) để thảo luận với các quan chức tại Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ về cách kích hoạt lại sáng kiến hòa bình của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Jong-joo cho biết Seoul sẽ tiếp tục phối hợp với Washington cùng nỗ lực vì sự phát triển của mối quan hệ liên Triều, phi hạt nhân hóa một cách toàn diện, thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Boo Seung-chan cũng khẳng định quân đội nước này vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ để theo dõi sát sao các động thái liên quan tới vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

[Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại với Triều Tiên]

Liên quan đến vấn đề này, chính quyền Mỹ ngày 30/8 đã nêu bật "sự cấp thiết của đối thoại và chính sách ngoại giao" với Triều Tiên. Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định với hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) qua thư điện tử rằng "chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác về những diễn biến liên quan tới Triều Tiên.

Báo cáo của IAEA cho thấy sự cấp thiết trong công tác đối thoại và ngoại giao để qua đó chúng ta có thể hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm đối thoại với Triều Tiên để có thể xử lý hoạt động như được báo cáo cũng như một loạt vấn đề về phi hạt nhân hóa."

Giáo sư Park Won-gon, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại trường Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc), nói: "Với việc báo cáo của IAEA được đưa ra ánh sáng, những nỗ lực của cả Hàn Quốc và Mỹ sẽ bị cản trở phần nào trong việc hướng tới tái khởi động tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Với thực tế là chế độ cầm quyền ở Bình Nhưỡng tiếp tục gây áp lực với Mỹ trong trung và dài hạn, vẫn còn phải xem các đồng minh (Mỹ và Hàn Quốc) sẽ phản ứng như thế nào đối với kế hoạch này."

Sáng kiến hòa bình của Tổng thống Moon Jae-in tìm kiếm sự can dự giữa các cặp quan hệ Hàn Quốc-Mỹ, Triều Tiên-Mỹ để từng bước tiến tới cải thiện quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, chính mối quan hệ không ổn định giữa hai miền Triều Tiên lại là yếu tố chính đã cản trở sáng kiến này của ông Moon Jae-in. Tuy nhiên, với việc Mỹ đang phải vật lộn để giải quyết hậu quả của việc rút quân khỏi Afghanistan, Seoul dường như đã tìm thấy chỗ cho các cuộc đàm phán với Washington để nối lại tiến trình hòa bình này.

Tại thời điểm Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Sung Kim đến Seoul hồi tuần trước, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kích hoạt lại tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, trước khi khởi hành đến Washington, ông Noh Kyu-duk đã nhấn mạnh với các phóng viên tại sân bay Incheon rằng "Chính phủ Hàn Quốc đã có một loạt cuộc tham vấn sâu với chính quyền của Tổng thống Joe Biden để nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân càng sớm càng tốt. Trong chuyến đi này, tôi dự định sẽ hội đàm cởi mở với các đại diện của Mỹ."

Đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc Noh Kyu-duk. (Nguồn: koreaherald)

Giáo sư Park Won-gon nói thêm: "Khi ông Sung Kim đến Hàn Quốc, ông ấy đã cung cấp một cái nhìn rõ ràng về việc Mỹ muốn ổn định tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và về khía cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc dường như đã thực hiện các bước để thuyết phục Washington đứng cùng chiến tuyến để giải quyết vấn đề này."

Ông cũng lưu ý rằng chính quyền Joe Biden sẽ không phản đối ý tưởng này bởi khi hai miền Triều Tiên có quan hệ tốt với nhau, ít có khả năng Triều Tiên có thêm hành động khiêu khích quân sự.

Phát biểu với phóng viên ở Sân bay Quốc tế Dulles, ông Noh Kyu-duk đã khẳng định rằng Hàn Quốc và Mỹ đang ở thời điểm quan trọng để khởi động lại tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Ông nhấn mạnh: "Tôi đến Washington để tiếp tục các cuộc thảo luận mà tôi đã có với Đặc phái viên Sung Kim ở Seoul vào tuần trước. Tôi muốn tổ chức các cuộc thảo luận sâu về các vấn đề khác nhau liên quan đến bán đảo Triều Tiên (bao gồm cả vấn đề hạt nhân Triều Tiên) với các quan chức chính phủ Mỹ trong chuyến đi lần này."

Shin Beom-chul, Giám đốc Trung tâm Ngoại giao và An ninh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc (KRINS), cho rằng chính phủ Hàn Quốc có thể đang tìm cách thảo luận với phía Mỹ về cách xây dựng các hình thức hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên.

Ông lưu ý thêm: "Sau khi được ông Sung Kim xác nhận cam kết của Washington đối với viện trợ nhân đạo của Hàn Quốc cho Triều Tiên, Noh Kyu-duk đã bay đến Mỹ để xác định ranh giới của dự án đó."

Ngoài ra, có thể còn có một vấn đề khó khăn hơn mà Hàn Quốc muốn thảo luận với các quan chức cấp cao hơn của Mỹ. Ông cho biết: "Hàn Quốc và Mỹ có thể thảo luận về những biện pháp giảm nhẹ trừng phạt mà Seoul có thể đưa ra để Triều Tiên chấp nhận trở lại bàn đàm phán trong trường hợp Bình Nhưỡng cho thấy đang thực hiện các bước tích cực hướng tới phi hạt nhân hóa"./.

(Vietnam+)