“Nét tương đồng” về diễn biến chính trị giữa Afghanistan và Myanmar

Thứ sáu, 10/9/2021 | 16:32 GMT+7

Các nhà bình luận và cộng đồng mạng xã hội ở Myanmar đã chỉ ra những điểm tương đồng giữa những diễn biến gần đây ở Afghanistan với cuộc khủng hoảng chính trị của chính Myanmar.

Các thành viên Taliban tuần tra trên một tuyến phố ở thành phố Kandahar, miền Nam Afghanistan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com, sự sụp đổ chóng vánh của nhà nước Afghanistan, do Mỹ hậu thuẫn, trước Taliban đã gây chấn động khắp thế giới.

Việc Quân đội Quốc gia Afghanistan (ANA) nhanh chóng buông súng, Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn ra nước ngoài và tình trạng hỗn loạn sau đó chắc chắn sẽ phủ bóng đen lên uy tín của Mỹ trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực ngày càng khó lường.

Nhìn bề ngoài, có rất ít mối liên hệ giữa Afghanistan với Myanmar ngoài việc hai quốc gia này đều là những nước sản xuất thuốc phiện với diện tích trồng thuốc phiện lớn gần như nhau và nỗi thống khổ triền miên do những cuộc xung đột không hồi kết.

Tuy nhiên, các nhà bình luận và cộng đồng mạng xã hội ở Myanmar cũng đã chỉ ra những điểm tương đồng giữa những diễn biến gần đây ở Afghanistan với cuộc khủng hoảng chính trị của chính Myanmar.

Cách Taliban đánh bại tan tác một quân đội quốc gia vượt trội về công nghệ, sự đa sắc tộc của Afghanistan, và việc thay thế một chính phủ thân phương Tây bằng một chính phủ được cho là có lợi cho tham vọng địa chính trị của Trung Quốc đều đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho những phép phân tích, phép loại suy và phỏng đoán về những diễn biến từ sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 2 vừa qua ở Myanmar.

Các bộ trưởng từ cả chính quyền quân sự lẫn Chính phủ đoàn kết dân tộc (NUG) - “chính quyền song song” do các nghị sỹ thuộc Đảng liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) thành lập - đã tận dụng những biến cố gần đây ở Afghanistan để củng cố vị trí, lập trường của riêng họ.

Về phía quân đội Myanmar, trọng tâm là sự thất bại của hành động can thiệp từ bên ngoài và sự cần thiết của một quân đội mạnh, trong khi NUG thể hiện một xu hướng đáng lo ngại khi đưa ra những đánh giá nhuốm màu hồng về chiến thắng chớp nhoáng của Taliban và kêu gọi mô phỏng chiến thuật của lực lượng Hồi giáo này.

[Tình hình Afghanistan: Taliban kêu gọi người dân ngừng biểu tình]

Ko Ko Hlaing, cựu cố vấn của Tổng thống Thein Sein và hiện là bộ trưởng trong nội các “lâm thời” của chính quyền quân sự, đã viết một bài bình luận dài chỉ trích “quá trình dân chủ hóa do bên ngoài áp đặt” và miêu tả chính quyền Karzai và Ghani là “những tay sai đặc biệt” do Mỹ dựng lên, những kẻ lãnh đạo bù nhìn đã bán đứng chủ quyền của đất nước họ.

Điều này phù hợp với câu thần chú của Tatmadaw (quân đội Myanmar) rằng Myanmar sẽ thực hiện con đường riêng của họ để hướng tới một “nền dân chủ có kỷ luật và thịnh vượng,” và việc thay đổi chế độ thông qua sự can thiệp của nước ngoài chắc chắn sẽ thất bại, đặc biệt là khi đối mặt với những lời kêu gọi lặp đi lặp lại gần đây về hành động quốc tế trong khuôn khổ Trách nhiệm Bảo vệ (R2P).

Ko Ko Hlaing cũng cảnh báo rằng việc Afghanistan “thất thủ” sẽ thúc đẩy Mỹ tiến hành nhiều chiến dịch “quyền lực mềm” hơn trên khắp khu vực để kiềm chế Trung Quốc, chẳng hạn như hỗ trợ các phong trào ủng hộ dân chủ và kích động bất ổn chính trị.

Điều này gắn liền với quan điểm của quân đội Myanmar rằng các đối thủ hiện tại của họ có sự hỗ trợ từ nước ngoài và hầu hết các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) - nhóm dân quân do người biểu tình mới thành lập sau vụ đảo chính để chống chính quyền quân đội - đều được “bơm” tiền và được cho là nhận được phần thưởng bằng tiền mặt khi thực hiện các vụ đánh bom và ám sát.

Các số liệu thống kê ủng hộ quân đội khác cũng đã cho thấy sự tương phản giữa ANA với Tatmadaw, đồng thời nhấn mạnh việc cần thiết phải có một quân đội mạnh và gắn kết để nền dân chủ phát triển. Những ý kiến này ủng hộ sự tự nhận thức của Tatmadaw rằng họ đã được giao “sứ mệnh lịch sử” để đóng vai trò như một trọng tài (có vẻ) không thiên vị đối với quá trình dân chủ hóa của đất nước.

Sự bỏ chạy vội vàng của Ghani cũng được liên tưởng với hành động của các nhà hoạt động và lãnh đạo phong trào biểu tình ở Myanmar, những người đã kêu gọi đồng bào chiến đấu đến cùng trong khi họ lại bỏ trốn ra nước ngoài.

Trong phe ủng hộ NUG, có một số ý kiến cho rằng lý do duy nhất giúp Taliban giành chiến thắng là nhờ sự hỗ trợ từ Nga và Trung Quốc để đổi lấy các cam kết của Taliban với Moskva và Bắc Kinh.

Điều này tương đồng với những tuyên bố lâu nay rằng hai cường quốc trên đã “chúc phúc” cho cuộc đảo chính gần đây ở Myanmar. Các quan chức Trung Quốc và Nga đã đến thăm Myanmar hồi tháng 1/2021 và sau đó đã bảo vệ chính quyền quân sự tại các diễn đàn quốc tế khác nhau, làm dấy lên cáo buộc rằng Bắc Kinh và Moskva không chỉ biết về cuộc đảo chính mà còn “bật đèn xanh” để giới quân sự thực hiện cuộc đảo chính. 

Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến xoay quanh cách NUG và PDF có thể bắt chước chiến dịch quân sự vũ bão của Taliban như một cách để lật đổ chính quyền.

NUG, PDF và những người ủng hộ họ đã kêu gọi một cuộc nội chiến toàn diện là con đường duy nhất để giành thắng lợi, và chiến thắng gần đây của Taliban sau 20 năm xung đột khốc liệt chống chính phủ do Mỹ hậu thuẫn được coi là chiến thắng tất yếu của một lực lượng kiên trì với mục tiêu của mình và được đông đảo người dân ủng hộ, bất kể kẻ thù có thể mạnh đến đâu.

Hiện có một sự ủng hộ đáng lo ngại đối với các chiến thuật quân sự của Taliban và việc đưa ra các giả thuyết (lạc quan) phi thực tế về nhóm Hồi giáo này. Trong một bài đăng trên Facebook, Tu Hkwang, bộ trưởng của chính phủ lưu vong NUG, đã ca ngợi chiến thắng của Taliban khi cho rằng lực lượng này đã đánh tan tác một quân đội vượt trội về số lượng và công nghệ vì họ có được sự ủng hộ của người dân Afghanistan.

Một nhà quan sát khác cho rằng Chính phủ Afghanistan đã thất bại chủ yếu do không thực hiện chính sách chủ nghĩa liên bang dân tộc, trong khi Taliban được cho là có thể lôi kéo các nhóm sắc tộc khác nhau (một ví dụ khác về việc các nhà bình luận ở Myanmar có quan điểm lý tưởng hóa về nhóm chiến binh Afghanistan).

Những cư dân mạng khác cho rằng Tatmadaw, giống như ANA, là một con hổ giấy, với phần lớn quân nhân được cho “lính ma.” Câu chuyện này đã xuất hiện từ những ngày đầu của cuộc nổi dậy chống đảo chính, với tuyên bố rằng lực lượng của Tatmadaw chỉ có 10% so với trên giấy tờ và nếu các nhóm vũ trang dân tộc khác nhau và PDF gộp lại sẽ đông hơn rất nhiều.

Do đó, nhiều người tin rằng Tatmadaw sẽ bỏ chạy giống như ANA khi đối mặt với ngày “D-Day” được NUG dự tính lâu nay, theo đó một cuộc tấn công tổng lực sẽ giải phóng các thị trấn và thành phố quan trọng và cuộc giao tranh “sẽ kết thúc trong vòng hai tuần.”

Bất chấp những cảnh báo rằng Myanmar có nguy cơ trở thành “Syria kế tiếp,” những tuyên bố lạc quan thái quá này, xen lẫn với sự phản đối trong chính quyền, đã khiến cư dân mạng lý tưởng hóa rằng một cuộc nội chiến sẽ là lựa chọn tốt nhất dành cho họ.

Trong bối cảnh làn sóng COVID-19 thứ ba ở Myanmar dường như đang dịu bớt bất chấp sự quản lý kém cỏi của quân đội và “mùa” giao tranh đang đến gần, chiến thắng của Taliban cũng đã mang lại động lực tinh thần cho PDF, khi tuyên bố mới nhất của NUG về một “D-Day” gây xôn xao trên mạng xã hội.

Điều đó nói lên rằng, liệu có bao nhiêu tuyên bố đao to búa lớn trên mạng xã hội thực sự biến thành hiện thực, và liệu đại đa số người dân Myanmar đang cố sống sót sau các cuộc hỗn loạn kể từ sau cuộc đảo chính có sẵn sàng đón nhận những cuộc xung đột mới và có sức tàn phá hơn với vòng tay rộng mở hay không…

Khi thế giới tiếp tục phản đối thảm kịch đang diễn ra ở Afghanistan, các phe đối lập trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar dường như sẵn sàng phớt lờ những hậu quả nhân đạo của cuộc xung đột kéo dài bất tận.

Thay vào đó, họ đang đưa ra những tưởng tượng của riêng mình về sự sụp đổ của Kabul, trong khi kể lại những câu chuyện có chọn lọc và được chắt lọc kỹ cho những người ủng hộ họ. Một bên đang cố thủ bằng sức mạnh súng ống (và sự ủng hộ của Nga-Trung), bên kia đặt hy vọng vào một trận đại hồng thủy./.

(Vietnam+)