Chính sách 'ngoại giao cây tre' của Thái Lan có còn hiệu quả?

Thứ bảy, 18/9/2021 | 14:56 GMT+7

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, tác giả Jittipat Poonkham cho rằng phương châm cũ về chính sách “ngoại giao cây tre” của Thái Lan đang trở nên lỗi thời.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Kyotoreview)

Theo trang mạng aspistrategist.org.a, chính sách đối ngoại của Thái Lan thường được ví với hình ảnh cây tre uốn theo gió. Sức mạnh và sự dẻo dai của cây tre tượng trưng cho một chính sách đối ngoại vừa thích ứng, vừa thực dụng, nhằm bảo đảm sự tồn vong và độc lập cho quốc gia.

Với phương châm này, Thái Lan công khai thể hiện hình ảnh của một cường quốc đối với các nước khác.

Mặc dù được xem là thực dụng, song Arne Kislenko - Phó Giáo sư tại trường Đại học Ryerson ở Canada - cho rằng chính sách ngoại giao của Thái Lan dựa trên “một cách tiếp cận triết lý, được ấp ủ từ lâu đối với các mối quan hệ quốc tế," “luôn có gốc rễ vững chắc” nhưng “đủ linh hoạt để thay đổi theo bất kỳ cách nào, miễn là có thể sống sót."

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, tác giả bài viết này là Jittipat Poonkham cho rằng phương châm cũ về chính sách “ngoại giao cây tre” đang trở nên lỗi thời.

Thái Lan cần tìm ra một phương châm mới và bền vững để thấu hiểu tình hình thế giới, đồng thời định vị nước này trong một xã hội quốc tế đang thay đổi. Để làm được điều này, Thái Lan cần áp dụng chiến lược mà Poonkham đặt tên là “dẫn dắt từ vị thế trung gian."

Nhu cầu về một chiến lược chính sách đối ngoại mới được đặt ra trong bối cảnh tồn tại 2 xu hướng lớn - sự suy giảm trong cấp độ quan hệ giữa Thái Lan và Mỹ, cùng với việc Thái Lan tăng cường can dự với Trung Quốc. Thái Lan đang đối mặt với một thời điểm quan trọng của nền chính trị toàn cầu.

Ngoài đại dịch COVID-19 kéo theo sự đình trệ trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ, nước này còn chứng kiến sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Mặc dù Thái Lan không nhất thiết phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng chính quyền của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, vốn đề cao việc duy trì quan hệ cân bằng và tốt đẹp với các cường quốc, thực tế đang xích lại gần Trung Quốc hơn, bất chấp việc nước này là một đồng minh hiệp ước của Mỹ.

Thái Lan thường được xem là “đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á." Tuy nhiên, sự vắng mặt bất ngờ của Mỹ trong khu vực đã làm thay đổi quan hệ đồng minh Thái-Mỹ kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Hơn nữa, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ thời gian gần đây tập trung vào cuộc cạnh tranh nước lớn, trong khi sự trỗi dậy của Trung Quốc lại đi ngược với quan điểm của Thái Lan rằng Bắc Kinh không phải là mối đe dọa.

Có nhiều điểm đặc biệt trong quan hệ Thái-Mỹ đương thời:

Thứ nhất, cam kết của Mỹ đối với khu vực và liên minh không rõ ràng. Về kinh tế, Mỹ đã từ chối tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Cho đến nay, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như chưa tính đến việc quay trở lại hiệp định. Điều này cho thấy sự thiếu cam kết dài hạn về kinh tế của Mỹ trong khu vực. Thái Lan không phải là thành viên, nhưng có thể đề nghị tham gia CPTPP.

Ngoài ra, có một khoảng trống rõ rệt trong mối quan tâm của Mỹ đối với lĩnh vực ngoại giao cấp cao. Các chức vụ đại sứ của Mỹ tại một số nước ASEAN và Thái Lan vẫn đang bị bỏ trống. Thái Lan cũng không nằm trong lộ trình các chuyến thăm của giới lãnh đạo Mỹ. Chỉ thị về chiến lược an ninh quốc gia tạm thời của Biden - được công bố vào tháng 3/2021 - hoàn toàn không đề cập đến Thái Lan.

 [Thái Lan sẽ thúc đẩy 5 vấn đề chính trong Năm APEC 2022]

Thứ hai, liên minh Thái-Mỹ ngày càng mang tính định hướng quân sự hơn là quan hệ đối tác toàn diện, đa chiều. Tuyên bố về Tầm nhìn chung năm 2020 cho Liên minh Quốc phòng Thái-Mỹ đặt mục tiêu “tiếp thêm sức mạnh và tăng cường” mối quan hệ giữa quân đội hai nước. Tuy nhiên, liên minh này đã hứng chịu thất bại vì các cuộc đảo chính quân sự, kèm theo sự thiếu nhận thức chung về kẻ thù và mối đe dọa.

Thứ ba, quan hệ kinh tế Thái-Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức cấp bách trong nhiều vấn đề, như việc Mỹ đình chỉ hệ thống thuế quan ưu đãi và nước này không phù hợp với đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã đình chỉ khoản ưu đãi thương mại trị giá 817 triệu USD dành cho Thái Lan theo chương trình Hệ thống ưu đãi chung, với lý do Bangkok thiếu khả năng tiếp cận thị trường công bằng và hợp lý đối với các sản phẩm thịt lợn của Mỹ. Thách thức này vẫn còn dưới thời chính quyền Joe Biden.

Ngoài ra, mặc dù Mỹ là một trong ba nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Thái Lan trong nửa đầu năm 2021, nhưng vẫn không tương xứng với hoạt động đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc theo sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Thứ tư, quan hệ Thái-Mỹ trong thế kỷ XXI không giống như trong Chiến tranh Lạnh, khi chủ nghĩa chống cộng sản của họ còn nuôi dưỡng bản sắc và lợi ích chung.

Trong khoảng 1 thập kỷ gần đây, Thái Lan không còn đơn thuần tìm cách tránh chọn bên; nước này ngày càng tích cực nghiêng về phía Bắc Kinh trong các vấn đề then chốt. Sự chuyển dịch ngày càng rõ của Thái Lan vào quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc ít nhất đã bắt đầu kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha mô tả Thái Lan và Trung Quốc là "một gia đình."

Quan hệ đối tác quân sự giữa Thái Lan và Trung Quốc đã tăng cường đáng kể sau khi Washington thu hẹp quan hệ hợp tác quốc phòng với Bangkok do cuộc đảo chính năm 2014.

Trung Quốc đang thay thế Mỹ trở thành đối tác quốc phòng và nhà cung cấp vũ khí chính của Thái Lan. Nước này đã cung cấp hàng loạt hệ thống vũ khí quan trọng với giá rẻ cho Thái Lan mà không kèm theo điều kiện ràng buộc.

Các cuộc tập trận chung cũng đã được mở rộng. Thái Lan đã tham gia nhiều cuộc tập trận quân sự với Trung Quốc hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác. Các lực lượng đặc biệt của Thái Lan và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận chung từ năm 2005, tập trận hải quân chung thường niên Blue Strike từ năm 2010 và một tập trận chung trên không mang tên Falcon Strike từ năm 2015.

Trái ngược với nhiều quốc gia ASEAN khác, Thái Lan và Trung Quốc không có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ hoặc hàng hải nghiêm trọng nào có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương. Thái Lan coi Trung Quốc là đối tác làm nền tảng cho sự thịnh vượng và hòa bình trong khu vực.

Theo khảo sát năm 2020 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế về giới tinh hoa chiến lược, đa số những người có ảnh hưởng ở Thái Lan coi vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc là có lợi và hầu như không quan tâm đến sự hiện diện ngày càng ít của Mỹ trong khu vực.

Quan hệ kinh tế Trung-Thái ngày càng sâu sắc trong những năm gần đây. Về thương mại, Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Thái Lan, khi đóng góp 12,29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangkok, cao hơn so với mức 10,75% của Mỹ. Tương tự, hàng nhập khẩu vào Thái Lan từ Trung Quốc chiếm 20,16%, trong khi của Mỹ chỉ là 5,82%.

Về đầu tư, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài chính của Thái Lan năm 2020 và FDI của Trung Quốc hiện gấp 13 lần của Mỹ. Phần lớn khoản đầu tư đó tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng của chính phủ, như đường sắt tốc độ cao và mạng 5G.

Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ kết nối Thái Lan với Trung Quốc qua Lào, đồng thời giúp tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng Bắc-Nam của Bắc Kinh. Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Thái Lan vào Trung Quốc cũng thể hiện rõ trong khu vực tư nhân, ở cả cấp độ doanh nghiệp địa phương và tập đoàn lớn.

Quan hệ giữa người dân hai nước cũng ngày càng phát triển. Trung Quốc đã trở thành nguồn cung cấp sinh viên quốc tế lớn cho các trường đại học của Thái Lan, cũng như là nguồn cung du khách cho cả ngành du lịch Thái Lan.

Năm 2019, khách du lịch Trung Quốc chiếm 27,6% tổng số du khách nước ngoài đến Thái Lan. Hơn nữa, sức hấp dẫn của Trung Quốc đã tăng đáng kể, sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thái Lan do cuộc đảo chính năm 2014, cuộc khủng hoảng COVID-19 và chính sách ngoại giao vaccine của Bắc Kinh.

Vậy tại sao phương châm cũ về “ngoại giao cây tre” không còn hiệu quả? Phương châm này nhấn mạnh tính liên tục và truyền thống trong chính sách đối ngoại, nhưng không giải quyết được những biến cố và thất bại trong lịch sử ngoại giao Thái Lan. Thái Lan hiện đứng trước một trong các “ngã ba đường” lịch sử, do 3 yếu tố quyết định: sự trỗi dậy của Trung Quốc và sức hấp dẫn của nước này trong lĩnh vực an ninh và kinh tế; sự suy giảm tương đối về sức mạnh và cam kết chiến lược của Mỹ trong khu vực; và sự thiếu rõ ràng về chiến lược cũng như các lựa chọn của chính Thái Lan kể từ sau cuộc đảo chính.

Khái niệm “ngoại giao cây tre” ngụ ý rằng Thái Lan sẽ chỉ phản ứng và thích ứng với quá trình chuyển đổi chiến lược đang diễn ra. Đây không phải là một công thức cho giới lãnh đạo hay một chính sách chủ động. Những gì Bangkok thực sự cần là một phương châm mới để họ hiểu được rằng thế giới đang thay đổi và để định vị Thái Lan một cách khôn khéo trong thế giới đó.
Thái Lan nên theo đuổi chiến lược “dẫn dắt từ vị thế trung gian."

Điều này đòi hỏi Thái Lan cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các cường quốc, đồng thời ràng buộc họ trong một trật tự dựa trên luật lệ và nguyên tắc. Bangkok cũng cần thể hiện vai trò dẫn dắt vì lợi ích của họ bằng cách đề xuất các sáng kiến và thúc đẩy tiến trình chính trị-ngoại giao trong toàn khu vực.

Bằng cách này, Thái Lan có thể tìm cách hạn chế những căng thẳng và bất ổn mang tính chiến lược trong bối cảnh các cường quốc đang cạnh tranh, đồng thời bảo vệ quyền tự chủ của nước này./.

(Vietnam+)