Liên minh quốc phòng Mỹ-Anh-Australia và một thế giới đã thay đổi

Thứ sáu, 24/9/2021 | 15:44 GMT+7

Việc Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh và Thủ tướng Australia đứng cùng nhau gần như cũng là một lời báo hiệu về sự chuyển hướng sang một biện pháp răn đe mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Trang web của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) đã đăng bài phân tích của chuyên gia Michael Shoebridge, Giám đốc chương trình quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia của ASPI, về các vấn đề xung quanh liên minh quốc phòng Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) và việc chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Australia.

Dưới đây là nội dung chi tiết:

Australia sẽ đóng tàu ngầm hạt nhân theo khuôn khổ của một thỏa thuận công nghệ quốc phòng mới với Mỹ và Anh.

Thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ tháng 4/2016, thời điểm mà Australia đã chọn một chiếc tàu ngầm thông thường chạy bằng động cơ diesel làm vũ khí chủ chốt dưới đáy biển, được hợp tác chế tạo với Pháp. Khi đó, tàu ngầm hạt nhân đã bị loại trừ vì tính nhạy cảm của công nghệ hạt nhân quân sự, sự phức tạp và chi phí, và vì Australia được thông báo rằng các nhu cầu chiến lược của Australia sẽ được đáp ứng bởi tàu ngầm diesel.

Hiện nay, các vấn đề về độ nhạy cảm, sự phức tạp và chi phí vẫn còn, chỉ có duy nhất một điều đã thay đổi là môi trường bảo mật. Sự thay đổi đó được tóm gọn thành “Trung Quốc dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình."

Mọi nghi ngờ về định hướng của Chủ tịch Tập Cận Bình với Trung Quốc đã chấm dứt tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 1/7/2021, khi ông một lần nữa nhấn mạnh tầm nhìn của mình với việc khẳng định rằng một Trung Quốc vĩ đại là một quốc gia có thể sử dụng sức mạnh một cách phù hợp trên thế giới, tham gia vào một cuộc đấu tranh vĩ đại chống lại các đối thủ.

Tuy nhiên, không chỉ mỗi Trung Quốc là thay đổi. Năm 2016, chính phủ Anh gần như chắc chắn sẽ không vì sự cấp bách mà phải chia sẻ bí mật hạt nhân với Australia, còn Mỹ sẽ chỉ làm như vậy nếu phải chịu một sức ép đặc biệt, cụ thể là sự lỗi thời của các tàu ngầm của Hải quân Mỹ. Lịch sử chỉ ghi nhận việc Mỹ chia sẻ công nghệ hạt nhân một lần duy nhất là với Anh vào năm 1958.

Vì vậy, việc Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Boris Johnson và Thủ tướng Scott Morrison đứng cùng nhau lần này gần như cũng là một lời báo hiệu về sự chuyển hướng sang một biện pháp răn đe mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc.

Sự thay đổi đó bắt đầu rõ ràng vào tháng 6/2021 trong cuộc họp của các quốc gia G7 tại Cornwall cùng với Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc, nhưng điều này một lần nữa đã được củng cố và đẩy nhanh trong bối cảnh hiện nay. Đằng sau tuyên bố này là một thông điệp địa chiến lược lớn và sẽ được tiếp nhận ở Bắc Kinh cũng như trên toàn thế giới.

Có nhiều câu hỏi và vấn đề cần được giải quyết sau thông báo ngày 16/9. Đó là lý do tại sao ba chính phủ đã đề ra thời hạn lập kế hoạch 18 tháng cho quyết định quốc tế đầy thách thức này.

Đối với Chính phủ Australia, rõ ràng rằng khi nói đến tàu ngầm, các chi tiết, kế hoạch và việc thực hiện thực sự quan trọng. Kể từ năm 2016, Australia đã có những trải nghiệm khó khăn về những rắc rối, thách thức và sự chậm trễ trong quá trình theo đuổi chính sách của Bộ Quốc phòng Australia: một tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel sở hữu tất cả các thuộc tính của một tàu ngầm hạt nhân.

Các đối tác Pháp sẽ có những cuộc thảo luận thú vị với đối tác chiến lược ngày càng quan trọng và thân thiết của Australia là Nhật Bản vì đây là lần thứ hai Australia thay đổi hoàn toàn lộ trình để hướng tới một đối tác đóng tàu mới. Người Pháp chắc chắn sẽ nhấn mạnh về nỗ lực 6 năm vất vả của mình để chuyển đổi tàu ngầm thiết kế lớp Barracuda hạt nhân thành một phiên bản chạy bằng động cơ diesel cho Australia vì khi đó, Australia không muốn sở hữu tàu ngầm hạt nhân.

Trong một tuyên bố, Tập đoàn Naval Group đã mô tả thông báo ngày 16/9 là một “sự thất vọng lớn." Việc duy trì bất kỳ động lực nào trong quan hệ đối tác chiến lược của Pháp, vốn đang có sức nặng hơn thông qua những thứ như diễn đàn bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hàng năm mới được tổ chức lần đầu tiên chỉ vài tuần trước, sẽ là điều khó khăn, nhưng quan trọng đối với vai trò toàn cầu và khu vực của Pháp.

Nhưng tại sao lại là tàu ngầm hạt nhân? Nói một cách đơn giản, vấn đề ở đây liên quan đến phạm vi hoạt động, khả năng tàng hình và sức mạnh. Một tàu ngầm diesel không có đủ phạm vi hoạt động hoặc sức bền để đi từ Australia đến một nơi nào đó như Biển Đông hoặc eo biển Malacca và ở duy trì trên biển lâu dài, nhưng một tàu ngầm hạt nhân thì có đủ những khả năng đó.

Tàu ngầm hạt nhân có khả năng tàng hình hơn, khó bị phát hiện hơn vì không phải chạy gần bề mặt để sạc lại pin và có tốc độ tránh nguy hiểm nếu nguy cơ bị phát hiện ở mức cao.

Trong 18 tháng tới, ba nước sẽ hoàn tất các chi tiết phức tạp của thỏa thuận. Nhiều khả năng Australia sẽ phát triển một ngành công nghiệp hạt nhân dân dụng vốn không nằm trong thông báo ngày 16/9 và cũng không hướng tới vũ khí hạt nhân. Có hai nội dung cần phải làm rõ để không gây thêm phức tạp lớn, đó là trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân trong khi vẫn cam kết mạnh mẽ không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Australia sẽ vẫn cần các mối quan hệ đối tác chặt chẽ với các tổ chức, công ty và cơ quan của Anh và Mỹ mà lãnh đạo ba nước đã chỉ đạo. Chẳng hạn, Cơ quan An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Bức xạ Australia hiện đang giám sát và điều chỉnh chuyến thăm của các tàu chiến, tàu ngầm và tàu nổi chạy bằng năng lượng hạt nhân từ các đối tác như Mỹ và Anh tới các cảng của Australia. Đây chủ yếu là vấn đề giám sát và an toàn môi trường. Nhưng các chuyến thăm ngắn ngày của các tàu như vậy hoàn toàn khác với việc đặt căn cứ, quản lý và bảo trì các lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm Australia.

Tham gia vào cơ sở hạ tầng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, đồng thời xây dựng năng lực và kỹ năng của riêng Australia, sẽ là cách tiếp cận chính của Australia và giống như cách mà Anh đã thực hiện từ năm 1958. Điều đó có thể áp dụng cho những thứ như nhiên liệu, theo đó Australia có thể sẽ sử dụng chu trình nhiên liệu của Mỹ và Anh, bao gồm cả việc quản lý và lưu trữ chất thải lò phản ứng, thay vì xây dựng các cơ sở của riêng Australia cho việc này.

[NATO lên tiếng về bất đồng vụ tàu ngầm giữa Pháp với Mỹ và Australia]

Các khoản chi phí sẽ rất tốn kém, nhưng chi phí của tàu ngầm lớp Tấn công cũng vậy - 90 tỷ AUD cuối cùng chỉ được tính để đóng 12 tàu ngầm và hơn thế nữa để vận hành chúng. Lợi thế là Australia sẽ có được khả năng răn đe mạnh mẽ lâu dài và với khả năng này, Australia thậm chí có thể hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác mạnh để ngăn chặn xung đột.

Nhưng có vẻ như Australia sẽ không có chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên ít nhất là cho đến cuối những năm 2030 - khoảng thời gian dự kiến mà chiếc tàu ngầm đầu tiên của Pháp sẽ được chuyển giao. Vì vậy, áp lực lên các tàu ngầm lớp Collins hiện đang được biên chế sẽ ngày càng lớn.

Thật khó để thấy ban quản lý chương trình tàu ngầm hiện tại của Bộ Quốc phòng Australia thực hiện điều này vì chúng là cốt lõi của quyết định đi theo con đường lớp Tấn công. Và khó có thể thấy điều đó được thực hiện từ một bộ phận nhỏ của Bộ Quốc phòng, vì tàu ngầm hạt nhân là một nỗ lực quốc gia và quốc tế. Các yêu cầu về vận hành tàu ngầm hạt nhân vượt xa khả năng chuyên môn truyền thống của Bộ Quốc phòng.

Hơn bao giờ hết, Australia cần coi các doanh nghiệp đóng tàu quốc gia như một nỗ lực quốc gia thực sự với sự lãnh đạo và tổ chức phù hợp, chứ không phải là một nhóm các dự án của Bộ Quốc phòng với liên kết lỏng lẻo được quản lý từ bên trong bộ.

Bản chất lâu dài của quan hệ đối tác AUKUS là hoàn toàn phù hợp với thách thức lâu dài từ Trung Quốc. Sẽ không có sự thay đổi giọng điệu nào hoặc thậm chí không có chính sách ngoại giao khôn ngoan nào có thể làm thay đổi con đường bản năng và tư duy đấu tranh của Tập Cận Bình. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng sự tăng cường khả năng răn đe của một nhóm các quốc gia hùng mạnh có thể đem lại sự thay đổi đó./.

(Vietnam+)