Những ẩn ý đằng sau liên minh mới Mỹ-Anh-Australia

Chủ nhật, 26/9/2021 | 22:03 GMT+7

Trên thế giới hiện có tổng cộng 6 quốc gia sở hữu các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ, cả 6 quốc gia này đều là những quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Tàu ngầm của quân đội Australia. (Nguồn: French Navy)

Theo Kyodo, newindianexpress và atlanticcouncil, Mỹ, Anh và Australia vừa công bố một liên minh an ninh ba bên mới ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, mang tên AUKUS, để bảo vệ lợi ích chung của cả ba nước và cho phép các bên chia sẻ nhiều hơn về các khả năng quốc phòng, bao gồm cả việc giúp Australia sở hữu các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng đối với khu vực quan trọng chiến lược này.

Trong khuôn khổ liên minh AUKUS, ba quốc gia nói trên đã nhất trí tăng cường phát triển các năng lực chung và chia sẻ công nghệ, thúc đẩy hội nhập sâu hơn về khoa học, công nghệ, các nền tảng công nghiệp và các chuỗi cung ứng liên quan đến lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

Theo sáng kiến lớn đầu tiên của AUKUS, Australia sẽ xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh, một khả năng nhằm thúc đẩy sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hãng tin Kyodo trích phát biểu của Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng: "Chúng ta đang thực hiện một bước tiến lịch sử để làm sâu sắc hơn và chính thức hóa hợp tác giữa ba quốc gia bởi vì tất cả chúng ta đều nhận thấy sự cấp thiết của việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về lâu dài."

Thông báo về sự ra đời của AUKUS được đưa ra trong bối cảnh Anh đang đẩy mạnh sự can dự vào khu vực, chẳng hạn như thông qua việc triển khai tàu sân bay Queen Elizabeth, trong khi mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang ngày càng xấu đi vì những tranh chấp về thương mại và nhiều vấn đề khác.

Trung Quốc phản đối động thái mới này. Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã cảnh cáo rằng ba nước "không nên xây dựng các khối mang tính loại trừ để nhắm vào hay gây tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba."

Một quan chức của chính quyền Biden nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác mới mang tên "AUKUS" - viết tắt tên của ba nước - không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào mà là nhằm thúc đẩy lợi ích chiến lược của cả ba nước, duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Quan chức này nói: "Điều này nhằm bổ sung cho các mối quan hệ đối tác an ninh và chính trị đang có, đồng thời gửi đi thông điệp trấn an và thể hiện quyết tâm duy trì lập trường răn đe mạnh mẽ trong thế kỷ 21."

Trong bài phát biểu trực tuyến cùng với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Australia Scott Morrison, từ Downing Street, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng khẳng định rằng mục tiêu của mối quan hệ đối tác mới này là cùng nhau hợp tác và duy trì an ninh cũng như sự ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông nói thêm: “Chúng ta đang mở ra một chương mới về tình hữu nghị của ba nước. Nhiệm vụ đầu tiên của mối quan hệ hợp tác này sẽ là giúp Australia có được một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân."

Nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh: “Tất nhiên cần nhấn mạnh rằng các tàu ngầm được đề cập đến ở đây sẽ là những tàu ngầm sử dụng năng lượng từ các lò phản ứng hạt nhân chứ không phải là các tàu ngầm được trang bị vũ khí hạt nhân. Công việc của chúng tôi sẽ hoàn toàn tuân thủ các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân."

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Australia, ông Morrison, nhấn mạnh rằng đất nước của ông “không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân hay xây dựng khả năng hạt nhân dân sự” và “chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ tất cả các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân."

Theo các chuyên gia, trên thế giới có tổng cộng 6 quốc gia được biết đến là có sở hữu các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ. Cả 6 quốc gia này đều là những quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Ngày 15/9/2021, Mỹ, Anh và Australia thông báo sẽ thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên, có tên gọi AUKUS, ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, liên minh AUKUS sẽ thúc đẩy sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ, công nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan đến an ninh, quốc phòng. Mỹ và Anh cũng sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, dẫn tới việc Canberra rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm với Pháp. Ngay lập tức, Pháp đã triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Australia để bày tỏ sự phản đối, "do tính nghiêm trọng đặc biệt của tuyên bố AUKUS". (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng tin Kyodo cho biết, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2020 về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang vận hành 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 50 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel. AUKUS là khuôn khổ hợp tác đa phương mới nhất mà chính quyền Biden đang thúc đẩy trong bối cảnh Mỹ ngày càng cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc trong các lĩnh vực từ quân sự, kinh tế đến công nghệ. Thỏa thuận an ninh mà ba nước thành viên tuyên bố sẽ nhằm thúc đẩy hội nhập sâu hơn các nền tảng công nghiệp và chuỗi cung ứng.

Trang Atlantic Council có bài viết tập hợp ý kiến của nhiều chuyên gia bình luận về những ẩn ý đằng sau sự ra đời của AUKUS.

Barry Pavel, cựu quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, hiện là Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng AUKUS thể hiện một mức độ răn đe mới đối với Trung Quốc.

Theo ông, trước tiên, AUKUS sẽ có những ý nghĩa về mặt địa chiến lược vì nó củng cố một cách hữu hình các mối quan hệ đồng minh gần gũi nhất mà Mỹ chia sẻ với các đồng minh ở cả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu - đặc biệt là Anh và Australia.

[Thay đổi địa chính trị từ liên minh ba bên Australia-Anh-Mỹ]

Một tín hiệu quan trọng từ sáng kiến thành lập liên minh này mà Trung Quốc sẽ lưu ý là một đồng minh châu Âu của Mỹ đang cùng một đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ hợp tác để cùng nhau phát triển các năng lực dưới biển và tuần tra các vùng biển ở Thái Bình Dương, và làm như vậy thông qua việc hợp tác phát triển một trong những hệ thống tác chiến nhạy cảm nhất.

Điều này báo hiệu cho Trung Quốc rằng, cũng giống như các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng đang nghiêm túc nhìn nhận các hoạt động quân sự mang tính cưỡng ép của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương (ví dụ như chống lại Đài Loan và các hoạt động quân sự ở Biển Đông).

Thứ hai, AUKUS sẽ có ý nghĩa quân sự quan trọng, giúp tăng cường khả năng của các liên minh do Mỹ dẫn đầu trong việc ngăn chặn các hành động cưỡng ép quân sự của Trung Quốc ngay cả khi các năng lực của Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh chóng.

Các năng lực hoạt động dưới đáy biển là điều rất quan trọng để ngăn chặn quân đội Trung Quốc đạt được các mục tiêu của mình trong trường hợp xảy ra các tình huống bất ngờ ở khu vực.

Một yếu tố quan trọng của liên minh ba bên mới này sẽ là khả năng tàu ngầm Mỹ tiếp cận cơ sở hạ tầng hỗ trợ của Australia, qua đó củng cố thế trận quốc phòng toàn cầu của Mỹ và các đồng minh.

Ngoài ra, sáng kiến này cũng sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác công nghiệp quốc phòng vốn đã chặt chẽ giữa Mỹ, Australia và Vương quốc Anh về một số công nghệ then chốt, những công nghệ sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực quân sự trong tương lai, bao gồm trí tuệ nhân tạo, mạng và khả năng tấn công chính xác tầm xa.

Theo Pavel, những người chỉ trích AUKUS vì cho rằng Trung Quốc sẽ phản ứng và sẽ tới một cuộc chạy đua vũ trang mới đã không nhìn thấy bức tranh toàn cảnh: Có một xu hướng đã kéo dài hàng thập kỷ và càng được tăng tốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, đó là Trung Quốc đã và đang phát triển các khả năng quân sự mũi nhọn tiên tiến, công nghệ cao.

Ông cho rằng Mỹ và các đồng minh còn rất nhiều việc phải làm để củng cố một thế trận răn đe đang suy yếu trong bối cảnh PLA đang tiến rất nhanh. Sự ra đời của AUKUS là một bước nhỏ nhưng quan trọng để thực hiện điều đó.

Matthew Kroenig, cựu quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Mỹ và hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương - có một góc nhìn khác về vấn đề này.

Ông cho rằng để ngăn chặn hành động gây hấn của Trung Quốc, Washington và các đồng minh cần có khả năng đánh chìm hải quân Trung Quốc trong vòng 72 giờ.

Các tàu ngầm tấn công mà Mỹ sẽ giúp Australia xây dựng được thiết kế riêng để tiêu diệt tàu chiến của đối phương. Đây chính xác là những khả năng Mỹ cần có ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ chống lại Trung Quốc.

Kroenig cũng giải thích lý do Australia là đối tác được lựa chọn cho những khả năng này. Ông cho rằng Australia là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ và hai nước đã sát cánh chiến đấu trong hơn một thế kỷ trong Chiến tranh Thế giới I, Chiến tranh Thế giới II, Chiến tranh ở Triều Tiên, Iraq và Afghanistan.

Ông nói: “Giờ đây, với thỏa thuận này, một lần nữa hai nước lại sánh vai cùng nhau chống lại mối đe dọa quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc."

Từ góc nhìn của Australia, Peter J. Dean - thành viên cấp cao tại Trung tâm Scowcroft, Giám đốc Viện Quốc phòng và An ninh của trường Đại học Tây Australia- cho rằng AUKUS là một bước tiến lớn đối với tất cả các bên.

Ông cho rằng mặc dù Australia là nước sẽ được hỗ trợ phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng quyết định này còn nói lên nhiều điều hơn nữa.

Tại Mỹ, điều này cho thấy chính quyền Biden sẵn sàng trao quyền cho các đồng minh chủ chốt bằng công nghệ quân sự tiên tiến mà cho đến nay Mỹ vẫn chưa sẵn sàng chia sẻ.

Đây là một bước tiến lớn trong mối quan hệ Mỹ-Australia và là tiền đề cho những gì sắp tới nhằm tăng cường quan hệ đối tác song phương. Đối với Vương quốc Anh, điều này giúp tăng mức độ tin cậy cho tầm nhìn chiến lược “Nước Anh toàn cầu” và là một bước tiến lớn đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Anh và các mối quan hệ với Australia và Mỹ.

Theo nhà nghiên cứu này, từ góc độ năng lực thuần túy, các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân là điều không cần bàn cãi đối với Australia.

Australia đã sở hữu một số tàu ngầm thông thường có năng lực mạnh nhất trên thế giới, nhưng những khó khăn khi phải di chuyển trong thời gian dài để đến được các khu vực hoạt động quan trọng và những hạn chế của các loại tàu ngầm thông thường này từ lâu đã cản trở chiến lược quốc phòng của Australia.

Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được coi là giải pháp cho những vấn đề này, nhưng trong nhiều năm, chúng chỉ được cộng đồng chiến lược Australia kín đáo nhắc đến.

Những lo ngại về chính trị đối với năng lượng hạt nhân, sự thiếu hụt của một ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân ở trong nước, những khó khăn trong xây dựng và bảo trì cũng như việc xử lý chất thải hạt nhân là những yếu tố kìm hãm Australia phát triển tàu ngầm hạt nhân.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là việc Mỹ không sẵn lòng chia sẻ công nghệ hạt nhân của mình với Australia. Nhưng giờ đây, rào cản đó đã được gỡ bỏ.

Tuy nhiên, AUKUS đã gây ra một vấn đề khác trong quan hệ với Pháp. Theo Benjamin Haddad - Giám đốc Trung tâm châu Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương - AUKUS sẽ là một đòn giáng đối với Paris.

Pháp đã ký hợp đồng với Australia vào năm 2017 về việc phát triển tàu ngầm, song Canberra đã hủy hợp đồng trong tuần này để tham gia một thỏa thuận khác với các đối tác Mỹ và Anh.

Trong một thông cáo rất thẳng thắn, ngoại trưởng Pháp đã lên án quyết định này của Australia, cho rằng quyết định đó “trái ngược với thỏa thuận và tinh thần hợp tác vốn có giữa Pháp và Australia."

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị công bố chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Paris đang nổi lên trở thành một chủ thể chiến lược quan trọng của EU tại khu vực, động thái này sẽ là một đòn giáng mạnh vào chiến lược xuyên Đại Tây Dương và tạo ra một rào cản lâu dài trong quan hệ Mỹ-Pháp./.

(Vietnam+)