Nhật Bản bên bờ vực “rối loạn chức năng xã hội” do tỷ lệ sinh giảm

Thứ tư, 08/2/2023 | 15:07 GMT+7

Thủ tướng Nhật Bản cho biết do tỷ lệ sinh giảm nhanh chóng, cùng với dân số ngày càng già đi của Nhật Bản, lực lượng lao động nhanh chóng bị cạn kiệt và chi phí phúc lợi xã hội đang phình to.

Em bé tham gia "cuộc thi bò" tại Yokohama, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 23/1 đã cảnh báo rằng nước này đang “trên bờ vực rối loạn chức năng xã hội" do tỷ lệ sinh giảm mạnh và việc giải quyết vấn đề này sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

Bình luận của Thủ tướng Kishida được đưa ra trong bài phát biểu về chính sách của ông vào ngày đầu tiên của phiên họp quốc hội thường kỳ kéo dài 150 ngày.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh rằng số ca sinh năm ngoái được ước tính lần đầu tiên giảm xuống dưới mốc 800.000 ca kể từ khi chính phủ ghi lại dữ liệu. Do tỷ lệ sinh giảm nhanh chóng, cùng với dân số ngày càng già đi của Nhật Bản, lực lượng lao động nhanh chóng bị cạn kiệt và chi phí phúc lợi xã hội đang phình to.

Thủ tướng Kishida cho biết trong bài phát biểu về chính sách của mình rằng chính phủ sẽ cố gắng thực hiện các biện pháp đối phó chưa từng có để tăng số ca sinh, cam kết "tạo ra một nền kinh tế và xã hội ưu tiên trẻ em để đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm mạnh của đất nước vốn đang cản trở tăng trưởng năng suất trong dài hạn."

"Bây giờ hoặc không bao giờ"

Nhật Bản có dân số 125 triệu người, trong khi ước tính chỉ có chưa đầy 800.000 trẻ em chào đời vào năm ngoái. Vào những năm 1970, con số này là hơn 2 triệu ca. Tỷ lệ sinh đang giảm xuống ở nhiều quốc gia, trong đó có cả nước láng giềng của Nhật Bản là Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Nhật Bản khi tuổi thọ trung bình ở nước này tăng lên trong những thập kỷ gần đây, đồng nghĩa với việc xã hội ngày càng có nhiều người già và số lượng lao động hỗ trợ họ ngày càng giảm.

Theo số liệu của World Bank, Nhật Bản hiện có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên cao thứ hai thế giới - chiếm khoảng 28%, sau quốc gia nhỏ bé Monaco. Ông Kishida nói với các nhà lập pháp: “Việc tập trung quan tâm đến các chính sách liên quan đến trẻ em và nuôi dạy trẻ em là vấn đề không thể chờ đợi, không thể trì hoãn."

Thủ tướng Nhật Bản nói rằng ông muốn chính phủ tăng gấp đôi chi tiêu cho các chương trình liên quan đến trẻ em. Ông cho biết thêm một cơ quan chính phủ mới sẽ được thành lập vào tháng 4/2023 nhằm tập trung vào vấn đề này.

[Tăng tỷ lệ sinh-ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản]

Tuy nhiên, Nhật Bản trước đây đã cố gắng thúc đẩy các chiến lược tương tự nhưng không thành công. Vào năm 2020, các nhà nghiên cứu dự đoán dân số Nhật Bản sẽ giảm từ mức cao nhất là 128 triệu vào năm 2017 xuống dưới 53 triệu vào cuối thế kỷ này. Dân số hiện tại chỉ dưới 125 triệu người.

Nhật Bản đã tiếp tục duy trì chính sách nhập cư nghiêm ngặt mặc dù có một số nới lỏng, nhưng các chuyên gia nhận định các quy tắc nên được nới lỏng hơn nữa để giúp giải quyết vấn đề xã hội bị già hóa. Tỷ lệ sinh thấp là do nhiều yếu tố, bao gồm chi phí sinh hoạt tăng, nhiều phụ nữ được đi học và đi làm hơn, cũng như khả năng tiếp cận nhiều hơn với các biện pháp tránh thai, dẫn đến việc phụ nữ chọn sinh ít con hơn.

Không lay động trong việc chống nhập cư

Theo Rupert Wingfield-Hayes, phóng viên thường trú của Đài RFI tại Nhật Bản, đến năm 2050, nước Nhật có thể mất 1/5 dân số hiện tại. Tuy nhiên, sự không thân thiện đối với chính sách nhập cư của họ vẫn không “lay động." Chỉ có khoảng 3% dân số Nhật Bản là do người nước ngoài sinh ra, so với 15% ở Anh. Ở châu Âu và châu Mỹ, phe cánh hữu coi đó là tấm gương sáng về sự đồng nhất sắc tộc và sự hòa hợp xã hội.

Tuy nhiên, Nhật Bản không đồng nhất về mặt sắc tộc như những người ngưỡng mộ có thể nghĩ. Hiện vẫn có người dân tộc thiểu số Ainu sinh sống ở Hokkaido, người Okinawa ở phía Nam, nửa triệu người Triều Tiên và gần một triệu người Trung Quốc.

Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, những đứa trẻ Nhật Bản có cha hoặc mẹ là người nước ngoài bị gọi là “hafu” (nghĩa là một nửa) - một từ miệt thị được dùng theo cách hết sức bình thường ở đây. Trong số họ có những người nổi tiếng và thần tượng thể thao, chẳng hạn như ngôi sao quần vợt Naomi Osaka. Văn hóa đại chúng thần tượng họ là “xinh đẹp và tài năng hơn." Tuy nhiên, thần tượng là một chuyện và được chấp nhận lại là chuyện khác.

Nhật Bản là một quốc gia điển hình từ chối nhập cư như một giải pháp để giảm tỷ lệ sinh. Tiền lương thực tế tại Nhật Bản đã không tăng trong 30 năm. Thu nhập ở Hàn Quốc và Đài Loan đã bắt kịp và thậm chí vượt qua Nhật Bản. Tuy nhiên, việc thay đổi dường như rất xa vời. Một phần là do hệ thống phân cấp cứng nhắc xác định ai là người nắm giữ các đòn bẩy quyền lực./.