Tổng thống Biden sẽ giải "bài toán" Triều Tiên như thế nào?

Chủ nhật, 02/5/2021 | 21:25 GMT+7

Giới chuyên gia kỳ vọng rằng ông Biden sẽ không từ bỏ mục tiêu "phi hạt nhân hóa hoàn toàn," nỗ lực thu hẹp mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên đồng thời có chính sách đối ngoại hiệu quả hơn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nbcnews.com/nationalinterest, ngay từ khi Triều Tiên chế tạo vũ khí hạt nhân vào những năm 1990, chính sách của Mỹ đã rất rõ ràng: Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân, nếu không sẽ phải đối mặt với sự cô lập quốc tế.

Sau 30 năm áp đặt các đòn trừng phạt, những đe dọa về vũ lực và ngoại giao, và cả những cuộc gặp thượng đỉnh "màu mè" giữa cựu Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên hiện sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân hơn bao giờ hết và cả tên lửa đạn đạo mà cộng đồng tình báo cho rằng có thể vươn tới lục địa Mỹ.

Giờ đây, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đau đáu về mối đe dọa an ninh nguy hiểm đó trong bối cảnh có nhiều trông đợi về việc chính quyền Tổng thống Biden sẽ sớm công bố chính sách về vấn đề Triều Tiên.

Giới chuyên gia kỳ vọng rằng Tổng thống Biden sẽ không chính thức từ bỏ mục tiêu "phi hạt nhân hóa hoàn toàn," nỗ lực đạt được một mục tiêu hạn hẹp hơn về thu hẹp mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời đưa ra được một chính sách đối ngoại hiệu quả hơn.

Eric Brewer, từng là chuyên gia về chính sách Triều Tiên tại Hội đồng An ninh Quốc gia thời chính quyền Barack Obama, chia sẻ với NBC News: "Chính lược của chính quyền Tổng thống Biden về Triều Tiên có thể sẽ mở ra một cách tiếp cận nhằm kiềm chế những năng lực của Triều Tiên. Ngay cả khi mục tiêu phi hạt nhân hóa vẫn là một thành tố của chiến lược này, chính quyền Tổng thống Biden sẽ vẫn để ngỏ những giải pháp mang tính tạm thời hơn nhằm giảm thiểu mối đe dọa (từ Triều Tiên)."

Theo một quan chức Mỹ thời chính quyền ông Donald Trump, chính quyền ông Biden cũng có kế hoạch tìm cách củng cố mối quan hệ ba bên Mỹ-Nhật-Hàn. Việc bộ ba có thể xúc tiến các cuộc đối thoại với Triều Tiên hay không còn phụ thuộc vào thái độ của Bình Nhưỡng.

[Ba lý do ông Joe Biden nên tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên]

Trở lại với ông Brewer, chuyên gia này cho rằng mặc dù phi hạt nhân hóa vẫn là một mục tiêu dài hạn, song Mỹ có thể nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng chấp nhận những hạn chế về hoạt động chế tạo và thử nghiệm vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc gỡ bỏ các đòn trừng phạt quốc tế.

Nếu không bị giám sát, Triều Tiên có thể đạt được khả năng tiến hành tấn công mau lẹ hơn và vượt qua được mọi hàng rào đánh chặn của Mỹ nhờ các hệ thống vũ khí như hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Trong một bài viết gần đây trên tạp chí Foreign Affairs cùng với Sue Mi-Terry, từng là chuyên gia phân tích tình báo thuộc Hội đồng Tình báo Quốc gia thời chính quyền Obama, cả hai ông Brewer và Terry đã bàn luận về chiến lược "mặc cả thực tế" với Triều Tiên.

Họ lập luận rằng trong bối cảnh nền kinh tế Triều Tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Chủ tịch Kim Jong-un sẽ dễ chấp thuận đánh đổi những hạn chế về chương trình vũ khí của mình để có được những nới lỏng đáng kể về trừng phạt. Trả lời phỏng vấn của NBC News, ông Terry nói: "Mỹ đang tìm cách nào đó để tái can dự với Triều Tiên."

Cùng quan điểm này, ông Victor Cha - người theo dõi chính sách Triều Tiên thời cựu Tổng thống George W. Bush - cho rằng chính quyền Tổng thống Biden có thể bày tỏ thiện chí bằng cách đề nghị cung cấp viện trợ liên quan đại dịch cho Bình Nhưỡng.

Một bài viết trên tạp chí The National Interest ngày 18/4 lưu ý rằng những bình luận thẳng thắn và mang tinh thần "xuống nước" của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 9/4 về tình hình kinh tế đất nước là một chỉ dấu để chính quyền ông Biden hành động liên quan chiến lược mặc cả nói trên.

Cụ thể, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã kêu gọi giới chức Triều Tiên thực hiện một cuộc trường chinh gian lao vất vả để xử lý những vấn đề kinh tế ngày càng trầm trọng hơn của đất nước. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế của Triều Tiên hiện nay là do những biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu, ngoài tác động của đại dịch. Sự thừa nhận nói trên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tạo cơ hội để chính quyền Tổng thống Biden đưa ra lựa chọn quan trọng về đường hướng chính sách của mình đối với Bình Nhưỡng.

Giới chức Mỹ theo đường lối cứng rắn có thể vận động chính quyền Tổng thống Biden gia tăng đòn trừng phạt nhằm thể hiện sự cứng rắn hơn của ông Biden so với người tiền nhiệm về những yêu cầu lâu nay của Washington đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể là gây ra sai lầm chiến lược.

Trên thực tế, sự thừa nhận trên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho thấy nhà lãnh đạo này có xu hướng chấp nhận những đàm phán đem lại nhiều lợi ích. Do đó, chính quyền Tổng thống Biden cần có cách tiếp cận ngược lại so với cách của giới diều hâu nói trên, ví dụ đưa ra những nhượng bộ đúng thời điểm và tìm cách đạt được một số mục tiêu có thể đạt được.

Theo The National Interest, sự nhượng bộ ở đây có thể là nới lỏng các đòn trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng. Ngoài ra, Tổng thống Biden có thể đề xuất một bước đột phá lớn về bình thường hóa quan hệ song phương.

Nhằm xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau, Washington cũng có thể đề xuất ngừng các cuộc tập trận quân sự với Seoul và giảm lượng lớn binh sỹ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc để đổi lại Bình Nhưỡng "đóng băng" các vụ thử tên lửa và hạt nhân.

Mặc dù những biện pháp này có thể chưa có tác dụng nhanh chóng trong nỗ lực thúc đẩy Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn, song chúng sẽ góp phần tiến tới thực hiện được mục tiêu này.

Tuy nhiên, NBC News dẫn lời ông Brewer nhận định ngay cả khi chính quyền Tổng thống Biden đặt mục tiêu ít tham vọng hơn thì các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí với Triều Tiên có thể "vô cùng khó khăn."

Theo ông, lý do là Bình Nhưỡng luôn cố ý phản đối gay gắt bất kỳ cơ chế thanh tra hoặc thẩm định nào. Trong khi đó, giới chức tình báo Mỹ cho rằng Triều Tiên không hề có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân. Điều này khiến chính quyền Tổng thống Biden phải đối mặt với hàng loạt lựa chọn khó khăn.

Trên thực tế, ngay từ những ngày đầu lên nắm quyền, chính quyền Tổng thống Biden đã đối mặt với những phép thử của Bình Nhưỡng, từ những lời nói gay gắt đến vụ thử tên lửa tầm ngắn. Sau đó, Bình Nhưỡng không thực hiện thêm bất kỳ hành động gây hấn nào nữa, như thử tên lửa tầm xa hoặc vũ khí hạt nhân như đã làm trước đây.

Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Biden cũng không thể loại trừ nguy cơ thất bại đối với nỗ lực đàm phán với Bình Nhưỡng. Khi đó, Triều Tiên sẽ quay trở lại cách hành xử gây hấn và tìm kiếm sự quan tâm của cộng đồng quốc tế bằng cách thử nghiệm những loại vũ khí nguy hiểm, đe dọa các nước láng giềng.

Giải pháp duy nhất mà giới chuyên gia khuyến nghị là áp đặt thêm các đòn trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng. Về vấn đề này, có những ý kiến chỉ trích rằng những đòn trừng phạt lâu nay không có tác dụng thúc đẩy Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên, trên thực tế, giới quan sát cho rằng Mỹ chưa từng gia tăng chiến dịch gây sức ép bằng các đòn đau đớn và dai dẳng đối với Bình Nhưỡng như đã làm đối với Iran. Đối với những ngân hàng Trung Quốc hoạt động "chống lưng" cho Triều Tiên, Washington cũng chỉ áp đặt các "đòn trừng phạt thứ cấp."

Sự nhẹ tay này là do Mỹ muốn sử dụng Bắc Kinh như một "con bài" gây sức ép đối với Bình Nhưỡng, đó là nhận định của chuyên gia Victor Cha và nhiều chuyên gia khác.

Ông Cha giải thích: "Mỹ muốn Trung Quốc hợp tác trong các cuộc đàm phán." Tuy nhiên, để đàm phán hiệu quả, ông Cha và các cựu quan chức Mỹ thời Trump cho rằng cần kết hợp gây sức ép ngoại giao và đe dọa quân sự./.

 

(/Vietnam+)