Theo trang mạng orfonline.org, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã có những bước tiến nhanh chóng trong thời gian gần đây.
Dữ liệu được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIRPI) tổng hợp cho năm 2021 cho thấy các công ty quốc phòng Trung Quốc dẫn đầu về doanh số bán hàng quốc phòng ở khu vực châu Á và châu Đại Dương.
Mặc dù ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới, song Trung Quốc đã mở rộng đáng kể dấu ấn tại khu vực này, chiếm hơn 80% tổng doanh số bán vũ khí của châu Á và châu Đại Dương.
Đâu là nguyên nhân đem lại thành quả về doanh số và tính năng động cho ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc?
Sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là nhà buôn công nghiệp quốc phòng quan trọng trên trường quốc tế là nhờ các khoản đầu tư có hệ thống và không ngừng kể từ khi quốc gia này thành lập năm 1949.
Biến số quan trọng nhất giải thích sự vững mạnh của cơ sở công nghiệp quốc phòng Trung Quốc ngày nay là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và cam kết cũng như sự bảo trợ vững chắc của giới lãnh đạo cấp cao đối với ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Hầu như toàn bộ các ngành công nghiệp quốc phòng lớn của Trung Quốc, từ công nghệ vũ trụ, điện tử đến đóng tàu và hóa chất tổng hợp đều đến từ sự hậu thuẫn – thông qua các hợp đồng - của PLA.
Sự thâm nhập của quân đội Trung Quốc vào nền kinh tế ở cấp độ thể chế, tổ chức và ý thức hệ diễn ra trong giai đoạn Trung Quốc đối mặt với nhiều rủi ro nghiêm trọng từ bên ngoài những năm 1950-1969.
Ảnh hưởng của PLA ở cấp độ chính sách, ý thức hệ, tổ chức và quy trình tiếp tục trong thời kỳ cải cách bắt đầu từ năm 1978.
Các đặc điểm nổi bật trong chiến lược tổ chức đổi mới của Trung Quốc đối với an ninh quốc gia liên quan đến cam kết của quốc gia này về đảm bảo khả năng tự lực cánh sinh, bất chấp các hợp đồng mua hàng định kỳ từ nước ngoài và hợp tác sản xuất.
[Mỹ cáo buộc quân đội Trung Quốc đứng đằng sau các 'đại gia' công nghệ]
Ngành công nghiệp quốc phòng đã kết hợp thành công các thể chế kết hợp việc huy động các nguồn lực từ trên xuống theo chủ nghĩa Stalin, với một cấu trúc khuyến khích mô phỏng tinh thần kinh doanh của Thung lũng Silicon, với đặc trưng là sẵn sàng chấp nhận rủi ro, khuyến khích sáng kiến cá nhân, cách tân và mạng lưới hợp tác giữa các chuyên gia kỹ thuật.
Dù quá trình cải tổ rộng lớn hơn đã gặp phải cản lực dưới thời Tập Cận Bình, cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc thực tế không chịu bất kỳ thiệt hại rõ ràng hoặc hữu hình nào.
Do đó, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã phát triển mạnh với những thành quả được nêu trong báo cáo của SIPRI và thể hiện qua các hợp đồng bán vũ khí lớn trong năm 2021.
Tất nhiên, ngoài tiến bộ nhanh chóng mà ngành công nghiệp quốc Trung Quốc có được, quốc gia này vẫn đối mặt với thách thức trong 3 lĩnh vực cốt lõi là thiết bị điện tử tiên tiến, công nghệ giảm tiếng ồn tàu ngầm và kỹ thuật chính xác trong phát triển động cơ đẩy của công nghệ đóng tàu. Trung Quốc đang chuyển từ việc sử dụng hệ thống đẩy không khí độc lập sang pin lithium-ion.
Sự hỗ trợ của Nga trong công nghệ giảm tiếng ồn tàu ngầm sẽ giúp Bắc Kinh rút ngắn khoảng cách với các cường quốc hải quân tiên tiến hơn như Mỹ.
Trung Quốc cũng đã đầu tư đáng kể vào các nghiên cứu không gian, không gian mạng, chiến tranh điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ lượng tử.
Bằng cách áp dụng một “mô hình phát triển đủ tốt” dựa trên năng lực “học hỏi," giữ cho chi phí thấp và đạt được năng lực với tốc độ nhanh, người Trung Quốc đã thực hiện được phần lớn quá trình nội địa hóa khiến họ trở thành nhà thầu quốc phòng các sản phẩm quốc phòng cho các lực lượng vũ trang Trung Quốc và là nhà xuất khẩu quốc phòng cạnh tranh.
Tuy nhiên, Bắc Kinh phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng trong việc chuyển từ mô hình phát triển dựa trên sự “hấp thụ” sang mô hình phát triển dựa trên đổi mới khi phát triển vũ khí tiên tiến hơn.
Mô hình thứ hai là thử thách đối với năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trong việc giữ chi phí thấp khi nước này đối mặt với nhu cầu đổi mới nhằm đáp ứng các yêu cầu mua sắm của các lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Ít nhất, trong giai đoạn 2016-2020, các đối tác nhập khẩu quốc phòng chính của Trung Quốc là Pakistan, Bangladesh và Algeria, lần lượt nhập khẩu 38%, 17% và 8,2% các hệ thống phòng thủ.
Ngoài các quốc gia nói trên, trong năm 2011, Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu các phương tiện bay không người lái (UAV) tác chiến hoặc có vũ trang sang Saudi Arabia, Ai Cập và Uzbekistan.
Thời điểm đó, mới chỉ có Mỹ, Israel và Anh sở hữu các UAV và quốc gia duy nhất mà Mỹ xuất khẩu UAV là Pháp.
Thực tế này cho thấy chặng đường mà Trung Quốc đã trải qua khi chuyển từ một nhà nhập khẩu vũ khí lớn sang một nhà xuất khẩu quốc phòng lớn như hiện nay.
Có vẻ Trung Quốc nhận ra rằng buôn bán vũ khí có thể là cách phục vụ một số mục tiêu kinh tế và chính sách đối ngoại.
Có thể lấy ví dụ từ trường hợp của châu Phi, nơi giàu hydrocarbon và khoáng sản, với sức hút đối với nền kinh tế Trung Quốc, lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.
Châu lục này cũng rất quan trọng đối với Trung Quốc, vì Sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm mục đích kết nối Bắc Kinh với châu Phi và châu Âu thông qua mạng lưới các khu cảng, tuyến đường sắt, nhà máy điện và các đặc khu kinh tế.
Trung Quốc tìm cách ràng buộc với các quốc gia độc đảng khác ở châu Phi và tạo ra mục tiêu chung thông qua sự ác cảm với phương Tây.
Trước thềm Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi vào tháng 11/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải “phản đối sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ, phân biệt chủng tộc và các biện pháp trừng phạt đơn phương… đồng thời biến các nguyện vọng và lợi ích chung của chúng ta thành các hành động chung," ám chỉ phương Tây rằng đã nhiều lần kiện các chính phủ châu Phi vì vi phạm nhân quyền.
Bất kỳ ngành nghề nào cũng cần có thị trường để mang lại doanh thu và nơi thử nghiệm để cải tiến các sản phẩm. Khi ngành công nghiệp vũ khí của Trung Quốc phát triển mạnh, động lực của mối quan hệ giữa nước này với châu Phi sẽ có nhiều chuyện đáng bàn.
Cả hai có rất nhiều điều có thể đem đến cho đối phương. Một Trung Quốc cạn kiệt tài nguyên nhắm đến châu Phi để tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế, trong khi các quốc gia châu Phi phát triển mạnh nhờ nền kinh tế công nghiệp khai thác, nhưng lại là nơi quyền lợi của công dân bị kìm kẹp sẽ ngày càng tìm cách có được các công cụ quyền lực cứng rắn để củng cố chế độ./.